Ly kỳ lai lịch kim ấn ‘Hoàng đế chi bảo’ sắp đưa ra đấu giá

Thứ bảy, 22/10/2022 11:40 AM - 0 Trả lời

(CLO) Sau khi có thông tin kim ấn "Hoàng đế chi bảo" và thanh bảo kiếm của vua Bảo Đại được đưa ra đấu giá tại Pháp, một số giả thuyết về lai lịch và hành trình khá ly kỳ của hai bảo vật cũng được nhắc tới.

Hai bảo vật có tính biểu tượng cho quyền lực

Như congluan.vn đã đưa tin, kim ấn "Hoàng đế chi bảo" thời vua Minh Mạng được nhà đấu giá Drouot giới thiệu trên trang web chính thức, với mức giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu EUR (48,1 tỷ đồng đến 72,2 tỷ đồng).

Cùng được đưa ra đấu giá còn có thanh bảo kiếm của vua Khải Định - bảo vật đã được vị vua Bảo Đại trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu vào chiều ngày 30/8/1945.

Sự việc hai cổ vật quý được nhà đấu giá nước ngoài đưa ra bán đấu giá đã thu hút sự quan tâm chú ý của không chỉ các nhà nghiên cứu cũng như giới sưu tầm cổ vật trong nước mà cả nhiều người dân.

ly ky lai lich kim an hoang de chi bao sap dua ra dau gia hinh 1

Hình ảnh kim ấn "Hoàng đế chi bảo" được giới thiệu trên trang web chính thức của nhà đấu giá

ly ky lai lich kim an hoang de chi bao sap dua ra dau gia hinh 2

Mặt dưới ấn khắc nổi 4 chữ triện "Hoàng đế chi bảo"

ly ky lai lich kim an hoang de chi bao sap dua ra dau gia hinh 3

Ấn "Hoàng đế chi bảo" được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, triều Nguyễn tạo tác và sử dụng rất nhiều loại ấn triện, trong đó quý nhất là ấn làm bằng vàng, gọi là kim ấn, và triện làm bằng ngọc, gọi là ngọc tỉ.

Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” do Nội các triều Nguyễn biên soạn cho biết, có 20 kim ấn và ngọc tỉ được tạo tác dưới hai triều vua đầu thời Nguyễn là thời vua Gia Long (6 chiếc) và Minh Mạng (14 chiếc).

Trong đó, kim ấn khắc bốn chữ “Hoàng đế chi bảo” là kim ấn lớn nhất, đẹp nhất và quý nhất của vương triều Nguyễn. Ấn này được đúc bằng vàng ròng vào ngày 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15/3/1823), nặng 280 lạng 9, chỉ 2 phân (tương đương 10,7kg).

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trong các ấn quý của nhà Nguyễn, "Hoàng đế chi bảo" là chiếc ấn duy nhất có dáng con rồng cuộn tròn ra phía trước cổ, nên nhìn khó có thể nhầm với các quả ấn khác cùng quy cách.

Sách “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cho biết thêm, ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng khi “Gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng và ban sắc, thư cho ngoại quốc...”

Vì thế, khi tuyên bố thoái vị vào ngày 30/8/1945, trong số hơn 200 ấn triện các loại, vua Bảo Đại đã chọn chiếc ấn đẹp nhất, quý nhất, biểu trưng của chế độ quân chủ thời Nguyễn là kim ấn “Hoàng đế chi bảo”, cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định trao lại, để bàn giao cho chính quyền cách mạng.

Đồng quan điểm, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cũng cho rằng, kim ấn “Hoàng đế chi bảo” chính là chiếc ấn vàng mà vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã trao cho đại diện chính quyền cách mạng tại Ngọ Môn, Huế.

Số phận long đong

Nhưng tại sao các bảo vật đã được trao cho Chính phủ lâm thời mà hiện nay lại có thông tin bộ ấn kiếm sắp được đưa ra đấu giá tại Pháp?

Theo TS Phan Thanh Hải, sau khi bộ ấn kiếm được cựu hoàng Bảo Đại trao cho đại diện chính quyền cách mạng thì hôm sau, các bảo vật này được đem ra Hà Nội để kịp dự lễ độc lập vào ngày 2/9/1945.

Cuối năm 1946, khi Pháp quay trở lại Việt Nam và đưa quân vào Hà Nội, đơn vị làm nhiệm vụ cất giữ bộ ấn kiếm trên trước khi rút lên Việt Bắc đã đem giấu chúng vào vách một ngôi chùa cổ ở ngoại thành Hà Nội.

Tuy nhiên, khi lính Pháp đập phá chùa để lấy gạch xây đồn bốt đã phát hiện ra bộ ấn kiếm này. Ngày 3/3/1952, Pháp đã tổ chức một nghi lễ long trọng trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một Chính phủ mới được dựng lên vội vã.

Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vẫn còn lưu trữ được một tập ảnh chụp lại buỗi lễ này.

Năm 1953, để bảo vệ cho bộ ấn kiếm trên được an toàn, ông Bảo Đại đã ủy quyền cho thứ phi là bà Mộng Điệp mang chúng sang Pháp, trao cho hoàng hậu Nam Phương và hoàng tử Bảo Long.

Sau khi bà Nam Phương mất (năm 1963), bộ ấn kiếm này do Bảo Long quản lý và ông đã gửi chúng tại két sắt của Ngân hàng châu Âu (Union des Banques Européennes).

ly ky lai lich kim an hoang de chi bao sap dua ra dau gia hinh 4

Quân Pháp tổ chức nghi lễ để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại trên cương vị là “Quốc trưởng” năm 1952. Ảnh TS Phan Thanh Hải cung cấp

Sau khi cựu hoàng Bảo Đại qua đời, quyền quản lý bộ ấn kiếm trên thuộc về bà Monique Baudot, người vợ cuối cùng có hôn thú của cựu hoàng (cưới năm 1982) cất giữ. Từ đó, không còn tin tức gì về kim ấn “Hoàng đế chi bảo” nữa.

Cũng có một thông tin khác khẳng định, sau khi vua Bảo Đại thoái vị, bộ ấn kiếm được mang ra Hà Nội. Đến ngày 28/2/1952, trong khi đào móng ngôi nhà đổ nát của ông Hà Đô ở làng Nghĩa Đô (vốn là một xưởng in tiền của Việt Minh từng bị phá hủy năm 1947), quân Pháp đã tìm thấy ấn và kiếm cất giữ trong hai hộp kẽm.

TS Phan Thanh Hải cho biết, căn cứ hình ảnh chiếc ấn đang lan truyền trên một số trang thông tin nước ngoài mấy ngày gần đây và đối chiếu với tư liệu, hình ảnh hiện có (hình dáng, hoa văn, chữ khắc...) thì hình ảnh đó là kim ấn “Hoàng đế chi bảo”.

Tuy nhiên, TS Phan Thanh Hải cũng cho rằng, cần tiếp tục xác minh thêm, liệu cổ vật sắp được đem ra đấu giá có phải là ấn “Hoàng đế chi bảo” hay không.

TS Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng cho biết, ông có nghe thông tin chiếc ấn sắp được đưa ra đấu giá tại Pháp nhưng chưa biết được cụ thể như thế nào, và có phải ấn “Hoàng đế chi bảo” hay không.

“Xung quanh thông tin về quả ấn này hiện đang tồn tại nhiều giả thiết, chưa có điều kiện để kiểm chứng”, TS Quân nói.

T.Toàn

Bình Luận

Tin khác

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

Festival hoa Đà Lạt diễn ra suốt một tháng, có phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang

(CLO) Festival hoa Đà Lạt sẽ diễn ra trong gần một tháng với nhiều chương trình âm nhạc, thể thao và xúc tiến các hoạt động du lịch. Trong đó có không gian hoa, phố rượu vang, hội cỏ hồng Langbiang.

Đời sống văn hóa
Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

Ninh Bình lùi thời gian tổ chức lễ hội khinh khí cầu

(CLO) Lễ hội Khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương năm 2024 sẽ điều chỉnh từ ngày 20/9-23/9 sang ngày 26 đến 29/10, với tổng kinh phí trên 4,1 tỉ đồng.

Đời sống văn hóa
Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

Thanh Hóa điều chỉnh Lễ hội Lam Kinh 2024, tập trung khắc phục hậu quả sau bão lũ

(CLO) Do yêu cầu tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả sau bão lũ, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định điều chỉnh quy mô Lễ hội Lam Kinh 2024.

Đời sống văn hóa
TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

TP HCM siết chặt quản lý quảng cáo người nổi tiếng trên mạng xã hội

(CLO) Chiều 19/9, ông Trần Thanh Vương, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở ủng hộ việc bổ sung quy định về trách nhiệm của người nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.

Đời sống văn hóa
Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

Phát hiện con đường đá cổ vượt Đèo Ngang

(CLO) Trong quá trình tìm lại cung đường qua Đèo Ngang xưa, các lực lượng đã phát hiện nhiều bậc đá cổ mà cha ông ta lắp dựng để lên cổng Hoành Sơn Quan.

Đời sống văn hóa