(CLO) Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương, 61 điều đã được 89,47% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua trong phiên họp sáng nay (5/4).
[caption id="attachment_91023" align="aligncenter" width="640"]
Các ĐBQH bấm nút thông qua Luật Báo chí sửa đổi. Ảnh: VGP[/caption]
Tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Hải đã đọc báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật Báo chí sửa đổi.
Về cấp thẻ nhà báo, Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nêu rõ, có ý kiến đề nghị giảm điều kiện phải có thời gian công tác từ 3 năm xuống còn 2 năm đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu; đề nghị bổ sung quy định trường hợp người được xét cấp thẻ nhà báo là đối tượng vi phạm pháp luật hình sự bị kết án mà hết thời hạn thi hành án… Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã sửa đổi, bổ sung các nội dung trên thể hiện tại Điều 27 dự thảo Luật.
Giải trình về ý kiến đề nghị không nên quy định thời hạn 5 năm phải đổi thẻ nhà báo (Điều 28), UBTVQH nhận thấy, thực tế hiện nay có một số trường hợp, người được cấp thẻ nhà báo nhưng không còn làm công việc liên quan đến báo chí, mà vẫn giữ và sử dụng thẻ nhà báo không đúng mục đích. Do vậy, để quản lý hiệu quả việc sử dụng thẻ nhà báo, UBTVQH đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Về cơ quan báo chí quy định tại các điều 15 và 21 của dự thảo, UBTVQH cho rằng, việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc trách nhiệm chính của cơ quan chủ quản báo chí. Quy định việc bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan báo chí phải được sự thống nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông là cần thiết để bảo đảm người đứng đầu cơ quan báo chí phải hội đủ tiêu chuẩn.
Thực tế hiện nay, một số cơ quan chủ quản bổ nhiệm tổng biên tập không có nghiệp vụ báo chí, làm ảnh hưởng đến chất lượng của báo. Hơn nữa báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu, có ảnh hưởng lớn đến toàn bộ đời sống xã hội.
“Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động báo chí cả nước, rất cần xây dựng mối quan hệ thường xuyên, mật thiết với người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm bảo đảm đưa thông tin kịp thời, trung thực, lành mạnh đến công chúng. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật” - bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Có ý kiến cho rằng, Khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân là khó khả thi.
UBTVQH cho rằng, quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được hiến định. Báo chí là diễn đàn để công dân thực hiện quyền đó.
Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của Luật, Khoản 1 Điều 12 dự thảo Luật quy định cơ quan báo chí đăng, phát kiến nghị, phê bình của công dân phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó, chứ không phải đăng phát mọi kiến nghị, phê bình do công dân gửi đến.
Luật Báo chí sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.
Cũng trong ngày hôm nay, với 89,88% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em sửa đổi.
V.Cường