Mặt trận Việt Minh: “Chứng nhân vàng” cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ tư, 19/05/2021 10:43 AM - 0 Trả lời

(CLO)“Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn.Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi dưới ngọn cờ Việt Minh để đánh đuổi Tây- Nhật,khôi phục lại độc lập,tự do”.

Đó là những lý giải của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự ra đời Mặt trận Việt Minh trong bài viết trên báo “Việt Nam độc lập” số ra ngày 1/2/1942.

“Mau mau đoàn kết cùng nhau/ Để đánh Tây, đánh Nhật, để lo tự cường”

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh: T.L

Khẩu hiệu của Việt Minh kêu gọi đồng bào gia nhập Việt Minh và đoàn kết đánh đuổi Nhật - Pháp. Ảnh: T.L

Ngay sau ngày trở về đất nước, đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước đầu năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ mong muốn cháy bỏng ấy trên tờ Việt Nam độc lập.

Từ sự thấu hiểu lịch sử đất nước, thấu rõ những bài học lịch sử của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng thấm thía giá trị của đại đoàn kết, nhất là đối với một quốc gia còn hạn chế tiềm lực về nhiều mặt như nước ta thời bấy giờ. Cũng chính từ sự thấm thía ấy, ngay từ buổi đầu dựng xây cách mạng nước nhà sau ngày trở về, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã liên tục nhấn mạnh vai trò và sức mạnh của tinh thần đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng, Người nói: “Dân ta muốn sống chỉ có một đường là đoàn kết lại để đánh Tây, đuổi Nhật”, xem đoàn kết là cội nguồn sức mạnh, là thứ vũ khí hữu hiệu nhất của toàn dân ta trong công cuộc giành độc lập, tự do.

Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (10/5 - 19/5/1941)- hội nghị phân tích tình hình thế giới và đề ra chủ trương mới về cách mạng Đông Dương- Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa nhấn mạnh rõ về yếu tố đoàn kết trong việc giải phóng dân tộc. Hội nghị ra nghị quyết chỉ rõ: Cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, giải quyết hai vấn đề phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp: dân tộc giải phóng. Từ đó, Hội nghị đề ra: “Nhiệm vụ cấp bách nhất được đặt ra lúc này là làm thế nào huy động mọi lực lượng để cứu nước giải phóng dân tộc... Muốn thế phải đoàn kết toàn dân, tập hợp các đoàn thể, Hội Cứu quốc, các tầng lớp nhân dân...”.

“Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập/ Làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng tự do”

Việt Minh tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách tới các tầng lớp nhân dân. Nguồn: TTXVN

Việt Minh tích cực tuyên truyền đường lối, chính sách tới các tầng lớp nhân dân. Nguồn: TTXVN

Để thực hiện được nhiệm vụ chiến lược ấy, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị đã quyết định thành lập mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh. Khẩu hiệu chính của Việt Minh là: Phản Pháp, kháng Nhật, liên Hoa, độc lập, nhắm tới mục tiêu: đánh thức mạnh hơn nữa tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của toàn dân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, hướng tới tinh thần cơ bản là: 1) Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập. 2) Làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng tự do.

Ngày 25/10/1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, nói rõ tôn chỉ, mục đích của mình. Trong tuyên ngôn của mình, Việt Minh tuyên bố: “Việt Minh chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn”.

Mười chính sách lớn của Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), năm 1941. Ảnh: T.L

Mười chính sách lớn của Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh), năm 1941. Ảnh: T.L

Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh gồm 44 điểm, vạch rõ: Sau khi đánh đuổi Pháp - Nhật, sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Chính phủ đó do Quốc dân đại hội bầu ra, sẽ thi hành một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa, và những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, địa chủ, nhà buôn,… tiến bộ. Đó là thực hiện quyền phổ thông đầu phiếu, ban hành các quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động, là tịch thu tài sản của bọn Việt gian phản quốc, v.v..; đó là bỏ thuế thân, và các thứ thuế vô lý, vô nhân đạo của Pháp, Nhật, quốc hữu hóa ngân hàng của đế quốc, mở mang các ngành giao thông, công nghiệp, thủ công nghiệp, v.v..; đó là hủy bỏ nền giáo dục nô dịch, xây dựng nền giáo dục quốc dân, lập trường chuyên nghiệp, đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, v.v..; đó còn là hủy bỏ tất cả các hiệp ước mà Pháp đã ký với các nước, tuyên bố các dân tộc bình đẳng, tán tán thành hòa bình, chống xâm lược…

Có thể nói, từ sự ra đời của Việt Minh, khối đoàn kết dân tộc, từ đó được củng cố, là bước chuẩn bị lực lượng toàn diện cho cuộc cách mạng mùa thu sau này. “Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập/ Làm cho nhân dân Việt Nam được sung sướng tự do”- đó thực sự là niềm khát vọng cháy bỏng của toàn thể dân tộc Việt Nam lúc bấy giờ.

Tập hợp sức mạnh toàn dân, đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi hoàn toàn

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt tại Việt Bắc từ ngày 3-7/3/1951. Nguồn: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh-Liên Việt tại Việt Bắc từ ngày 3-7/3/1951. Nguồn: TTXVN

Với chủ trương, chính sách đúng đắn, uy tín của Việt Minh tăng lên và các tổ chức của Việt Minh phát triển rất nhanh. Từ cuối năm 1941, Mặt trận Việt Minh đã thu hút được ngày càng đông đảo các tầng lớp, giai cấp có tinh thần yêu nước và chống đế quốc thực dân vào các hội cứu quốc như: Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Công nhân Cứu quốc... Các hội cứu quốc đều là thành viên của Mặt trận Việt Minh, được thành lập ở nhiều tỉnh ở miền Bắc, một số tỉnh miền Trung và các thành phố lớn, như: Hà Nội, Hải Phòng. Trong hai năm (1943 - 1944), các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh được thành lập và phát triển nhanh chóng ở khắp các tỉnh, thành phố, trong các nhà máy, trường học. Đến giữa năm 1945, Việt Minh đã có 5 triệu hội viên. Với mục tiêu độc lập dân tộc là trên hết, Mặt trận Việt Minh đã trở thành trung tâm tập hợp mọi tầng lớp ở mọi miền Tổ quốc hăng hái tham gia các tổ chức “cứu quốc”, chuẩn bị sẵn sàng để chuyển cách mạng Việt Nam sang thời kỳ cao trào, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau đảo chính Nhật Pháp 9/3/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh ráo tiết chuẩn bị cao trào “Kháng Nhật, cứu nước”. Ngày 12/4/1945, Mặt trận Việt Minh đã ra lời kêu gọi Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam và Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh lập ra ủy ban dân tộc giải phóng, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền. Cùng với việc củng cố, mở rộng Mặt trận, đề ra chủ trương, chính sách đúng đắn, Đảng và Mặt trận Việt Minh còn kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh đúng đắn, phù hợp: “Phá kho thóc giải quyết nạn đói”.  Ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh tổ chức Đại hội Quốc dân Tân Trào đã quyết định tổng khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân toàn quốc đứng lên giành lấy chính quyền. Từ lời kêu gọi ấy, Cách mạng tháng Tám đã thắng lợi hoàn toàn sau 15 ngày tiến công và nổi dậy.

Sau cách mạng tháng Tám, Mặt trận Việt Minh vẫn có vị trí rất to lớn trong công cuộc vận động kháng chiến và kiến quốc. “Mặt trận Việt Minh đã động viên, tổ chức mọi tầng lớp Nhân dân đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân yêu nước, lấy liên minh công nhân - nông dân - trí thức làm nền tảng, kết hợp tinh thần yêu nước chân chính với tinh thần quốc tế vô sản, Việt Minh và Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) đã hợp nhất thành một mặt trận dân tộc thống nhất, lấy tên là Mặt trận Liên - Việt. Mặt trận Liên - Việt ra đời là cơ sở quần chúng rộng rãi để bảo vệ Đảng và Nhà nước ta, trở thành trụ cột quan trọng của Nhà nước Dân chủ Nhân dân, tập hợp được sức mạnh to lớn của toàn dân ta, đưa cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định những đóng góp của Mặt trận Việt Minh trong công cuộc giành độc lập cho đất nước, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sự thành công của Mặt trận Việt Minh và các tổ chức mặt trận sau này không chỉ tạo tiền đề cho thắng lợi của cách mạng tháng Tám, của công cuộc kháng chiến và kiến quốc, mà còn là “chứng nhân vàng” cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như Tuyên ngôn của Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt họp tháng 3/1951 đã nêu rõ: "Lịch sử Việt Minh 10 năm đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc cũng là những trang sử vẻ vang vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam ta. Việt Minh có được những thành tích vẻ vang đó trước hết là do đường lối cách mạng nói chung và chủ trương, chính sách mặt trận nói riêng của Đảng đúng đắn, sáng tạo, hợp lòng dân, trong đó nổi bật là Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc - linh hồn của những chủ trương, đường lối đó”.

Hà Nguyễn 

Tin khác

Năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ

Năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ

(CLO) Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, mục tiêu là cuối năm 2024, phải chọn được nhà đầu tư, để năm 2025, Hà Nội phải khởi công cải tạo, xây dựng lại 1-2 khu chung cư cũ.

Tin tức
Thành lập Tổ Giúp việc Tổ Công tác nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thành lập Tổ Giúp việc Tổ Công tác nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)

(CLO) UBND Thành phố ban hành Quyết định số 1968/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Giúp việc Tổ Công tác nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tin tức
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp CEO Tim Cook, đề nghị xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp CEO Tim Cook, đề nghị xác định Việt Nam là một cứ điểm của Apple trên toàn cầu

(CLO) Ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple của Hoa Kỳ - công ty công nghệ lớn nhất thế giới và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam nếu tính từ 2019 trở lại đây (trên 16 tỷ USD). Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam.

Tin tức
Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1

Phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1

(CLO) Ngày 16/4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn ký ban hành Quyết định số 2012/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn khu 1, tỷ lệ 1/2000 thuộc địa giới hành chính các xã: Tiên Dược, Mai Đình, Phù Linh và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Tin tức
90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu việc giảm thuế

90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu việc giảm thuế

(CLO) Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đa số thuốc thông thường Việt Nam sản xuất được, bởi ngành công nghiệp dược của Việt Nam phát triển khá, nhưng 90% nguyên liệu để sản xuất thì phải nhập khẩu. Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu có chính sách bổ sung giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc, chính sách này nhằm giảm giá thành thuốc. 

Tin tức