Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia: Đổi mới hay xóa bỏ?

Thứ năm, 26/11/2020 10:12 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đã có nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục phổ thông hiện nay đang chạy theo thành tích, thi cử, trong đó chạy theo kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là điển hình. Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, cần thiết phải đổi mới thậm chí xóa bỏ kỳ thi này.

Căn nguyên của nạn… học lệch, học tủ

Một trong những bất cập của nền giáo dục nước ta được nhiều chuyên gia chỉ ra, đó là ở bậc phổ thông học quá nhiều kiến thức, học nhồi nhét, chạy theo thi cử khiến học sinh quá tải, học lệch, học tủ, học chuyên sâu một môn học khi còn quá sớm. Điển hình cho mặt trái đó chính là việc học để đi thi kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.

Chính vì chạy theo thành tích nên các nguồn lực tốt nhất trong giáo dục tập trung đầu tư cho học sinh trường chuyên. Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong đầu tư giáo dục mà còn tạo ra cách học chuyên sâu quá sớm, dẫn tới tình trạng học lệch, đào tạo “kiểu gà chọi”. Kết quả đạt được là những học sinh không toàn diện. Việc nhiều học sinh có năng lực đã dành 3 năm cấp ba để ôn luyện thi bộ đề dành cho các giải thi quốc gia, quốc tế đã làm mất đi cơ hội tìm hiểu cái hay, cái đẹp của nhiều môn học khác.

Việc chỉ chạy theo thành tích trong các kỳ thi quốc gia khiến cho giáo dục bị méo mó.

Việc chỉ chạy theo thành tích trong các kỳ thi quốc gia khiến cho giáo dục bị méo mó.

Với một nền kiến thức không toàn diện, thật khó để những học sinh này bước xa hơn trong sự nghiệp. Thậm chí, sau khi vào đại học, còn có tình trạng trước siêng bao nhiêu thì nay lười bấy nhiêu. Vì việc dành quá nhiều sức lực để ôn luyện, học tủ, học lệch nhằm phục vụ thi cử nên học sinh thường có tư tưởng chán học, xả hơi. Năng lượng tích cực cho học tập vì thế cũng mất đi. Do đó, mặt trái của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đã làm cho mục đích giáo dục trở nên méo mó.

Theo thầy giáo Nguyễn Tùng Anh (Hà Nội), các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia từ chỗ giáo dục hướng tới đào tạo con người toàn diện thì trở thành luyện gà nòi để đi thi. Để có được học sinh giỏi thì sinh ra trường chuyên, lớp chọn. Muốn đạt giải cao thì phải ôn luyện nhiều năm trời. Vì thế, phong trào học lệch, học tủ đã thành trở nên phổ biến. Trong những mùa thi, những học sinh vào đội tuyển gần như không phải học các môn còn lại.

Có thực trạng, một thời gian dài những em đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia đã trượt trong các kỳ thi đại học. Lý do giải khuyến khích thì không được ưu tiên tuyển thẳng đại học. Nếu biết mình chỉ đạt giải khuyến khích thay vì tự hào thì nhiều em rơi vào tâm trạng khủng hoảng. Đối với nhiều em thi quốc gia chẳng khác nào một trò may rủi vì nếu đậu giải cao đương nhiên vào các trường đại học top đầu vì được tuyển thẳng, còn nếu trượt thì đó là thảm họa kéo theo hệ lụy có thể trượt đại học.

Cô Nguyễn Tú Lê ở Vĩnh Phúc tâm sự, nếu một học sinh với khả năng tự học, không luyện theo “kiểu gà chọi” mà đậu học sinh giỏi quốc gia thì đó là điều đáng mừng. Nhưng trên thực tế sẽ không có những trường hợp như vậy. Đa phần học sinh được ôn luyện chuẩn bị cho các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ngay từ khi vào lớp 10. Đó là những học sinh trường chuyên, lớp chọn. Gần như sứ mệnh của các trường chuyên là đào tạo học sinh giỏi quốc gia, mang thành tích về cho tỉnh.

Cần sự thay đổi

Trước thực trạng học để thi, đào tạo gà chọi để lấy thành tích, nhiều ý kiến cho rằng cần thiết phải thay đổi cách thi cử học sinh giỏi hiện nay, thậm chí nên xóa bỏ kỳ thi này. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, thầy Trịnh Văn Tâm (Chánh văn phòng sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa) cho rằng,  đã là giáo dục phổ thông tức là phổ biến, thông dụng. Còn em nào có năng khiếu nổi trội thì trên nền giáo dục phổ thông đi thi giao lưu, ghi nhận chứ không phải tập trung đầu tư đào tạo “gà chọi” như hiện nay. Dạy học theo hướng như vậy đang khiến con người thiên lệch, không toàn vẹn.

Thầy Trịnh Văn Tâm nhấn mạnh: “Giáo dục phổ thông yêu cầu đầu tư phải công bằng, không được tập trung nguồn lực cho một nhóm người. Ví dụ, tại Thanh Hóa có 40 nghìn học sinh cho một khối lớp không thể tập trung đầu tư cho 1.000 em lớp chuyên. Thành tích trong giáo dục chỉ là đồ trang sức, làm đẹp thêm còn nền tảng, chất lượng giáo dục đại trà mới là quyết định chất lượng giáo dục, quyết định chất lượng lao động, nhân lực. Còn cái gì mang tính chuyên biệt, chất lượng cao, dịch vụ cao thì phải là xã hội hóa”.

ha-noi-dan-dau-ca-nuoc-tai-ki-thi-chon-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-2020-BFSN

Qua trao đổi có thể thấy, quan điểm của thầy Tâm là nên hạn chế trường chuyên, lớp chọn. Thi cử học sinh giỏi là trên bình diện giáo dục phổ thông lựa chọn các em có thành tích tốt có thể bồi dưỡng thêm. Các kỳ thi học sinh giỏi chỉ mang tính giao lưu, học hỏi chứ không phải thi để xếp hạng, lấy thành tích. Đó là hội thi mà phần thi phải nhẹ nhàng, phần hội mới là trọng tâm. Không được đặt nặng nề chỉ thi. Bởi, xã hội rất thực dụng, nếu cái gì đích đến thì sẽ tập trung vào và xem nhẹ việc khác. Nên còn tôn vinh học sinh giỏi trong kỳ thi quốc gia thì học sinh sẽ xem như đích đến và sẽ lao theo hướng đó. Hiện nay, có nhiều học sinh xuất sắc nhưng cách dạy học luyện thi đã biến các em thành những con người thiên lệch. Toán, Lý, Hóa giỏi mà Văn, Sử, Địa không cần học thì đó là sai lầm.

Thầy giáo Tâm cho rằng,  kiến thức phổ thông các em phải hướng đến toàn diện như cuộc thi đường lên đỉnh Olympia. Tức, học sinh phổ thông cần phải có nền kiến thức rộng, toàn diện. Vừa rồi ở Nghệ An thi tốt nghiệp THPT có học sinh đạt 54, 75 điểm – số điểm rất cao. Như vậy học sinh này học Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Anh đều giỏi. Đó mới là những học sinh tuyệt vời và xã hội cần những thế hệ học sinh như vậy chứ không cần học ba môn, hay đơn môn. “Tính toàn diện trong đào tạo giáo dục thì Nghị quyết của Trung ương Đảng đã chỉ ra nhưng thực tế khi triển khai thì chưa đạt” – thầy Tâm nhận định.

Cũng liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Giáo sư  Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, cách thi đơn môn, học lệch, học tủ sẽ không đánh giá được con người toàn diện trong khi giáo dục phổ thông đòi hỏi đào tạo con người toàn diện. Nếu giáo dục cứ chạy theo bệnh thành tích là sai lệch. Học sinh phổ thông học thực chất giỏi là tốt, không cần giải thưởng. Chỉ cần thi tốt nghiệp, thi hết năm học đạt toàn diện là tốt còn chỉ đạt thi học sinh giỏi một môn thì chưa chắc đã tốt.

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong: “Việc thi cử đã thành nếp nên khó sửa. Báo cáo hằng năm là có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất các giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì, chỉ mất thì giờ. Muốn thi giải cao thì phải luyện gà nòi, muốn có học sinh giỏi thì phải chọn học sinh, tổ chức lớp, chọn giáo viên, luyện thi rất mất thì giờ”.

Đồng quan điểm, ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho rằng, ta đang đào tạo con người toàn diện thì người giỏi cũng phải giỏi toàn diện. Việc học sinh có năng khiếu từng môn học cần được tôn trọng, khuyến khích nhưng đồng thời nên dạy cho các em toàn diện chứ không học chuyên một môn.

Có thể thấy, việc chuyên sâu ngay từ lớp 10, suốt 3 năm phổ thông chỉ học các môn chuyên để đi thi học sinh giỏi quốc gia là không nên. Việc học sinh khi đi thi quốc gia gần như không phải học các môn học khác là một sai lầm trong đào tạo. Giáo dục hướng con người toàn diện không thể có những con người chỉ nắm bắt một lĩnh vực mà bỏ bê các lĩnh vực khác. Vì thế muốn thay đổi cách dạy và học này thì trước hết thay đổi cách thức thi học sinh giỏi quốc gia thậm chí là bỏ kỳ thi này. Để có học sinh đi thi quốc tế cần có những hình thức tuyển chọn sàng lọc khác. Không vì một vài giải thưởng mà kéo theo cả hàng trăm nghìn học sinh học lệch, học tủ, học theo kiểu “gà chọi”.

Trinh Phúc

Tin khác

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Ngày mai học sinh bắt đầu đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Ngày 24/4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.

Giáo dục
Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

Hanel tài trợ học bổng sinh viên vượt khó và xuất sắc năm học 2023 – 2024 của Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản VJCC

(CLO) Ngày 17/4/2024, Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản (VJCC) tổ chức Lễ trao học bổng cho sinh viên vượt khó và sinh viên xuất sắc của 2 chương trình cử nhân Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) và Kinh doanh số (DB) năm học 2023 - 2024. Công ty CP Hanel nằm trong số các doanh nghiệp tham gia tài trợ và trao tặng học bổng cho các sinh viên.

Giáo dục
Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

Nguyên nhân nữ sinh cấp 2 ở Lâm Đồng bị bạn túm tóc, đá vào bụng

(CLO) Theo lãnh đạo trường THCS Lạc Nghiệp (Lâm Đồng), nguyên nhân ban đầu dẫn tới việc nữ sinh bị bạn đánh là do mâu thuẫn trên mạng xã hội.

Giáo dục
Đào tạo tiến sĩ hiện nay còn có những hạn chế

Đào tạo tiến sĩ hiện nay còn có những hạn chế

(CLO) Trong báo cáo của Ủy ban Văn hoa, Giáo dục của Quốc hội đã chỉ ra, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục đại học nói chung, đào tạo trình độ tiến sĩ nói riêng còn thấp.

Giáo dục
Yên Bái: Tạm đình chỉ cô giáo dùng thước kẻ tác động lên đầu học sinh

Yên Bái: Tạm đình chỉ cô giáo dùng thước kẻ tác động lên đầu học sinh

(CLO) Ngày 22/4, Phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái xác nhận, đã tạm đình chỉ công tác cô giáo trên địa bàn huyện do đã dùng thước kẻ tác động nhẹ lên đầu 1 học sinh.

Giáo dục