Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022: Bước “chạy đà” để hướng tới di sản văn hóa thế giới

Thứ năm, 03/11/2022 09:40 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau hai tuần diễn ra sôi động, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 tại tỉnh Hà Nam vừa khép lại. Kỳ Liên hoan này không chỉ để lại ấn tượng bởi những khán đài chật kín khán giả, mà còn cho thấy khát vọng giữ gìn nghệ thuật chèo truyền thống của những thế hệ làm nghề hôm nay.

“Sân chơi” chuyên nghiệp

Là cuộc tụ hội nghề nghiệp ba năm một lần của giới “làm” chèo cả nước, kỳ Liên hoan năm nay quy tụ lực lượng đông đảo gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp. Các đơn vị mang đến Liên hoan 27 vở diễn, tăng 1 vở so với kỳ Liên hoan trước. “Đây là tín hiệu đáng mừng, khẳng định sự hoạt động chuyên nghiệp mạnh mẽ và niềm yêu mến nghệ thuật chèo của nhân dân”, NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhận định.

lien hoan cheo toan quoc nam 2022 buoc chay da de huong toi di san van hoa the gioi hinh 1

Đại diện 6 đơn vị có vở diễn đoạt Huy chương vàng nhận chứng nhận của Liên hoan Chèo toàn quốc 2022. Ảnh: BTC

Là đơn vị chủ nhà, Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật tỉnh Hà Nam tham gia hai vở cùng tác giả Lê Chí Trung và đạo diễn NSND Trịnh Thúy Mùi. Trong đó, vở diễn “Những vì sao không tắt” là câu chuyện đầy xúc động về 10 nữ liệt sĩ pháo phòng không Lam Hạ của quê hương Hà Nam. Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa mang đến vở “Đất liền và biển cả” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSND Hải Thọ). Gắn với hai câu chuyện nơi đất liền và biển cả, vở diễn cũng là sự đan xen của hai không gian khác nhau: Cuộc chiến của những người lính đảo Trường Sa và “cuộc chiến” ở quê nhà, nơi người thân phải vượt qua vất vả, cô đơn bằng niềm tin, sự tự hào về những người lính biển.

“Đất chèo” Thái Bình lại gây ấn tượng với hai vở đều của tác giả Hoàng Luyện, chuyển thể Lê Thế Song là “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm”“Thiên duyên huyền tích”. Nhà hát Chèo Hà Nội đến với Liên hoan hai vở diễn hai sắc màu, một về đề tài lịch sử là “Linh từ Quốc mẫu” (kịch bản Bùi Vũ Minh, đạo diễn NSƯT Hoài Thu) về Hoàng hậu Trần Thị Dung và vở “Tình mẹ” (tác giả Phạm Văn Quý, chuyển thể Lê Thế Song, đạo diễn NSƯT Lê Văn Tuấn) về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Nhà hát Chèo Việt Nam tham gia hai vở đều về đề tài “xưa” “Hồng Hà nữ sĩ”“Cánh diều lạc gió”, giữ phong vị chèo cổ trong từng làn điệu, lời hát. Trong khi đó, Nhà hát Chèo Quân đội với hai vở “Tình sử ngàn năm” và “Mật chỉ giữa Hoàng cung” cũng thu hút đông đảo khán giả…

lien hoan cheo toan quoc nam 2022 buoc chay da de huong toi di san van hoa the gioi hinh 2

BTC trao giải cho các thành phần sáng tạo xuất sắc. Ảnh: BTC

Tổng kết Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao Huy chương Vàng cho 41 cá nhân, Huy chương Bạc cho 66 cá nhân, Huy chương Đồng cho 9 cá nhân. Về vở diễn, có 1 giải Xuất sắc, 6 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng. Vở diễn xuất sắc nhất được trao cho vở “Đất liền và biển cả” của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa. 6 Huy chương Vàng được trao cho các vở: “Linh từ Quốc mẫu” (Nhà hát Chèo Hà Nội); “Vang bóng một thời” (Đoàn Chèo Hải Phòng); “Khóc giữa trời xanh” (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam); “Nguyễn Đình Nghị” (Nhà hát Chèo Hưng Yên); “Mật chỉ giữa hoàng cung” (Nhà hát Chèo Quân đội); “Thiên duyên huyền tích” (Nhà hát Chèo Thái Bình).

Ban Tổ chức cũng trao giải thưởng cho thành phần sáng tạo gồm: Tác giả, nhà viết kịch, TS Nguyễn Đăng Chương với vở “Đất liền và biển cả”; Đạo diễn, NSƯT Hoài Thu vở “Linh từ Quốc mẫu”; nhạc sĩ Vũ Thiềng với vở “Đất liền và biển cả”; Biên đạo múa Ths. Hoài Anh với vở “Vang bóng một thời”.

“Giữ lửa” cho sân khấu Chèo

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, điểm mới ở Liên hoan Chèo năm 2022 là nhiều vở diễn mạnh dạn sáng tạo, thậm chí có vở chấp nhận cả nhạc điện tử, cả nghệ sĩ tổng hợp: Kịch, chèo, cải lương, tuồng, ca múa nhạc, công nhân hậu đài cùng trên sân khấu… làm cho Liên hoan thêm mới mẻ, hấp dẫn.

Về phía các các nghệ sĩ, diễn viên, vượt qua những khó khăn thường nhật, họ đã say sưa, thăng hoa với vai diễn, cống hiến hết mình. Tại Liên hoan, đã xuất hiện nhiều gương mặt nghệ sĩ vừa có năng khiếu bẩm sinh, vừa được đào tạo bài bản chuyên nghiệp; hát đúng nơi, đúng nhịp, đúng tình - cảnh - sự của nhân vật, tạo được sự lôi cuốn đối với khán giả.

lien hoan cheo toan quoc nam 2022 buoc chay da de huong toi di san van hoa the gioi hinh 3

Chương trình nghệ thuật “Hội ngộ làng Chèo” chào mừng Liên hoan.

Ở góc độ chuyên môn, PGS.TS Trần Trí Trắc - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan nhận định, 27 vở diễn là những công trình nghiêm túc, công phu và đậm chất chèo truyền thống, với tính cách tân đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Qua những hình tượng trên sân khấu, khán giả cảm nhận được các diễn viên có tình yêu nghề thật nồng thắm. Họ đã gạt những vấn đề mưu sinh hằng ngày để đến với Liên hoan bằng tất cả sự đam mê của mình. Nhiều tài năng mới xuất hiện, đặc biệt là diễn viên, có khả năng kế cận lớp trước.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Trí Trắc cũng chỉ ra những hạn chế của Liên hoan. Về tác giả, tuy đã xuất hiện một số gương mặt mới nhưng đội ngũ biên kịch chèo chưa đông, chưa mạnh khi ở liên hoan này chỉ có 7 tác giả chính Chèo. Đối với đạo diễn, tuy là có nghề, có kinh nghiệm nhưng không ít trong số họ lặp lại chính mình, làm cũ chính mình trong trang trí, trong ca, trong múa… Đặc biệt, nhiều nhân vật phụ lấn át nhân vật chính, tính kịch át tính trữ tình hoặc trữ tình lấn át tính kịch, tạo cho vở diễn mang phong cách “kịch cắm ca”… Đối với nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên hát phô, hát chênh nhịp, hát sến, quên lời, nói ngọng, rơi đạo cụ trên sân khấu…

“Do đó 14 ngày đêm đã qua, chúng tôi vẫn chưa tìm thấy nhiều tác phẩm có “tích hay, trò lạ”, có hình thức mới mẻ, đột phá, mà phần lớn vẫn là tích cũ, trò cũ, diễn cũ, trang trí, phục trang cũ. Nhiều vở kết cấu lỏng lẻo, thiếu logic, lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu…, hơn nữa, không ít vở chủ đề thiếu tính triết lý nhân sinh, thiếu mới mẻ và phù hợp đương thời”, PGS.TS Trần Trí Trắc đánh giá.

lien hoan cheo toan quoc nam 2022 buoc chay da de huong toi di san van hoa the gioi hinh 4

“Hội ngộ làng Chèo” với sự tham gia của các nghệ sĩ Chèo tên tuổi.

Tuy còn một số hạn chế, nhưng nhiều ý kiến đều thống nhất rằng, kỳ Liên hoan năm 2022 đã thành công tốt đẹp. Sự thành công đó không phải là số lượng huy chương được trao mà trước hết là sự đón nhận của khán giả. Trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ công chúng thờ ơ với nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có sân khấu Chèo, thì trong hai tuần diễn ra Liên hoan, trên khán phòng Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam luôn chật kín khán giả. Có thể nói, khán giả chính là một nhân tố làm nên thành công của kỳ Liên hoan Chèo năm 2022.

Còn theo Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSƯT Trần Ly Ly, các kỳ Liên hoan không chỉ là “cuộc vui” mà luôn có Hội đồng nghệ thuật để bình xét về nghệ thuật, về nội dung tư tưởng. Đây còn dịp để tìm ra những năng lực mới, những tài năng mới; để nhà quản lý nhìn nhận các đoàn từ Trung ương tới địa phương có bước phát triển gì, phát huy được giá trị truyền thống hay không, kế thừa và bảo tồn trong thời đại mới như thế nào…

lien hoan cheo toan quoc nam 2022 buoc chay da de huong toi di san van hoa the gioi hinh 5

Một cảnh trong vở “Những vì sao không tắt” của Trung tâm Văn hóa, nghệ thuật tỉnh Hà Nam.

“Liên hoan lần này, chúng tôi mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật Chèo được tràn vào nhân dân những giá trị cốt lõi. Trong thời đại 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức Liên hoan là một cách để “giữ lửa” những tinh túy văn hóa phi vật thể và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận”.

NSƯT Trần Ly Ly nhấn mạnh, Liên hoan lần này nhằm bảo tồn chèo truyền thống, đồng thời cũng đưa nghệ thuật chèo có tính tiếp biến với xã hội. Đây có thể coi là bước chạy đà để hướng tới mục tiêu đến hết năm 2024 hoàn thành việc xây dựng hồ sơ nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thế Vũ

Bình Luận

Tin khác

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.

Đời sống văn hóa
Lùi Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 sang tháng 12

Lùi Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm năm 2024 sang tháng 12

(CLO) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thống nhất với tỉnh Ninh Thuận điều chỉnh lùi thời gian tổ chức Ngày hội sang tháng 12 năm 2024.

Đời sống văn hóa
Giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Trung

Giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác du lịch Việt - Trung

(CLO) Giao lưu văn hóa “Gió trăng chung một bầu trời, Núi sông nối liền Việt - Trung” góp phần thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Đời sống văn hóa
Hà Nam: Nhiều hoạt động tại Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024

Hà Nam: Nhiều hoạt động tại Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024

(CLO) Tối 18/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), UBND huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương tổ chức Khai mạc Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024, nhân kỷ niệm 724 năm ngày mất của Đức Thánh Trần.

Đời sống văn hóa
Bí ẩn của Nhà thờ Đức Bà Paris sắp được giải mã?

Bí ẩn của Nhà thờ Đức Bà Paris sắp được giải mã?

(CLO) Bí ẩn kéo dài hàng thế kỷ xung quanh vị trí chôn cất Joachim de Bellay, một thi sĩ thời Phục hưng, trong khuôn viên Nhà thờ Đức Bà Paris có thể sắp được giải đáp.

Đời sống văn hóa