Mỗi người dùng mạng xã hội cần "like và share có trách nhiệm"

Thứ năm, 14/06/2018 06:00 AM - 0 Trả lời

(CLO) Đó là lời khẳng định của nhà báo Lê Quốc Minh- Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam trong buổi tọa đàm khoa học “Truyền thông trên mạng xã hội” diễn ra ngày 13/6 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (Hà Nội). Chương trình do Đoàn thanh niên Khối các cơ quan Trung ương tổ chức, nhằm thiết thực kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018).

Báo Công luận
Bí thư Đoàn Khối các cơ quan TƯ tặng hoa chúc mừng của Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi nhân dịp 93 năm Ngày Báo chí cách mạng VN. Ảnh: TTXVN 
Cuộc đấu tranh chống lại “fake news”

Tham dự buổi tọa đàm, có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi- Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Lê Quốc Minh- Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Thông tấn xã VN; Trần Hữu- Bí thư Đoàn khối các cơ quan TƯ; Đỗ Quý Vũ- Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin & Truyền thông; cùng đông đảo các đại biểu là nhà báo, phóng viên, đoàn viên thanh niên các cơ quan trong Khối…

Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Đoàn thanh niên Khối các cơ quan Trung ương Trần Hữu nhấn mạnh, tọa đàm nhằm góp phần giúp các nhà báo trẻ, đoàn viên thanh niên Khối các cơ quan Trung ương nâng cao nhận thức bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng niềm tin, kỹ năng, cách ứng xử với thông tin trên mạng xã hội; khơi dậy ý thức đấu tranh, phản bác lại các thông tin xấu, độc, sai trái…

Một kết quả khảo sát trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho thấy, có gần 90% người Việt sử dụng mạng xã hội để theo dõi tin tức. Như vậy, sự tham gia mạng xã hội đem đến lượng thông tin khổng lồ, thỏa mãn mong muốn thể hiện cá nhân của mỗi người dân trong môi trường công nghệ.

Cũng theo thống kê, 96% người làm báo Việt Nam đang sở hữu tài khoản facebook. Trong số đó, có đông đảo các nhà báo sử dụng facebook như một công cụ để tham gia các phong trào xã hội. Số liệu này cho thấy việc khai thác lợi thế của mạng xã hội cũng là điều kiện để quảng bá tin tức, truyền thông tin tức từ các nhà báo đến nhanh hơn với công chúng, khán thính giả.

Báo Công luận
Đồng chí Trần Hữu- Bí thư Đoàn Khối các cơ quan TƯ phát biểu khai mạc tọa đàm 

 

Trao đổi ý kiến tại tọa đàm, nhà báo Lê Quốc Minh- Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam đã đưa ra nhiều số liệu cho thấy MXH đang "làm chủ" chúng ta như thế nào. Cụ thể, mỗi ngày một người bình thường bỏ ra trung bình khoảng 2,5 giờ để sử dụng MXH và vì thế rút điện thoại thông minh ra tới 150 lần. Có thống kê cho rằng, chỉ có 1% thông tin trên Facebook là giả mạo, tuy nhiên 1% này nếu tính toán kỹ lưỡng thì lại là con số khổng lồ.

Nhà báo Lê Quốc Minh nhận định, vào thời gian này năm ngoái, không nhiều người trong giới báo chí cũng như người dùng internet ở Việt Nam quan tâm đến cái gọi là “fake news” - tin giả. Mọi người tin rằng, trong thời đại hiện nay, ai cũng trở nên thông minh. Vả lại, có rất nhiều thiết bị thông minh quanh mình, cái gì cũng được gắn thêm từ “smart” nên không dễ dàng bị lừa, nhất là bị lừa bởi tin giả.

Mà như khẳng định của nhà báo Lê Quốc Minh, một thế giới với những hoang tin có thể dẫn tới các thảm kịch trong đời sống, dễ dàng lan truyền với tốc độ chóng mặt từ người này sang người khác thông qua các phần mềm chat hoặc các mạng xã hội. “Fake news” thậm chí thu hút sự quan tâm nhiều hơn thông tin chính thống.

Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam dẫn chứng, cách làm thường thấy "đăng tải trước, chỉnh sửa sau" ở nhiều tòa soạn báo tại nước ta hiện nay là vô cùng nguy hiểm. Bởi nếu nguồn thông tin mà họ sử dụng là "fake news", sẽ tạo ra sai lầm vô cùng tệ hại, dẫn đến sự giảm sút niềm tin của công chúng vào báo chí chính thống. Từ những thực trạng này, ông Lê Quốc Minh cho rằng, mỗi người dùng mạng xã hội cần "like và share có trách nhiệm

Báo Công luận
Nhà báo Lê Quốc Minh- Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Thông tấn xã VN trao đổi ý kiến tại tọa đàm 

 

Trang điện tử vnanet.vn của Thông tấn xã Việt Nam với 4 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha) ra đời vào năm 2003, cũng từng phát hiện ra một trang web “bê” nguyên xi toàn bộ thông tin bằng 4 ngôn ngữ lên trang web của họ với thiết kế giống y chang... “Từ Mỹ đến châu Âu, từ châu Á đến vùng Caribbean hay tận châu Phi, “fake news” đang như một bệnh dịch khủng khiếp bò dần vào từng ngóc ngách của xã hội”, nhà báo Lê Quốc Minh tỏ ra lo ngại.

Với cách nhìn đó, “fake news” đang có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi trên thế giới. Nhiều chính phủ trên thế giới đã có những biện pháp quyết liệt để đối phó với “fake news”. 

Tại Việt Nam, ngày 12/6 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua luật An ninh mạng. Tuy nhiên, báo chí cũng phải hành động trước thực trạng này để đẩy lùi và xa lánh “fake news”. Có thể nói, chưa bao giờ đòi hỏi về một nền báo chí chất lượng cao lại bức thiết như hiện nay.


Cần trang bị một "màng lọc" thông minh

“Làm thế nào để gây dựng lại niềm tin của công chúng đối với nội dung báo chí chất lượng cao sẽ là câu hỏi lớn trong những năm tới dành cho các nhà quản lý, các tòa soạn báo và bản thân các nhà báo, phóng viên. Nó không chỉ quan trọng đối với sự tồn vong của báo chí, nó còn quan trọng với sự ổn định của xã hội”, nhà báo Lê Quốc Minh trăn trở.

Để tránh tình trạng “fake news”, ông Lê Quốc Minh cho rằng: “Sự tràn lan của tin giả trên toàn cầu cho thấy báo chí cần phải kết nối với độc giả, khán thính giả một cách hiệu quả hơn”. Vì thế, cần dành nhiều nhân lực hơn cho báo chí điều tra, gắn chặt hơn với những giá trị đạo đức trong việc quản lý và quản trị truyền thông, đồng thời có các biện pháp nâng cao nhận thức cho công chúng về tin giả. ".

Bên cạnh đó, cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, cần phải xây dựng những liên minh báo chí để bảo vệ bản quyền, tìm kiếm những mô hình kinh doanh bền vững và quan trọng nhất vẫn là để đối phó với tình trạng “fake news”. “Các nhà báo chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi chúng ta khoác trên mình trọng trách to lớn với xã hội”, ông Lê Quốc Minh kêu gọi.

Trước thực trạng “fake news”, thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc tham gia và sử dụng mạng xã hội với tất cả mọi người nói chung và người làm báo nói riêng có vai trò lớn mạnh hơn bao giờ hết.

Báo Công luận
Các đại biểu đã có nhiều chia sẻ, đóng góp những giải pháp quan trọng... 

 

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp của nhà báo trẻ trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng xã hội; tham mưu, kiến nghị với các cơ quan chức năng hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng.

Đặc biệt, nhấn mạnh tính bức thiết của việc đòi hỏi một nền báo chí chất lượng cao, nhiều đại biểu cho rằng, mạng xã hội dù phát triển bùng nổ nhưng không thể thay thế hoạt động và thông tin từ các tòa soạn, các cơ quan báo chí chính thống. Do đó, cần khai thác, tận dụng những lợi thế của mạng xã hội, sử dụng nền tảng online để phát triển định hướng thông tin cho độc giả theo hướng phù hợp với thị hiếu song vẫn đảm bảo những tiêu chí cơ bản của báo chí đa phương tiện.

Chính vì thế, trước những thông tin chia sẻ, các nhà báo cũng cần chọn lọc kỹ lưỡng, định hướng thông tin của mình một cách chính xác và cần phải kiểm chứng thông tin một cách có trách nhiệm tới công chúng và người tham gia mạng xã hội. Hãy là những người thông minh khi tiếp nhận những thông tin từ mạng xã hội và hãy tạo cho mình một “màng lọc” tinh tế trước một tương lai “fake news” ngày càng tinh vi như hiện nay.

Trong đó, báo chí cần chủ động hành động, gây dựng lại niềm tin của công chúng. Đây là vấn đề cần được các cơ quan báo chí và chính bản thân mỗi nhà báo đặt sự quan tâm đúng mức, bởi nó không chỉ quan trọng với sự tồn vong của báo chí, mà còn liên quan tới sự ổn định của xã hội.

                                                                                                       PV



Tin khác

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo