(Congluan.vn) - Không riêng người dân ở ấp Phước Hòa, xã Phước Vinh, cứ đến huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh thăm hỏi, hầu như ai cũng biết đến mô hình nuôi rắn ráo trâu độc đáo của anh Hà Văn Lên. Trại nuôi rắn ráo trâu của anh Hà Văn Lên được xây dựng khiêm tốn với diện tích chỉ… 200 m2. Nhưng những thành quả mà anh đạt được với mô hình kinh tế mới mẻ này khiến mọi người ngạc nhiên thú vị. Nhất là quá trình nuôi rắn của anh Lên từ lúc nuôi thử nghiệm cho đến lúc có nguồn thu hoạch ấn tượng chỉ vỏn vẹn… có 2 năm!
“Nuôi rắn phải hiểu rõ tính khí, thói quen và chăm chút theo dõi từng sinh hoạt của nó. Nhất là khi rắn bắt đầu phát triển. Ở giai đoạn này rắn rất háu ăn, tranh mồi quyết liệt. Khi tranh giành mồi, như con ếch chẳng hạn, mỗi con rắn ngoạm một phần mồi, mạnh con nào nấy nuốt dần con mồi rồi nuốt luôn cả đối thủ. Tất nhiên là con lớn nuốt con bé hơn”, anh Hà Văn Lên nói. “Đó là chưa kể những khó khăn trong chăm sóc những con rắn mới lớn, giai đoạn này rắn thường mắc một chứng bệnh rất khó chịu là bệnh sên ngoài da. Còn rắn trưởng thành thì lại hay mắc bệnh nhớt miệng. Sơ sẩy hay lơ là một chút là coi như đi đứt”.
Khi được hỏi làm cách nào để giải cứu, giải quyết chuyện nuốt chững lẫn nhau giữa hai con rắn tranh mồi, anh Lên cười vui vẻ: “À, dễ mà! Trước hết người nuôi rắn phải để ý nhanh chóng phát hiện kiểu kéo co này, bắt gặp chúng đang nuốt nhau, chỉ cần gõ vào đầu mỗi con một cái là chúng lật đật buông nhả con mồi ra liền. Ngó vậy chớ nó nhát lắm!”.
Trứng rắn
Nói vậy, nhưng với cách thức chăm sóc kỹ lưỡng của cả gia đình anh Hà Văn Lên, những rủi ro trong nghề nuôi rắn ráo trâu này gần như không có. Rắn ráo trâu còn được gọi là rắn Long Thừa, có những lớp vảy bóng loáng, rằn ri đen, sọc ngang dọc, hoa văn bắt mắt. Những người hơi nhát gan không dám lại gần.
Chuyện nuôi rắn của vợ chồng anh Lên bắt đầu từ năm 2009. Khi ấy, anh chị mạnh dạn nuôi thử nghiệm 100 con rắn trên diện tích chỉ 8m2. Chuồng được ngăn tách bạch cho từng nhóm rắn: 10 con rắn/ 2m2. Lúc này, cả nhà túa đi lùng sục bắt ếch nhái, chuột bọ… cũng như đặt mua lối xóm cho rắn có đủ thức ăn. Năm 2000, gia đình đã gầy được 200 con rắn. Đến nay lượng rắn trong chuồng có đến 500 con. Hiện nay trại rắn của anh Lên còn ôm thêm công việc nuôi ếch nhái để có đủ thức ăn cho bầy rắn đang ngày càng phát triển.
Chuồng trại diện tích 200 m2 của anh Lên được xây dựng cải tiến, quy mô với một dãy chuồng ngăn nắp, bầy rắn được lót vỉ để nằm bên trên. Nhờ vậy, tránh vấy bẩn bởi các chất thải, phân và các tạp chất khác khi bầy rắn chen chúc, sinh hoạt, thải bẩn. Sau một đêm, người nuôi chỉ cần xịt vòi nước chừng 10 phút trong và ngoài chuồng là coi như đã xong việc dọn chuồng.
Hướng dẫn khách đến dãy rắn đã trưởng thành, anh Lên nói: “Những con rắn lớn này đã được nuôi đúng lứa (1 năm), có trọng lượng trên 1,1kg/ con. Đang chờ mối quen đến lấy vì họ đã đặt hàng rồi”. Trong chuồng những con rắn mập mạp, bóng loáng mỡ màng, bò lúc nhúc trông rất ngoạn mục. Có ông khách tham quan nói vui: “Chà, mập bự cỡ này mà bằm xào sả ớt thì phải mất một lít nha!”. Một anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi trợn mắt: “Giỡn hoài. Thêm rau củ, phụ tùng, ít nhất phải hai lít đó!”.
Hiện nay giá rắn thịt đang tăng cao, từ 700 đến 929 ngàn đồng /1kg. Cung rõ ràng không đủ cho cầu. Anh Lên khẳng định: “Nghề này tuy có phần hơi khó khăn một chút nhưng việc nuôi rắn cho lợi nhuận hơn việc nuôi trâu, bò nhiều, chi phí đầu tư lại ít. Diện tích chăn nuôi không đòi hỏi lớn rộng như các loại gia súc, gia cầm khác”.
Theo kinh nghiệm của mình, anh Lên cho biết: “Rắn đồng đem về nuôi rất chậm lớn. Chỉ có rắn đã được “thuần chủng” thì lớn rất nhanh”. Rắn đẻ nhiều vào những tháng 8,9,10, tùy vào độ tuổi, rắn đẻ trung bình mỗi lứa từ 13 trứng trở lên. Còn những con rắn già tuổi hơn có thể đẻ trên 20 trứng. Khi đẻ, chúng xây trứng kết dính thành từng chùm. Người nuôi chỉ việc ghi số ngày con rắn đẻ trứng, gom mang về ấp. Việc ấp trứng rắn cũng rất đơn giản: Lót 1 lớp cát ở dưới, đặt trứng rắn ở trên, đậy nắp kín lại. Trứng được ủ như vậy chừng 75 ngày thì nở. Mười ngày đầu phải bơm nước bằng ống tiêm cho rắn con uống. Sau 10 ngày (đợt thay da đầu tiên) có thể bắt đầu cho rắn con ăn những con ếch nhái nhỏ. Thời gian này rắn con cần được chăm sóc kỹ, người nuôi cần quấn một nùi rơm lớn để lót ổ cho rắn con nằm, giữ ấm thay cho việc úm rắn bằng điện. Thu nhập từ loại rắn rằn ri, bóng lưỡng này được vài trăm triệu đồng/hộ/ năm là một con số lý tưởng và đầy ấn tượng.
Tác giả và vợ chồng "đại gia" rắn ráo trâu Hà Văn Lên
Chị Đỗ Thị Đặng, vợ anh Lên quả quyết: “Số rắn nuôi càng nhiều thì lợi nhuận càng cao. Ở Lộc Trung, Lộc Ninh, nhiều hộ đã thoát nghèo và trở nên khá giả với nghề nuôi rắn Long Thừa”. Tiếng đồn đi xa, đã có nhiều người đến tham quan vì hiếu kỳ, vì bị cuốn hút bởi hiệu quả kinh tế khả quan từ mô hình kinh tế mới mẻ của anh Lên. Vài người trong số họ đã mua một số rắn về nuôi thực nghiệm, mong một sớm vượt nghèo.
Được biết, các cấp chính quyền địa phương cũng rất quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích gia đình anh Hà Văn Lên cũng như những hộ khác có điều kiện phát triển nghề nuôi rắn độc đáo này. Nhờ vậy, hiện nay tại xã Phước Vinh đã có nhiều hộ nuôi rắn Long Thừa - rắn ráo trâu. Và nỗi lo lớn nhất hiện nay của anh Lên chính là không biết làm sao có đủ lượng thức ăn cho bầy rắn ngày càng lớn nhanh cả về trọng lượng và số lượng.
Nguyện vọng của anh Hà Văn Lên là sẽ được liên kết với anh em, bạn bè gần xa trong nghề nuôi rắn Long Thừa để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm nuôi rắn, hầu giúp nhau cùng phát triển mô hình kinh tế độc đáo này. Thật vậy, nếu được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa về vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng, về diện tích chăn nuôi… từ chính quyền địa phương các cấp, mô hình kinh tế nông thôn này sẽ sớm phát triển, hiệu quả từ nguồn thu nhập của mô hình này sẽ được nhiều người tham gia trong hướng góp phần xây dựng nông thôn mới dân giàu, nước mạnh.
Mỹ Ánh