Lãi suất tiếp tục giảm: Thêm sức bật cho nền kinh tế trong bối cảnh còn rủi ro từ dịch Covid-19

Thứ năm, 18/03/2021 09:22 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Tín hiệu khả quan từ các chỉ số kinh tế 2 tháng đầu năm cho thấy các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đang đi đúng hướng.

Trong đó, lãi suất ngân hàng liên tiếp giảm đang hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế tiếp tục phục hồi và doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận vốn cho sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn những mối lo cần lưu tâm.

1.Lãi suất tiết kiệm trong những tháng cuối năm 2020 và trong những tháng đầu năm 2021 liên tục giảm sâu. Có ngân hàng đã giảm mạnh về quanh mức 5%/năm - mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhìn qua biểu lãi suất niêm yết tại một số ngân hàng cho thấy, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đã tiệm cận mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Tại ngân hàng SCB, lãi suất tiết kiệm vừa được điều chỉnh giảm về 6,8%/năm (kỳ hạn 12 tháng); Các ngân hàng khác như BacABank, Eximbank, NamABank, PGBank, SeABank, GPBank… cũng đều giảm lãi suất về quanh mức từ 5,2%-6,5%/năm (tùy từng kỳ hạn gửi).

ngan-hang-6-1582131698192

Một số ngân hàng TMCP lớn như Vietcombank, BIDV... lãi suất cũng đang ở mức thấp từ 5,5% - 5,6% (kỳ hạn 12 tháng). Lãi suất kỳ hạn 1 - 2 tháng hiện vẫn được các ngân hàng duy trì ở mức thấp 2,35%-2,9%/năm.

Lãi suất cho vay cũng có xu hướng giảm tại nhiều ngân hàng. Mới đây nhất, ngày 16/3, Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chỉ từ 6,2%/năm, với khoảng 5.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thêm lựa chọn tài chính khả thi, tái cơ cấu sản xuất và kinh doanh an toàn…

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đầu tháng 3 cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng cũng giảm, gần đây nhất: lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 01 tuần và 01 tháng lần lượt là 0,33%/năm, 0,51%/năm và 0,76%/năm.

Xu hướng lãi suất giảm không chỉ trong đầu năm 2021, mà đã diễn ra trong năm 2020 khi dịch Covid-19 tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Nhiều ngân hàng Trung ương đã triển khai các biện pháp nới lỏng có định lượng, cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã điều hành giảm đồng bộ các mức lãi suất, bên cạnh chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ kinh doanh, sản xuất, giảm khó khăn cho nền kinh tế.

Điều này cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đang đi đúng hướng và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

2.Một số chuyên gia kinh tế nhận định, mặt bằng lãi suất vẫn tiếp tục có xu hướng giảm có ý nghĩa rất quan trọng với doanh nghiệp, đồng thời đã hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế tiếp tục hồi phục và cũng đang tạo lợi thế cho kênh chứng khoán.

Số liệu của Tổng cục Thống kê trong 2 tháng đầu năm cho thấy, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô có tín hiệu khởi sắc. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 10,4%, đều cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước là 6,2% và 7,1%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoài. Mặc dù Tết Nguyên đán năm 2021 lại đúng vào thời điểm làn sóng Covid thứ 3 bùng phát ở Việt Nam, tổng mức bán lẻ đã lấy lại tăng trưởng dương thể hiện sự hồi phục của sức cầu nội địa.

 Về tăng trưởng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 cũng khá ấn tượng. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tăng 24,5% (XK tăng 23,2%, NK tăng 25,9%), đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm.

Ngoài ra, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 2 đạt con số trên 8.000, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7.300 doanh nghiệp trong các tháng Tết giai đoạn 2016 - 2020.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn có một số điểm thuận lợi, đó là sản xuất, kinh doanh có sự phục hồi rõ nét, khi ngành công nghiệp tăng trưởng trở lại ở mức hai con số. Sản xuất nông nghiệp ổn định với xu hướng cơ cấu lại nền nông nghiệp đang đi đúng hướng. Khu vực dịch vụ có khả năng tăng trưởng tốt hơn nhờ dịch vụ số và dịch vụ công nghệ tài chính phát triển mạnh.

Ngoài ra, xuất khẩu có thêm kỳ vọng vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa ký với Anh vào cuối năm 2020. Bên cạnh đó là các hợp tác thương mại song phương, đa phương khác...

3.Bên cạnh những tín hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế, vẫn còn nhiều mối lo phía trước khi một trong những yếu tố rủi ro gây áp lực lên nền kinh tế được các chuyên gia kinh tế nhắc tới. Ngay trong tháng 2/2021, lạm phát đã tăng khoảng 1,52%, mức tăng khá cao nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối. Đã có nhận định, áp lực lạm phát trong thời gian tới sẽ không nhỏ khi tổng cầu đang phục hồi rõ rệt cùng với nền so sánh thấp của năm 2020.

Chi phí vận tải cũng tăng mạnh do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng kéo dài từ năm ngoái. Mức tăng này sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất cũng như giá tiêu dùng trong ngắn hạn.

Một mối lo khác đang là thường trực, đó là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 vẫn là tâm điểm tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Chính phủ cũng đã nhấn mạnh và đưa ra yêu cầu đối với các cấp, ngành không được chủ quan trong phòng chống dịch Covid-19 và phải theo dõi sát tình hình và những tác động của dịch bệnh để từ đó đưa ra các giải pháp đối sách hiệu quả, khả thi trong ngắn hạn và trung hạn.

Do đó, các chuyên gia kinh tế lưu ý rằng, vẫn cần phải thận trọng đánh giá và từng bước tháo gỡ những khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Việc liên tiếp giảm lãi suất vừa qua của các ngân hàng cho thấy doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận vốn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Do vậy, “chính sách điều hành về lãi suất chỉ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi được phối hợp nhịp nhàng với các chính sách kinh tế vĩ mô khác”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Và sức bật quan trọng để phát triển kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ đến từ nội lực, trong bối cảnh thế giới vẫn tiềm ẩn những rủi ro từ dịch Covid-19.

Như ông Nguyễn Xuân Thành - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chỉ rõ động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào thị trường nội địa, đầu tư tư nhân và xuất khẩu sang EU và ASEAN. Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và chủ động đàm phán với các đối tác thương mại lớn cần phải là ưu tiên chính sách trong năm nay để hỗ trợ cho tăng trưởng trong bối cảnh chúng ta vẫn phải kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại quốc tế.

Tiến Vinh

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn