(NB&CL) - Hình như đến nay vẫn có một số người đọc vẫn định kiến với các nhà chính trị làm thơ.
Tôi không nghĩ như thế, vì “Văn học nghệ thuật không nằm ngoài kinh tế, chính trị, xã hội mà nằm trong kinh tế, chính trị, xã hội” đúng như tổng kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vấn đề cơ bản là ở chỗ, nhà chính trị khi làm thơ, đã dùng biểu tượng ngôn ngữ, cấu trúc... để chuyển một nội dung chính trị thành tác phẩm nghệ thuật có sức hấp dẫn, lay động, chinh phục lòng người như thế nào? Đó là yêu cầu rất cao, đòi hỏi người cầm bút không ngừng say mê, sáng tạo và luôn có ý thức tự vượt lên chính mình. Bài viết này không có tham vọng bàn sâu điều ấy, mà chỉ muốn nêu vài cảm nghĩ chung nhất khi đọc bốn tập thơ của nhà báo, nhà tư tưởng, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh: “Từ những nẻo đường" (NXB Hội Nhà văn); "Thao thức dòng đời"; "Nhịp điệu thời gian"; "Miền thương nhớ" (NXB Văn học).
Ở Hồng Vinh, cũng có bài thơ không đậm đặc chi tiết, nhưng không loãng bởi có những điểm nhấn như những nốt phím của đàn tim. Bài “Hoài niệm những dòng sông” trải ra trên cả chục tên sông, nhưng vẫn đọng vì tác giả nói được chiều sâu của hồn cảnh và tình người “Trăn trở từng trang viết/Thấm đẫm nước dòng sông/In dáng hình muôn mặt/Ngàn tấm lòng bao dung...” Đặc biệt mấy câu kết “Anh lại đi trăm ngả/Vượt qua nhiều dòng sông/Mang hình em tươi tắn/Trong trái tim ấm nồng...”, là những câu hay.
Và không phải không có những nét riêng, rất riêng của cá thể tác giả sau những bài thơ thiên về tả cảnh, thuật cảnh (Trên đất Sô panh): “Cô gái Ba Lan thả chiều vàng dưới tán bạch dương/Vui say ngắm những cánh hồng thắm đỏ/Hồng thì nhiều mà phong lan chẳng có/Phút cô đơn ùa đến quặn lòng anh”... Ngay cả khi làm thơ về cảnh đẹp và lạ, vẫn có những câu về em, em ở xa trong không gian, trong thời gian “Bao ngả đường đã qua/Những chân trời anh đến/Trong mù sương buốt lạnh/ Có dáng em sưởi hồng” (Âm vang Cửa Tùng- Từ những nẻo đường)...
Như trên đã nói, người cán bộ chính trị cũng là con người mang nhiều xúc động riêng tư về vợ, con, về những kỷ niệm của chính đời mình. Là người ông yêu cháu, nhớ cháu, thương “bà”, trên máy bay thấy thời gian trôi chập chạp, chỉ mong “Ngày nào về gặp cháu ta” để được nghe “Câu bi bô mỗi sớm/Bà ơi mua bánh về chưa/Chiều nay đón con sớm nhé/Chơi cùng Cún Chíp thật lâu” (Nhớ về tổ ấm – Nhịp điệu thời gian).
Có người nhận xét Hồng Vinh ít chú ý đến tứ trong thơ. Nhưng theo tôi, Hồng Vinh không làm thơ theo kiểu lập tứ và làm dàn ý như Chế Lan Viên, cũng không hoàn toàn “truồi theo dòng cảm xúc” như Tố Hữu, mà anh thường bắt đầu từ cảm xúc, rồi mới lập tứ. Bài Trên máy bay nhớ mẹ, tứ của bài thơ bắt đầu từ nỗi nhớ mẹ biểu hiện bằng sự trở về của những kỷ niệm về cuộc đời người mẹ vất vả vì con, hy sinh hết thảy cho con; và cuối cùng là đức, hiếu, nhân mà Mẹ để lại cho con cháu, cho đời. Tứ thơ của toàn bài là niềm thương nhớ, biết ơn người mẹ đã quá cố. Tứ thơ thường không quán xuyến cả bài, mà hé lộ và tập trung ở vài câu, vài khổ. Tứ thơ của bài Anh nằm nơi nao (Thao thức dòng đời) chính là nhan đề của bài thơ, cũng là câu cuối của bài thơ, nhưng tứ đó thật ra đã được chuẩn bị từ đầu bài qua suốt bài rồi bùng nổ ở khổ cuối, câu cuối qua những câu thơ hay như “Luống cày nối nhau lấp hết tuổi xuân”; “Bức thư về nhà đầu tiên cũng là bức cuối cùng”... Có những bài tứ thơ thu lại trong kết cấu bốn câu, rồi sau đó lan tỏa trong lòng người đọc (Trắng - Thao thức dòng đời). Tiêu biểu cho thành công của nghệ thuật cấu tứ của Hồng Vinh là bài Khoảng lặng. “Khoảng lặng” trước cơn bão là nỗi lo nghẹt thở trước tai họa sắp đến, nhưng sau đó là niềm vui vỡ òa khi cơn bão đã biến thành áp thấp. Tứ thơ vụt lên ở khổ thơ cuối “Đời chúng mình đã qua bao khoảng lặng.../Nay giông bão đã lùi xa/Bừng nắng thu và tỏa thơm hương cốm”...
Cũng có người nói nhà thơ, nhà chính trị Hồng Vinh ít nói tới mặt tối của cuộc sống, những góc khuất của tâm hồn. Tôi nghĩ: thích mặt sáng hơn mặt tối, thích góc mở hơn là góc khuất là “tạng” của mỗi người, nhưng không ai chỉ có một mặt, một phía nhìn. Nguyễn Hồng Vinh cũng vậy. Bài Qua bão - Miền thương nhớ là một ví dụ: “Bão tan, mưa sầm sập mãi/Giàn hoa nghiêng ngả tả tơi/ Hồi nhà tốc tranh trống hoác/Nước tràn, cá vượt bờ ao”, nhưng “May sao bờ ao đã “chặn rồi”/ “Những tưởng lui về cổ tích/Vui cùng cây cỏ sớm hôm/ Nào ngờ bão giông vật vã/Gợi thêm ngả rẽ đời em”. Lại một trận bão khác, bão đời, bão lòng... Bài Hai tiếng con người là một cách nhìn đa chiều, biện chứng. Mười năm sau đất nước bình yên, người con gái vẫn chờ, vẫn đợi một người lính không về, từ chối mọi lời cầu hôn. Bài thơ kết thúc bằng lời ngợi ca hai chữ Con Người viết hoa. Đó chính là em. Bài thơ dựa trên cốt tự sự, bằng sự gợi cảm, gợi nghĩ nhiều hơn kể, không sa vào chi tiết mà chỉ chấm phá. Bằng chi tiết chắt lọc, bài Lặng im phê phán sự im lặng của những ai vô cảm trước tội ác, trước bất công mà tác giả gọi là “tòng phạm”. Hồng Vinh coi sự im lặng ấy là nguy cơ của hiểm họa như phút lặng im trước giờ bom nổ!
Người cán bộ chính trị cũng là một con người, có vui buồn, đau khổ, thậm chí dằn vặt, trăn trở trước bộn bề, bức xúc của đời sống thường nhật. Là con người, là công dân, ai cũng ít nhiều quan tâm đến chính trị, dù trực tiếp hay gián tiếp. Nhưng cuộc sống còn nhiều mặt khác, nhiều tình cảm khác. Riêng với nhà thơ, dù làm nghề gì thì trước nhất và cuối cùng cũng là người thơ, nghĩa là có những cảm xúc cần được chuyển hóa thành thơ, thành hình tượng, thành ngôn từ, vần điệu tạo sự lay động lòng người. Nguyễn Hồng Vinh không là ngoại lệ. Anh yêu thơ từ trẻ, nhưng do hoàn cảnh nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu chính trị nên đã có một thời gian dài xa thơ. Nhưng thơ vốn âm ỉ trong huyết mạch nên khi có điều kiện, nó ùa đến mà tác giả cũng không lường hết! Trong 5 năm, bốn tập thơ của anh ra mắt, dần dà gây được sự chú ý của công chúng yêu thơ. Có thể nói khái quát, thơ anh thể hiện sinh động tình cảm công dân, tình cảm con người. Hai phạm trù này không hoàn toàn là một, nhưng nhiều lúc hoà trong nhau, bổ sung cho nhau. Những tình cảm bình thường riêng tư đó làm cho thơ công dân của anh trở nên gần gũi hơn, gắn bó với đời hơn, đi vào lòng người hơn. Còn ý thức công dân của anh thì giúp cho những tình cảm riêng tư càng trở nên bình dị và cao đẹp hơn, có sức cổ vũ con người hướng về cái thiện, bồi đắp niềm tin yêu cuộc sống.
Điều người ta đòi hỏi nhiều hơn ở Hồng Vinh không phải là có nhiều hơn những tình cảm không gắn với chính trị, mà là ở độ sâu đa chiều của những tình cảm đó. Tôi cảm nhận rõ, qua những bài gần đây, Nguyễn Hồng Vinh đang phấn đấu theo hướng ấy trên nền cảm xúc của anh bao giờ cũng gắn với đời sống, thăng hoa từ đời sống, không tư biện, không khái niệm, không ước lệ, không khoa trương, mà thường là những lời bình dị, chân thành và có sức lắng đọng trong lòng người. Chúc Nguyễn Hồng Vinh có những bứt phá mới trong những tập tiếp theo!
11.4.2015
ĐẶNG HIỂN