(CLO) Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, chiều 15/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
[caption id="attachment_121190" align="aligncenter" width="660"]
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần có báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý tài sản công. Ảnh: TTXVN[/caption]
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian qua; đồng thời thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Liên quan đến quy định về quản lý tài sản công, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần có báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang quản lý tài sản công.
Theo bà Nga, cần tổng kết việc sử dụng nhà công vụ, tình hình thực tế đang đặt ra vấn đề gì và sẽ xử lý như thế nào và thứ hai là việc sử dụng xe công. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, có nhiều Chính phủ áp dụng khoán xe công, nhưng ở Việt Nam chưa có sự đổi mới mạnh mẽ về vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính cần nói rõ hơn đối với nhà công vụ và xe công vụ, thực trạng vừa qua vướng gì? Chúng ta đưa lên nhiều chính sách nhưng vẫn chưa thực hiện được thì định hướng tới đây và xu hướng dứt khoát sẽ như thế nào?
“Tôi đọc báo cáo của Bộ Tài chính thì có đánh giá rằng số lượng xe công vẫn còn lớn, tình trạng sử dụng sai mục đích vẫn còn. Tôi cũng quan tâm đến cơ chế khoán xe, ở các nước thực hiện rất phổ biến nhưng ở ta lại rất hạn chế. Tới đây chúng ta sẽ thực hiện cơ chế khoán thế nào?”- bà Nga nói.
Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị bổ sung trong dự thảo Luật nội dung quy định trách nhiệm và chế tài xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao quản lý, sử dụng, khai thác tài sản khi để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công ở cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung trong dự thảo Luật đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị xe công, trụ sở làm việc, nhà công vụ... nhằm chống thất thoát, lãng phí tài sản công, tránh quan điểm cho rằng đây là “điện thoại chùa, xe chùa”.
Để quản lý hiệu quả tài sản công, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cũng như khái niệm cụ thể về tài sản công theo hướng quản lý tất cả mọi mặt tài sản công. Những tài sản gì loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh tài sản công cũng phải có quy định rõ ràng.
Ý kiến một số đại biểu cũng cho rằng, phạm vi của tài sản công là rất rộng và ở nhiều hình thái khác nhau. Trong đó, nhiều loại tài sản không hoặc chưa xác định được giá trị, nên việc quy định tất cả các loại tài sản vào quản lý chung trong Luật là quá rộng, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu tính khả thi. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần ban hành bộ luật về tài sản công, hoặc căn cứ vào tính chất, đặc điểm, nguồn hình thành của từng loại tài sản công để xây dựng các luật cụ thể cho phù hợp.
* Sáng 15/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTV Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.
[caption id="attachment_121191" align="aligncenter" width="640"]
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm đưa nông nghiệp phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa quy mô lớn[/caption]
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết bổ sung đối tượng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Các thành viên UBTV Quốc hội nêu rõ, với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, mức tác động giảm thu ngân sách nhà nước là không lớn, nhưng đây lại là giải pháp để góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, hiện nay nhiều nông, lâm trường, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật để trục lợi... Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp đang giao cho các tổ chức, đặc biệt là đất nông trường, lâm trường, đồng thời kiên quyết thu hồi và áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng trái phép gây lãng phí nguồn lực nhà nước.
T.Toàn