Livestream 100 tỷ: Quản lý thế nào để chống thất thu thuế?

Thứ năm, 06/06/2024 16:21 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam đang bước vào chu kỳ phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia ngày càng đông đảo của các nhãn hàng lớn. Chính vì thế, vấn đề hàng giả trong thương mại điện tử, livestream bán hàng làm “nóng” phiên chất vấn của Quốc hội chiều 4/6 với Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ông Diên cũng cho biết: Việc quản lý hoạt động livestream bán hàng trên thương mại điện tử rất khó khăn, không chỉ trách nhiệm của ngành công thương mà rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính.

Doanh thu lớn từ các phiên livestream

Thời đại 4.0 công nghệ bùng nổ, nhà nhà người người livestream bán hàng online. Những danh xưng “chiến thần livestream”, “nữ hoàng chốt đơn”… cũng từ đó ra đời. Có những phiên livestream thu được doanh thu hàng tỷ đồng, nên việc các cửa hàng, nhãn hàng thuê các nghệ sĩ, hotgirl, hot Facebooker, hot TikToker… để livestream ngày càng nở rộ.

Tại các sự kiện thương mại lớn từ đầu năm 2024 đến nay, livestream bán hàng cũng được áp dụng và thu được kết quả khả quan. Ví dụ như chương trình livestream bán hàng của chợ Bến Thành đạt doanh thu 4 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày. Chương trình livestream bán hàng của sự kiện Xuân nghĩa tình đạt doanh thu 1,6 tỷ đồng chỉ trong 3 ngày. Hay cuối tháng 1/2024, Ngày hội mua sắm Tết TP.HCM - chợ Thủ Đức trực tuyến chốt được 17.000 đơn qua bán hàng livestream…

Năm 2023, trung bình người Việt dành đến 13 tiếng mỗi tuần để mua sắm qua các phiên livestream. Con số này cho thấy phương thức livestream đang dần trở nên quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Hình thức bán hàng livestream được ưa chuộng nhờ mức độ dễ dàng tương tác với khách hàng. Người xem có thể biết thêm thông tin về chất liệu, tính năng, cũng như quan sát chi tiết về sản phẩm.

livestream 100 ty quan ly the nao de chong that thu thue hinh 1

Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2024, bà Lê Minh Trang - bộ phận nghiên cứu bán lẻ NielsenIQ cho biết, qua khảo sát của NielsenIQ Việt Nam, 64% người xem livestream được thúc đẩy mua hàng ngẫu hứng nhiều hơn bình thường, 78% khách hàng biết đến sản phẩm khi xem các buổi livestream bán hàng.

Thông tin từ AccessTrade Việt Nam cũng cho thấy, 3 nền tảng livestream bán hàng phổ biến nhất tại Việt Nam là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Bình quân mỗi tháng đang có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream, với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng.

Theo báo cáo “Những xu hướng mới của người tiêu dùng Việt”, do Cốc Cốc phát hành, có 77% người từng xem livestream bán hàng, 71% trong số đó đã mua hàng trong livestream. 67% người được hỏi thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981 - 1996) và 51% thuộc thế hệ Gen Z (1997 - 2012) cho biết, đã từng xem và mua hàng qua livestream. Đây cũng là lực lượng chính của xu hướng mua sắm này.

Cảnh báo hàng giả tràn lan trên livestream

Thời gian gần đây, một số kho hàng giả, hàng nhập lậu đã bị lực lượng chức năng triệt phá khi đang livestream bán hàng. Chẳng hạn như ngày 18/1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã phát hiện một doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn TP. Tân An tổ chức hoạt động livestream bán hàng sản phẩm mỹ phẩm trên TikTok shop có dấu hiệu vi phạm. Tiến hành kiểm tra, lực lượng phát hiện công ty này đang kinh doanh 1.280 sản phẩm có thực hiện công bố sản phẩm mỹ phẩm gồm kem body, serum, kem face, chống nắng các loại, tất cả hàng hóa được sản xuất trong nước, vi phạm về nhãn hàng hóa. Tổng giá trị giá hàng hóa vi phạm là hơn 350 triệu đồng.

Trước đó, cuối tháng 12/2023, lực lượng chức năng Hà Nội đã kiểm tra kho hàng của hotgirl Nguyễn Hoàng Mai Ly tại khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

livestream 100 ty quan ly the nao de chong that thu thue hinh 2

Nhìn nhận về các mặt hàng được công khai bày bán trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hay các phiên livestream, ông Nguyễn Hữu Tuấn - đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, các mặt hàng bị làm giả, làm nhái trên thương mại điện tử rất đa dạng và khó phát hiện, do hình ảnh và thông tin sản phẩm cung cấp trên các trang bán hàng là thật. Người bán hàng lại thường không có kho hàng, chỉ bán online, làm cộng tác viên trung gian... nên lực lượng chức năng khó kiểm tra, xử lý.

Nguy hiểm hơn khi các loại mặt hàng trên livestream được bán là các loại dược phẩm, thực phẩm chức năng. Trên mạng xã hội TikTok ghi nhận hàng trăm livestream bán thuốc, thực phẩm chức năng với đủ hình thức để tiếp cận người tiêu dùng, khiến người dùng dễ dàng tin vào các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo qua lời của những người mặc áo blouse trắng giống dược sĩ hay những người nổi tiếng, mà mua phải những loại dược phẩm, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không được kiểm định bởi Bộ Y tế.

Trước sự kinh doanh tràn lan này, vừa qua Bộ Y tế đã đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, trong đó quy định các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược được phép kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử (thông qua website, ứng dụng bán hàng cài đặt trên thiết bị điện tử của cơ sở; sàn giao dịch điện tử được cấp phép của ngành công thương), nhưng không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến.

Từ những sự việc trên, có thể thấy rằng, vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tràn lan trên thị trường, nhất là trên các video livestream đang ngày càng khó kiểm soát. Chưa kể, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... bị giả mạo, không đảm bảo chất lượng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng khi sử dụng. Việc ai cũng có thể bán hàng online thông qua mạng xã hội không chỉ tồn tại những lỗ hổng trong kinh doanh mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, gây nhiều hệ lụy về vật chất, tinh thần cho người tiêu dùng.

Chống thất thu thuế

Theo các quy định pháp luật về thuế của Nhà nước, Bộ, ngành, các cá nhân kinh doanh online hay truyền thống đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế khác.

Hiện nay đã có nhiều quy định nhằm chống thất thu thuế đối với hoạt động bán hàng online trên các trang mạng xã hội cũng như trên các sàn thương mại điện tử, đơn cử như Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế nêu rõ các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế, dù có nhiều cơ sở kinh doanh online hàng giả, hàng nhái bị triệt phá, tuy nhiên trên thực tế chỉ như muối bỏ biển. Việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn, khi có hàng trăm nghìn cá nhân, hộ gia đình… đang kinh doanh online. 

Còn nhớ giữa tháng 6/2023, qua công tác trinh sát nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Đà Nẵng đã phát hiện 6 cơ sở tham gia hoạt động thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ sở này có doanh thu bán hàng online hơn 223 tỷ đồng nhưng không khai báo và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam năm vừa qua chứng kiến tốc độ tăng trưởng khoảng 20% và đạt 16,4 tỷ USD, chi tiêu mỗi người dân ở mức 300 USD/năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh nên khó tránh khỏi phát sinh những vấn đề như: hàng giả, hàng nhái và thất thu thuế.

Còn theo Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay là việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, đặc biệt khi họ không đăng ký kinh doanh, không có cơ sở kinh doanh cố định.

Hiện có quy định yêu cầu ngân hàng thương mại và các tổ chức thực hiện trung gian thanh toán có nghĩa vụ khấu trừ và nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mà không có cơ sở thường trú và không chủ động thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định này đã đặt ra một số vấn đề chưa rõ ràng, khiến ngân hàng thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bối rối.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với sự đa dạng về phương thức, việc kiểm soát hoạt động thanh toán thương mại điện tử là vô cùng khó khăn. Thêm vào đó, ngay cả khi xác định có luồng tiền từ một chủ thể này sang một chủ thể khác cũng chưa thể khẳng định đó là hoạt động thanh toán cho giao dịch thương mại điện tử, bởi lẽ có hàng trăm lý do để các chủ thể chuyển tiền cho nhau. Ngoài ra, nếu chủ thể kinh doanh thương mại điện tử cố tình gian lận thuế và sử dụng phương thức thanh toán trả tiền mặt khi giao hàng (COD), thì việc kiểm soát luồng tiền để xác định giao dịch thương mại điện tử càng trở nên khó khăn.

Xu hướng livestream bán hàng hay kinh doanh online ngày càng bùng nổ và đây là nguồn thu bổ sung sẽ ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước khi nhiều nguồn thu từ doanh nghiệp, xuất nhập khẩu bị giảm do kinh tế khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để hàng giả, hàng nhái, hàng lậu trà trộn.

Để chống thất thu thuế, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng. Cơ quan thuế cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát, thúc đẩy thu thuế kinh doanh online. Có hình thức tuyên truyền như biểu dương các cá nhân nộp thuế cao như công bố danh sách với doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất hằng năm, đồng thời nêu tên các cá nhân không kê khai nộp thuế để răn đe. Cần công bố luôn danh tính các cá nhân nổi tiếng, KOL hoặc các cá nhân bị xử phạt truy thu và có những hình thức xử phạt nghiêm minh. Thực hiện song song các hoạt động đó thường xuyên sẽ mang tính tuyên truyền, răn đe cao hơn để ngăn ngừa các hành vi lách, trốn thuế.

Khánh An

Bình Luận

Tin khác

Báo chí Cách mạng và giá trị cốt lõi trên không gian số

Báo chí Cách mạng và giá trị cốt lõi trên không gian số

(CLO) Không giống nhiều nền báo chí khác, báo chí Việt Nam - ngay từ những bước đi đầu tiên, đã được định danh là “Báo chí Cách mạng”, với sứ mệnh “phụng sự Nhân dân”. Hiếm có nền báo chí nào có một xuất phát điểm gắn chặt với xuất phát điểm của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của một đất nước như thế. Hiếm có một nền báo chí nào ra đời và gắn bó sâu sắc, được vị lãnh tụ vĩ đại, một Danh nhân văn hóa thế giới luôn chăm chút, chỉ đường như thế.

Góc nhìn
Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng

Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng

(NB&CL) Đó là khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng cho sự ra đời của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, vì Đảng, vì Nhân dân - đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí. Và đó, cũng là tính Đảng của Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Góc nhìn
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: Minh bạch, chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin tới báo chí

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội: Minh bạch, chủ động phát ngôn và cung cấp thông tin tới báo chí

(NB&CL) Theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội, thời gian qua, quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước Thành phố Hà Nội đã được triển khai hiệu quả, đi vào nề nếp, góp phần thực hiện minh bạch hóa thông tin của các cơ quan và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý Nhà nước.

Góc nhìn
Gia tăng tai nạn đuối nước: Chung tay để vơi đi những ám ảnh, xót xa…

Gia tăng tai nạn đuối nước: Chung tay để vơi đi những ám ảnh, xót xa…

(NB&CL) Gần 2.000 trẻ em thiệt mạng mỗi năm, cá biệt tại một số địa phương có thời điểm điểm một tuần có tới 7 học sinh chết đuối… Đó là những con số hết sức ám ảnh. Đau xót hơn nữa là thực trạng đuối nước ở trẻ em tái diễn từ năm nay đến năm khác. Đã đến lúc toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn thực trạng này, trong đó, việc tuyên truyền một cách quy mô, bài bản và trang bị các kỹ năng về phòng chống đuối nước, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ là giải pháp quan trọng.

Góc nhìn
Nâng niu búp măng non

Nâng niu búp măng non

(CLO) Có câu ngạn ngữ rằng, trong tất cả những món quà tự nhiên dành cho loài người, còn gì ngọt ngào hơn con trẻ. Lại cũng có câu hát rằng “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Bởi những giá trị thiêng liêng ấy, như lời Hồ Chủ tịch năm xưa, "trẻ em như búp trên cành”, lúc nào cũng nên được nâng niu, chăm sóc, giáo dục bằng tất cả những thương yêu.

Góc nhìn