Sau Đường Lâm, Cự Đà là ngôi làng cổ thứ 2 trên bản đồ Hà Nội mở rộng.
Những họa tiết trang trí của một thời vàng son.
Nằm tiếp giáp với con sông Nhuệ, Cự Đà là một dải đất hình tam giác, một phần tiếp giáp với thị xã Hà Đông, còn phần kia giáp với huyện Thanh Trì (Hà Nội). Người Cự Đà đảm đang, khéo léo, giỏi làm ăn, giàu rất nhanh, lại ở địa thế “nhất cận thị, nhị cận giang” nên Cự Đà phát triển kinh tế nhanh chóng.
Có một thời, trên dòng sông Nhuệ đã từng tấp nập thuyền bè ra vào trao đổi hàng hóa. Nhờ buôn bán mà người trong làng trở nên giàu có. Ngoài những địa chủ và nhà thầu phất lên nhờ thầu lại ruộng, còn rất nhiều những cự phú với nghề buôn gỗ, buôn vải dọc theo tuyến sông Hồng.
Nói đến những doanh nhân thành đạt của Cự Đà xưa phải kể đến bà Cự Chân và thân phụ Cự Doanh - một trong những người được coi là tổ nghề của nghề dệt kim Đông Xuân ở nước ta. Ngoài ra còn có những doanh nhân như Cự Phát, Vũ Từ Đặng... quan hệ khá thân thiết với những nhà tư sản nước ngoài. Làng cổ Cự Đà hấp dẫn đối với nhiều người là chuyện gắn số nhà trong làng từ hơn trăm năm trước không thua kém gì một đô thị văn minh.
Với hơn 400 số nhà, làng được kết cấu theo hình xương cá với trục chính là sông Nhuệ bao quanh, tạo cho Cự Đà một nét cổ kính, trầm mặc mà không phải ở đâu cũng có được. Năm 1929, Cự Đà là thôn đầu tiên có điện để phục vụ cuộc sống. Theo hồi ức của nhiều người, khi ấy Cự Đà chẳng khác gì một khu phố thu nhỏ của Hà Nội phục vụ nhu cầu cuộc sống cao của tầng lớp trên...
Cứ vào những chiều cuối tuần, các doanh nhân giàu có lại lái xe hơi về quê để hưởng cái không khí thanh bình nơi thôn dã. Nhưng điều giá trị nhất của Cự Đà chính là những ngôi nhà cổ được xây dựng theo kiến trúc Pháp cách đây ngót trăm năm cùng với hệ thống các đình chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Thậm chí ở đây còn có cả nhà Thọ từ là nơi diễn ra lễ mừng thọ hàng năm, nhà Hội đồng xây theo kiến trúc Pháp để hội họp.
Cho đến nay, những biệt thự kiểu Pháp ở làng có đến 50 chiếc, dẫu có biến dạng đi ít nhiều nhưng vẫn còn ghi đậm dấu ấn rất “Tây”. Phổ biến nhất là kiểu biệt thự hai tầng, chạm trổ cầu kỳ, với những phù điêu, họa tiết theo kiểu phương Tây đắp nổi, có khảm đá hoặc sành sứ, nền nhà được lát gạch hoa được sản xuất ngay tại nước Pháp từ những năm 1910 - 1920… Gạch hoa còn được lát trên hàng cột ngoài hiên nhà, nhiều nét vẽ màu trang trí vẫn còn nguyên từ thuở ban đầu cách đây cả trăm năm. Những lan can bằng sắt đúc, phù điêu phong cách Tây lại được hoà quện đôi nét phương Đông như dòng chữ Hán đắp nổi giống như bức hoành phi đặt trên mặt tiền cửa chính...
Căn nhà của ông Đinh Văn Tường, nằm vị trí hai mặt đường, một phía đường làng nhìn ra sông Nhuệ, một phía là lối vào xóm. Ông Tường cho biết: “trước đây, biệt thự nguyên là nhà cụ Tư Bàng, một cự phú ngày trước. Tại biệt thự này, năm 1947, Tự vệ chiến đấu Hà Nội đã quyết tử chống lại 200 quân lê dương Pháp”.
Ngoài những ngôi biệt thự có từ thời Pháp thuộc, Cự Đà còn có khá nhiều những ngôi nhà cổ nhưng hiện nay do việc thiếu diện tích để phơi miến nên nhiều kiến trúc cổ đã bị đập đi xây mới. Bên cạnh đó, người dân cũng không đủ kinh phí để trùng tu những căn nhà có tuổi đời hàng thế kỷ khiến cho những căn nhà cổ ở Cự Đà đang dần “khuất bóng”.
(Theo Dân trí)