Mohammad bin Salman: Vị Thái tử trong “tâm bão”

Thứ năm, 25/10/2018 07:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trong sự vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại làm rúng động chính trường thế giới và ồn ã trên các phương tiện truyền thông thế giới những ngày qua, có một cái tên đã trở thành tâm điểm: Thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman – người kế nhiệm Quốc vương Salman.

Thênh thang đường tới ngai vàng

Mohammed bin Salman sinh ngày 31/8/1985, là con trai út của Quốc vương Salman và cũng là nhân vật được phụ thân yêu quý nhất. Sau khi tốt nghiệp đại học, Mohammed bin Salman đã thành lập một số công ty, sau đó ông làm việc trong cơ quan nhà nước. Hoàng tử Mohammed bin Salman từng làm Tổng thư ký Hội đồng Thi đua Riyadh, cố vấn đặc biệt của Chủ tịch hội đồng quản trị Tổ chức Quốc vương Abdulaziz… Mohammed bin Salman còn thành lập tổ chức phi lợi nhuận MiSK khuyến khích học tập và khả năng lãnh đạo cho thanh niên Saudi Arabia, phát triển khởi nghiệp tại nước này qua các chương trình kinh doanh. Năm 2013, tạp chí Forbes Trung Đông vinh danh Hoàng tử Mohammed bin Salman là “Nhân vật của năm”, ghi nhận sự hỗ trợ cho giới trẻ Saudi Arabia của ông trong vai trò chủ tịch Trung tâm Thanh niên Quốc vương Salman.

Sự nghiệp chính trị của Mohammed bin Salman được xem là bắt đầu vào năm 2007 khi ông làm cố vấn tại Hội đồng Bộ trưởng trong 2 năm. Năm 2009, Mohammed bin Salman trở thành cố vấn đặc biệt cho cha ông lúc này đã là Thái tử Salman và kiêm nhiệm công việc chuyên gia ủy nhiệm của nội các Saudi Arabia cho đến tháng 3/2013.

Đường công danh của Mohammed bin Salman càng trở nên thênh thang sau sự vụ tháng 1/2015, Quốc vương Abdullah bin Abdul Aziz qua đời và Salman bin Abdul Aziz lên ngôi ở tuổi 79. Tân Quốc vương Salman ngay lập tức thực hiện 2 quyết định khiến giới quan sát bất ngờ, đó là bổ nhiệm con trai mình làm Bộ trưởng Quốc phòng và Mohammed bin Nayef làm Phó Thái tử. Tháng 4/2015, Quốc vương Salman chỉ định Mohammed bin Nayef làm Thái tử và con trai mình làm Phó Thái tử, Phó Thủ tướng thứ 2, và Chủ tịch Hội đồng các Vấn đề Kinh tế và Phát triển – một nhóm các bộ trưởng trong nội các, gặp gỡ hằng tuần và giám sát các yếu tố chính sách động chạm đến các vấn đề kinh tế và xã hội như giáo dục, sức khỏe và nhà cửa. Bất ngờ nối tiếp bất ngờ, chỉ ít lâu sau, tháng 6/2017, Quốc vương Saudi Arabia, Salman chỉ định Mohammed bin Salman làm Thái tử, thay thế cho cháu trai bị phế truất Mohammed bin Nayef. Sự thăng cấp nhanh chóng của tân Thái tử Mohammed bin Salman mới chớm tuổi 32 được coi là dấu hiệu của “làn gió đổi thay mới” tại Saudi Arabia bởi trước đó, quốc gia Trung Đông này thường xuyên được lãnh đạo bởi các vị Quốc vương trong độ tuổi 70 và 80.

Báo Công luận
 Thái tử Mohammad bin Salman.
Trên cương vị mới chưa lâu, Mohammed bin Salman đã gặt hái thành công. Tháng 3/2017, Mohammed bin Salman đã gây chú ý khi được lựa chọn đến thăm Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng thay vì Thái tử khi đó là ông Muhammad bin Nayef, người vừa bị phế truất. Cuộc gặp này đã được truyền thông Saudi Arabia ca ngợi là thành công. Tân Thái tử Mohammed bin Salman còn là người đứng sau “Tầm nhìn 2030” - kế hoạch kinh tế dài hạn của Saudi Arabia để giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. “Tầm nhìn 2030” còn nhắm đến mục tiêu khiến Saudi Arabia thành trung tâm của thế giới Hồi giáo và Arab, điểm kết nối giữa 3 lục địa.

Thái tử Mohammed bin Salman còn được nhìn nhận là người có đường lối quân sự và đối ngoại cứng rắn. Một trong các động thái đầu tiên của Mohammed bin Salman trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là mở chiến dịch quân sự ở Yemen vào tháng 3/2015 cùng với các quốc gia Arab khác. Mohammed bin Salman còn là một trong những chính trị gia chủ chốt đứng sau việc các quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hồi tháng 6/2017.

Với quyền lực lớn trong tay, Thái tử Mohammed bin Salman còn là chủ nhân của hàng loạt cải cách lớn trong xã hội Saudi Arabia  như: tầng lớp giáo sĩ bảo thủ của Saudi bị hạn chế quyền lực, phụ nữ đã được phép lái xe và tham dự các sự kiện thể thao. Đất nước này cũng có rạp chiếu phim công cộng đầu tiên sau 35 năm.

Thomas Friedman, một chuyên gia về Trung Đông, đã miêu tả Thái tử Mohammed bin Salman là biểu tượng của “mùa xuân Arab” đang diễn ra ở Saudi Arabia trong một bài viết trên tờ New York Times vào tháng 11/2017.

Ngập trong “bão” tin đồn

Không chỉ giữ “kỷ lục” tuổi trẻ tài cao, Mohammed bin Salman có lẽ là một trong những chính khách Trung Đông “vướng” vào nhiều lời đồn thổi ồn ào nhất. Đơn cử như hồi tháng 11/2017 là những râm ran rằng chính Thái tử Mohammed bin Salman là đạo diễn của màn “bắt cóc” Thủ tướng Lebanon Saad Hariri khi ông đến thăm Saudi Arabia. Khi ông Hariri tới Thủ đô Riyadh ngày 3/ 11/2017, điện thoại của nhà lãnh đạo này bị tịch thu và một ngày sau đó ông xuất hiện trên một kênh truyền hình thuộc sở hữu của Saudi Arabia với tuyên bố từ chức. Động thái này đã làm dấy lên sự phẫn nộ ở Lebanon với những cáo buộc cho rằng Saudi Arabia ngang nhiên bắt cóc và đe dọa Thủ tướng của một quốc gia có chủ quyền. Tổng thống Lebanon Michel Aoun lúc đó đã cáo buộc Arab Saudi đã bắt Thủ tướng của nước mình.

Tháng 4/2018 vừa qua, truyền thông Iran đưa tin cho rằng, Thái tử Mohammed bin Salman đã thiệt mạng do dính 2 phát đạn trong vụ đảo chính diễn ra ngày 21/4 tại Hoàng cung ở thủ đô Riyadh và nhiều khả năng đã qua đời. Một điều nữa là khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Ả Rập Saudi vào cuối tháng 4, không có bất kỳ hình ảnh hay đoạn video nào quay ông với Thái tử Salman được đăng tải, càng khiến cho mọi người tin rằng ông đã gặp chuyện không hay. Để trấn an dư luận, hoàng gia Arab Saudi đã công bố bức ảnh Thái tử Salman chụp cùng Quốc vương Hamad của Bahrain, Tổng thống Sisi của Ai Cập và người cai trị Abu Dhabi, ông Mohammed bin Zayed. Tuy nhiên, do không biết bức ảnh này được chụp khi nào nên tin đồn vẫn lan tỏa trên mạng xã hội.

Tháng 11/2017, báo chí và mạng xã hội lại ồn ĩ trước tin đồn ngôi vị của Thái tử Mohammed bin Salman đối mặt bấp bênh khi Quốc vương Salman đang tìm cách phế truất ông bởi đánh mất niềm tin khi ông tham gia vào các dự án và các vấn đề gây tranh cãi cả ở trong và ngoài nước.

Báo Công luận
 Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tin đồn mới nhất, cũng là sự việc đang ồn ĩ trên các phương tiện truyền thông là việc báo chí Mỹ và phương Tây nghi ngờ Thái tử Mohammed bin Salman chính là nhân vật ra lệnh giết nhà báo Jamal Khashoggi do ông Khashoggi thường xuyên chỉ trích chính quyền Riyadh và đặc biệt là cá nhân Thái tử. Không những vậy, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ngày 21/10 trong cuộc phỏng vấn với kênh CNN khi được hỏi liệu Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman có liên quan tới sự việc hay không, ông Corker cho rằng chính Thái tử Mohammed đã ra lệnh thực hiện vụ giết hại nhà báo Khashoggi. “Cuối cùng Mỹ và phần còn lại của thế giới sẽ tin ông ấy đã làm việc đó”, Thượng nghị sĩ Corker nhấn mạnh.

 Dĩ nhiên, phía Saudi Arabia phản đối kịch liệt trước tin đồn này. Ngày 21/10 vừa qua, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã bày tỏ sự thương tiếc đối với gia đình nhà báo Jamal Khashoggi khi khẳng định đây là một sai lầm tồi tệ và khẳng định nó không liên quan đến Thái tử Mohammad bin Salman.

Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng rộ lên nguồn tin từ một quan chức cấp cao Arab, sau khi Khashoggi bị bắt, Saud al-Qahtani, trợ lý hàng đầu của Thái tử Mohammed bin Salman, thực hiện cuộc gọi trực tuyến qua Skype tới căn phòng giam giữ Khashoggi tại lãnh sự quán. Qahtani bắt đầu thóa mạ Khashoggi và bị nhà báo này đáp trả. Qahtani sau đó chỉ thị cho nhóm đặc vụ “xử lý” Khashoggi và “mang đầu về đây cho tôi”. Vai trò và sức ảnh hưởng quá lớn của Qahtani trong nhóm tùy tùng của Thái tử Mohammed cũng đặt ra những câu hỏi về sự liên quan của Thái tử đến vụ giết Khashoggi. Bản thân Qahtani từng nói ông sẽ không bao giờ làm bất cứ điều gì nếu không có sự chấp thuận của Thái tử.

Dù đó chỉ dừng lại là những tin đồn, thì theo báo chí quốc tế, hình ảnh nhà lãnh đạo cấp tiến Thái tử Mohammed bin Salman xây dựng trong 3 năm qua đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại.

Hà Anh

Tin khác

Mỹ và 17 quốc gia hứa đảm bảo hòa bình cho Gaza nếu Hamas thả con tin

Mỹ và 17 quốc gia hứa đảm bảo hòa bình cho Gaza nếu Hamas thả con tin

(CLO) Mỹ và 17 quốc gia khác hôm thứ Năm đã đưa ra lời kêu gọi Hamas thả tất cả con tin để chấm dứt cuộc chiến sự ở Gaza, nhưng Hamas tỏ ra hoài nghi.

Thế giới 24h
Thứ trưởng Quốc phòng Nga mất chức và nhiều doanh nhân bị bắt trong vụ án tham nhũng

Thứ trưởng Quốc phòng Nga mất chức và nhiều doanh nhân bị bắt trong vụ án tham nhũng

(CLO) Một Thứ trưởng Quốc phòng Nga vừa bị buộc tội nhận hối lộ trong một vụ bê bối tham nhũng lớn khiến một số doanh nhân giàu có bị bắt.

Thế giới 24h
Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

(CLO) Thủ tướng Haiti Ariel Henry hôm thứ Năm (25/4) đã tuyên bố từ chức, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới.

Thế giới 24h
Mỹ công bố mua vũ khí trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine

Mỹ công bố mua vũ khí trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine

(CLO) Một quan chức Mỹ ngày 25/4 cho biết Mỹ có thể thông báo về việc mua vũ khí mới cho Ukraine trị giá 6 tỷ USD ngay sau ngày thứ Sáu.

Thế giới 24h
Israel chuẩn bị tấn công tổng lực Rafah, người dân không biết trốn đi đâu

Israel chuẩn bị tấn công tổng lực Rafah, người dân không biết trốn đi đâu

(CLO) Israel đã tăng cường không kích vào Rafah sau khi tuyên bố sẽ sơ tán dân thường khỏi thành phố cực nam Gaza để chuẩn bị cho một cuộc tấn công tổng lực, bất chấp cảnh báo rằng điều này có thể gây thương vong hàng loạt.

Thế giới 24h