(CLO) Đó là mong muốn của lãnh đạo và người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Không chỉ phục vụ cho phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn mà việc mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài (CHKQTPB) còn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân bên cạnh việc phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Thừa Thiên - Huế là địa phương lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn, hàng năm thu hút khoảng từ 3 đến 3,5 triệu lượt khách và đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 5 triệu lượt khách tham quan. Xu hướng kết nối phát triển vùng du lịch Bắc miền Trung nhiều khả năng lượng khách đến Huế sẽ tăng đột biến, vượt xa với công suất thiết kế của sân bay Phú Bài. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng, mở rộng CHKQTPB đang là vấn đề cấp thiết.
Trên thực tế, hàng năm có khoảng vài trăm lượt khách phải vào Đà Nẵng tìm, chọn những chuyến bay để tiếp tục hành trình với lý do hệ thống hạ tầng, nhà ga phục vụ khách Quốc tế chưa có, nên công tác quản lý, phục vụ gặp nhiều khó khăn.
Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài sẽ được đầu tư mở rộng.
Trước đó, ngày 23/3/2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có Kết luận số 143/TB-BGTVT, tại buổi làm với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng đã đồng tình về việc đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài. Cụ thể, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư năm 2018 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong đó có dự án “Xây dựng nhà ga hành khách T1 với công suất 5 triệu lượt khách/năm, các hạng mục kết cấu hạ tầng đồng bộ và sân đỗ máy bay” của CHKQTPB. Các hạng mục công trình được khởi công, bắt đầu xây dựng trong năm 2018.
Kết luận nhấn mạnh, để CHKQTPB phát huy tốt hiệu quả, công tác đầu tư cần đồng bộ, thống nhất, yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với ACV. Trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, CHKQTPB cần nghiên cứu bổ sung đường cất hạ cánh số 2, hệ thống đường lăn để kết nối với hệ thống sân đỗ và đường cất hạ cánh số 1 hiện tại với mục tiêu đảm bảo đáp ứng được yêu cầu hoạt động khai thác bình thường của Cảng hàng không khi triển khai nâng cấp, sửa chữa đường cất hạ cánh số 1; rà soát lại phạm vi mở rộng đường cất hạ cánh số 2 nhằm đảm bảo hoạt động của hai đường cất hạ cánh; kiểm tra lại phạm vi cần thiết để đáp ứng được việc triển khai kéo dài đường cất hạ cánh số 2 bao gồm cả vùng đệm đảm bảo khoảng không lưu an toàn; quy hoạch định hướng, định hình quy mô thiết kế nhà ga hành khách đảm bảo đồng bộ và mỹ quan; định hướng phát triển hệ thống sân đỗ, đường lăn.
Nhiều du khách đến Huế bằng đường hàng không.
Hiện tại, CHKQTPB được thiết kế với công suất 1,5 triệu hành khách/năm, tuy nhiên đến năm 2017 lượng khách thông qua cảng đã đạt 1,75 triệu hành khách, tốc độ tăng trưởng hành khách đạt 15%, vượt mức độ thiết kế. Theo dự báo với mức tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 13 - 17% thì đến năm 2020 lượng hành khách qua cảng sẽ đạt 3 - 3,5 triệu và đến năm 2025 sẽ đạt 6,5 - 7 triệu hành khách/năm.
Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế cho biết: “Đây là một hướng mới, tạo thuận lợi rất lớn cho tỉnh Thừa Thiên Huế không chỉ trong vấn đề đi lại của nhân dân mà nó còn phục vụ thuận lợi cho việc phát triển, kết nối dịch vụ - du lịch trong nước và quốc tế”.
Vì vậy, việc đầu tư mở rộng CHKQTPB là vấn đề cần thiết phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới. Đồng thời, tạo ra hướng mới cho việc kết nối từ đường hàng không đến với đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Hữu Tin - Việt Dũng