(CLO) Sáng 14/12, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh họa sĩ Tô Ngọc Vân (15/12/1906 – 15/12/2016), một trong những danh họa hàng đầu của nền Mỹ thuật Việt Nam.
[caption id="attachment_138068" align="aligncenter" width="800"]
Những ký họa về bộ đội của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ảnh minh họa[/caption]
Danh họa Tô Ngọc Vân sinh ngày 15/12/1906 tại Hà Nội, hy sinh ngày 17/6/1954 tại chân đèo Lũng Lô trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là người có công đầu trong việc ứng dụng sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ngay từ khi còn là sinh viên (năm 1930), ông đã có 3 tác phẩm sơn dầu “Ánh mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng” và “Trời dịu” trưng bày tại triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn, cùng với các tác phẩm của sinh viên khóa I đã ra trường. Tên ông thường được nhắc đến trong danh sách “bộ tứ” hàng đầu của nền hội họa Việt Nam là “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân và Trần Văn Cẩn. Đây là những danh họa không chỉ có thành tựu lớn trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn là những nhân vật tiên phong của nền hội họa Việt Nam, khi đó còn rất non trẻ.
Theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946, họa sĩ Tô Ngọc Vân cùng nhiều văn nghệ sĩ lên Chiến khu Việt Bắc. Thời kỳ ở Việt Bắc, ông được cử làm Trưởng đoàn Văn hóa Kháng chiến Việt Bắc, Giám đốc Xưởng họa kháng chiến và cuối năm 1949, được giao làm Hiệu trưởng Trường Mỹ thuật Việt Nam. Lớp sinh viên khóa kháng chiến với 22 người được sự dạy dỗ trực tiếp của Tô Ngọc Vân và các họa sĩ tài danh khác, đã trở thành những họa sĩ tên tuổi của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân là một nghệ sĩ bậc thầy, uyên bác về học thuật. Ông cùng họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận Phê bình Mỹ thuật ở Việt Nam. Ông còn viết nhiều bài báo về mỹ thuật đăng trên một số báo nhằm phổ cập, quảng bá, hướng dẫn và phê bình về mỹ thuật.
Họa sĩ Tô Ngọc Vân đã được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam”; Huy chương “Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”… Năm 1996, ông được Chủ tịch Nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Tên ông đã được đặt cho các đường phố ở Thủ đô Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
Bích Việt