Như phần đầu, giới thiệu bài viết này, chúng tôi đã nêu Tập đoàn Mường Thanh trong một thời gian dài có nhiều vi phạm về pháp luật xây dựng. Vậy, câu chuyện cần được làm rõ ở đây là Mường Thanh đã vi phạm đến đâu? Trong bối cảnh như thế nào? Ai cùng phải chịu trách nhiệm nếu đặt vấn đề xử lý các sai phạm của Mường Thanh? >>Chống “lợi ích nhóm”: Từ khoá “Mường Thanh” cần được giải mã! [caption id="attachment_174132" align="aligncenter" width="982"]
Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh gặp mặt các đối tác và các cơ quan chức năng.[/caption] Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Viện (cán bộ quân đội nghỉ hưu, trú tại 35, ngõ 7, phố An Hoà, quận Hà Đông) cho biết: Hiện nay vấn đề vi phạm trật tự quản lý xây dựng ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng là rất phổ biến. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn, nhưng thủ tục cấp phép của các cơ quan quản lý Nhà nước còn nhiêu khê, phiền hà. Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chậm cấp giấy phép xây dựng, cộng với tệ quan liêu, cửa quyền của nhiều cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc người dân, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về xây dựng, một vấn nạn mà nhiều năm chưa thể ngăn chặn. Trước thực trạng đó, nhiều nơi dân “làm luật” để được xây dựng hoặc để được “lờ đi” hoặc bỏ qua nhiều công đoạn thủ tục rất phiền hà và nhiêu khê cho được việc. Người được xây công trình, thấy việc “làm luật” có lợi hơn cả về chi phí và thời gian. Và nếu có bị phạt thì cũng trong giới hạn không vượt quá chi phí làm sổ đỏ, cấp giấy phép xây dựng và công sức thời gian đi lại chờ đợi. Đó là chưa nói việc người dân cần xây dựng nhanh, doanh nghiệp bất động sản cần đẩy nhanh tiến độ dự án để đáp ứng nhu cầu khách hàng, nếu chờ theo quy trình thủ tục việc bán hàng sẽ gặp khó khăn...nên nhiều nơi việc xây dựng trái phép đã trở thành “chuyện thường ngày” ở các khu dân cư, mà Tập đoàn Mường Thanh không phải là ngoại lệ. Đồng quan điểm với ông Nguyễn Huy Viện, ông Lê Công Oánh (trú ở nhà CH 914, chung cư AZ Sky Định Công) thẳng thắn: “Theo tôi với cơ chế quản lý xây dựng hiện nay, Mường Thanh không vi phạm mới là điều lạ, tôi nghĩ lâu nay Mường Thanh đã làm nên được điều mà nhiều gia đình, nhiều vợ chồng mới xây dựng gia đình đang mong chờ là có nơi “an cư”. Vi phạm của Mường Thanh là có thật, nhưng đặt trong bối cảnh, tình hình chung, nhất là khi Nhà nước đang khuyến khích những doanh nghiệp kinh doanh giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao thì vụ việc ở Mường Thanh cần được xem xét thoả đáng. Còn ông Phan Văn Gia (cư trú ở Khối 13, phường Cửa Nam, Tp Vinh, Nghệ An) chia sẻ: “Thời gian gần đây, qua nhiều kênh thông tin chúng tôi được biết, có những vi phạm lâu rồi và đã được xử lý, bây giờ lại được nhắc lại? Tôi nghĩ có “cái gì đó” không bình thường và không công bằng đối với Mường Thanh. Ở đây, chúng ta cần phải lấy hiệu quả kinh tế xã hội làm thước đo sự đóng góp của doanh nghiệp, không vì một số vi phạm mà “đẩy” doanh nghiệp “xuống vực”. Để minh chứng cho những ý kiến trên, lật lại hồ sơ các dự án được “điểm tên” trên địa bàn Tp Hà Nội, chúng tôi xin nêu điển hình một dự án mà hiện nay dư luận đang rất “nóng” về những sai phạm trong công tác quản lý xây dựng - Đó là dự án “Công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh” (còn có tên gọi tắt Dự án Đại Thanh) tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội, do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh - PV) thực hiện. Theo hồ sơ, Dự án được UBND Tp Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 238, ngày 26/12/2006 và điều chỉnh tại Quyết định số 1066, ngày 06/3/2012. Đồng thời, UBND Tp Hà Nội đã cho phép nghiên cứu lập Dự án tại Văn bản số 735, ngày 29/01/2010 và cho phép triển khai tại Văn bản số 3586, ngày 12/5/2011. Sau khi có những văn bản trên, doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các đơn vị tư vấn để vừa triển khai thực hiện, vừa hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý của Dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo các mục tiêu đặt ra cho Dự án. Đồng thời, doanh nghiệp đã hoàn thiện và được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và có văn bản chấp thuận đầu tư, triển khai dự án, hoàn thiện thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, có biên bản bàn giao đất trên thực địa...Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mặc dù đã thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng vẫn chưa đủ một số thủ tục như thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất...
[caption id="attachment_174134" align="aligncenter" width="634"]
Tập đoàn Mường Thanh làm công tác từ thiện.[/caption] Theo nguồn thông tin mà phóng viên có được, trước hết do UBND huyện Thanh Trì chưa hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng theo phương án đã được phê duyệt. Huyện Thanh Trì đã có nhiều văn bản ban hành về chủ trương thu hồi đất, triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thông qua dự thảo kế hoạch chi tiết thực hiện giải phóng mặt bằng... Thế nhưng một phần do các hộ dân không hợp tác, không đi họp, hồ sơ từng hộ rất phức tạp, nên các chủ hộ không thực hiện được phương án giải quyết đền bù, hỗ trợ tái định cư. Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, các cơ quan chức năng của huyện Thanh Trì đã thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình, dẫn đến tình trạng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng được mua đi bán lại nhiều lần, được xây dựng nhà kiên cố 5 - 6 tầng, không biết chủ hộ ở đâu? Đồng thời do lịch sử để lại là Công ty Đại Thanh (đơn vị được giao đất) đã phân nhà cho cán bộ, công nhân viên thuộc nhiều thế hệ ở tại đây, nhưng không có cán bộ nào chịu trách nhiệm, và chủ nhà không hợp tác làm việc. Cùng với đó là việc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp Hà Nội không đồng ý phương án thu hồi đất từng phần tại Dự án. Mặc dù doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi đất, giao đất từng phần theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, nhưng không được chấp thuận... Khó khăn là vậy, và trong tình huống đó buộc doanh nghiệp phải huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện với kết quả là dự án đã hoàn thành vượt tiến độ để bàn giao nhà cho người mua trước thời hạn. Hiện tại, có 2.057/3.941 căn hộ của 6 tòa chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất... Như vậy, chỉ nghe qua một dự án được dư luận cho là “nóng” nhất của Mường Thanh và một số ý kiến mang tính khách quan của các cá nhân trên, chúng ta cũng đã phần nào nhận ra vấn đề vì sao Mường Thanh lại “lình xình” xảy ra sai phạm trong quá trình xây dựng? Từ đó, chúng tôi hy vọng độc giả sẽ có cách nhìn đúng về Mường Thanh, một tập đoàn đã từ lâu nay luôn được xã hội ghi nhận và đánh giá cao trong thực hiện những dự án nhà ở thương mại giá rẻ, góp phần làm lành mạnh thị trường bất động sản và làm “hồi sinh” nhiều dự án bị “đắp chiếu” nhiều năm, đồng thời là một doanh nghiệp có trách nhiệm đối với công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo...
Theo Xuân Hoàng - Cổng TTHNBVN