(NB&CL) - Sân khấu Hà Nội vẫn âm thầm và lặng lẽ hoạt động bên cạnh sự hối hả tấp nập của các loại hình nghệ thuật khác. 9 vở diễn gồm cả kịch nói, chèo, tuồng và cải lương với 9 đêm diễn tại LH Sân khấu Thủ đô lần thứ nhất từ 26/9 – 5/10 chính là diện mạo của sân khấu Hà Nội hiện nay.
Đạo học của Nhà hát kịch Việt Nam kể về hình tượng nhà giáo Chu Văn An.
“Hâm nóng” và “hưởng ứng”
Liên hoan lần này chủ yếu gồm các vở với đề tài hiện đại, chỉ một vài vở mới gắn với đề tài lịch sử dân gian. Mở màn Liên hoan là vở “Những người con Hà Nội”của ĐD Doãn Hoàng Giang, tác phẩm mới nhất của Nhà hát Kịch Việt Nam. Vở diễn lấy bối cảnh Hà Nội mùa Đông năm 1946, khi Pháp quay trở lại xâm lược với âm mưu chiếm Hà Nội, trong một tuần tất cả những người con Hà Nội từ nhân sĩ, trí thức, người lao động cùng một lòng bảo vệ Thủ đô. Khán giả được hồi tưởng lại tinh thần và ý chí đấu tranh của người dân Hà Nội khi xưa, như NSND Phạm Thị Thành đánh giá: “Trong số các vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô có tới ba tác phẩm tôn vinh tinh thần đấu tranh, bảo vệ Thủ đô của quân và dân Hà Nội. Tôi thấy, đây không chỉ là một sân chơi chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, mà còn là một dịp quý báu để giáo dục tinh thần, ý chí đấu tranh cho những thế hệ sau này”.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là ngoài ý nghĩa ấy, những vở diễn hội ngộ ở Liên hoan có thực sự ấn tượng, tạo nên những giá trị cao về nghề nghiệp hay không? Nhà báo Thúy Hiền - Báo Văn hóa- nhận xét: “Tôi thấy có nhiều vở diễn le lói sự cố gắng tìm tòi. Nhiều vở chứng tỏ sự cố gắng của các nhà hát, có đầu tư kinh phí, thời gian… nhưng có gì mới mẻ và thực sự được đánh giá cao thì chưa… Không có bột- kịch bản xuất sắc nên các đạo diễn cũng khó gột lên hồ. Có một số tác phẩm như: Đường đua trong bóng tối, Nhà có 3 chị em gái… diễn tả tâm lý, gần gũi có thể đến gần người xem hơn một số lịch sử xa vời lý thuyết- không phù hợp, chênh với hơi thở cuộc sống hôm nay. Tuy nhiên, tất cả vẫn là ý tưởng, là cách tiếp cận với cuộc sống… cần có nhiều tìm tòi cách thể hiện hơn”.
Tại Liên hoan, Hội đồng giám khảo gồm các nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình sẽ trực tiếp lựa chọn, thẩm định, chấm điểm và trao giải cho những tác phẩm thực sự đặc sắc và tâm huyết, cùng giải thưởng cho nghệ sĩ, diễn viên trong các vai diễn. Có điều khi theo dõi các vở diễn, thấy rằng các Nhà hát chưa có nhiều tìm tòi, tạo ra những vở diễn chất lượng thực sự cao, xứng với kỳ vọng về một Liên hoan sân khấu của Thủ đô. Đa phần các nhà hát mới ở tình trạng có gì mang đi tham dự. Tư duy, cách dàn dựng không mới khiến trong tất cả các vở diễn tại Liên hoan khiến Liên hoan mới chỉ mang tính hâm nóng sân khấu và hưởng ứng ngày kỷ niệm của Thủ đô…
Cần một phong cách sân khấu hà Nội nổi bật
Khá nhiều nhận xét“Các vở diễn chất lượng không kém”so với mặt bằng chung của sân khấu, thậm chí có những vở được đầu tư kỹ càng về nội dung và số lượng nghệ sĩ tham gia. Nhà hát Chèo Hà Nội tập trung toàn bộ 3 đoàn, gồm 139 nghệ sĩ, diễn viên tham gia liên hoan lần này với vở diễn mới “Cánh chim trắng trong đêm”. Nhưng mới mẻ ở kịch bản, phong cách dàn dựng, cuốn hút khá giả thì rõ ràng là chưa. Điều này phần nào cũng phản ánh thực trạng của sân khấu Hà Nội hôm nay. “Nhiều nhà hát chứng tỏ sự cố gắng lớn nhưng cái tôi chưa sâu. Dù gì thì Liên hoan là một hình thức để sân khấu tạo sinh khí mới”-Nhà báo Thúy Hiền nhận định thêm. Khán giả hay những người trong nghề muốn tìm ra những nghệ sĩ, tác giả, diễn viên có những khám phá, sáng tạo đặc sắc ở cái nôi của sân khấu- những gì gọi là điển hình của sân khấu Thủ đô… Và khi các vở diễn tròn trịa, sạch sẽ, tính an toàn đặt cao (xây dựng kết cấu tác phẩm theo cách truyền thống từ xưa đến nay) thì thật khó tạo ra điều gì đó mới mẻ, lạ lẫm và đặc sắc trong các vở diễn.
Đặt ra vấn đề phong cách sân khấu Hà Nội nổi bật bởi nếu được tổ chức định kỳ, Liên hoan sân khấu Thủ đô là một hoạt động nghề nghiệp lớn, để các đơn vị sân khấu cùng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và so tài. “Liên hoan Sân khấu Thủ đô - Luồng gió mới cho nghệ thuật Thủ đô. Hy vọng liên hoan lần này sẽ giúp sân khấu thủ đô dần lấy lại được vị thế của mình”. Như một bài báo đã đặt ra, song có lẽ Liên hoan lần này sẽ chỉ là gió nhẹ, thoảng qua, có khuấy động nhưng không nhiều đến nghệ sĩ và khán giả Thủ đô. Muốn tạo thành luồng gió mới cần sự bứt phá từ các cá nhân nghệ sĩ: biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhà hát và tổng thể ý đồ của BTC cuộc Liên hoan.
Mỗi cuộc Liên hoan mang tới một ý nghĩa nào đó, bên cạnh việc mở ra cơ hội để các nhà hát vào cuộc đua, để các nghệ sĩ có cơ hội thể hiện tài năng… Sân khấu sẽ vẫn cứ chuyển động chậm nếu liên tục lặp lại. Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất cũng giống như bao cuộc liên hoan vẫn diễn ra ở toàn quốc hay các vùng miền khi các vở diễn tại các Nhà hát vẫn không có đột phá.
Đó là chưa kể đến phương thức hoạt động của các đơn vị sân khấu Hà Nội cũng bộc lộ ở liên hoan này. Bị động trong tìm kiếm khán giả, bị động trong cách thức thu hút khán giả… Làm thế nào khán giả đến với sân khấu của mình, khi không quảng cáo, không bán (được) vé, không tạo dựng cái mới mẻ trong mỗi vở diễn tại nhà hát hoặc mang đi tham dự Liên hoan…
Ở cuộc chơi với nghề như Liên hoan Sân khấu Thủ đô thì vấn đề chất lượng vở diễn, vấn đề tài năng của các nghệ sĩ được đặt ra trước tiên, hy vọng sau sự khởi đầu ở lần đầu tiên này, lần thứ 2 Liên hoan sẽ mang đến nhiều giá trị, phong cách sân khấu Hà Nội sẽ được thể hiện mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn, khác biệt so với các địa phương khác.