(CLO) Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và một số nội dung khác đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).
[caption id="attachment_123265" align="aligncenter" width="660"]

Vinafood 2 - Tổng công ty thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong nhữngdoanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả và gặp khá nhiều bê bối thời gian qua.[/caption]
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính đối với Tổng công ty Lương thực miền Nam, hoàn thành trước ngày 1/12/2016.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Vinafood 2 khẩn trương thoái vốn nhà nước ở các đơn vị mà Tổng công ty đã góp vốn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sớm trình Thủ tướng Chính phủ phương án cổ phần hóa Công ty mẹ.
Báo cáo kiểm toán năm 2015 của Vinafood 2 ghi nhận doanh thu đạt 22.750 tỷ đồng, giảm so với mức hơn 26.300 tỷ của năm 2014. Sau khi giảm lỗ luỹ kế về 948 tỷ đồng cuối năm 2014, số lỗ này lại lên hơn 1.063 tỷ đồng một năm sau đó, gấp gần 4 lần so với năm 2013. Tổng số nợ phải thu đến cuối 2015 là hơn 2.337 tỷ đồng, trong đó có 653 tỷ đồng nợ khó đòi.
Cuối năm 2015, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt những thiếu sót, vi phạm quy định của doanh nghiệp này trong hoạt động kinh doanh. Cụ thể, việc cho vay và bảo lãnh cho vay vượt thẩm quyền, đầu tư góp vốn ngoài ngành không hiệu quả, rồi việc mua bán hàng hóa không chặt chẽ dẫn đến thất thoát. Những sai phạm trên, theo các chuyên gia là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thua lỗ triền miên của Vinafood 2.
Tuy thua lỗ nhưng lương bình quân viên chức quản lý tại tổng công ty này vẫn đạt gần 30 triệu đồng một tháng trong năm 2015 và dự kiến sẽ tăng lên gấp rưỡi năm nay. Trong khi đó, lương của người lao động chỉ bằng 1/7 so với lãnh đạo.
Mới đây, Vinafood 2 đã kiến nghị cơ quan chức năng có cơ chế đặc thù cho tổng công ty về xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi và tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, không đủ điều kiện để xử lý... theo quy định hiện hành khi thực hiện cổ phần hóa.
Trước đó, hồi tháng 3/2016, doanh nghiệp còn kiến nghị xem xét và trình Thủ tướng đưa ra khỏi diện tăng cường giám sát, nhằm tạo điều kiện cho Tổng công ty trong quan hệ tín dụng với các ngân hàng.
Trong Báo cáo đánh giá tình hình tài chính và kết quả sản xuất kinh doanh năm 2015 và kế hoạch năm 2016 gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch đầu tư mới đây, Vinafood 2 đã xin cơ chế xử lý nợ phải thu khó đòi tại hàng loạt công ty con.
Cụ thể Vinafood 2 xin cơ chế đặc thù về xử lý nợ phải thu khó đòi tại một số công ty như: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Võ Thị Thu Hà, Công ty TNHH Một thành viên Hoà Tân Lộc, Công ty TNHH Đầu tư Bình Lợi, CTCP Tập đoàn Thịnh Phát Kon Tum và CTCP Lương thực Hậu Giang.
Bên cạnh đó, xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý (đối với tài sản mới đầu tư và đưa vào sử dụng dưới 5 năm hoặc có giá trị còn lại theo sổ sách kế toán dưới 50% nguyên giá tài sản).
T.Tân