(NB&CL) - Năm 2015, Hà Nội tiếp tục thực hiện “Năm văn minh đô thị”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy tình trạng xâm chiếm vỉa hè, lòng đường ở Thủ đô làm nơi kinh doanh, trông giữ xe, thậm chí biến nơi đây thành “lãnh địa” để kiếm lời vẫn ngang nhiên diễn ra. Ngang tai trái mắt PV Báo NB&CL đã đi thực tế tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội và nhận thấy hầu như đâu đâu cũng thấy tình trạng chiếm dụng vỉa hè làm nơi bán hàng, để xe máy, ô-tô. Điển hình là tuyến phố được coi là“văn minh đô thị” Hàng Đào- Đồng Xuân, vỉa hè đã không còn chỗ cho người đi bộ, thay vào đó là la liệt hàng hóa, phương tiện. Hay trên phố Nguyễn Hữu Huân, để phục vụ cho quán xôi Yến, vỉa hè được tận dụng triệt để làm nơi bán hàng, xung quanh đó lòng đường cũng nghiễm nhiên được trưng dụng làm nơi đỗ ô tô cho thực khách. Một điểm khác là tuyến phố Lê Đại Hành – Thái Phiên (quận Hai Bà Trưng) cũng hầu như không còn vỉa hè cho người đi bộ khi quán phở, cà phê, quán bia đã bày sát ra tận lòng đường. Tại đây, người ta thản nhiên tự đứng ra trông giữ xe máy, ô-tô mà không hề được phép của cơ quan chức năng nào. Vi phạm “khủng” hơn có lẽ là trường hợp nhà hàng Vedell- Sailing Beer Club tại 27 Lý Thường Kiệt khi tự ý cải tạo, xây dựng lại toàn bộ mặt tiền khách sạn Hòa Bình thành “tổ hợp” nhà hàng ăn uống, bia tươi. Phần mái che của nhà hàng này nhô ra chiếm vỉa hè tới gần 2m nhưng vẫn chẳng thấy ai đến xử lý. Không chỉ “bức tử” vỉa hè làm nơi kinh doanh, tình trạng “ăn cướp” lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ xe cũng ngang nhiên diễn ra. Tại rất nhiều điểm mặc dù đã có biển cấm đỗ nhưng thật trớ trêu người ta vẫn cứ kẻ vạch, cắm biển trông giữ xe! Điển hình là trên các tuyến phố Quán Sứ, Quang Trung, Phủ Doãn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Hữu Huân, Cầu Gỗ, Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Tô Hiến Thành, Lê Đại Hành, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Khâm Thiên, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Nhân Tông, Tràng Thi, Lê Duẩn, Thể Giao, đường Láng... nhiều điểm cả vỉa hè, lòng đường đều bị biến thành bãi trông giữ xe. Điều đáng nói là không chỉ có công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội “xí phần” mà còn thấy một số doanh nghiệp “lạ” cũng tham gia vào thị trường béo bở này như công ty CP 901, công ty Đồng Xuân, công ty TNHH Kê Vàng...
Cấp phép sai, quản lý lỏng lẻo Thực tế trên không chỉ làm nhếch nhác bộ mặt đô thị mà còn gây mất ATGT, khiến người dân hết sức bức xúc.Theo Thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội, kết quả xác minh mới nhất cho thấy, sai phạm bắt nguồn từ chính cơ quan cấp phép. Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép đỗ xe ngay trên các tuyến phố có lòng đường nhỏ hẹp đã trái với quy định tại Thông tư 04 ngày 20/2/2008 của Bộ Xây dựng và điểm d khoản 2 Điều 9 Quyết định số 15 ngày 9/5/2013 của UBND thành phố Hà Nội. Điển hình là các phố: Lê Ngọc Hân, Hàn Thuyên, Đội Cung, Cao Đạt, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Khắc Cần, Thể Giao. Sở GTVT và UBND một số quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa đã cấp phép trái chỉ đạo của UBND thành phố tại các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Hàng Vôi, Nguyễn Chí Thanh, Đinh Tiên Hoàng, Quán Thánh, Khâm Thiên, Phạm Ngọc Thạch. Sở GTVT Hà Nội còn cấp một số giấy phép sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường nhưng chưa phối hợp, thống nhất với UBND quận, chưa có quy hoạch sử dụng tạm hè đường dẫn đến việc một số quận đã đề nghị Sở GTVT phải thu hồi giấy phép trông giữ xe, điểm đỗ tại các tuyến như Nguyễn Sơn (quận Long Biên), đường ven hồ Đền Lừ nối từ phố Nguyễn Đức Cảnh sang Khu đô thị Đền Lừ, điểm đỗ trên phố Kim Đồng; điểm đỗ xe Đông Kim Ngưu, đoạn Lạc Trung - Minh Khai. Theo Thanh tra thành phố nguyên nhân của vấn nạn trên là do việc buông lỏng quản lý. Sau cấp phép của Sở GTVT và UBND các quận không thường xuyên kiểm tra, giám sát, trong khi không cương quyết trong xử lý vi phạm. Thậm chí, theo tìm hiểu của PV, còn có sự bao che, dung túng cho vi phạm. Từ năm 2012 đến 2014, Sở GTVT không tổ chức thanh tra đối với UBND các quận về việc quản lý, khai thác, sử dụng hè phố. Điều đáng nói là những vi phạm là những hình ảnh quá phổ biến trên các tuyến phố ở Hà Nội. Vậy nhưng, rất ít khi thấy lực lượng chức năng đi kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhiều người dân phản ánh thi thoảng lực lượng công an phường có đi kiểm tra, thu giữ một vài xe máy, một vài bàn ghế, biển hiệu rồi sau đó đâu vẫn hoàn đấy. Nhiều người còn nói rõ: Để có thể sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh phải “bôi trơn” cho lực lượng chức năng bởi nếu không sẽ chẳng thể làm ăn nổi! Không chỉ buông lỏng quản lý, việc cấp phép trông giữ xe cũng rất tùy tiện, vi phạm quy định của thành phố. Tại phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) có 3 tuyến mà Sở GTVT cấp phép trông giữ ô tô trên lòng đường gồm Lê Ngọc Hân, Hàng Chuối, Tăng Bạt Hổ do chính là ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội ký. Trong kết luận của Thanh tra thành phố, Sở GTVT còn ký cấp phép trái với chỉ đạo của UBND thành phố tại các tuyến Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Hàng Vôi, Nguyễn Chí Thanh. Phố Quán Thánh, Trấn Vũ nằm trong danh mục các tuyến phố cấm trông giữ xe, tuy nhiên ông Nguyễn Phong Cầm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình vẫn ký cấp phép. Trên phố Khâm Thiên, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt đã cấp phép trông giữ xe cho công ty TNHH Kê Vàng trái với chỉ đạo của thành phố...
Không thể mãi tiếp tục tình trạng “năm cha bảy mẹ” Thực tế cho thấy, đã nhiều năm nay, vỉa hè lòng đường Hà Nội dù được đầu tư cả nghìn tỷ đồng nhưng vẫn cứ xập xệ, nhếch nhác. Được biết, trong 3 năm gần đây, kinh phí đầu tư cho công tác duy tu vỉa hè ở 4 quận nội thành cũ gồm (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng) 890 tỷ đồng. Vì vậy, không thể để tồn tại tình trạng cả nghìn tỷ đồng ngân sách thành phố bỏ ra để phục vụ một số “nhóm lợi ích”. Qua vấn nạn trên, cũng phơi bày một thực tế: Năng lực quản lý, kỷ cương pháp luật trong công tác quản lý vỉa hè, lòng đường ở Hà Nội quá yếu kém. Được biết, trước đây, nhiệm vụ quản lý vỉa hè, lòng đường thuộc về Sở GTVT, sau đó phân cấp cho các quận, rồi đến các phường. Lực lượng chính “bảo vệ” vỉa hè, lòng đường là lực lượng thanh tra giao thông, cảnh sát trật tự, công an phường. Tuy nhiên, trách nhiệm chính thì chẳng thấy quy định cho cơ quan nào dẫn đến tình trạng mỗi nơi quản lý một kiểu, việc chịu trách nhiệm cũng chẳng rõ ràng. Vì thế, theo chúng tôi, đã đến lúc Hà Nội cần giao trách nhiệm trên cho người đứng đầu Công an TP, Sở GTVT, Chủ tịch UBND các quận, huyện. Bên cạnh đó, TP cần khẩn trương khảo sát, quy hoạch các điểm trông giữ xe sau đó tổ chức đấu giá công khai minh bạch. Khi đã cấp phép, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đơn vị nào vi phạm cần phải kiên quyết thu hồi giấy phép. Theo Đại biểu HĐND thành phố Nguyễn Tùng Lâm, chừng nào cơ quan chức năng và doanh nghiệp vi phạm còn có cùng chung lợi ích thì cũng không khó lý giải cho tình trạng “đánh trống bỏ dùi” của các đợt ra quân rầm rộ, tốn kém và nặng về hình thức trong quản lý lòng đường, vỉa hè như hiện nay. Ông Đỗ Hoàng Ân – nguyên Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội - thì thẳng thắn cho biết đã nghe nhiều thông tin về tiêu cực giữa cơ quan chức năng với các đối tượng, doanh nghiệp vi phạm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên việc xử lý những trường hợp móc nối tiêu cực này dường như còn rất ít, chưa được xử lý vụ nào. Hiện, việc xử lý còn hời hợt, chưa đủ mạnh, mức phạt chưa đủ răn đe...
Nhóm PV