Lễ trao Giải nhằm tôn vinh những nhà báo có những tác phẩm xuất sắc trong năm qua với 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí. Trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả.
Đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại buổi lễ.
Tới dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng; đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trần Quốc Vượng ,Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Trương Hoà Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Cùng các đồng chí Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và đoàn thể Trung ương và Thành phố Hà Nội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam; các nhà báo lão thành; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo trong cả nước; các quý vị đại biểu thuộc các tổ chức xã hội trong cả nước; cùng các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải BCQG lần thứ XII và đông đảo các nhà báo và công chúng báo chí.
Phát biểu tại Lễ trao Giải, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc, đóng góp to lớn của đội ngũ những người làm báo cả nước, các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; chúc mừng các nhà báo vinh dự được trao Giải thưởng BCQG lần này.
Lễ trao giải năm nay được đón đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự.
Đồng chí Trương Hòa Bình khẳng định, trong thời kì đổi mới và nhất là những năm gần đây, báo chí tiếp tục đi đầu tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng; các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế - xã hội của Quốc hội và Chính phủ, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, báo chí tiếp tục tuyên truyền sâu đậm việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống; đấu tranh có hiệu quả, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí và tiêu cực trong xã hội.
"Thực hiện chức năng của báo chí cách mạng và nhiệm vụ chính trị được giao, báo chí cả nước đã thông tin nhanh nhạy, kịp thời, toàn diện và sinh động mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và trên thế giới. Báo chí đã làm cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tạo đồng thuận xã hội, chung sức, chung lòng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước." Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo chí đứng trước nhiều cơ hội phát triển thuận lợi, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức mới. Nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra cho báo chí sẽ ngày càng nặng nề hơn. Chính vì thế, đồng chí Trương Hòa Bình đã đặc biệt nhấn mạnh một số nhiệm vụ mà báo chí cần chú trọng trong thời gian tới. Thứ nhất là, báo chí cần tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII) về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm tiếp tục tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng và hành động trong Đảng và toàn xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Thuận Hữu- Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia
Bên cạnh đó, báo chí cần tiếp tục nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Cổ vũ, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, củng cố và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí, điều hành của Quốc hội, Chính phủ; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, mở rộng giao lưu và hợp tác với các nước. Tiếp tục phát huy vai trò và chức năng giám sát, phản biện xã hội tích cực của báo chí.
Cần quán triệt các giải pháp cơ bản đã được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII), trong đó có giải pháp phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc mở rộng dân chủ, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia trực tiếp vào quản lý phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng cho rằng: “Báo chí cần phải là một trong những lực lượng nòng cốt kịp thời phát hiện, đấu tranh phản bác chống âm mưu ''diễn biến hoà bình'', phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc tình hình đất nước ta, các âm mưu, luận điệu của các thế lực thù địch hòng xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Báo chí đã góp phần tích cực trong việc phát hiện phần lớn các vụ việc tham nhũng, lãng phí, phê phán, lên án và đấu tranh mạnh mẽ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội. Các đồng chí cần tiếp tục đi đầu trong công tác này; đồng thời cảnh giác, phòng, chống, ngăn chặn nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ, tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân".
Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí
Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải cho các tác giả đoạt giải A.
Không chỉ vậy, báo chí cũng cần nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn của báo chí, phấn đấu hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kĩ thuật và công nghệ làm báo. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo.
Hoạt động thông tin đối ngoại cần tăng cường và nâng cao hơn nữa chất lượng hơn nữa; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt, báo chí cần làm tốt chức năng định hướng thông tin và dư luận xã hội trong việc tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời bảo đảm môi trường hòa bình ổn định để phát triển. Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên intenet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là cho thanh niên, thiếu niên, như Đại hội XII của Đảng đã đề ra.
“Việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước đối với hoạt động báo chí. Coi trọng, chăm lo công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Đề cao trách nhiệm đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo. Chính phủ đề nghị các cấp các ngành làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại; chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan báo chí; bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng những đóng góp tích cực, cần xử lí dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm trong hoạt động báo chí” - đồng chí Trương Hòa Bình yêu cầu.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao Giải BCQG, thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Thuận Hữu- Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể những người làm báo Việt Nam, các nhà báo lão thành, thân nhân, gia đình các nhà báo liệt sĩ, cùng đông đảo cộng tác viên và anh chị em làm công tác in ấn, phát hành báo chí trong cả nước nhân kỉ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Thuận Hữu khẳng định: Trong thời kì đổi mới, báo chí cách mạng nước ta tiếp tục phát huy những truyền thống đã được khẳng định là: luôn có mặt nơi đầu sóng ngọn gió và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc; sáng tạo, tự đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế; luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, gắn bó máu thịt với nhân dân, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và dân tộc. Với hơn 22 nghìn hội viên nhà báo, đội ngũ người làm báo ngày càng hùng hậu với đầy đủ các loại hình báo chí truyền thống và hiện đại.Chúng ta đang xây dựng một nền báo chí phát triển, ngang tầm báo chí khu vực và thế giới, hướng tới tính chuyên nghiệp ngày càng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu, ủng hộ, sự nghiệp báo chí của chúng ta sẽ ngày càng phát triển, đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trong bối cảnh thách thức gay gắt của mạng xã hội, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các cơ quan báo chí đã đồng hành tuyên truyền kịp thời, thiết thực sự chỉ đạo điều hành của Quốc hội, Chính phủ, việc xây dựng và thực thi Chính phủ Liêm khiết – Kiến tạo – Hành động, xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững, bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giám sát và phản biện nhiều chủ trương, chính sách, v.v...
Báo chí thông tin kịp thời những quyết sách của Đảng và nhà nước, cổ vũ những thành tựu phát triển kinh tế đất nước trong năm 2017, một năm đặc biệt, khi lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mục tiêu đề ra, vượt mọi dự báo, ước tính trước đó và trở thành mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Đồng chí Thuận Hữu đặc biệt nhấn mạnh, năm qua báo chí đã bám sát, phản ánh đầy đủ, kịp thời chuỗi sự kiện Năm APEC - Việt Nam 2017 và nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của Đảng, Nhà nước, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; đưa tin kịp thời và toàn diện về tình hình bão, lũ, thiên tai cực đoan xảy ra trên diện rộng từ Bắc tới Nam, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cùng với thực hiện Luật Báo chí 2016, Hội đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, cùng thực hiện từ 01/01/2017.
“Với bản lĩnh chính trị vững vàng, kĩ năng nghề nghiệp tinh thông, các nhà báo không chỉ đi đầu phát hiện những vấn đề mới, vấn đề nóng, gây bức xúc trong xã hội, mà còn nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo. Cùng với việc phát hiện, biểu dương những gương điển hình tiên tiến, đấu tranh chống những hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ năm 2017, các cơ quan báo chí vẫn luôn đi đầu kiên quyết phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên, làm tốt vai trò cầu nối Đảng với dân, diễn đàn xã hội rộng lớn và tin cậy của nhân dân. Các tác phẩm dự giải đã thể hiện tinh thần dấn thân, đồng hành cùng dân tộc, phản ánh ý chí và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, bao quát các vấn đề xã hội. Nhiều tác phẩm xuất sắc trong số đó sẽ được trao Giải hôm nay” – Đồng chí Thuận Hữu cho biết. |
Cũng theo đồng chí Thuận Hữu, Giải Báo chí quốc gia năm nay tiếp tục được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng, ngày càng chuyên nghiệp. Hơn 1800 tác phẩm được lựa chọn chặt chẽ từ các cấp hội trên cả nước gửi dự Giải, là mức cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, năm nay lần đầu tiên tất cả 63/63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố gửi tác phẩm dự giải, khẳng định uy tín và sức thu hút cao của Giải.
Quy trình tổ chức giải được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, chuyên nghiệp, trách nhiệm và công tâm. Hội đồng sơ khảo đã chấm sớm hơn các năm trước, chọn được 145 tác phẩm tiêu biểu vào chung khảo.
Hội đồng chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm thuộc 11 loại giải dành cho báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử và ảnh báo chí.
Trong đó có 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C và 29 giải khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Số tác phẩm đoạt giải của báo chí địa phương chiếm gần 50%.
“Đây là những tác phẩm tiêu biểu, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, tính phản biện, tính chiến đấu, tính nhân văn, có sức lan tỏa và hiệu ứng xã hội tích cực, được đầu tư bài bản. Thông qua tác phẩm, thấy được công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm, sự dấn thân, lòng yêu nghề và cách thể hiện đầy sáng tạo của các nhà báo. Nhiều công nghệ và phương thức làm báo hiện đại, tiên tiến (như infographic, báo chí dữ liệu,…) được sử dụng có hiệu quả; vị thế, thương hiệu của Giải Báo chí quốc gia vì thế ngày càng được nâng cao” - Đồng chí Thuận Hữu đánh giá.
Có thể nói rằng, Lễ trao Giải đã kết thúc trong niềm hân hoan của những người cầm bút trong ngày vui của nghề báo, đặc biệt là những tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc đã được vinh danh trong mùa Giải BCQG lần này.
Dĩ nhiên, sau ánh hào quang hôm nay, những người cầm bút lại tiếp tục sứ mệnh của mình, dẫu còn đó nhiều thách thức. Nhưng chúng ta tin rằng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy, ủng hộ và với bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tính chuyên nghiệp ngày càng nâng cao những người làm báo sẽ luôn làm tròn trách nhiệm của người thư kí trung thành đáng tin cậy.
Hà Vân - Nguyễn Mạnh
Trong 105 tác phẩm, báo Nhà báo & Công luận đã có 1 tác phẩm đoạt giải C với loạt bài "Xây dựng bồi đắp đạo đức người làm báo Việt Nam nhìn từ một số chi hội" của tác giả Ngọc Lành. Danh sách 8 tác giả đoạt giải A: Giải A- Giải tin, bài, phản ánh, phỏng vấn (Báo in): Loạt 2 bài “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh; tác giả Nguyễn Văn Bắc (Bắc Văn), LCH Báo Nhân Dân. Giải A- Giải Bình luận, Chuyên luận, Xã luận báo chí ( Báo in): Loạt 5 bài “Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”; tác giả Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyễn Minh Phong, Hoàng Gia Minh, Hồ Quang Phương; LCH Báo Quân đội nhân dân. Giải A- Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Bút ký báo chí, Ghi chép (Báo in): Loạt 3 bài: “Đường đi của cát Việt ra nước ngoài”; tác giả Nguyễn Hoài Phong (Vân Trường), Nguyễn Tri Anh (Lê Nam); Báo Tuổi trẻ TP.HCM Giải A- Giải tin, bài, phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, chuyên đề phát thanh tổng hợp (Phát thanh): Tinh giảm bộ máy chính trị- đổi mới trước hết bắt đầu từ cấp trên; tác giả Đồng Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thu Hòa, Nguyễn Thị Hằng; LCH Đài Tiếng nói Việt Nam. Giải A- Giải Phóng sự, Phóng sự Điều tra, Bút ký (Phát thanh): Tích tụ, tập trung ruộng đất- đòi hỏi từ cuộc sống; tác giả: Nguyễn Thị Hương Lan, Nguyễn Phương Chi (LCH Đài Tiếng nói Việt Nam). Giải A- Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm (Báo hình): tác phẩm “Dáng đứng Việt Nam), LCH Đài Truyền hình VN Giải A- Giải phim Tài liệu Truyền hình (Báo hình); tác phẩm: “Nơi ấy có thầy”; tác giả Nông Quốc Phong, Nguyễn Văn Ba, Trịnh Quốc Đông; LCH Đài Truyền hình VN. Giải A- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến (Báo điện tử): “Chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Định hình khuôn khổ hợp tác đa phương đa dạng”; tác giả Nguyễn Hoàng Nhật, Võ Hoàng Long, Đồng Lê Huy; LCH Thông tấn xã VN. |