Lan tỏa thông điệp Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam của Chủ tịch nước

Thứ năm, 07/10/2021 10:39 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nhân ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam (4/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng.

Thư kêu gọi của Chủ tịch nước được gửi vào đúng ngày Kỹ năng Lao động 4/10 đã thể hiện sự chia sẻ, thấu hiểu và cam kết của toàn bộ hệ thống chính trị sẽ thực hiện những giải pháp tốt nhất giúp người lao động cũng như các đơn vị sử dụng lao động có được các cơ hội học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, ổn định cuộc sống và sản xuất.

Từ tinh thần kêu gọi của Chủ tịch nước

Nhân ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam (4/10), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi Thư kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng. Trong Thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.

Điểm lại lịch sử phát triển của kỹ năng lao động Việt Nam, Chủ tịch nước cho biết, ngay từ những ngày đầu độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu tâm nhắc nhở chúng ta rằng: “Người Việt Nam phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”, còn “cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp”.

Ngày nay, xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế mạnh mẽ và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra yêu cầu cấp thiết cho nâng cao kỹ năng lao động. Vì lẽ đó, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, thể hiện qua thông điệp: “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”.

lan toa thong diep nang tam ky nang lao dong viet nam cua chu tich nuoc hinh 1

Thay vì tư duy đào tạo một lần để làm việc suốt đời thì thay đổi chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Ảnh minh họa. 

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chủ động ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kỹ năng lao động. “Trên thực tiễn, lực lượng lao động có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao, đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong Thư.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương và tri ân những đóng góp lớn lao của người lao động, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đối với phát triển của đất  nước. Đặc biệt, nhân Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam 4/10 năm nay, Chủ tịch nước gửi tới toàn thể người lao động và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất. Đồng thời kêu gọi toàn thể người lao động trong cả nước không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc cũng như chung tay vượt qua đại dịch COVID-19.

Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH cùng các các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Đồng thời bày tỏ mong muốn, “cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để vững bước tiến vào tương lai”.

“Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng, người lao động Việt Nam luôn phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mình để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, góp phần đưa nước ta sớm chiến thắng dịch bệnh và thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng trong giai đoạn tới”, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Đến sự đồng tâm, quyết liệt của toàn ngành

Đây là năm thứ hai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Các hoạt động kinh tế – xã hội nói chung, Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Làm ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động có thể diễn ra ở nhiều địa phương ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.

Ngày 4/10, Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) đã có Văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố, các cơ sở GDNN, các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề về việc triển khai và lan tỏa thông điệp từ lời kêu gọi của Chủ tịch nước đối với công tác phát triển kỹ năng lao động nhân ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam. Cụ thể, Tổng cục GDNN đề nghị các cơ quan, đơn vị phổ biến thư của Chủ tịch nước trong các sự kiện của ngành và đơn vị, nhất là dịp hưởng ứng ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam 4/10 và dịp khai giảng năm học mới nhằm kịp thời lan tỏa thông điệp từ lời kêu gọi của Chủ tịch nước đối với công tác phát triển kỹ năng lao động.

Cùng với đó, cụ thể hóa những nội dung kêu gọi của Chủ tịch nước trong các hoạt động chỉ đạo điều hành. Chủ động tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xây dựng kế hoạch thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch nước ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Tổng cục GDNN cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tăng cường truyền thông để học sinh, sinh viên và người lao động không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc.

Đồng thời kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để vững bước tiến vào tương lai.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Quốc hội và Chính phủ có nhiều chính sách và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: “Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn sẽ quyết định tới nhu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực cho thị trường lao động. Đảng ta xác định một trong những nội dung đột phá chiến lược là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và GDNN”.

 Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”. Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Đồng thời, thay vì tư duy đào tạo một lần để làm việc suốt đời thì thay đổi chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

“Một vấn đề hết sức quan trọng, đó là nâng tầm kỹ năng lao động, không phải là nhiệm vụ riêng của một ai, mà là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Có thể nói, với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động và nhất là phát huy phẩm chất quý báu của người Việt Nam luôn có ý chí khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất sẽ nâng tầm kỹ năng lao động, đóng góp thiết thực, hiệu quả để đất nước ta chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.

Bảo Minh

Bình Luận

Tin khác

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Cách ghi phiếu đăng ký dự thi đối với thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

(CLO) Theo quy định, thí sinh chịu hoàn toàn trách nhiệm về thông tin khai trong phiếu đăng ký dự thi, vì vậy cần cẩn trong khi thực hiện điền các thông tin.

Giáo dục
Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

Đình chỉ cơ sở mầm non có cô giáo đè, đánh học sinh bắt ăn

(CLO) Chiều 25/4, UBND thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) thông tin cập nhật kết quả điều tra, xử lý vụ tố cáo một chủ nhóm lớp mẫu giáo bạo hành trẻ em trên địa bàn.

Giáo dục
Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

Vụ trẻ bị cô giáo đánh ở TP Thủ Đức: Sự việc đáng tiếc của ngành giáo dục

(CLO) Tại buổi họp báo chiều 25/4, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam đã thông tin về sự việc trẻ bị cô giáo đánh tại lớp mẫu giáo Tí Bo (phường Linh Đông, TP Thủ Đức, TP HCM).

Giáo dục
Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

Trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024

(CLO) Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định vừa tổ chức trao giải cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số tỉnh Nam Định” năm 2024 dành cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.

Giáo dục
Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

Học sinh tại Hà Nội nghỉ lễ 30/4 - 1/5 như thế nào?

(CLO) Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong dịp lễ 30/4 - 1/5, cán bộ, công chức và người lao động ngành giáo dục Hà Nội được hoán đổi ngày làm việc từ ngày thứ Hai (29/4) sang ngày thứ Bảy (4/5).

Giáo dục