Từ ngày 11-15/10/2013 tới đây, “đến hẹn lại lên”, LHP VN 18, với khẩu hiệu "Điện ảnh Việt Nam - Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập", sẽ diễn ra tại Hạ Long, Quảng Ninh. Tuy nhiên, ngay từ trước khi LHP khai cuộc, báo giới lẫn cả giới làm nghề đã không ít lần lên tiếng về cái sự “nói mãi” vẫn thế của một kì LHP mang tầm quốc gia: phim hay thì ít, phim “nhảm” thì nhiều, chất lượng không tương xứng với số lượng.
Nhiều nhưng không “chất”
Sau khi “khóa sổ” ngày 5/9, theo Ban tổ chức LHP, đến nay đã có hơn 70 bộ phim ở các thể loại đăng ký tham dự LHP VN lần này gồm: 20 phim điện ảnh, 22 phim tài liệu, 10 phim khoa học, 15 phim hoạt hình... Được chú ý và trông đợi nhiều nhất, vẫn là thể loại “con cưng”: phim truyện điện ảnh. Với 20 phim tham gia tranh Bông Sen vàng, đây là kỳ LHP có nhiều phim điện ảnh tham gia tranh giải nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách phim truyện tranh giải Bông sen vàng, giới báo chí thấy… hoảng. Bởi, những bộ phim lâu nay vẫn được cánh báo chí cho là “xem được” như Chạm (Đạo diễn (ĐD) Nguyễn Đức Minh), Bay vào cõi mộng (ĐD Nguyễn Phương Điền), Ngọc viễn đông (ĐD Cường Ngô), Mỹ nhân kế (ĐD Nguyễn Quang Dũng) hay một số phim thể loại kinh dị được công chúng yêu thích như: Lời nguyền huyết ngải (ĐD Bùi Thạc Chuyên), Ngôi nhà trong hẻm (ĐD Lê Văn Kiệt)... lại không có tên trong danh sách tranh giải. Trong khi đó, có khá nhiều tác phẩm từng bị xếp vào dạng phim "thảm họa", phim “nhảm” như: Săn đàn ông, Yêu anh! Em dám không?... Giấc mộng giàu sang, Đam mê, Ranh giới trắng đen, Cát nóng, Hello Cô Ba... lại nằm trong danh sách phim tham gia tranh giải tại LHP lần này. Về thực tế oái ăm này, bà Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: "Đây là một sân chơi rất công bằng, cũng chưa có một khuyến cáo hay công bố chính thức nào cho rằng đó là những phim thảm họa mà chỉ là cách gọi của báo chí".
Cảnh trong phim Scandal.
Điều này nghe qua có vẻ nghịch lý nhưng với giới trong nghề, lại phản ánh đúng tâm lý của giới làm phim Việt hiện nay mỗi khi kỳ LHP quốc gia đến kỳ khai cuộc. Với đối tượng “dở vẫn cố mang đi tranh tài”, hỏi thử họ có biết thực lực của mình không. Biết, nhưng vẫn cố, đơn giản, chỉ là mong để quảng bá cho bộ phim, cho thương hiệu hãng phim, nhất là ở dòng phim thị trường khi nhà sản xuất đã có lợi nhuận từ doanh thu phòng vé. Còn với những hãng phim có phim “tử tế”, họ lại phải cân nhắc kỹ lưỡng, liệu có phần nào chắc chắn “ẵm” được giải mới tham dự. Bởi nếu “xôi hỏng bỏng không”, tham gia vừa tốn kém, vừa sẽ bị “quê”, bị mất uy tín. Riêng có một số hãng phim lại tính toán “cao tay” hơn, nghĩa là chấp nhận không tham dự LHP quốc gia để tìm kiếm cơ hội lớn hơn tại một LHP quốc tế. Dẫn chứng là trước đó, phim Cánh đồng bất tận- một tác phẩm điện ảnh được đánh giá rất cao từ các nhà phê bình lẫn khán giả đã không tham dự LHP VN lần thứ 16 vì dự giải ở LHP Pusan (Hàn Quốc) (trong LHP Pusan có quy định tác phẩm tham gia phải chưa tham dự bất kỳ một LHP nào khác).
Lối mòn giám khảo
Không chỉ là chuyện các phim, ngay khi BGK 18 được công bố, báo chí tiếp tục có chuyện để bàn. Hạng mục được quan tâm nhất là Phim truyện điện ảnh sẽ do ĐD Đào Bá Sơn (phim Long Thành cầm giả ca) làm Chủ tịch. Các thành viên của BGK năm nay còn có nhà văn Chu Lai, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc, nhà quay phim Phạm Thanh Hà, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, các ông Hồ Quang Minh, Nguyễn Trung Phan và diễn viên, NSND Lan Hương của Nhà hát Kịch Việt Nam. Theo nhìn nhận của giới báo chí, đây là những gương mặt không mới, nhiều người trong số này đã từng ngồi ghế giám khảo tại các kỳ LHP và rất đáng tiếc là không ai trong số này là nghệ sĩ trẻ. Tại cuộc họp báo đầu tiên về LHP VN 18 vào cuối tháng 8 tại Hà Nội, khi được "chất vấn" về tiêu chí lựa chọn BGK năm nay, bà Ngô Phương Lan cũng đã "tiên liệu" việc chọn giám khảo trẻ cho LHP năm nay không dễ bởi một số gương mặt tài năng và đang sung sức lại không thể tham gia vì có tác phẩm ghi danh dự thi. Đó là chưa kể đến việc người được mời nhưng lại bận rộn với các dự án phim.
Giám khảo được coi là "định hướng" quan trọng đối với việc lựa chọn các giải thưởng của LHP. Hơn thế, chất, lượng của giám khảo là yếu tố quyết định sự thành bại của một LHP. Quá ít những người trẻ với những tư tưởng làm phim trẻ, văn minh, liệu Bông sen vàng lần thứ 18, nhất là ở hạng mục được chờ đón nhất: phim truyện điện ảnh, có gì tươi mới hấp dẫn? Hay vẫn chỉ là những Bông sen vàng vẫn thường được hái như những mùa sen cũ kĩ, chẳng được công chúng lẫn giới báo chí, giới làm nghề đón nhận mặn mà. Chưa kể, nói không đâu xa, ngay kì LHP 17 vừa qua, khi kết quả tại đêm trao giải tạo ra nhiều sự tranh cãi và bức xúc giữa các thành viên BGK cũng như với những người làm nghề (Hot boy nổi loạn - bộ phim vốn không được đánh giá cao và lại thuộc dòng phim giải trí được đăng quang. Thêm vào đó, nhiều giải thưởng tại LHP VN lần thứ 17 bị giới làm phim đánh giá là không phản ánh đúng chất lượng của phim). Quy trình tìm ra một bộ phim thực sự đúng tầm “Bông sen vàng”, e rằng, vẫn vất vả lắm thay.
Nhiều phim tham dự Bông sen vàng là vậy,nhưng đáng chú ý là năm nay Việt Nam không tìm được đại diện nào tham dự Giải Oscar 2013 dành cho hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất”. Đến ngày 4/9 là hạn cuối cùng nhận đơn đăng ký, Cục Điện ảnh chỉ nhận được 1 đăng ký cho phim “Thiên mệnh anh hùng” do Phương Nam Phim, Saiga Film và Thanh Niên Film hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu của điều lệ chọn phim tham dự Giải thưởng Oscar lần thứ 86, bộ phim “Thiên mệnh anh hùng” không đáp ứng được thời gian phát hành.
Thư Trang