Hệ thống đường sắt nước ta lạc hậu, vận hành với hiệu quả kém nhưng việc cải tổ, phát triển vẫn loay hoay. Ảnh: MP
Theo ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, trong nhiều năm qua, ngành đường sắt đã duy trì tổ chức chạy tàu khách trên các tuyến đường Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Quán Triều, Yên Viên-Hạ Long... Đây là những tuyến có doanh thu thấp, mật độ hành khách đi lại không cao nhưng vẫn phải chạy tàu.
“Công ty đã có nhiều giải pháp để thu hút hành khách và nâng cao hiệu quả kinh doanh trên các tuyến nhưng kết quả mang lại không nhiều, doanh thu không đủ trả các khoản mục chu phí nên từ năm 2017 đã phải dần cắt giảm một số đoàn tàu kém hiệu quả trên các tuyến nêu trên,” ông Hiệp nhìn nhận.
Về tình trạng thu không đủ chi, theo báo cáo của Công ty, năm 2017 trên 3 tuyến tàu khách gồm HĐĐ5/6 (Hà Nội-Đồng Đăng) có chênh lệch thu chi âm tới gần 8 tỷ đồng; H1901-1902 (Hà Nội-Quán Triều) âm 5,7 tỷ đồng; H51501-51502 (Yên Viên-Hạ Long) âm gần 7,5 tỷ đồng.
Hiện, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, VNR trước mắt cho phép các tàu khách chạy trên các tuyến Hà Nội-Đồng Đăng, Hà Nội-Quán Triều-Yên Viên-Hạ Long được áp dụng hỗ trợ giá thực hiện nhiệm vụ vận tải an sinh xã hội để Công ty phục hồi lại chạy tàu khách trên các tuyến trên phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong sáu tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần đường sắt Hà Nội cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh có 3 tuyến đường sắt chạy qua phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để giúp đỡ đơn vị hoàn thiện thủ tục về chạy tàu an sinh xã hội.
Công ty đường sắt Hà Nội cũng đưa ra bảng dự kiến doanh thu, chi phí cho sáu tháng cuối năm (368 đoàn tàu cho mỗi tuyến) với số tiền có thể lên tới âm 12 tỷ đồng./.
Theo TTXVN