Lạng Sơn: Một vụ việc, gần 10 quyết định giải quyết vẫn chưa xong

Thứ sáu, 22/06/2018 12:58 PM - 0 Trả lời

(CLO) Liên quan đến việc ông Hoàng Doãn Chài, ở thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn khiếu nại về đất, chính quyền huyện Bắc Sơn đã ra gần 10 quyết định, trong đó những quyết định lại phủ định lẫn nhau khiến người dân như bị lạc vào “ma trận”.

Bị chiếm dụng tài sản thừa kế

Ông Hoàng Doãn Chài và vợ là bà Dương Thị Thoa, ở thôn Yên Lãng, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn từ nhiều năm nay đã có đơn gửi các cấp chính quyền và các cơ quan liên quan, khiếu nại việc gia đình ông bị một số người chiếm dụng đất, bị đe dọa và bị hành hung bằng vũ khí nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Báo Công luận
 Ngôi nhà 3 tầng của gia đình ông Dương Công Ước và ngôi nhà cũ bên phải là nhà ông Hoàng Doãn Chài và bà Dương Thị Thoa

Lý do dẫn đến mâu thuẫn giữa gia đình ông Chài với 2 hộ ông Dương Công Ước, Hoàng Đình Kiêm là do gia đình ông có 2 thửa đất tại tiểu khu Lê Hồng Phong, thị trấn Bắc Sơn bị 2 hộ ông Ước, ông Kiêm nhận chuyển nhượng sai pháp luật, chiếm dụng một phần để làm nhà ở nhưng bị ông Chài khiếu nại, đòi lại đất.

Theo đơn của ông Hoàng Doãn Chài, 2 thửa đất nêu trên thuộc xã Hữu Vĩnh (cũ) là tài sản ông được thừa kế từ cha ông, văn tự để lại có chứng thực của chế độ cũ từ năm 1936. Năm 1954, Nhà nước làm đường QL 1B Lạng Sơn đi Thái Nguyên thì có lấy một phần trên thửa đất này, sau đó, gia đình ông tiến hành cải tạo, san lấp để tiếp tục sử dụng. Tại bản đồ năm 1967, tờ số 9 cũng thể hiện rõ, 2 thửa đất trên gồm thửa 254, diện tích 300m2 và thửa 255, diện tích 200m2, ghi rõ tên chủ hộ là gia đình ông Chài đóng góp vào HTX để làm ruộng sản xuất.

Năm 1987, HTX giải thể, gia đình ông Chài tiếp tục sử dụng khu đất này để canh tác, có đóng thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, vào thời điểm 1985-1987, do có việc bàn giao đất từ xã Hữu Vĩnh về thị trấn Bắc Sơn nên việc quản lý đất đai rất lỏng lẻo, lộn xộn. Lợi dụng hoàn cảnh đó, ông Hoàng Doãn Ngôn (là cán bộ UBND huyện Bắc Sơn) đã chuyển nhượng trái phép một phần diện tích đất của ông Chài cho một số cá nhân, trong đó có 2 hộ ông Dương Công Ước, Hoàng Đình Kiêm.

Ngay sau đó, ông Chài đã có đơn đòi lại đất, đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp không cho ông Ước, ông Kiêm xây nhà trên đất của mình nhưng không được thực hiện. Hiện nay, ông Ước đã xây nhà kiên cố 3 tầng, ông Kiêm xây nhà gỗ 2 gian trên đất chiếm dụng của ông Chài.

Về pháp lý của thửa đất, theo bà Dương Thị Thoa, ngày 3/3/2014, gia đình bà đã giao nộp cho đại diện Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Bắc Sơn giấy tờ gồm có tờ di chúc bằng chữ Hán được trưởng bạ xác nhận đóng dấu năm 1936, một giấy tờ khác là tờ bản đồ số 9 năm 1967 có thể hiện đám ruộng Nà Cướm và bản báo cáo xác nhận ngày 15/7/2011 của chi ủy, chính quyền và các đoàn thể thôn Yên Lãng, khẳng định rõ, thửa đất mà các hộ ông Dương Công Ước, Hoàng Đình Kiêm chiếm dụng là thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ ông Hoàng Doãn Chài.

Trong khi đó, theo bà Thoa, các ông Dương Công Ước, Hoàng Đình Kiêm không đưa ra được giấy tờ gì về pháp lý của thửa đất. Hơn nữa, việc chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng QSD đất giữa ông Hoàng Doãn Ngôn và các ông Dương Công Ước, Hoàng Đình Kiêm cũng cần phải xem xét lại bởi các văn bản xác minh của UBND huyện Bắc Sơn đã thể hiện rõ, diện tích đất này ông Ngôn “xin” của HTX nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp nhưng sau đó lại chuyển nhượng cho người khác làm đất ở và cũng chưa hề có quyết định giao đất và chưa được cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.

Điệp khúc “ra quyết định rồi… hủy”

Một vụ việc tưởng chừng không quá phức tạp nhưng trong hơn 20 năm qua, chính quyền huyện Bắc Sơn vẫn lúng túng, chưa tìm ra cách giải quyết thấu tình, đạt lý. Việc ban hành quyết định giải quyết vụ việc rồi sau đó lại ra quyết định hủy nhiều đến nỗi, bà Dương Thị Thoa phải chua xót nói: “Đến nay, đã qua nhiều đời Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện các nhiệm kỳ, cứ mỗi quyết định khác nhau lại chà đạp lẫn nhau, hủy bỏ nhau, khiến gia đình tôi khốn khổ…”.

Đúng như gia đình bà Thoa kêu khổ, ngày 7/5/1993, UBND huyện Bắc Sơn ra quyết định số 167/QĐ-UB giải quyết vụ việc đất đai khu Nà Cướm. Theo đó, ông Hoàng Đình Kiêm được giao 50 đến 77m2 đất, ông Ước được giữ nguyên hiện trạng nhà đã xây dựng, gia đình ông Chài được sử dụng phần diện tích còn lại.

Hơn 1 tháng sau, ngày 27/6/1993, UBND huyện Bắc Sơn lại ra quyết định số 215/QĐ-UB, hủy bỏ quyết định 167/QĐ-UB, diện tích đất giao cho ông Kiêm 60m2, ông Ước 80m2, ông Chài 100m2.

Đến ngày 4/7/2002, UBND huyện Bắc Sơn lại tiếp tục ra quyết định số 274/2002/QĐ-UB, nội dung hủy bỏ các quyết định số 167, 215 và không có quyết định về giải quyết khiếu nại của các bên liên quan.

Báo Công luận
 Bà Dương Thị Thoa cho biết, vụ việc của gia đình bà đã bị “đưa đi, đẩy lại” rất nhiều lần, khiến gia đình bà rất mệt mỏi

Gia đình ông Chài tiếp tục có đơn khiếu nại quyết định số 274/2002/QĐ-UB, vì vậy, ngày 18/6/2004, UBND huyện Bắc Sơn lại ban hành quyết định số 927/QĐ-UB. Theo quyết định này, UBND huyện Bắc Sơn đã bác đơn khiếu nại của ông Hoàng Doãn Chài “vì không có cơ sở giải quyết” đồng thời công nhận việc quản lý sử dụng đất ao của ông Dương Công Ước, Hoàng Đình Kiêm được ông Hoàng Doãn Ngôn chuyển nhượng “là hợp pháp”. Quyết định này cũng thu hồi 305,5m2 đất để chia thành 3 lô, giao cho các bên làm đất thổ cư. Lúc này, ông Ước được giao 113,5m2; ông Chài 100m2; ông Kiêm 92m2.

Quyết định 927/QĐ-UB giải quyết vụ việc nêu trên sau đó lại bị Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Lạng Sơn “tuýt còi” và kiến nghị lên UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo hủy bỏ. Vì vậy, ngày 25/6/2009, UBND huyện Bắc Sơn lại có quyết định số 855/QĐ-UBND hủy bỏ quyết định 927/QĐ-UB để xem xét, giải quyết lại vụ việc từ đầu.

Đến ngày 21/4/2011, UBND huyện Bắc Sơn mới ban hành quyết định số 696/QĐ-UBND giải quyết đơn của gia đình ông Hoàng Doãn Chài. Nhưng quyết định này cũng nhanh chóng bị thu hồi bởi quyết định số 566/QĐ-UBND ngày 22/5/2013 của UBND huyện Bắc Sơn. Lý do quyết định số 696 bị thu hồi vì sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giao Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm tra, xác minh thì thấy “UBND huyện Bắc Sơn ban hành không đúng thẩm quyền giải quyết; nội dung giải quyết nhầm lẫn giữa đòi lại đất với tranh chấp đất đai; ông Hoàng Doãn Chài tranh chấp với ông Hoàng Đình Kiêm và ông Dương Công Ước là 2 người nhưng chỉ ban hành 1 quyết định giải quyết là không đúng quy định”.

Theo quyết định 566, sau khi thu hồi quyết định 696 thì vụ việc lại được “tiếp tục xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, sau đó sự việc đã chìm vào quên lãng và đến nay UBND huyện Bắc Sơn vẫn chưa giải quyết rốt ráo vụ việc và gia đình ông Hoàng Doãn Chài vẫn tiếp tục khiếu nại lên các cấp cao hơn.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Xuân Toán - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, các khiếu nại phát sinh tại địa phương, thì về nguyên tắc, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ ban hành giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền. Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện thì có quyền gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh để được giải quyết theo quy định của pháp luật về đất đai; quyết định giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh là quyết định giải quyết cuối cùng.

“Như vậy, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cần xem xét thật khách quan, đầy đủ các yếu tố liên quan, sau đó ban hành quyết định giải quyết vụ việc để các bên “tâm phục, khẩu phục”. Trong trường hợp các bên liên quan không đồng ý với quyết định của UBND huyện Bắc Sơn thì có thể làm đơn tới Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn để được giải quyết, tránh để dây dưa ở cấp huyện như thời gian vừa qua”, luật sư Toán nói.

Thế Vũ

Tin khác

Nghệ An: Chính quyền buông lỏng quản lý để vi phạm xây dựng của Công ty Nhật Huy không được ngăn chặn?

Nghệ An: Chính quyền buông lỏng quản lý để vi phạm xây dựng của Công ty Nhật Huy không được ngăn chặn?

(NB&CL) Tuy chưa hoàn thiện thủ tục về giao đất, cấp giấy phép xây dựng nhưng Công ty Cổ phần chế biến gỗ Nhật Huy vẫn ngang nhiên triển khai xây dựng Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhựa kỹ thuật Mega, tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An.

Điều tra
Việt Yên (Bắc Giang): “Dở khóc, dở cười” chuyện hỗ trợ con giống dự án giảm nghèo tại xã Tiên Sơn

Việt Yên (Bắc Giang): “Dở khóc, dở cười” chuyện hỗ trợ con giống dự án giảm nghèo tại xã Tiên Sơn

(NB&CL) Với mục tiêu giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, UBND xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) đã cấp phát con giống cho hộ nghèo theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, trái với mục tiêu ban đầu, việc triển khai đã khiến nhiều hộ dân “dở khóc, dở cười” với những con giống được hỗ trợ.

Điều tra
Điều tra việc cung ứng hơn 20 tấn lạc giống nghi kém chất lượng cho nông dân Quảng Bình

Điều tra việc cung ứng hơn 20 tấn lạc giống nghi kém chất lượng cho nông dân Quảng Bình

(CLO) Gần 20 tấn lạc giống có dấu hiệu giả giống lạc L14 đã cung ứng cho bà con nông dân xã Trường Sơn là loại lạc dùng để ăn, không phải lạc giống nên Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra.

Điều tra
Công ty Việt Hùng gian lận đấu thầu tại xã Yên Lâm (Yên Mô): Công an tỉnh Ninh Bình đang xác minh vụ việc

Công ty Việt Hùng gian lận đấu thầu tại xã Yên Lâm (Yên Mô): Công an tỉnh Ninh Bình đang xác minh vụ việc

(CLO) Thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, vụ việc Công ty TNHH MTV Đầu tư và thương mại Việt Hùng gian lận doanh thu để trúng thầu dự án tại xã Yên Lâm (huyện Yên Mô) đã được lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo và đang trong quá trình xác minh chưa có kết luận vụ việc.

Điều tra
Cử nhân viên thời vụ đi xác minh thông tin đấu thầu, bị khiếu kiện vì ngừng thương thảo hợp đồng với nhà thầu?

Cử nhân viên thời vụ đi xác minh thông tin đấu thầu, bị khiếu kiện vì ngừng thương thảo hợp đồng với nhà thầu?

(CLO) Câu chuyện Ban QLDA Xây dựng Giao thông tỉnh Bắc Ninh ký hợp đồng thời vụ với 1 số cá nhân, mang văn bản đến các đơn vị để xác minh thông tin đầu thầu khiến doanh nghiệp chưa hết bức xúc.

Điều tra