Ký ức ngày Tết của những người mắc bệnh phong

Thứ sáu, 03/04/2015 14:15 PM - 0 Trả lời

Ký ức ngày Tết của những người mắc bệnh phong

(Congluan.vn) - Tết, người người hân hoan chào đón ba ngày xuân. Thế nhưng ngày Tết với những người mắc bệnh phong ở làng phong Quy Hòa – Quy Nhơn (Bình Định) luôn phảng phất một nỗi buồn. Họ chỉ biết quanh quẩn trong “thung lũng tình thương” Quy Hòa và trông ngóng về quê hương với nỗi niềm day dứt …

Hồi ức Tết của người giữ chợ

Phiên chợ làng phong Quy Hòa vừa tan, ông Lê Văn Bích (78 tuổi) - người quản lí chợ làng phong - vội lúi húi quét dọn chợ. Trong cái áo cộc tay đã sờn vai cùng chiếc quần đùi cũ kỹ, đôi vai già run lên bần bật vì gió lạnh của gió xuân sớm. Cầm chiếc rựa trên tay, lão tiến lại gần. Đôi mắt già nua ánh lên niềm vui nhưng cũng pha vẻ đượm buồn khi nhận ra tôi.

Báo Công luận
 
Chợ làng phong

Lão vốn là người con sông Hương núi Ngự, phát bệnh vào đúng dịp Tết năm 1963. Làm sao bác biết mình mắc bệnh phong? Đôi mắt lão chợt đượm buồn. Lão tâm sự: “Ngày giáp Tết năm đó, bác tự dưng thấy hai chân mình tê tê. Mình đi chân không trên đường nhựa, chân phồng không biết. Chiều đó đi coi đá banh về, chân trái dậm phải đinh cầu đường mà không biết, cũng chẳng có cảm giác chi hết.

Đêm 25, 26 tháng chạp năm ấy, mặc khói lửa chiến tranh, lão trốn cha mẹ đi đánh bài, đồ khách đặt không may. Cha đi kiếm về đánh cho một trận nên thân. Cha đánh guốc mộc trúng đầu (bây giờ đầu hay nhức), lão nằm mê man 2 – 3 ngày liền. Sau đó mặt mày cứ đỏ dần lên, nổi những cục u, đầu gối đột nhiên phồng lên… rồi vết thương chân bị nhiễm trùng. Cha mẹ hoảng quá đưa đi viện khám, thì chẩn đoán ban đầu có dấu hiệu của bệnh hủi. Tết năm đó, lão đau đớn lắm khi biết tin này…Năm 1976, cha mất, bệnh của lão tái phát nặng. Thấy lão bệnh, người ta cũng chẳng đến đặt hàng may nữa. Mặc cảm bệnh tật, bị người đời xa lánh, lão quyết định rời xứ Huế và vào Quy Nhơn ở hẳn…”.

 
Báo Công luận
 
Nơi an ủi linh hồn của những người mắc bệnh phong

Mối tình nên duyên giai ngẫu của ông lão cũng đúng vào ngày Tết. Đó là Tết năm 1981. Hồi đó ở trong viện, ông may mắn gặp bác gái cũng là bệnh nhân phong, người Phan Thiết ra đây chữa bệnh. Cám cảnh đồng bệnh tương lân, thế là nên nghĩa vợ chồng… Đang trò chuyện mà lão cứ ái ngại xoa xoa cái chân trái, bất giác tôi nhìn lại mới hay nó là chân giả.

Vuốt nhẹ cái chân ấy, tôi hỏi: Năm kia khi cháu vào, cái chân này hãy còn nguyên vẹn. Nó bị cưa khi nào vậy? Ông lão bùi ngùi: “Trước Tết năm ngoái đấy! Thật ra thì nó tái phát 2 – 3 năm nay rồi, là di chứng để lại sau đợt dậm đinh ấy. Ngày giáp Tết, đau quá chịu không nổi, nhập viện, bác sĩ bảo phải cưa thôi chứ không thể cứu vãn được nữa. Mọi năm thì bác đều tham gia lễ hội ngày Tết do bệnh viện, Hội đồng bệnh nhân tổ chức. Nhưng năm vừa rồi, mất đi một chân rồi, bác buồn, đau khổ lẫn chán nản nên chẳng muốn đi đi đâu cả. Nhờ các con đi làm kiếm được ít tiền mua cho cái máy hát nên cũng vui vui chút đỉnh”.

Ngoài những cái Tết ấy, bác còn cái Tết nào đáng nhớ nữa không? Ông nói: “Có chứ! Nhưng mà xấu hổ lắm cháu ạ! Đó là chuyện bác bị công an bắt nhốt Tết năm 96. Thường thì rằm tháng 7 hay ngày Tết thì các cô chú bệnh nhân ở làng phong thường xin phép lãnh đạo bệnh viện cho đi vào Sài Gòn hoạt động từ thiện một tháng. Tết năm ấy, bác cũng khăn gói lên đường. Phần thì ham vui, phần thì cũng muốn nhân dịp này kiếm thêm ít tiền về làm quà tết cho vợ con. Ai dè, mọi chuyện diễn ra không ngờ.

 
Báo Công luận
 Bồi hồi một nổi nhớ quê

Vào tối mùng 1 Tết năm đó, đoàn của bác đi kiếm ăn ở chùa, ngồi chung với những người ăn mày. Có lệnh công an dẹp nạn ăn mày ở chùa. Cánh ăn mày hốt hoảng chạy nhập vào đoàn mình. Bọn bác mới vào có hiểu mô tê gì đâu, thấy chạy thì cứ kéo nhau chạy. Công an bắt bọn bác nhốt ở trại Bình Triệu - Quận 3 - Hồ Chí Minh, giữ 10 ngày. Họ cho ăn uống bình thường nhưng ngủ phải nằm đưới dất. Do đó, bác sinh bệnh, sức khỏe yếu dần. Rồi họ đưa sang trại phong Bến Sắn (Hồ Chí Minh) cho ở 10 ngày nữa. Sau điều tra, biết không phải là người ăn xin nên thả về …

Không! Cái Tết ấy thật đáng nhớ đời. Về Quy Nhơn, không ai nói gì cả nhưng bác xấu hổ lắm, từng tuổi này mà bị côngan bắt vì chuyện không đâu ra đâu cả. Sau vụ đó, thỉnh thoảng các cô chú khác ở làng phong vẫn đi từ thiện trong đó. Nhưng bác tự hứa với lòng, tuyệt đối không để chuyện đó xảy ra nữa. Có đói có no cũng ở lại làng… Nghĩ lại ngày Tết ấy, sao mình già mà lại dại thế không biết…”.

Tết trên “thung lũng tình thương”

Tết này, Giám đốc bệnh viện cho mỗi bệnh nhân 100.000 đồng, Hội đồng bệnh nhân cho 150.000đồng/người. Rồi các đoàn từ thiện khắp nơi về hỗ trợ thêm chút đỉnh tiền bạc, bánh kẹo, quà cáp. Ngày Tết nhà nào khá giả mới ăn thịt gà vịt, còn bình thường thì chỉ mua 1kg thịt heo ngày 30 Tết cũng ấm cúng lắm rồi.

 
Báo Công luận
 
Vườn tượng làng phong

Tết năm nay, cũng giống như mọi năm, Hội đồng bệnh nhân và Bệnh viện tổ chức vui chơi Tết cho bà con làng phong. Thì chơi lô tô nè, trò chơi vui chơi giải trí, hội chợ xuân, đua ngựa gỗ, ném bóng, văn nghệ, xổ số vui xuân… Tối giao thừa, Giám đốc bệnh viện tổ chức đi thăm khu những bệnh nhân phong bị tàn phế và tặng quà. Sáng mùng 1 Tết, tổ chức đốt nhang ở nghĩa trang, chào cờ đầu năm, trồng cây nhớ Bác.

Tò mò, tôi lại hỏi ông lão bệnh nhân Lương Sinh, người Thanh Hóa làm cư dân “thung lũng tình thương” từ năm 1960: Tết, bác có về thăm quê hương không? Ông cười buồn: “Quê hương à? Tôi quên mất rồi. Hồi phát hiện tôi bệnh hủi mấy năm, cho đến năm 1961, cha mẹ tôi đưa tôi rời khỏi huyện Bút Sơn vào làng phong Quy Hòa này, từ bấy đến nay họ chẳng một lần vào thăm, cả 8 anh chị em của tôi nữa. Nói thật, bây giờ gia đình tôi ngoài đó, ai còn ai mất, tôi cũng không biết nữa. Họ không một lá thư thăm hỏi, nên tôi cũng không biết đâu mà lần.

Tôi nghĩ thấy buồn, Tết núc chẳng muốn về làm chi nữa. Mà có muốn về thì cũng chẳng có tiền để đi vì lương tháng bệnh viện cấp cho người bệnh loại 1 như tôi chỉ có 195.000 đồng, đâu được một vé xe về quê. Tôi có nhớ quê thì cũng coi như một hoài niệm Tết xưa mà thôi. Mà cũng thú thật, nhớ quê lắm! Không biết bây giờ quê hương đã đổi thay thế nào nữa. Tôi chỉ biết quê tôi giờ nổi tiếng có xi măng Bút Sơn thôi”.

Báo Công luận
 
Tết của những người mắc bệnh phong là những ván cờ

Ông bệnh nhân Lềnh Lập Ký (73 tuổi), người Việt gốc Hoa, quê ở Quảng Ninh thấy chúng tôi ngồi phiếm chuyện dưới tán dừa cũng tạt vào. Tết với lão cũng buồn. Lão buôn chuyện: “Hầy dà, 37 năm trước, biết mình mắc bệnh phong, ngộ buồn chán quá. Giáp Tết năm ấy, ngộ quyết định li dị con vợ ngộ để vào Bệnh viện phong da liễu Trung ương Quy Hòa này. Đau đứt ruột đứt gan chứ lị ! Nhưng phải chịu thôi. Thà vậy để vợ con không bị đau khổ. Sống một mình ở đây, khổ thì khổ nhưng tâm hồn dễ chịu hơn.

Chỉ có Tết năm ngoái là buồn nhất. Ngày Tết trong túi chỉ có vỏn vẹn 55.000 đồng. Rồi người ta thu tiền bảo thọ gì đó hết trơn. Không có tiền vui xuân, thế là mùng 4 Tết đó, ngộ lên núi Trại Châu – Quy Nhơn đi bứt đót. Trúng hai ngày mưa tầm tã, không kiếm được đót, về nhà ốm cho một trận nên thân. May mà nhờ bà con ở đây giúp đỡ mới qua khỏi đó chứ”.

Đang kể chuyện, có người gọi lão Lềnh. Thế là lão lật đật đứng dậy. Lão cười hì hì. Đôi mắt một mí nhướng lên thật ngồ ngộ. “Thôi, ngộ đi đánh cờ đây. Tết năm nay nhất định phải chơi cờ thật hay cho chúng nó biết”, rồi lão leo lên chiếc xe đạp cọc cạch đi tuốt…

                                                                               Hải Âu – Trần Hồng

Tin khác

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

Tiên Lãng (Hải Phòng): Bất cập trong việc quản lý và sử dụng SVĐ huyện sau 16 năm 'xã hội hóa'?

(CLO) Ngày 31/7/2008, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Tiên Lãng, Thành phố Hải phòng đã ban hành Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc cho thuê các ki ốt khán đài sân vận động huyện... Tuy nhiên, sau 16 năm thực hiện chính sách “xã hội hóa”, vẫn còn một số bất cập cần được làm rõ và khắc phục.

Điều tra
Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

Kon Tum: Vì sao doanh thu của Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai 'nhảy múa' theo từng gói thầu?

(CLO) Ở mỗi gói thầu tham dự khác nhau, Công ty TNHH MTV Lâm Kim Gia Lai lại thể hiện một hồ sơ năng lực với doanh thu khác nhau?

Điều tra
Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

Thu hồi quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh

(CLO) Ngay sau phản ánh của báo Nhà báo & Công luận, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã ban hành quyết định thu hồi Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp, phụ cấp hàng tháng đối với ông Nguyễn Văn Nam.

Điều tra
Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

Doanh nghiệp 'quen mặt' và những gói thầu trúng “sát giá” tại BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm?

(CLO) Thời gian gần đây, ông Nguyễn Minh An - Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội đã ký hàng loạt gói thầu có tổng trị giá lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Điều tra
Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh 'bóng cười'?

Quán bar Aplus ngang nhiên kinh doanh "bóng cười"?

(CLO) Mặc dù từng bị xử phạt do kinh doanh quá giờ quy định, thế nhưng quán bar Aplus có địa chỉ tại số 78 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực (quận Ba Đình, Hà Nội) không những không tuân thủ theo các quy định của pháp luật mà còn tiếp tục tái diễn, ngang nhiên kinh doanh “bóng cười”….

Điều tra