Ngày 23/1/2020, Việt Nam công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Cũng như nhiều nước, Việt Nam đối mặt cùng lúc với 2 cuộc khủng hoảng: y tế và kinh tế. Tuy nhiên, trong lúc nhiều nước áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để chống dịch, chấp nhận nền kinh tế suy thoái, đóng băng thì Chính phủ Việt Nam không đặt lên bàn cân vấn đề chỉ phát triển kinh tế hay chỉ khống chế dịch bệnh, mà quyết định lựa chọn cả hai với tâm thế quyết tâm, linh hoạt để biến nguy cơ thành thời cơ. Đầu tháng 4/2020, trong cuộc họp giữa Chính phủ với 63 địa phương trên cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố: Việt Nam sẽ thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Một quyết định có thể coi là cực kỳ dũng cảm trong bối cảnh bộn bề gian khó.

Khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế từng xảy ra, độ mở của nền kinh tế Việt Nam khi xảy ra dịch Covid-19 là trên 200% quy mô GDP. Do đó, các tác động bên ngoài gây ra nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế. Để đạt được “mục tiêu kép”, có rất nhiều thách thức nằm cả ở bên trong và bên ngoài cần khắc phục.

Về bối cảnh quốc tế, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, khủng hoảng kinh tế xảy ra do dịch Covid-19 nặng nề hơn cả cuộc đại khủng hoảng 1929-1933. Trong lịch sử nhân loại, chưa có một cuộc khủng hoảng y tế kết hợp với kinh tế nghiêm trọng như hiện tại.

Tháng 6/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu suy giảm 4,9% trong năm 2020. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 5,2% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong đó các nền kinh tế phát triển giảm sâu ở mức 7%, còn các nền kinh tế mới nổi giảm 2,5%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì dự báo Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy giảm tới 8% trong năm 2020, còn Mexico sẽ hứng chịu mức suy giảm kinh tế tới 10,5%, theo sau là EU và Anh ước giảm 10,2%, Brazil (9,1%).

Trong cơn bĩ cực chung ấy, kinh tế Việt Nam cũng không mấy sáng sủa. Dịch bùng phát ngay lập tức ảnh hưởng đến một loạt ngành kinh tế, ngành du lịch ước tính thiệt hại 23 tỷ USD, còn ngành hàng không Việt Nam ước tính thiệt hại khoảng 30.000 tỷ đồng, ngành đường sắt lỗ 450 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020.

Các ngành công nghiệp quan trọng cũng gặp khó do thiếu đơn hàng xuất khẩu, thiếu nguyên liệu do đứt gãy chuỗi cung ứng. Riêng ngành dệt may ước tính thiệt hại khoảng 11.000 tỷ đồng. Còn ngành da giầy thì thiếu đơn hàng, nhiều doanh nghiệp phải sa thải công nhân.

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV - thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), 2% số doanh nghiệp được hỏi đã giải thể; 20% số doanh nghiệp được hỏi đã dừng hoạt động; 76% số doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng không cân đối được thu - chi; chỉ có 2% số doanh nghiệp nói rằng tạm thời chưa bị tác động.

Theo Tổng cục Thống kê, có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng việc làm cho dịch Covid-19, trong đó có 28,7 triệu người có việc làm bị giảm lương, giảm việc, khoảng 897.500 người thất nghiệp.

Tuy nhiên, giữa đại dịch Covid-19, thế giới phải kinh ngạc khi thấy Việt Nam đã có sự đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, để Chính phủ ngay sau đó triển khai đồng bộ, thúc đẩy nền kinh tế tăng tốc sau dịch Covid-19. Việt Nam đã bước vào một trạng thái “bình thường mới” với tâm thế quyết tâm vì một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.

Trong khi đó, nếu ví “cỗ máy” tăng trưởng của Việt Nam như “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, Chính phủ đã dùng nhiều biện pháp linh hoạt để thúc đẩy cỗ xe đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, chúng ta cần khẳng định rõ, phải duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để nâng cao uy tín chỉ đạo, điều hành, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, thu hút đầu tư, tạo nền tảng cho ổn định và phát triển kinh tế, xã hội.

“Tăng trưởng bây giờ là vấn đề rất quan trọng của đất nước, cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh tại hội nghị Chính phủ với các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2020.

Những biện pháp góp phần đẩy mạnh tăng trưởng gồm kích cầu nội địa, khai thác, phục vụ 100 triệu dân trong nước trở thành thị trường tiêu thụ quan trọng, đồng thời, một số mặt hàng được mở rộng xuất khẩu.

Từ những nỗ lực ấy, năm 2020, trên “mặt trận kinh tế”, Việt Nam đã đạt được những kết quả mà ít quốc gia nào đạt được. Đến hết quý III, một loạt lĩnh vực phục hồi mạnh mẽ sau dịch như nông nghiệp, công thương, tài chính, ngân hàng… Tăng trưởng quý III đạt 2,62% là cơ sở để nhận định cả năm 2020 có thể đạt tăng trưởng dương, đây là cố gắng rất lớn trong bối cảnh các nước ASEAN đều tăng trưởng âm.

Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.

Đáng chú ý, “cỗ xe tam mã” gồm tiêu dùng, xuất khẩu và đầu tư công đã có những bước cải thiện đáng kể, giúp kéo cả nền kinh tế đi lên trong bối cảnh rất khó khăn. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 230 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu gần 19 tỷ USD.Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đầu năm đạt 322.000 tỷ đồng, đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm, vượt xa cùng kỳ năm 2019 đạt 49,83% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% kế hoạch Thủ tướng giao.

Một điểm sáng nữa là tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bất chấp tác động kinh tế khiến người dân thay đổi thói quen chi tiêu. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 10/2020 đạt 356.000 tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%, với sự gia tăng liên tục qua các năm và cao nhất trong hai năm 2018-2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới, khu vực gặp nhiều khó khăn.

Năm 2020, mặc dù kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhiều quốc gia có mức dự báo tăng trưởng âm, tuy nhiên Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng khoảng hơn 2%. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.

Tuy rất thành công với “mục tiêu kép” trong năm 2020, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là, nhất là khi dịch bệnh có thể quay lại Việt Nam bất cứ lúc nào. Và chắc chắn, trong năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục kiên trì với “mục tiêu kép” trong trạng thái bình thường mới.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định, trong đại dịch Covid-19, một năng lực cạnh tranh cốt lõi của hệ thống kinh tế - xã hội Việt Nam lại một lần nữa tỏa sáng, đó là sự đoàn kết, đồng thuận của cả hệ thống chính trị, khả năng chống chịu, kiên cường của người dân và cộng đồng doanh nghiệp mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Và Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình đa dạng hóa và chuyển dịch các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khi đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam, Ngân hàng thế giới tương đối lạc quan và chúng tôi tin là Việt Nam đã, đang và sẽ làm tốt.

Việt Nam có thể tăng trưởng trên 6% vào năm tới. Bên cạnh con số tăng trưởng thì có một điều chúng tôi nhận thấy rõ là Việt Nam đã biết nắm bắt cơ hội tốt từ khủng hoảng.

Tôi đưa ra 2 ví dụ. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay (2020) sụt giảm nghiêm trọng, Việt Nam đã nỗ lực để xuất khẩu được nhiều hơn so với phần còn lại của thế giới, cạnh tranh mạnh mẽ hơn khi tiêu dùng sụt giảm. Đây sẽ tiếp tục là động lực của Việt Nam. Rõ ràng người ta biết nhiều đến Việt Nam như là một nước xuất khẩu rất hiệu quả nhưng ít ai biết rằng, việc kết nối với phần còn lại được thực hiện thông qua công nghệ số.

Nếu như trước đây, Việt Nam không thực sự hiệu quả trong việc số hóa nhưng từ khi khủng hoảng do dịch bệnh xảy ra thì 2/3 công ty ở Việt Nam đã chuyển đổi hoặc chuyển hướng sang sử dụng nền tảng số. Đây thực sự là một nguồn sức mạnh mới của Việt Nam. Không chỉ lực lượng tư nhân mà ngay cả Chính phủ cũng rất tích cực để chuyển đổi thông qua chính quyền hay chính phủ điện tử…

Dù rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm nhưng những nỗ lực này cho thấy sự thích ứng nhanh của Việt Nam trong tình hình mới.

Năm 2020, Việt Nam gặp nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài. Dịch Covid-19 đã gây tổn thương đến kinh tế xã hội, suy thoái kinh tế ngày càng trầm trọng. Việt Nam có độ mở kinh tế lớn nên bị tác động bên ngoài rất nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ đặt ra “mục tiêu kép”, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo tăng trưởng dương, và đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 2,12%, lạm phát kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được đảm bảo.

Dịch Covid-19 khiến tổng cầu thương mại thế giới giảm 20-30%, nhưng quý III năm 2020, Việt Nam tăng trưởng tới 11% và được xem là quốc gia tăng trưởng xuất khẩu cao nhất thế giới. Hiện chỉ có 4 nền kinh tế trên thế giới có mức tăng trưởng xuất khẩu dương là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Như vậy, Việt Nam đã tận dụng được thời cơ của hội nhập quốc tế, tận dụng được những lợi thế trong 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Đặc biệt là 2 FTA thế hệ mới là EVFTA và CPTPP. Việt Nam vẫn là một nền kinh tế sôi động sau cuộc khủng hoảng Covid-19 và kiểm soát đại dịch tốt.

Năm 2020 có niềm tin vững chắc về mức tăng trưởng GDP có thể đạt 2,5% đến 3%. Các chỉ số khác như xuất nhập khẩu, thu ngân sách… đều có thể đạt được kết quả lạc quan như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội ngày 20/10.Việt Nam giữ GDP không bị tăng trưởng âm và dù tăng trưởng ít nhưng rõ ràng so với thế giới chắc chắn Việt Nam suy giảm ít hơn. Đây không chỉ là nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà còn là cách xử lý vấn đề rất tốt của Việt Nam trước bối cảnh dịch bệnh.

Đó là những quyết tâm chống dịch quyết liệt, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương và trong toàn dân. Bên cạnh đó, trước khi diễn ra dịch bệnh, Việt Nam đã chuẩn bị nền tảng để tăng trưởng khá tốt. Giai đoạn 2016-2019, Việt Nam đã giữ ổn định tăng trưởng, tạo niềm tin với doanh nghiệp. Ngoài đầu tư công, Việt Nam đã tập trung phát triển khối doanh nghiệp nên tạo ra một nền tảng khá bền vững và giúp giữ được ổn định nền kinh tế.

Đáng chú ý, việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá cao, đã thể hiện tinh thần cam kết hội nhập, cải cách trong nước. Đặc biệt giữa lúc khó khăn, Việt Nam vẫn ký được Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn.

Điều này có ý nghĩa, tạo cho Việt Nam có một vị thế mới, khẳng định Việt Nam là một miền đất tốt cho các nhà đầu tư. Kết quả này khẳng định nỗ lực của cả một quá trình và tạo ra sức hấp dẫn quốc tế, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài; củng cố thêm thế và lực của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ đó cho thấy những thay đổi mang tính nền tảng sẽ tạo ra những yếu tố căn bản bảo đảm sự tăng trưởng.

Nếu không có nỗ lực kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, đồng nhịp giữa đường lối của Đảng và điều hành của Chính phủ thì không thể có kết quả này. Có thể nói là tất cả những điều được định hình trong năm 2020 là Việt Nam đã đưa ra được chiến lược đầu tư nước ngoài và chiến lược kinh tế số, phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đường lối đó là đúng và chúng ta cần phải có hành động tương ứng, triển khai một cách quyết liệt hơn nữa.

Tin khác

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

Năm 2024: Sacombank tăng tốc kinh doanh và chuyển đổi số, đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước hạn

(CLO) Ngày 26/4/2024, Đại hội đồng cổ đông Sacombank đã họp thường niên, thông qua kết quả năm 2023 và kế hoạch năm 2024 với mục tiêu “Tăng tốc hoạt động kinh doanh, nâng cao hiệu quả trên nền tảng số” cùng với kỳ vọng tái cơ cấu thành công trước thời hạn.

GS6 The Miami ghi điểm tuyệt đối với “tiện ích tầng không” độc bản phía Tây Hà Nội

GS6 The Miami ghi điểm tuyệt đối với “tiện ích tầng không” độc bản phía Tây Hà Nội

(CLO) Được phát triển theo xu hướng đề cao tính cá nhân hóa và duy nhất, “tiện ích tầng không” thời thượng với tầm view khoáng đạt của GS6 The Miami (Vinhomes Smart City, Hà Nội) mang đến những trải nghiệm nâng tầm cho giới tinh hoa.

Nghỉ lễ thảnh thơi, không lo giao dịch gián đoạn

Nghỉ lễ thảnh thơi, không lo giao dịch gián đoạn

(CLO) Với bước tiến mới về công nghệ, trong vài năm trở lại đây hầu hết các giao dịch ngân hàng được thực hiện xuyên lễ, 365+ thông qua các điểm giao dịch số tự động hay ứng dụng ngân hàng số. Năm nay, các ngân hàng còn tung nhiều ưu đãi hấp dẫn trong dịp lễ 30/4 và 1/5 dành cho khách hàng.

Petrovietnam phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước

Petrovietnam phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước

(CLO) Ngày 24/4, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Lễ phát động trồng cây phục hồi rừng trên đất ngập nước tại xã Trần Hợi và khánh thành cầu giao thông nông thôn tại xã Khánh Bình Tây Bắc (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).  

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

Vietbank báo cáo hoàn thành tăng vốn điều lệ và thông qua kế hoạch chia cổ tức 25%

(CLO) Ngày 26/4/2024, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên bằng hình thức trực tuyến. Năm 2024, Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%.

UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

UDIC lần thứ 6 được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024

(CLO) Việc UDIC được vinh danh Top 10 Nhà thầu xây dựng năm 2024, tiếp tục khẳng định sự nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đẩy mạnh tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao nội lực, biến thách thức thành cơ hội...