Kinh tế Việt Nam năm 2021 đang phát triển theo hình chữ “K”

Thứ năm, 29/07/2021 09:33 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mô hình kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển theo hình chữ “K”. Trong thời gian tới, kinh tế có thể đi lên, hoặc đi xuống, tất cả đều phụ thuộc vào yếu tố kiểm soát dịch bệnh.

Những thành quả tích cực đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2021

Bất chấp các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19, kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm vẫn gặt hái được một số thành công nhất định.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,64%, tăng 1,82% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành nghề nông, lâm, thủy sản, công nghiệp đều tăng trưởng ấn tượng.

Về thị trường tiền tệ, trong 6 tháng đầu năm, các chỉ số ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng có xu hướng tăng 5,68% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo đảm.

Mô hình kinh tế Việt Nam trong năm 2021 phát triển theo hình chữ 'K'.

Mô hình kinh tế Việt Nam trong năm 2021 phát triển theo hình chữ 'K'.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, 6 tháng tăng 32,2%.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) đồng loạt nâng điểm triển vọng lên “Tích cực”.

Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tồn tại một số mặt hạn chế, như việc tốc độ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 còn thấp, giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều cơ quan Nhà nước và các địa phương còn chậm, ảnh hưởng tới các dự án trọng điểm quốc gia;...

Mô hình kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp giống hình chữ “K”

Nhìn nhận về những thành quả và hạn chế của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, rất nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế trong nước. Chỉ khi nào dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam mới thực sự được “cởi trói”.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định: Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, diễn ra vào cuối tháng 4/2021, đầu tháng 5/2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, kể từ tháng 6 cho tới nay, dịch bệnh đã làm kinh tế của nhiều đô thị lớn suy yếu, như: TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai;...

Trước những khó khăn này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kinh tế Việt Nam đang phát triển theo mô hình hình chữ “K”.

Phân tích rõ hơn về điều này, TS. Hiếu nói: Mô hình chữ “K”, tức là nền kinh tế Việt Nam đang bị phân làm 2 nhánh, một nhánh lên và một nhánh xuống.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay, vẫn có một số ngành nghề kinh doanh tăng trưởng, và phất lên rất nhanh. Đơn cử như ngành ngân hàng, hoặc ngành y tế, các ngành nghề này biểu thị cho nhánh đi lên.

Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề như du lịch, bán lẻ, giao thông vận tải, ngay cả các doanh nghiệp Nhà nước, có dòng vốn “khủng” đều rơi vào trạng thái khó chồng khó, biểu thị cho nhánh đi xuống.

“Ngay cả người dân cũng có sự phân hóa, có người đi lên, có người đi xuống. Trong đó, người nhiều tiền đổ xô đầu tư bất động sản, chứng khoán. Ngược lại, với những người yếu thế trong xã hội, khi gặp cảnh dịch bệnh bùng phát, họ lại càng trở nên khó khăn, riêng việc lo cho cơm ăn áo mặc cũng là đã rất vất vả”, ông Hiếu chia sẻ thẳng thắn.

Nhận định về triển vọng hồi phục trong giai đoạn 6 tháng còn lại, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Rất khó để đoán định, do dịch bệnh đang chi phối mạnh nền kinh tế.

“Kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tới nay, kinh tế Việt Nam đã có một lần chạm “đáy” vào quý I và quý II/2020. Tới quý III/2020, khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế mới có đà hồi phục, thoát đáy. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 lần này, một lần nữa kinh tế Việt Nam chạm đáy, cho tới hiện tại chưa thể thoát đáy được. Và muốn thoát được, phải kiểm soát được dịch bệnh”, ông Hiếu thẳng thắn chia sẻ.

3 kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế

PGS.TS Phạm Thế Anh - giảng viên cao cấp về Kinh tế Vĩ mô tại Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế trong nước, đều phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và tốc độ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19.

Kịch bản thứ nhất, nếu dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý III/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.

Kịch bản thứ hai, nếu dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vắc-xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý I/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.

Trong khi đó, kịch bản thứ 3, nếu dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý IV/2021, quá trình tiêm chủng vắc-xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4,0%.

Nhận định về tốc độ hồi phục và phát triển kinh tế trong nước, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế thừa nhận, việc triển khai tiêm vắc-xin tại Việt Nam còn chậm. Tuy nhiên, dựa vào tình hình thực tế, ông Lực đánh giá kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,4 - 6,1%, tức là kịch bản có lợi nhất.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Tốc độ tiêm chủng của Việt Nam chậm quá. Hiện tại, số người tiêm chủng đầy đủ 2 mũi, được xem là 98% an toàn mới chỉ đạt tỷ lệ 0,3% - 0,5% trên tổng dân số. Từ con số này, để đạt tới tỷ lệ miễn dịch cộng đồng 70% - 80% tổng dân số còn rất xa, có thể trong năm nay chưa thể thực hiện được. Do đó, tốc độ phát triển kinh tế trong năm 2021 có thể thiên về kịch bản đầu”, ông Hiếu thẳng thắn chia sẻ.

Kiên định với “mục tiêu kép”

Một số ý kiến cho rằng, các mục tiêu kép của Chính phủ đưa ra đang là rào cản cho sự phát triển kinh tế. Ví dụ, việc hạn chế nhập cảnh, thắt chặt an ninh cửa khẩu, hoặc giãn cách xã hội đều ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Không đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế khẳng định: Việt Nam bắt buộc phải thực hiện “mục tiêu kép”, để dung hòa việc phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.

Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM đang rơi vào thế khó khăn, thì trong 1 - 6 tháng tới, nên ưu tiên chống dịch, thay vì đẩy mạnh phát triển kinh tế.

“Đại dịch Covid-19 đã đánh vào nền kinh tế, gây thiệt hại nặng nhất từ trước tới nay. Nếu Việt Nam không kiểm soát được dịch bệnh, nền kinh tế sẽ “vỡ toang”. Trong một kịch bản xấu nhất, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể rơi vào khoảng 3% - 4%. Nếu xấu hơn nữa, có thể giống như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan hay như “người hàng xóm” Campuchia”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Việt Vũ

Tin khác

BĐS bật tăng giá, người mua nhanh chóng “chốt đơn” để không bỏ lỡ ưu đãi tốt

BĐS bật tăng giá, người mua nhanh chóng “chốt đơn” để không bỏ lỡ ưu đãi tốt

(CLO) Tâm lý sợ bỏ lỡ thời điểm tốt để mua vào đã khiến nhiều người mua nhanh chóng “chốt đơn” ngay khi tìm được các sản phẩm có giá trị, ưu đãi thực, có lợi cho dòng tiền đến từ chủ đầu tư uy tín.

Bất động sản
Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

Ngày 22/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

(CLO) Chiều 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo về việc đấu thầu vàng miếng.

Thị trường - Doanh nghiệp
Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

Mỹ tái áp đặt trừng phạt năng lượng Venezuela

(CLO) Nhà Trắng đã khôi phục các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng của Venezuela. Động thái này diễn ra khi Venezuela đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

Giá gạo Ấn Độ giảm xuống mức thấp gần 3 tháng

(CLO) Tuần này, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng, do nhu cầu yếu, trong khi kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài khiến hoạt động ở Thái Lan bị đình trệ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Lãi suất vẫn đang giảm

Lãi suất vẫn đang giảm

(CLO) Trong buổi họp báo quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Tài chính - Bảo hiểm