1. Chuỗi siêu thị mẹ bầu và bé này chỉ mới thành lập năm 2011. Sau khoảng 7 năm, Con Cưng đã xây dựng được tới 343 cửa hàng (dự kiến sẽ đạt 500 cửa hàng vào cuối 2018, 1.000 cửa hàng vào năm 2020) trên toàn quốc, bày bán đa dạng các sản phẩm cho mẹ và bé, với chất lượng lâu nay ít gặp phàn nàn, uy tín ngày càng lên cao. Doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng tới 100% hằng năm, đội ngũ nhân sự lên tới 1.500 người được đào tạo chuyên nghiệp…, sáng ngời cơ hội vươn cao, vươn xa.
Thế rồi, từ việc một khách hàng mua quần áo trẻ em và phát hiện một bộ sản phẩm có dấu hiệu cắt nhãn cũ, thay thế bằng nhãn CF - Con Cưng Fashion, thương hiệu Con Cưng đã phải điêu đứng.
Khi báo chí lên tiếng, các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc, chủ doanh nghiệp đã bác thông tin gian lận, ra tuyên bố tặng 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện hàng không chính hãng. Rồi tới nay, Cục QLTT đã thông báo phát hiện Con Cưng có tới 7 vi phạm.
Từ một sự nhầm lẫn của đơn vị gia công (có thể), một tuyên bố thưởng tiền đầy trách nhiệm (có thể), thương hiệu Con Cưng đầy tiềm năng đối diện với làn sóng tẩy chay có quy mô lớn, cùng với đó là nguy cơ bị khởi tố hình sự hiện hữu.
Con Cưng bị phát hiện có tới 7 vi phạm - Ảnh: T.L.
2. Con Cưng có lẽ không quá bất ngờ về các vi phạm, bởi họ luôn tin mình có đầy đủ 100% chứng từ, hóa đơn nhập hàng chính hãng.
Và hãy nhìn vào cách thức kinh doanh của Con Cưng: Tự nghiên cứu, đo thị hiếu, nhu cầu rồi đặt gia công sản xuất. Chính vì thế, hàng hóa tại Con Cưng (có thương hiệu, được quảng cáo…) có thể có giá cao so với hàng hóa cùng chất lượng, được người dùng chấp nhận. Con Cưng hoàn toàn không cần bán hàng giả. “Với khoảng 600.000 khách hàng mỗi tháng, doanh thu của Con Cưng tăng trưởng 100% qua từng năm. Công ty cũng dự kiến đến năm 2020 sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán… nên không có lý do gì để chúng tôi làm ăn gian dối, gây thiệt hại cho chính mình lẫn người tiêu dùng”, ông Nguyễn Quốc Minh, Chủ tịch HĐQT Con Cưng nói.
Thực tế, Con Cưng đã làm thật, và làm được những gì họ nói. Theo Con Cưng, có tới 70% hàng hóa kinh doanh trong chuỗi siêu thị Con Cưng sản xuất trong nước, chỉ 30% được gia công tại nước ngoài - những sản phẩm đòi hỏi chất lượng, trình độ sản xuất mà đối tác trong nước chưa thể đáp ứng.
Và có lẽ, lỗi của Con Cưng chính là sự yếu kém trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa đặt gia công.
Nhưng khi báo chí đặt câu hỏi về trách nhiệm của đối tác cung cấp sản phẩm lỗi gây thiệt hại lớn, Con Cưng lại khẳng định: Văn hóa của doanh nghiệp là đồng hành cùng phát triển chứ không phải làm ăn cùng nhau…, nên sẽ không kiện.
Tuy nhiên, đến giờ phút này, khi cơ quan chức năng đang vào cuộc quyết liệt, mọi giải thích của Con Cưng, dường như chỉ là sự ngụy biện.
3. Từ cú vấp của KhaiSilk đến scandal Con Cưng khiến tôi nhớ đến câu thành ngữ cha ông vẫn nói khi xưa: Mua danh ba vạn - Bán danh ba đồng. Trong kinh doanh có vô vàn cách để lấy lòng khách hàng, phải “mua danh ba vạn” nhưng chỉ có một cách để “bán danh ba đồng”, là khi đánh mất uy tín. Khaisilk và Con Cưng cùng chung đường “treo đầu dê bán thịt chó”.
Sau khi Khaisilk bị phanh phui ra người ta mới tá hỏa nhớ lại nhiều làng nghề lụa tơ tằm ở Việt Nam đã “chết” vì lụa công nghiệp rẻ bèo từ Trung Quốc. Lụa tơ tằm đâu chất đống trong hàng trăm cửa hàng Khaisilk?
Rồi đến Con Cưng cũng gieo vào lòng người tiêu dùng sự hồ nghi bị bao vây bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Chưa biết doanh nghiệp này làm gì để chống chọi với cáo buộc rất nặng, vụ việc đang mở rộng điều tra.
Buồn hơn là khi hàng nội vất vả trong cuộc chiến giành thị phần thì một doanh nghiệp rất lớn làm “nội gián” để hàng ngoại tung tác khắp nơi. Không vì cái gì cả, chỉ vì lợi nhuận và còn là trách nhiệm của doanh nghiệp với nền kinh tế, với xã hội. Hàng loạt cuộc khủng hoảng niềm tin xảy ra với doanh nghiệp Việt càng củng cố thêm một chân lý trong thương trường. Anh có thể bằng nhiều cách để cạnh tranh nhưng chỉ có một con đường duy nhất khẳng định mình, đó là uy tín và chất lượng.
Doanh nghiệp đã tự bắn vào chân mình, tự lãnh chịu, thấm thía hậu quả. Còn với đất nước, với mỗi người dân, sự đi xuống, thậm chí biến mất dần của KhaiSilk trước đây, hay có thể là Con Cưng sắp tới sẽ để lại rất nhiều nuối tiếc. Hành trình xây dựng thương hiệu Việt vốn đã chẳng dễ dàng, giờ sẽ càng khó khăn hơn bởi những “gian thương” như thế!
Kiên Giang