Nhiều đại biểu cho rằng, Luật ra đời sẽ hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia. Luật Cảnh sát biển cũng làm rõ hơn về vị trí nòng cốt, chủ trì thực thi pháp luật trên biển; khẳng định rõ hơn về chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển.
Đại biểu Sùng Thìn Cò (Hà Giang) nhận xét, cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển với nhiệm vụ hết sức quan trọng. Năm 2014, khi có sự gây hấn ở biển Đông, cảnh sát biển là lực lượng trực tiếp ra đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Trường hợp trên biển xảy ra chiến tranh, lực lượng này không chỉ thực thi pháp luật trên biển mà còn hiệp đồng với hải quân để chiến đấu bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo đại biểu, với nhiệm vụ đươc giao, cảnh sát biển phải được xây dựng chính quy, được trang bị phương tiện thiết bị hiện đại thì mới đáp ứng được yêu cầu giữ gìn chủ quyền, đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn.
“Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển thời bình cũng như thời chiến đều gian nan, vất vả. Cảnh sát biển phải chính quy, hiện đại, vì hiện nay, bảo vệ vùng biển thì phải có phương tiện hiện đại, tàu hiện đại, trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại. Nếu không hiện đại thì không thực hiện nhiệm vụ được”, đại biểu Sùng Thìn Cò nói.
Về phạm vi hoạt động, tuần tra, kiểm tra và kiểm soát trên biển, có đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ hơn địa bàn hoạt động của cảnh sát biển Việt Nam, tránh chồng chéo, chồng lấn về phạm vi hoạt động với các lực lượng khác hoặc tạo khoảng trống trách nhiệm pháp lý trên biển, hoặc bỏ trống vùng biển cần tuần tra, kiểm tra, kiểm soát.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, Ban soạn thảo cần rà soát lại Hiến pháp và các luật có liên quan để xác định địa vị pháp lý của cảnh sát biển, tránh chồng chéo vị trí chức năng với các lực lượng khác thực thi nhiệm vụ trên biển.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị Luật Cảnh sát biển cần quy định rõ về phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát biển với Bộ đội biên phòng, Hải quân, với các địa phương.
“Tuy rằng quy định về quản lý nhà nước đã quy định về chức năng phối hợp, tuy nhiên, Luật Cảnh sát biển cần quy định cụ thể hơn để triển khai thống nhất trên thực tiễn”, đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nói nếu làm tốt Luật Cảnh sát biển sẽ hóa giải được rất nhiều vấn đề bất cập hiện nay. Đại biểu Nghĩa cho rằng cần phải rà soát lại các quy định vì nhiệm vụ của cảnh sát biển mới chỉ đề cập đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, thiếu nhiệm vụ bảo vệ hoạt động của ngư dân. Hay như quy định cảnh sát biển được bắt giữ người nhưng không bắt giữ tàu thuyền vi phạm cũng cần được sửa đổi cho phù hợp.
Thế Vũ