Minh bạch thông tin đất đai, dễ hay khó?

Thứ bảy, 07/04/2018 14:52 PM - 0 Trả lời

(CLO) Khảo sát Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2017 được thực hiện với sự tham gia của hơn 14.000 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh thành đã chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai.

Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ 15% người dân biết được kế hoạch sử dụng đất ở địa phương mình; chỉ 4% người được hỏi cho biết có dịp góp ý kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Trong đó, điểm yếu tồn tại qua nhiều năm ở cấp tỉnh vẫn là công khai, minh bạch, đặc biệt là trong quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất. Kết quả khảo sát cho thấy, sự không minh bạch, công khai thông tin về đất đai ở các địa phương chính là nguồn cơn của những xung đột, khiến người dân bất bình và để lại nhiều hệ lụy, điển hình như vụ Đồng Tâm (Hà Nội) năm 2017 và mới đây là vụ Nam Ô (Đà Nẵng). 

Theo kết quả khảo sát PAPI  2017, tổng chất lượng dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSĐ) giảm nhẹ từ 2,64 điểm năm 2016 xuống 2,55 điểm trong năm 2017 (trên thang điểm từ 0 - 4). PAPI cũng đánh giá việc sửa đổi quy hoạch sử dụng đất ở địa phương vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực tới người dân và khiến người dân bất bình. Trong đó, mặc dù việc thu hồi đất đai có xu hướng thuyên giảm, song những người bị thu hồi đất ngày càng bất bình với giá bồi thường thu hồi đất, mức độ hài lòng đã ở mức thấp trong nhiều năm qua, cũng từ khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực. Do đó, đây vẫn là vấn đề cần được quan tâm thấu đáo. Báo cáo PAPI 2017 cũng chỉ ra rằng, bất bình với giá bồi thường có thể là nguyên nhân chính dẫn tới khiếu kiện đất đai ngày càng gia tăng. 

Báo Công luận
 Bãi Rạn Nam Ô giờ đã trở thành dĩ vãng, nhường chỗ cho Dự án Lancaster Nam Ô Resort đầy tai tiếng.

Theo một báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2017, khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tới hơn 95% số khiếu nại mà Bộ này nhận được. Năm 2014, 36% số người bị thu hồi đất cho rằng giá bồi thường xấp xỉ giá thị trường, tỉ lệ này đã giảm xuống còn 21% trong năm 2017. Bồi thường không thỏa đáng có thể là lý do giải thích tại sao người dân vẫn quan ngại nhiều về vấn đề quản trị đất đai ở địa phương, mặc dù thu hồi đất có xu hướng thuyên giảm. Sai phạm đất đai ở nhiều địa phương từ Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TPHCM… đã ảnh hưởng đến hàng nghìn hồ sơ đất đai không giao dịch được, có nghĩa người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Bên cạnh đó có không ít khu đất ở vị trí đẹp được mua bán không qua đấu thầu theo quy định của pháp luật. 

Người dân đặt câu hỏi về việc liệu có một nhóm người và một số doanh nghiệp đang được hưởng những món lợi lớn từ đất đai? Công khai thông tin cho dân rõ cũng là cách để định hướng dư luận, tránh những suy diễn làm rối loạn thông tin. Theo TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), sự không minh bạch, công khai thông tin về đất đai có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau. “Năm vừa qua, xung đột giữa người dân và chính quyền địa phương trong vụ việc ở Đồng Tâm (Hà Nội) và làng biển Nam Ô (Đà Nẵng) là những ví dụ điển hình", ông Giang nói. Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 01/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của các cấp bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và nâng cao tính khả thi; tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và các đối tượng sử dụng đất. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật. 

Cũng như đối với việc buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính cũng phủ yêu cầu xử lý nghiêm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật. 

Mặc dù có một vài điểm sáng trong việc tiếp cận đất đai chẳng hạn như tỉ lệ người trả lời cho rằng họ phải đưa lót tay mới có được CNQSDD giảm đáng kể trong năm 2017 sau khi tăng liên tục qua các năm; Tỉ lệ người đi làm thủ tục cho biết không phải đi qua nhiều ‘cửa’ để làm xong các thủ tục liên quan đến đến giấy CNQSDD đất tăng 7%... nhưng người dân vẫn tiếp tục phàn nàn nhiều về thủ tục hành chính liên quan. Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác quản lý nhà nước vẫn còn nhiều mặt hạn chế, bất cập. Việc quản lý đất đai phải gắn chặt với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 

Việc thực hiện bản đồ số, tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính là rất quan trọng nhưng đó phải thực sự đem đến thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; phải chỉ cho nhà đầu tư đất nào, ở đâu? cho mục đích gì? có phù hợp với nhà đầu tư hay không? Trong quản lý đất đai, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan như xây dựng, giao thông và đặc biệt chú trọng đến yêu cầu sử dụng đất có liên quan đến an ninh quốc phòng. Trong lĩnh vực bất động sản, tác động của chính sách rất lớn. Mọi phản ứng tích cực hay tiêu cực của thị trường đều có sự chi phối của chính sách. 

Ở thị trường bất động sản, các chính sách liên quan hiện nay của Chính phủ đều có những tác động rất tích cực, góp phần phát triển thị trường ổn định, lành mạnh và bền vững hơn. Do đó, tăng cường công khai, minh bạch và thực hiện tham vấn đầy đủ với người dân về các phương án bồi thường thu hồi đất cần được thực hiện nghiêm túc trước khi chính quyền các cấp thu hồi đất. Những biện pháp này có tác dụng giảm thiểu khiếu kiện và tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, báo cáo PAPI 2017 khuyến nghị./.

Bảo Anh

Tin khác

Sau thời kỳ trầm lắng, hành vi của người tiêu dùng, người mua nhà của người Việt đã thay đổi

Sau thời kỳ trầm lắng, hành vi của người tiêu dùng, người mua nhà của người Việt đã thay đổi

(CLO) Đợt tăng giá căn hộ chung cư tại Hà Nội thời gian qua đang thu hút sự quan tâm lớn từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.

Bất động sản
Hàng nghìn căn hộ cao cấp sắp ra mắt thị trường phía Tây Hà Nội

Hàng nghìn căn hộ cao cấp sắp ra mắt thị trường phía Tây Hà Nội

(CLO) Sáng ngày 22/4, MIK Group đã chính thức khởi công phân khu The Sola Park thuộc giai đoạn 2 dự án Imperia Smart City (Tây Mỗ, Hà Nội). Với thành công được minh chứng từ giai đoạn 1, cái tên Imperia Smart City dự đoán sẽ tiếp tục làm sôi động thị trường bất động sản nhà ở khu vực phía Tây.

Bất động sản
Bất động sản ngoại thành TP HCM vẫn chưa thể tạo 'sóng'

Bất động sản ngoại thành TP HCM vẫn chưa thể tạo 'sóng'

(CLO) Từng nóng lên nhờ các thông tin tin quy hoạch, lên thành phố, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, diễn biến tại thị trường bất động sản tại các huyện ngoại thành của TP HCM vẫn chưa đủ yếu tố để tạo thành "cơn sóng" mới.

Bất động sản
Nhà tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng, khách xem cầm tiền tỷ từ bỏ ý định mua nhà

Nhà tập thể cũ xuống cấp nghiêm trọng, khách xem cầm tiền tỷ từ bỏ ý định mua nhà

(CLO) Giá chung cư liên tục lập đỉnh, nhiều người chuyển hướng sang mua nhà tập thể cũ. Tuy nhiên, với tình trạng xuống cấp nghiêm trọng cùng với những bất tiện khi sinh sống tại nhà tập thể cũ, khách xem cầm tiền tỷ ngậm ngùi từ bỏ ý định mua nhà.

Bất động sản
Các thương hiệu xa xỉ 'tranh nhau' tìm mặt bằng cao cấp ở trung tâm TP HCM

Các thương hiệu xa xỉ 'tranh nhau' tìm mặt bằng cao cấp ở trung tâm TP HCM

(CLO) Lĩnh vực bán lẻ cao cấp tại TP HCM thời gian qua đã ghi nhận nhiều cái tên lớn của ngành hàng xa xỉ đến từ nhiều sản phẩm khác nhau. Các chuyên gia Savills cho biết nhóm khách thuê này vẫn đang tích cực tìm kiếm mặt bằng cao cấp ở khu vực trung tâm quận 1.

Bất động sản