Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn và gắn với Năm du lịch quốc gia 2018.
Dự lễ kỷ niệm có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh có các ông: Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm nay lễ kỷ niệm diễn ra với quy mô lớn hơn so với những năm trước. Lễ hội gồm hai phần: Phần lễ, lễ rước tượng Trần Hưng Đạo từ đền Trần Hưng Đạo về đình Yên Giang và ngược lại; Phần hội là chương trình nghệ thuật sử thi với chủ đề Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca của dân tộc.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, khu di tích lịch sử Bạch Đằng là một trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, là địa điểm ghi dấu sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nguyên Mông năm 1288.
Lễ hội này là hoạt động chính trị, văn hóa quan trọng, là sự tri ân với những cống hiến, hy sinh cho sự bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Đây cũng là hoạt động nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống tự hào của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Ồng Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đánh trống khai hội. ẢNh: Báo Quảng Ninh.
Lễ hội năm nay kéo dài 4 ngày (21/4 – 24/4), ngoài phần lễ chính còn có các hoạt động văn hóa khác như: Thi bơi trải trên sông Bạch Đằng; Triển lãm tranh, ảnh Thời sự - Nghệ thuật chào mừng kỷ niệm và chào mừng Năm du lịch Quốc gia 2018 tại nhà thi đấu thể thao thị xã; Khai trương Phố ẩm thực Quảng Yên; Tổng kết, trao giải cuộc thi tìm hiểu truyền thống Bạch Đằng; Chung kết hội thi người thuyết minh hay nhất về Quảng Yên... và nhiều hoạt động văn nghệ, ca hát, tổ chức các trò chơi dân gian tại các điểm di tích.
Bạch Đằng là con sông lịch sử nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam: Năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán; năm 981, vua Lê Đại Hành đập tan quân Tống xâm lược và năm 1288, dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, hơn 600 chiến thuyền cùng 4 vạn quân xâm lược Nguyên Mông đã bị chôn vùi dưới lòng sông Bạch Đằng.
Thi bơi trải trên sông Bạch Đằng.
Đại thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288 được xem là trận thủy chiến lớn nhất và tiêu biểu nhất của quân dân Đại Việt, là khúc khải hoàn ca hùng tráng trong truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Năm 2012, Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, được phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị với tổng kinh phí đầu tư các dự án trên 700 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của T.Ư, tỉnh và xã hội hóa.
Hiện TX Quảng Yên đang triển khai giai đoạn một, dự kiến hoàn thành và đón tiếp khách du lịch vào năm 2020, đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và khách du lịch.
Việc tổ chức Lễ kỷ niệm 1.080 năm và 730 năm Chiến thắng Bạch Đằng là hoạt động văn hóa lớn hưởng ứng và chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2018. Đây cũng là cơ hội để Quảng Yên quảng bá những giá trị của di tích lịch sử Bạch Đằng tới đông đảo nhân dân trong và ngoài nước.
Hoàng Lan