Lao động bị mất việc làm trước Tết Nguyên Đán: Điều không ai muốn!

Thứ sáu, 09/12/2022 08:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Mão (2023), thế nhưng, việc rất nhiều công nhân vừa bị mất việc, giảm giờ làm,... đang trở thành vấn đề rất nóng trong thời gian gần đây.

Lao động bị mất việc làm trước Tết Nguyên Đán: Điều không ai muốn!

Theo báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 11 tháng qua, có hơn 472.000 lao động đang bị ảnh hưởng. Nhiều nhất là công nhân các ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…

Trong đó có hơn 30.000 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và gần 9.500 lao động nữ trong thời kỳ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Thậm chí, tuần qua, trên các phương tin truyền thông đại chúng đã đăng tải câu chuyện gần 1.200 công nhân tại một công ty dệt may TP.HCM đã bị sa thải, khiến ai cũng phải trăn trở, suy nghĩ. Bởi, cuộc sống của công nhân vốn đã rất khó khăn, lại là đối tượng bị ảnh hưởng rất lớn sau 2 năm đại dịch COVID-19. Khi họ mới chỉ đi làm bình thường trở lại, trong chưa đầy một năm, thì nay đối mặt với vấn đề mất việc làm, mất nguồn thu nhập.

lao dong bi mat viec lam truoc tet nguyen dan dieu khong ai muon hinh 1

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may có 2 nhà máy tại Việt Nam, vừa có quyết định tạm ngừng việc làm của 400 lao động chia sẻ: Việc đưa ra quyết định đuổi hàng trăm lao động là điều không ai mong muốn.

Trong hàng nghìn lao động đó, có nhiều người gắn bó với công ty hàng chục năm, kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đây là quyết định bắt buộc.

“Kể từ đầu quý IV/2022, số lượng hàng gia công rất ít, nhỏ giọt, không có đơn hàng mới để sản xuất. Do đó, chúng tôi bắt buộc phải đưa ra quyết định này, nếu không bản thân doanh nghiệp không thể chống đỡ được”, vị này cho biết.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp dệt may này, 400 lao động có quyết định nghỉ việc không phải là con số lớn, nếu nhìn xung quanh, nhất là các công ty dệt may, việc vài nghìn lao động bị cho thôi việc không phải là hiếm.

“Khi đưa ra quyết định này, bản thân người lao động hiểu rất rõ hoàn cảnh, nên họ cũng thông cảm. Tuy nhiên, tôi tin rằng, khó khăn như hiện nay chỉ là tạm thời, và họ chỉ tạm thời nghỉ việc, khi có các đơn hàng trở lại, chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ mời họ quay lại làm việc”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Nguyên nhân do đâu?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giải thích: Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đang suy yếu nhưng chưa tới mức khủng hoảng. Trong đó, lạm phát đã lan sang nhiều quốc gia. Ngay cả các siêu cường kinh tế, như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Lạm phát đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, do đó, người dân tại các quốc gia này đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu các mặt hàng không thiết yếu, như hàng thời trang, quần áo, túi sách, đồ điện tử,... Vì vậy, do nhu cầu tiêu dùng toàn cầu sụt giảm, các đơn đặt hàng, hàng gia công đã giảm rất mạnh.

Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc đều là các đối tác thương mại quan trọng của hàng hóa có nguồn gốc từ Việt Nam. Khi người dân các quốc gia này giảm chi tiêu, rõ ràng, các doanh nghiệp cũng hạn chế sản xuất, từ đó giảm các đơn hàng tới các công ty nhận gia công tại Việt Nam. Đây chính là lý do vì sao, nhiều lao động phải nghỉ việc trước Tết Nguyên Đán”, ông Cường nói.

lao dong bi mat viec lam truoc tet nguyen dan dieu khong ai muon hinh 2

Dù vậy, chuyên gia của ADB cho rằng, vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời, nhưng còn phụ thuộc vào quá trình kinh tế thế giới hồi phục. Chỉ khi đó, các đơn hàng mới tăng trở lại, và người lao động cũng sẽ có thêm lựa chọn trong công việc.

Quá trình phục hồi sẽ tới, nhưng sẽ không đến nhanh. Do đó, một trong những giải pháp cấp thiết hiện nay chính là phải đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống của những người lao động bị mất việc làm”, ông Cường nói.

Trên thực tế, cách đây đúng 1 năm, Việt Nam đã phải đối mặt với áp lực, khi hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn lao động rời khỏi thành phố để trở về quê hương. Số lao động này đã tạo ra áp lực rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm của Việt Nam. Đây chính là một bài học lớn trong việc đảm bảo cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Hiện tại, một số chuyên gia đã đưa ra đề xuất để tạm thời hỗ trợ người lao động mất việc trước Tết Nguyên Đán. Ví dụ như trích Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư hơn 55.7000 tỷ đồng, để giúp doanh nghiệp giữ chân, giữ việc cho người lao động cho tới khi có đơn hàng trở lại.

Hoặc xem xét gia hạn gói hỗ trợ an sinh 26.000 tỷ đồng cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bởi nhiều chính sách trong gói này vẫn phù hợp và có thể triển khai ngay nếu được kéo dài.

Cũng có thể hỗ trợ gián tiếp người lao động thông qua doanh nghiệp bằng cách nới room tín dụng, nới điều kiện cho vay gói hỗ trợ lãi suất 2%, miễn giảm phí công đoàn, giãn đóng bảo hiểm…

Một số giải pháp đã được đưa ra

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tuần qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải nắm bắt tình hình người lao động mất việc làm tại các khu công nghiệp, các ngành, lĩnh vực... để có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả

Thực hiện chỉ đạo này, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tại một số địa phương đã chủ động vào cuộc.

Đơn cử như Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân vai rõ ràng cho các cơ quan để kịp thời rà soát, hỗ trợ trong trường hợp lao động mất việc.

Trong khi đó, Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề nghị các cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn 3.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ duy trì và tạo việc làm trong dự kiến kế hoạch năm sau để thực hiện ngay năm nay, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỷ đồng. Đơn vị này cũng đề nghị các cơ quan tăng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm.

Dù vậy, các giải pháp được đưa ra hiện nay chỉ có tính chất tạm thời, thực tế, rất nhiều ý kiến được đưa ra mong muốn Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chăm lo đời sống của người lao động, thông qua các chính sách an sinh xã hội mạnh tay hơn, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”.

Ðịnh Trần

Bình Luận

Tin khác

Gia Lai: Doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ hoang, hàng trăm hộ nghèo thiếu đất sản xuất

Gia Lai: Doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ hoang, hàng trăm hộ nghèo thiếu đất sản xuất

(CLO) Trong số gần 1.200 ha UBND tỉnh Gia Lai cho Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thuê để trồng cao su, có nhiều diện tích đất bỏ hoang, cây cao su kém phát triển. Doanh nghiệp thì bỏ hoang đất, trong khi hàng trăm hộ dân vùng lân cận thuộc xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) lại không có đất sản xuất.

Thị trường - Doanh nghiệp
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 30% kể từ tháng 6

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 30% kể từ tháng 6

(CLO) Giá trị xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm mạnh gần 30% kể từ cuối tháng 6 do giá chuẩn quốc tế giảm kéo theo giá trị của các loại dầu thô của nước này, Bloomberg ước tính.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá xăng tăng nhẹ, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít

Giá xăng tăng nhẹ, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít

(CLO) Từ 15h chiều nay (19/9), giá xăng trong nước tăng nhẹ không đáng kể. Sau điều chỉnh, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hậu trung thu, quầy bánh ế đồng loạt hạ giá 'sập sàn'

Hậu trung thu, quầy bánh ế đồng loạt hạ giá 'sập sàn'

(CLO) Hậu Trung thu là thời điểm vàng để người tiêu dùng săn lùng bánh trung thu đại hạ giá, nhưng thực tế cho thấy, ngay cả với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá sâu, nhiều quầy hàng di động vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xả thải vượt quy chuẩn từ 10 lần trở lên, doanh nghiệp sản xuất bia tại Bắc Ninh bị phạt 192 triệu đồng

Xả thải vượt quy chuẩn từ 10 lần trở lên, doanh nghiệp sản xuất bia tại Bắc Ninh bị phạt 192 triệu đồng

(CLO) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Thương mại và Sản xuất An Thịnh.

Thị trường - Doanh nghiệp