Bạo hành trẻ là do suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, có tới 4 vụ bạo hành trẻ em gây rúng động dư luận. Sau vụ bảo mẫu ở Hà Nam tung đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi chưa làm dư luận nguôi giận dữ, tại Kiên Giang lại xảy ra trường hợp một bé gái bị người thân dùng thanh sắt nóng ấn vào mặt và tay.
Vài ngày sau đó, tại TP.HCM, dư luận bàng hoàng khi xem clip ghi cảnh các bé ở lớp mầm non tư thục Mầm Xanh bị bảo mẫu dùng nhiều vật dụng, thậm chí cả dao, đánh vào người. Mới đây, một cậu bé 6 tuổi ở quận Tân Phú bị kẻ có tiền sử tâm thần làm bảo vệ dân phố sát hại. Và hôm qua, người dân phát hiện thi thể của bé gái 20 ngày tuổi ở Thanh Hóa sau 2 ngày bị bắt cóc.
Chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy cái ác hiện diện một cách rõ ràng như vậy. Rõ đến độ không dám tin đó là sự thật.
Một số hình ảnh trẻ em bị bạo hành.
Và đây chỉ là những vụ việc được đưa ra công luận trong vô vàn vụ trẻ bị bạo hành trong cộng đồng chưa bị lên án. Bởi theo khảo sát của Tổng cục Thống kê với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), có gần 80% số trẻ em Việt Nam từ 2 - 14 tuổi bị cha mẹ hoặc người chăm sóc hay những người khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực. Còn số liệu từ Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho thấy, mỗi năm trung bình có từ 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện.
Theo ông Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ là do suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn. Điều này, cũng bắt nguồn từ việc các thiết chế trong xã hội, nhất là luật pháp của chúng ta không được thực thi một cách nghiêm túc. Thêm vào đó, trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lớn còn kém, nhiều người làm cha mẹ, kể cả những nhà giáo dục không hiểu biết về quyền của trẻ em.
Các cơ quan bảo vệ trẻ em đang ở đâu?
Trong các vụ bạo hành trẻ ở trường mầm non thì vụ 40 trẻ ở cơ sở Mầm Xanh vừa bị phát hiện được đánh giá là rất nghiêm trọng. Hiện cơ sở này đã đóng cửa, chủ cơ sở có thể bị phạt tù. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, khung hình phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe. “Cần có những biện pháp quyết liệt và nghiêm khắc thì tình trạng này mới có thể chấm dứt. Bên cạnh xử phạt nghiêm minh, đúng người, đúng tội, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục thực thi quyền trẻ em” - luật sư Nguyễn Thủy - Văn phòng Luật sư Nguyễn Thủy (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhấn mạnh.
Riêng nạn bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non, đặc biệt là các nhóm mầm non tư thục ngày càng đáng báo động. Nếu chỉ trông chờ vào sự kiểm soát của ngành giáo dục thì chưa đủ. Trách nhiệm quản lý các trường mầm non tư thục còn nằm ở chính quyền địa phương. Vị hiệu trường này cũng cho rằng, hiện nay, trường mầm non tư thục hay nhóm trẻ gia đình mọc lên như nấm, song việc kiểm soát, kiểm định chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, việc giám sát, quản lý các trường học, cơ sở mầm non cần phát huy được tinh thần trách nhiệm của toàn dân. Phụ huynh, giáo viên và cả những người dân xung quanh trường nếu phát hiện sai phạm, cần kịp thời thông báo với cơ quan chức năng để vi phạm được xử lý.
Hầu như năm nào, Hội Liên hiệp phụ nữ, ngành LĐTB&XH, Y tế, Giáo dục cùng các tổ chức quốc tế cũng họp bàn tìm giải pháp hạn chế bạo lực đối với trẻ em, nhưng dường như, những ý kiến chỉ đạo, những văn bản pháp lý chưa đi vào đời sống khiến tình trạng bạo lực chưa có hồi kết.
Rất nhiều trẻ em bị bạo hành.
Nhóm trẻ tư thục và nhóm trẻ gia đình mọc lên quá nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của người dân, nhưng cơ quan quản lý khó kiểm soát. Điều này cho thấy, việc chăm sóc trẻ tuổi mầm non chưa thật chu đáo, cần xem xét lại chiến lược giáo dục và chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, một vấn đề bất cập mà ngành giáo dục cần phải nhìn nhận đúng bản chất để cải tiến kịp thời, đó là cách thức đào tạo sinh viên sư phạm mầm non quá nặng về lý thuyết, khả năng thực hành, xử lý tình huống, dạy và chăm sóc trẻ lại kém.
Vụ trẻ bị bạo hành tai trường Mầm xanh
Một con số đau lòng, mỗi năm, có hàng nghìn vụ trẻ em bị bạo hành, hàng trăm trẻ em bị thương tích và tử vong bởi nạn bạo hành của người lớn. Công tác quản lý đã được phân cấp từ T.Ư đến địa phương, cấp nào cũng có cơ quan phụ trách phụ nữ và trẻ em. Nhưng đến nay, trẻ đã thực sự được bảo vệ theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn gần 30 năm nay hay chưa? Vào tháng 4/2016, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Trẻ em với 7 chương, 106 điều, quy định đầy đủ tất cả quyền của trẻ em và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức. Ngay sau đó, các cơ quan từ Bộ LĐTB&XH, VHTT&DL, Tư pháp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đến Hội LHPN Việt Nam cùng các địa phương đã nhiều lần ngồi lại với nhau.
Những bản tham luận chỉ rõ nguyên nhân và thực trạng của nạn bạo hành trẻ em, 6 giải pháp đã được xướng lên, nhưng dường như, vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm. Mới đây nhất, tại Diễn đàn trẻ em quốc gia 2017 tổ chức liên tiếp 3 ngày tại Hà Nội, 23 thông điệp của trẻ em về chấm dứt nạn bạo hành tiếp tục được đưa ra. Nhưng liệu những giải pháp, những thông điệp ấy có xuống đến từng khu dân cư, tổ dân phố, có len lỏi vào trong từng suy nghĩ, hành vi của những người giơ tay đòn roi với con trẻ, có “thấm” vào ý thức mỗi người dân để hiểu hơn về quyền của trẻ em? Đến bao giờ, những nỗi đau câm nín của con trẻ trước sự tàn độc của người lớn mới chấm dứt? Câu hỏi này không chỉ dành cho các cơ quan chức năng mà chính mỗi người dân trong cộng đồng.❏
PV/t.h