Quy mô thị trường hiện chỉ ở mức trung bình với khoảng 2,2 tỷ USD, kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) được xem là mảnh đất màu mỡ. Không chỉ hầu hết các "ông lớn" trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) đầu tư, mà ngay cả các doanh nghiệp (DN) ngoài ngành cũng lấn sân vào lĩnh vực này. Thế nhưng, bài học đổ vỡ của không ít DN và sự suy giảm niềm tin của khách hàng đang đặt ra thách thức cho các nhà đầu tư (NĐT) để đứng vững trên thị trường.
Mới đây, thông tin Vingroup tuyên bố rót 735 tỷ đồng để thành lập Công ty VinE-Com, chính thức tham gia vào TMĐT càng khiến cho thị trường sôi động hơn. Với kỳ vọng xây dựng một cổng TMĐT lớn kiểu như Taobao hay Alibaba, dù là "kẻ ngoại đạo", song với dấu ấn để lại trong nhiều lĩnh vực mà DN này đã đầu tư và tiềm lực tài chính, VinE-Com cũng khiến cho người trong cuộc phải "để mắt".
"Đại gia" đã để mắt
Dù chưa công bố chính thức chiến lược kinh doanh, song với những lợi thế mà Vin E-com có được từ những "người anh em" khác trong lĩnh vực bất động sản, thương mại, dịch vụ…, nhiều đồn đoán cho rằng rất có thể Vin E-com sẽ tạo ra một kênh TMĐT chuyên biệt, bao gồm bán cả thương hiệu, dịch vụ và sản phẩm. Trong đó, "anh lính mới" này sẽ "ảo" hóa các gian hàng, bao gồm cả kênh giao dịch online để bán sản phẩm của chính mình như căn hộ, văn phòng cho thuê, gian hàng, dịch vụ y tế, giáo dục…; hay trực tiếp bán hàng cao cấp cho các đối tác đang có gian hàng tại các trung tâm thương mại của Vingroup.
Theo các chuyên gia, lợi thế mà Vin E-com có được là rất lớn, khi những thương hiệu của Vingroup đã được khẳng định với khách hàng, trong khi "đại gia" đa ngành này lại nắm trong tay hàng nghìn thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới. Đây là "điểm cộng" cho Vin E-com khi các website TMĐT có tiếng về hàng hiệu ở Việt Nam, như: Lazada, Zalora hay Vatgia.com… chỉ có một số lượng nhãn hiệu nhất định và luôn phải tìm kiếm các mặt hàng tiềm năng.
Đồng thời, với tiềm lực tài chính, Vin E-com có thể sẽ tạo ra một hệ thống dịch vụ tích hợp, giúp người dùng lựa chọn và mua hàng từ mọi kết nối, như: di động, internet, website, mạng xã hội, online catalog, truyền thông… với một mã riêng để tối ưu hóa dịch vụ. Nếu làm được điều này, Vin E-com không chỉ thu hút được khách hàng với dịch vụ mua sắm online đơn giản, thuận tiện và đảm bảo, mà còn là "đòn hiểm" với các đối thủ khác.
Đặt trong bối cảnh thị trường TMĐT đang khá ảm đạm với hàng loạt website phải đóng cửa hay tái cơ cấu hoạt động, kênh mua bán online đang dần mất đi niềm tin với khách hàng, sự xuất hiện của Vin E-com được ví như "nắng hạn gặp mưa rào". Các chuyên gia còn dự báo, việc Vingroup đầu tư vào lĩnh vực này như một dấu hiệu cho thấy, các "đại gia" đã để mắt đến mảnh đất béo bở từ TMĐT.
"Việc gia nhập thị trường TMĐT đang rất sôi động tại Việt Nam của Vin E-com hứa hẹn sẽ mang đến một cuộc chiến nảy lửa giữa các "ông lớn" bán lẻ online. Năm 2014 hứa hẹn sẽ là một năm bùng nổ của chiến trường TMĐT tại Việt Nam", một chuyên gia bình luận.
Nhiều "chướng ngại vật"
Thực tế cho thấy, dù có không ít DN đã phải "rời cuộc chơi", song thị trường TMĐT Việt Nam vẫn được đánh giá là đầy tiềm năng với các NĐT. Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2013, số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam chiếm 36% dân số, trong đó hơn một nửa đã thực hiện các giao dịch trực tuyến với ước tính thị trường là 2,5 tỷ USD. Với kỳ vọng thị trường năm 2014 là hơn 3,5 tỷ USD và được dự báo là sẽ bùng nổ vào năm 2015 với hơn 5 tỷ USD, nên với giá trị mua hàng online chỉ ở mức 120 USD/người, các DN hoàn toàn có thể kỳ vọng về khả năng gia tăng thêm thị phần.
Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có mức độ cạnh tranh khốc liệt, với những yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Đặc biệt, với sự phát triển nhanh chóng và ồ ạt của không ít website TMĐT, trong khi các quy định về kiểm soát và chế tài xử phạt chưa đầy đủ đã làm cho thị trường luôn "tranh tối, tranh sáng", và niềm tin của khách hàng ngày càng suy giảm với dịch vụ này. Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), tình trạng tin nhắn rác, quảng bá sản phẩm không đúng chức năng, gian lận, hay lợi dụng TMĐT để lừa đảo… đang là vấn đề đáng báo động.
Một DN trong ngành chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh rằng việc ngày càng có nhiều DN gia nhập thị trường sẽ càng làm cho TMĐT sôi động hơn, và mức độ cạnh tranh, sàng lọc cho chính các DN cũng khắt khe hơn. Cũng bởi, với một thị trường đang có xu hướng "bán hàng Trung Quốc giá rẻ mà thực ra không hẳn là rẻ", thì những thách thức đặt ra cho tương lai của các DN không phải là nhỏ. Câu chuyện đảm bảo chất lượng sản phẩm, phương thức thanh toán, hình thức giao dịch thuận tiện, linh hoạt… vẫn đang là bài toán với các nhà kinh doanh TMĐT.
Trở lại câu chuyện của Vin E-com, người ta kỳ vọng rất có thể "ông lớn" ngoại đạo này sẽ tạo nên làn gió mới cho TMĐT.
Tuy nhiên, cũng sẽ là thách thức không nhỏ đặt ra với Vin E-com, khi các tên tuổi trong ngành, như: vatgia.com, enbac.com, chodientu.vn, tiki.vn, sendo.vn… đã có sẵn kinh nghiệm, bề dày, và quan trọng là đã tạo được thói quen và dấu ấn với các khách hàng.
Và thất bại của 123mua, chuyện lục đục của nhommua.com hay một loạt trang TMĐT khác phải ngậm ngùi ra đi cho thấy, không phải cứ "ông lớn" nào muốn chen chân vào thị trường cũng có thể thành công. Bởi vậy, không chỉ tận dụng tiềm lực kinh tế và các lợi thế sẵn có, Vin E-com cần không những phải khắc phục được những điểm yếu của thị trường, mà cần phải có sự sáng tạo trong tiếp cận khách hàng để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo Thời Báo Kinh Doanh