Các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước có đóng cửa nhà máy đi theo “vết xe đổ” của một số công ty trong lĩnh vực điện tử trước đây hay không chưa biết, nhưng tâm lý đón đợi giá ôtô sẽ giảm từ nay đến năm 2018 là không thể chối cãi.
Sau khoảng 20 năm, ngành công nghiệp ôtô VN vẫn chỉ dừng ở mức sơn, hàn, lắp ráp
Nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm xuất hiện cơ hội kinh doanh mới và cũng là thời cơ làm lại cho ngành ôtô.
Liệu VN có trì hoãn việc cắt giảm thuế theo lộ trình thực hiện Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA) như một số đồn đoán gần đây? Bộ Tài chính cho biết thuế nhập khẩu ôtô đã cắt giảm xuống 50% từ năm 2014 và khẳng định sẽ tiếp tục xuống 0% vào năm 2018 đúng lộ trình. Giá ôtô bán tại VN sẽ hạ và một số doanh nghiệp đã đầu tư đón đầu...
Gương nhãn tiền của ngành điện tử
Nhìn vào lộ trình giảm thuế, không quá khó để thấy sức ép hội nhập khu vực ASEAN đã đến ngay cửa ngành sản xuất ôtô trong nước. Điều đó có nghĩa là ngành công nghiệp ôtô VN còn rất ít thời gian để nâng cao năng lực cạnh tranh trước sức ép hiện hữu của các dòng xe nhập khẩu từ ASEAN. Đây là một mối lo thật sự đối với dòng xe sản xuất - lắp ráp trong nước.
Ngành công nghiệp VN đã hình thành hơn 20 năm nhưng sức cạnh tranh chưa tăng đáng kể. Giai đoạn còn lại chưa đầy năm năm, quả thật quá khó để ngành công nghiệp vốn được nhiều ưu đãi này vươn lên đột phá để có thể cạnh tranh về giá cả và chất lượng với các quốc gia trong khu vực.
Phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở VN sẽ không run sợ bởi họ đã có những cơ sở vững chắc ở các nước khác trong ASEAN. Với tầm nhìn và quy mô hoạt động toàn cầu của những tập đoàn ôtô lớn, theo một chuyên gia tài chính, chính sách VN thay đổi theo kiểu gì, họ (các nhà sản xuất ôtô đa quốc gia kia) sẽ có giải pháp thích ứng ngay.
“Người thất bại chính là VN. Ý tưởng muốn dựa vào các nhà sản xuất ôtô lớn để giúp phát triển một ngành công nghiệp trong nước chưa làm được giống như Thái Lan hay Malaysia” - chuyên gia này nói.
Một quan chức Bộ Tài chính đưa ra ví dụ với ngành lắp ráp điện tử trong nước: không đợi đến thời điểm thuế chốt về 0%, mặt hàng máy tính nguyên chiếc với mẫu mã đẹp, giá thành thấp từ các nước ASEAN được nhập khẩu ồ ạt vào VN khiến các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử trong nước không thể chống đỡ nổi.
Để tồn tại, thời gian qua chuyện thu hẹp sản xuất, chuyển hướng kinh doanh đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử là đương nhiên, thậm chí một số doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phải ngưng sản xuất.
Ngoài ra, do mức chênh lệch giữa sản xuất, lắp ráp trong nước và sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN không lớn, một số nhà đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử ở VN đã sử dụng ưu thế này chuyển từ hình thức liên doanh sang 100% vốn sở hữu, chuyển từ sản xuất sang nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
Giảm dần hay cắt cái rụp?
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô VN, nhiều năm nay VN nhập khẩu xe chủ yếu từ thị trường Hàn Quốc ở phân khúc xe con. “Song, tôi cho rằng sẽ có sự dịch chuyển thị trường nhập khẩu để hưởng lợi chính sách giảm thuế, những cái tên mới có thể sẽ là Thái Lan, Malaysia, Indonesia...
Cuối năm 2012, Toyota đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động ở Thái Lan và Indonesia. Honda cũng đã quyết định đầu tư 27 tỉ yen để xây một nhà máy mới ở Indonesia” - ông Thanh cho biết.
Ông Hà Duy Tùng, vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), cho biết hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi doanh nghiệp và các bộ ngành về lộ trình cắt giảm thuế suất ôtô trong ATIGA nhằm hướng tới mục tiêu thực hiện cam kết cuối cùng là xóa bỏ thuế quan hoàn toàn vào năm 2018. Tính toán của cơ quan quản lý nhà nước là cắt giảm dần dần, dàn đều theo các năm hay là giữ ở mức 50% rồi sẽ cắt giảm mạnh xuống 0% đến năm 2018, để cho có lợi nhất.
Theo ông Thanh, thuế nhập khẩu ôtô của VN là khá cao so với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan... “Đã đến lúc phải nới lỏng mức độ bảo hộ. Nên thực hiện giảm đều giữa các năm để ngành ôtô có thời gian thích nghi nếu không sẽ bị sốc” - ông Thanh đánh giá.
Cùng quan điểm này, theo ông Lưu Đức Huy - vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), thời gian tính cho đến khi thuế nhập khẩu ưu đãi về 0% vào năm 2018 là rất ngắn. VN cần phải đảm bảo tuân thủ theo cam kết, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc giảm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc cơ bản sẽ có lợi cho người tiêu dùng, bởi thông qua lộ trình giảm thuế nhập khẩu để tạo sức ép giảm giá xe xuống mức hợp lý.
Ông Phạm Đình Thi, vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), nhớ lại vào năm 2003, tại buổi họp về chính sách đối với ôtô giữa các bộ Tài chính, Kế hoạch - đầu tư..., tất cả doanh nghiệp ngành ôtô trong nước đã đứng hết lên phản đối việc giảm thuế nhập khẩu vì cho rằng ngành sản xuất ôtô của VN sẽ đóng cửa khi cho nhập khẩu nguyên chiếc.
Thế nhưng, VN đã hội nhập và phải thực hiện theo cam kết khi vào sân chơi chung. Ông Thi cho rằng việc cố gắng hình thành một ngành công nghiệp ôtô là giấc mơ không thực tế. Thay vào đó, nên chọn một phần được đánh giá là có thế mạnh trong chuỗi sản xuất để tham gia.
“Đây là quy luật phát triển, không nên và không thể đi ngược lại. Còn cố tình cưỡng lại thì chúng ta sẽ phải trả giá. Bài học xương máu mà chúng ta đã ra sức bảo hộ cho ngành ôtô trong nước vẫn còn nguyên” - ông Thi nói.
Cụ thể hơn, ông Trần Bá Dương, chủ tịch HĐQT Thaco, cho rằng phải xem công nghiệp ôtô là làm cái gì, nếu đòi làm một chiếc xe mang thương hiệu VN thì không thể nào làm được một khi bên cạnh là Thái Lan, Indonesia... đã có trình độ phát triển công nghiệp ôtô quá cao.
Ông Dương cũng cho rằng rất khó để các doanh nghiệp VN phát triển ôtô con vì công nghệ phát triển rất nhanh. Nhưng vẫn còn cơ hội nếu chấp nhận gia công một phần hoặc nhóm bộ phận cho thương hiệu nào đó và phục vụ thị trường ASEAN (VN đang có lợi thế thuế suất dành cho các nước thành viên giảm) thì không những ôtô con, xe buýt, xe tải, xe chuyên dụng sẽ có cơ hội.
Ngành ôtô đang đứng trước một lựa chọn khắc nghiệt mà điều này hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách và định hướng phát triển của Nhà nước. Kết quả 20 năm qua đã được đánh giá quá rõ, không lẽ sẽ lại tiếp tục theo “vết xe đổ”?
Theo Tuổi Trẻ Online
Tính đến nay đã có 18 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 38 doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất - lắp ráp ôtô với năng lực khoảng 460.000 xe/năm, gồm đầy đủ các chủng loại xe con (200.000 xe/năm), xe tải (215.000 xe/năm). Đóng góp ngân sách nhà nước hơn 1 tỉ USD/năm (chỉ tính riêng các khoản thuế) và giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 80.000 lao động.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô VN chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thật sự, dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm ba công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn, lắp ráp.
Mục tiêu quy hoạch đặt ra tỉ lệ sản xuất trong nước đối với động cơ và hộp số là 50-90% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay vẫn chưa sản xuất được. Số doanh nghiệp tham gia ngành công nghiệp phụ trợ ôtô khoảng 210, nhưng chủ yếu thuộc loại vừa và nhỏ và chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản.
Mục tiêu có giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người VN chưa đạt được.
Ông Nguyễn Mạnh Quân (vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương)