Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022: Vẫn thiếu vắng đề tài về Hà Nội đương đại

Thứ năm, 13/10/2022 10:22 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Qua 5 lần tổ chức, dấu ấn Hà Nội trong Liên hoan sân khấu Thủ đô ngày càng rõ rệt hơn. Dẫu vậy, dường như sân khấu chưa theo kịp hơi thở cuộc sống của một thành phố đang từng ngày phát triển, khi đề tài về Hà Nội đương đại vẫn rất thưa vắng...

Một kỳ Liên hoan nhiều sức hút

Sau một tuần diễn ra sôi nổi, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 vừa chính thức khép lại. Năm nay, Liên hoan có sự góp mặt của 13 đơn vị nghệ thuật cùng 13 vở diễn về đề tài Hà Nội. Ngoài các đơn vị nghệ thuật của Hà Nội, kỳ Liên hoan này còn có sự tham gia của các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Thủ đô và các đơn vị xã hội hóa ở cả hai miền Nam, Bắc.

Là sự kiện được tổ chức 2 năm một lần, tiếp nối thành công từ 4 lần tổ chức trước, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V năm 2022 tiếp tục là hoạt động nghề nghiệp có tính sự kiện, quy tụ những tác phẩm đa dạng về thể loại, đề tài, nhiều vở có đề tài lịch sử và cũng có những vở diễn phản ánh xã hội hiện đại.

lien hoan san khau thu do lan thu v nam 2022 van thieu vang de tai ve ha noi duong dai hinh 1

Vở “Mưa đỏ” của Nhà hát kịch Quân đội - một trong số ít vở diễn có đề tài hiện đại tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V. Ảnh: BTC

Theo Ban Tổ chức, sức hút của Liên hoan lần này được khẳng định khi đêm nào khán giả cũng chật kín khán phòng các rạp Đại Nam, Công Nhân, Hồng Hà… Trong một tuần, khán giả Thủ đô trải qua nhiều cảm xúc với những câu chuyện về Hà Nội và gắn với Hà Nội. Không ít khán giả đã rơi nước mắt cùng nghệ sĩ trong vở “Trung trinh liệt nữ” với cuộc hôn nhân mang tính trọng đại vì đất nước, về số phận của công chúa An Tư nhà Trần. Khán giả cũng hiểu thêm về ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất châu Á qua vở “Huyền tích chùa Một Cột”

Đánh giá về kỳ Liên hoan lần thứ V, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận định, Liên hoan lần này đã có nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Đã có những tác phẩm đạt tới sự hoàn hảo tương đối ở tất cả thành phần sáng tạo: Tác giả, đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, âm nhạc, âm thanh, ánh sáng. Liên hoan lần này cũng có kịch bản hay của một vài tác giả đã thành danh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho rằng, bên cạnh những đơn vị có sự chuẩn bị tốt, dàn dựng được những tác phẩm có chất lượng, vẫn có những đơn vị thiếu đầu tư về kinh phí, thời gian… trong quá trình chuẩn bị tác phẩm, do đó mang tới Liên hoan vở diễn sơ sài, đơn giản, thiếu thẩm mỹ về nội dung và hình thức thể hiện, tạo nên cảm giác đơn điệu, nhàm chán.

lien hoan san khau thu do lan thu v nam 2022 van thieu vang de tai ve ha noi duong dai hinh 2

Ban Tổ chức trao Huy chương vàng cho 3 đơn vị có vở diễn xuất sắc. Ảnh: BTC

Bế mạc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho các vở diễn: “Mưa đỏ” (Nhà hát Kịch nói Quân đội); “Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên” (Chi hội biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội); “Trung trinh liệt nữ” (Nhà hát Chèo Hà Nội) cùng 4 Huy chương Bạc cho các vở diễn xuất sắc.

Ban tổ chức cũng đã trao 26 Huy chương Vàng, 33 Huy chương Bạc dành cho các diễn viên xuất sắc và Bằng khen dành cho diễn viên nhỏ tuổi nhất Trần Bảo Khánh trong vở “Hà Nội - thành phố của những ước mơ” (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội).

Giải cho các thành phần sáng tạo gồm: Giải Tác giả xuất sắc (nhà văn Chu Lai); Giải Đạo diễn xuất sắc (NSND Lê Hùng); Giải Biên đạo múa xuất sắc (Thạc sĩ Hoài Anh); Giải Họa sĩ xuất sắc (nghệ sĩ Đặng Minh Tuấn); 4 giải Nhạc công xuất sắc (Võ Thanh Liêm, Bùi Tất Trọng, Phạm Hồng Tiếp, NSƯT Phạm Hữu Vương).

Thách thức suốt 5 kỳ liên hoan

Bên cạnh niềm vui của các nghệ sỹ tham dự Liên hoan lần này, cũng còn không ít sự trăn trở khi sân khấu hiện nay thiếu hụt kịch bản về Hà Nội, đặc biệt là đề tài về Hà Nội đương đại. Trong số 13 vở diễn tham gia Liên hoan, các vở diễn về đề tài lịch sử chiếm số lượng áp đảo và cũng không ít vở diễn không mang chủ đề về Hà Nội.

Một số vở gắn với con người, danh thắng Hà Nội như “Trung trinh liệt nữ”, “Bất tử với Thăng Long”, “Huyền tích Chùa Một Cột”… thì đều là đề tài lịch sử. Số ít vở về đề tài hiện đại như: “Mưa đỏ”, “Án tình” lại có quá ít nội dung gắn với Thủ đô, thậm chí còn cố lồng ghép câu chuyện xảy ra tại Hà Nội, nên nội dung bị khiên cưỡng, gượng ép.

Tại đêm bế mạc Liên hoan, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cũng thẳng thắn đánh giá rằng, đây đã là Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ năm nhưng sự thiếu hụt vở diễn về Hà Nội vẫn chưa được khắc phục. “Các kỳ liên hoan trước, vở diễn tập trung vào chủ đề về mảnh đất con người Hà Nội cũng ít và cho đến giờ này vẫn ít chứ không phải là ít hơn thời trước”, ông Chương nhận định.

Sự thiếu vắng những kịch bản phản ánh chân thực, sinh động về người Hà Nội thời hiện đại tại Liên hoan lần này khiến ông Nguyễn Đăng Chương đặt câu hỏi: “Phải chăng các tác giả đang bế tắc, chưa lý giải được mâu thuẫn, xung đột của đời sống hiện đại để xây dựng nên những câu chuyện kịch, những nhân vật điển hình, lấp lánh, toát lên vẻ đẹp lịch lãm của người Hà Nội…?”.

Chia sẻ quanh câu chuyện này, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, khoảng 5-7 năm trở lại đây, Nhà hát rất khó khăn trong tìm kiếm kịch bản về Hà Nội đương đại. Để đáp ứng yêu cầu về kịch bản, đơn vị phải tự xoay xở tìm ý tưởng, tìm đặt hàng và động viên nội bộ của đơn vị viết, nhưng vẫn rất khó tìm được đề tài, kịch bản hay.

“Mỗi năm, Nhà hát đầu tư dựng từ 3-5 vở, trong đó, dựng vở về Hà Nội là ưu tiên hàng đầu. Có kịch bản tìm được nhưng chưa hay, chưa đạt tiêu chí để chọn dựng”, NSND Trung Hiếu nói.

lien hoan san khau thu do lan thu v nam 2022 van thieu vang de tai ve ha noi duong dai hinh 3

Một cảnh trong vở cải lương lịch sử “Đêm trước ngày hoàng đạo” của Sân khấu Đại Việt, TPHCM. Ảnh: SGGP

Theo NSND Trung Hiếu, ngay từ khâu đào tạo biên kịch cho sân khấu của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng gặp khó khăn vì không có thí sinh đăng ký học, vì vậy mà số lượng tác giả viết cho sân khấu ngày càng khan hiếm, viết về Hà Nội càng khó hơn. Từ đó, NSND Trung Hiếu cho rằng, vấn đề thiếu kịch bản, nhất là kịch bản sân khấu về đề tài Hà Nội hiện đại, cần có những cuộc bàn thảo, tìm ra nguyên nhân và giải quyết cho được “điểm nghẽn” này.

Mặc dù cho rằng tại Liên hoan lần này có nhiều vở diễn giàu chất lịch sử, văn hóa về Hà Nội, nhưng NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng lưu ý, để thu hút các đơn vị sân khấu trên cả nước dàn dựng các tác phẩm về Hà Nội thì cần có sự đầu tư thêm. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có thể tham gia hỗ trợ Hà Nội về mặt chuyên môn, thu lượm các các kịch bản về đề tài Hà Nội. Sau đó, Hà Nội hỗ trợ các đơn vị dàn dựng, có kế hoạch đầu tư cho các vở diễn về đề tài Thủ đô.

Còn Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho rằng, qua việc tổ chức Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần này, cơ quan quản lý có cơ hội nắm bắt được thực lực của sân khấu Thủ đô, kịp thời đưa ra những giải pháp đầu tư trọng điểm để khắc phục tình trạng thiếu kịch bản, thiếu tác phẩm nghệ thuật khai thác về đề tài Hà Nội, khơi thông cho những khó khăn của các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội…

Với cương vị Chủ tịch Hội đồng giám khảo, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương cho biết, sau khi Liên hoan lần thứ V tổng kết nghệ thuật, Ban Tổ chức sẽ có đánh giá những gì còn tồn tại để đề xuất ra những giải pháp cho Liên hoan lần thứ VI “thực sự là liên hoan có những vở diễn, có những hình tượng nhân vật mà có sự tác động mạnh mẽ vào đời sống xã hội, tác động mạnh mẽ về nhận thức và tư duy và thậm chí là kể cả thay đổi được sự ứng xử, hành động của khán giả”.

Làm sao để có thêm nhiều tác phẩm sân khấu hấp dẫn, phản ánh được hơi thở cuộc sống của Hà Nội hôm nay, đó là nỗi trăn trở của những người làm nghệ thuật Thủ đô, đồng thời cũng là đòi hỏi của khán giả. Hy vọng rằng, ở những kỳ liên hoan sau, khán giả sẽ được thưởng thức nhiều hơn những câu chuyện về Hà Nội đương đại.

T.Toàn

Tin khác

Vinh danh 18 tập thể, cá nhân tại Giải thưởng Đào Tấn 2024

Vinh danh 18 tập thể, cá nhân tại Giải thưởng Đào Tấn 2024

(CLO) Tối 22/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Đào Tấn 2024, tôn vinh 18 tập thể và cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Đời sống văn hóa
Vụ MC bị chê 'kém duyên' ở liveshow Tuấn Hưng-Duy Mạnh: Không phải là nhân sự đang làm việc tại Đài truyền hình

Vụ MC bị chê 'kém duyên' ở liveshow Tuấn Hưng-Duy Mạnh: Không phải là nhân sự đang làm việc tại Đài truyền hình

(CLO) Đài PTTH Hà Nội khẳng định, người dẫn chương trình liveshow “Anh em kết đoàn” của hai nghệ sĩ Tuấn Hưng và Duy Mạnh tối 21/9 tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) không phải là nhân sự đang làm việc tại Đài.

Đời sống văn hóa
Trộm tượng thần ở đền để sơn sửa lại cho mới

Trộm tượng thần ở đền để sơn sửa lại cho mới

(CLO) Các nhân viên tại ngôi đền ở Đài Loan tỏ ra sửng sốt khi phát hiện bức tượng thờ cúng thần Guiguzi đã bị thay thế bằng tượng một vị học giả. Sau 1 ngày, bức tượng bị mất đã quay trở lại với diện mạo được "tân trang" hoàn toàn mới...

Đời sống văn hóa
Trình diễn vở cải lương 'Mặt trời đêm thế kỷ' ủng hộ đồng bào bị bão lũ

Trình diễn vở cải lương 'Mặt trời đêm thế kỷ' ủng hộ đồng bào bị bão lũ

(CLO) Nhà hát Cải lương Việt Nam trình diễn vở cải lương “Mặt trời đêm thế kỷ” để quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão Yagi.

Đời sống văn hóa
Không gian chụp hình độc đáo tại Festival Thu Hà Nội

Không gian chụp hình độc đáo tại Festival Thu Hà Nội

(CLO) Ngoài những gian trưng bày ẩm thực nổi tiếng vùng miền, tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) còn bày trí nhiều điểm check-in lý tưởng dành cho các tín đồ mê nghệ thuật khi tới tham quan, trải nghiệm các hoạt động tại Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024.

Đời sống văn hóa