Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí: Xác định rõ nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi

Thứ năm, 21/12/2023 20:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chiều 21/12, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đồng chủ trì phiên họp.

Thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí

Thông tin tại cuộc họp, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT cho biết Luật Báo chí được Quốc hội thông qua ngày 05/4/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017. Tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển.

Tuy nhiên sau hơn 6 năm thi hành, một số quy định của Luật Báo chí đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: Chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương, thực hiện phân cấp một số thủ tục hành chính cho địa phương; chính sách của nhà nước phát triển báo chí, nhiệm vụ quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam; hoạt động báo chí trên môi trường số, phát triển mô hình phù hợp thực tiễn để thúc đẩy báo chí phát triển; tên miền của báo điện tử, tạp chí điện tử; giải thích các khái niệm và những nội dung khác;…

Bài liên quan
luat sua doi bo sung mot so dieu cua luat bao chi xac dinh ro noi dung pham vi van de can sua doi hinh 1

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông trình bày dự thảo tờ trình. Ảnh: Lê Hồng

Vì vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí là cần thiết nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013; đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm tại cuộc họp đó là chính sách 1 về phát triển mô hình tập đoàn báo chí với mục tiêu hình thành được các cơ quan báo chí lớn, có đủ nguồn lực, để đóng vai trò dẫn dắt, làm trụ cột định hướng thông tin. Theo nội dung chính sách, tập đoàn báo có thể là đơn vị sự nghiệp công lập có cơ chế quản lý, hoạt động như doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100%, trong đó có một cơ quan báo chí giữ vai trò như cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí, doanh nghiệp trực thuộc.

Đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Báo chí, ông Nguyễn Duy Tiến, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội nêu rõ: Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 173-TB/TW ngày 28/3/2005 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010, trong đó có nội dung: Cho phép thành lập mô hình “Tập đoàn báo chí”, “Tổ hợp xuất bản”. Tuy nhiên, tên gọi cần được cân nhắc cho thích hợp. Trong quá trình thực hiện cần làm thí điểm, thực hiện từng bước, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, không làm ồ ạt, tràn lan.

Quyết định số 219/2005/QĐ-TTg ngày 09/09/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010, trong phần mục tiêu cụ thể về phát triển các lĩnh vực thông tin có nội dung: Thử nghiệm xây dựng tổ hợp xuất bản, tập đoàn báo chí, kết hợp với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tạo nguồn thu đầu tư cho hoạt động báo chí. Do đó, ông Tiến đề nghị cần xem xét kỹ các yếu tố để thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn mô hình tập đoàn báo chí

Còn theo bà Phạm Thuý Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nêu lên thực tế ở nước ta chưa có mô hình tập đoàn báo chí nên cần làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. Đối với nội dung tại chính sách 1 “tập đoàn báo chí có thể là đơn vị sự nghiệp công lập có cơ chế quản lý, hoạt động như doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100%”, bà Hạnh bày tỏ băn khoăn nếu đưa ra các tiêu chí như trên thì việc cấp phép như thế nào, cơ chế quản lý ra sao, có chịu sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp không?

luat sua doi bo sung mot so dieu cua luat bao chi xac dinh ro noi dung pham vi van de can sua doi hinh 2

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm đồng chủ trì phiên họp. Ảnh: Lê Hồng

Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định và sự chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Thứ trưởng cho biết trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách liên quan đến hoạt động báo chí như: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã định hướng: “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Kế hoạch số 156-KH/BTGTW ngày 14/6/2022 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện; đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành một số các văn bản như: Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 phê duyệt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030...

Đây là những cơ sở chính trị, quan điểm chỉ đạo và định hướng quan trọng làm cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí.

Do đó, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tổng thể các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước có liên quan đến việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với hoạt động báo chí để nghiên cứu cụ thể hóa thành các nội dung Chính sách phù hợp; đồng thời, đề nghị thể hiện rõ tại Tờ trình những nội dung, chính sách của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã thể chế những chủ trương, chính sách cụ thể nào của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng cần tiến hành rà soát tổng thể hệ thống pháp luật; trường hợp cần thiết có thể xây dựng báo cáo riêng về việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Báo chí để đảm bảo các nội dung chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung có tính thống nhất, đồng bộ với các Luật đã được ban hành.

Bên cạnh đó, ngoài 07 chính sách được đề xuất, dự thảo Tờ trình còn dành riêng một mục đề cập đến nội dung hoàn thiện các quy định để khắc phục hạn chế, bất cập với đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể của Luật Báo chí nhưng chưa được xếp vào nhóm nào trong số 07 Chính sách nêu trên.

Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu để gom thành các Chính sách lớn nhằm thuận tiện cho việc đánh giá tác động; đồng thời có những vấn đề phải được nghiên cứu và xây dựng thành 01 Chính sách riêng rẽ, độc lập như bổ sung quy định điều chỉnh hoạt động của các cơ quan báo chí trên môi trường số với nhiều chính sách, quy định bổ sung kèm theo nhằm thể chế hóa các chủ trương tại Quyết định số 348/QĐ-TTg về chiến lược chuyển đổi số báo chí.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể về một số nội dung như điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền thành lập mô hình tập đoàn báo chí; cách thức quản lý tạp chí khoa học; điều kiện, quy trình thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quy định về điều kiện cấp thẻ nhà báo nhằm nâng cao chất lượng người làm báo; …

Lê Tâm

Bình Luận

Tin khác

228 tác phẩm của 81 đơn vị vào vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI

228 tác phẩm của 81 đơn vị vào vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI

(CLO) Thông tin về sự kiện tại cuộc họp báo ngày 3/7, ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan cho biết: Năm nay Liên hoan có chủ đề "Phát thanh Việt Nam - đa dạng trong chuyển đổi số".

Nghề báo
Thanh Hóa: Hơn 50 nhà báo, phóng viên tham gia tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao

Thanh Hóa: Hơn 50 nhà báo, phóng viên tham gia tập huấn kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao

(CLO) Sáng 3/7, Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng cao trên hạ tầng số với sự tham gia của gần 50 nhà báo, phóng viên, biên tập viên trên địa bàn tỉnh.

Nghề báo
Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân: Nỗ lực để có tác phẩm báo chí ấn tượng trong kỷ nguyên số

Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân: Nỗ lực để có tác phẩm báo chí ấn tượng trong kỷ nguyên số

(CLO) Ngày 2/7, tại thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Báo Nhân Dân khai mạc Hội nghị phóng viên thường trú toàn quốc năm 2024. Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội nghị.

Nghề báo
Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán”

Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán”

(CLO) Chiều 2/7, Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội thảo “Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán”.

Nghề báo
Báo Xây dựng, Báo Bảo vệ Pháp luật và Báo Thanh tra phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật

Báo Xây dựng, Báo Bảo vệ Pháp luật và Báo Thanh tra phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật

(CLO) Ngày 2/7, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Báo Xây dựng, Báo Bảo vệ Pháp luật và Báo Thanh tra ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trao đổi thông tin trong nhiều lĩnh vực.

Nghề báo