Mối nguy từ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Thứ sáu, 12/01/2018 12:00 PM - 0 Trả lời

(CLO) Thời tiết lạnh đột ngột, khiến người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh sẽ nặng lên. Nếu không biết cách phòng tránh, điều trị và cấp cứu kịp thời, sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Những thói quen xấu khiến bệnh tiến triển

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Tại Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, những ngày trở lạnh, số bệnh nhân (BN) vào điều trị nội trú về các bệnh đường hô hấp khoảng 30-40 BN/ngày, trong đó có gần 1/3 là BN nhập viện vì đợt viêm cấp COPD. Điều đáng nói, đa phần BN nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, phải hỗ trợ thở máy mà trước đó không được sử dụng thuốc dự phòng tốt hoặc để bệnh quá nặng.

Theo GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai, tại Việt Nam hiện nay, tình trạng người dân hút thuốc lá, thuốc lào vẫn ở mức cao, ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều, đặc biệt tại các đô thị và thành phố lớn. Bên cạnh đó, tuổi càng cao chức năng phổi càng suy giảm, cộng với yếu tố nguy cơ gây bệnh nói trên, khiến tình trạng mắc COPD có chiều hướng tăng. Tại Trung tâm này, qua khai thác tiền sử, có tới 90% số BN mắc COPD do trước đó hút thuốc lá, thuốc lào, số còn lại là do yếu tố môi trường hóa học và hít phải khói bếp than, bếp củi, rơm rạ… “Trong khói thuốc lá có trên 7.000 chất độc hại, trong đó có nhiều chất gây viêm mãn tính đường thở từ đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới, phá hủy các mạch máu ở phổi ảnh hưởng tới lưu thông khí ở phổi, gây tắc nghẽn khiến người bệnh khó thở”. Trong khói thuốc còn có nhiều chất gây ung thư phổi, ung thư nhiều tạng khác trong cơ thể”, GS.TS Ngô Quý Châu cảnh báo.

Hiện nay, người dân vẫn còn thói quen tự mua thuốc về uống mà không đến cơ sở y tế khám. Đến khi bệnh trở nặng mới hốt hoảng đi viện Ông Nguyễn Văn Thùy, 56 tuổi, ở huyện Ân Thi, Hưng Yên hút thuốc lào hơn 30 năm nay. Mấy năm gần đây, mỗi lần bị ho, ông thường ra hiệu thuốc gần nhà mua về uống. Gần đây, ông thấy ho nhiều và khó thở hơn mặc dù vẫn uống thuốc cũ. Gia đình thấy ông ủ rũ, sụt cân, ho có đờm khó thở kéo dài, kèm mất tiếng đã đưa ông đến Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai khám mới biết ông bị nhiễm trùng hô hấp do nhiễm trùng phổi cấp trên bệnh nền là COPD. “Ông nhà tôi điều trị hơn 10 ngày, hết gần 20 triệu đồng rồi, bệnh mới tạm ổn nhưng men gan vẫn cao do trước đó uống rượu và dùng thuốc nhiều. Tôi đang xin bác sĩ cho nhà tôi về nhà điều trị vì không có BHYT, tốn kém quá”, bà Đào Thị Thoa buồn rầu nói.

Báo Công luận
 GS.TS Ngô Quý Châu (đứng thứ hai từ trái) cùng cộng sự đang thăm khám cho bệnh nhân.

Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ

Các dấu hiệu nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm là: ho, khạc đờm. Tuy nhiên, triệu chứng này rất dễ bị bỏ sót và nhầm với bệnh đường hô hấp khác. Đến khi biểu hiện bệnh COPD rõ trên lâm sàng: người bệnh ho và khạc đờm nhiều, khó thở khi gắng sức nặng tức là đã bị bệnh trong một thời gian nhất định do tắc nghẽn đường dẫn khí. Ở giai đoạn tiến triển nặng, người bệnh thấy khó thở ngay cả khi gắng sức nhẹ như ăn uống, đi lại…

“COPD là bệnh mạn tính, các phương pháp trên thế giới hiện nay chưa chữa khỏi hoàn toàn, mà chỉ làm giảm triệu chứng và chậm tiến triển của bệnh nếu như người bệnh tuân thủ tốt việc điều trị. Vì vậy quan trọng nhất là không hút thuốc lá, thuốc lào, giảm tiếp xúc khói bụi ô nhiễm để không mắc bệnh. Với người có tiền sử hút thuốc và có dấu hiệu ho khạc đờm, cần được phát hiện bệnh COPD bằng cách khám, chụp phim và đo chức năng hô hấp để được xác định bệnh rồi điều trị sớm là vô cùng quan trọng. Khi tránh được các yếu tố nguy cơ, niêm mạc đường thở của BN không bị kích thích thường xuyên, tình trạng viêm niêm mạc đường thở do vậy được giảm đi, ít tiết nhầy hơn, tình trạng co thắt cơ trơn khí, phế quản, vì thế cũng giảm đáng kể”, GS. Ngô Quý Châu phân tích.

Báo Công luận
 GS.TS Ngô Quý Châu (đứng thứ hai từ trái) cùng cộng sự đang thăm khám cho bệnh nhân.

Ông Bùi Văn Lư, 75 tuổi, ở Đan Phượng, Hà Nội phát hiện bị COPD cách đây 7 năm và từ bấy đến nay bệnh ngày càng nặng hơn mặc dù ông dùng thuốc đều đặn. Trong năm 2017, ông phải vào Trung tâm Hô hấp BV Bạch Mai 4 lần, đợt nằm viện ít nhất cũng phải 10 ngày. Lúc nào cũng kèm máy thở oxy bên người. Ông Lư cho biết, sau khi bị COPD 2 năm ông mới bỏ được thuốc lá vì mệt quá, không hút được. “Trước đây, tôi hút 2-3 bao thuốc/ngày. Từ ngày bị COPD, sức khỏe cứ giảm sút dần. Tôi mong mọi người nên bỏ thuốc lá vì nó quá độc hại”, ông Lư thều thào nói.

GS.TS Ngô Quý Châu cũng lưu ý, với người bệnh COPD, ngoài việc tuân thủ điều trị và khám sức khỏe định kỳ, cần giữ ấm và có chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp. Đặc biệt tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như khói bụi, thuốc lá… Khi thời tiết lạnh đột ngột, càng tăng nguy cơ nhiễm vi-rút, nhiễm vi khuẩn đường hô hấp. Bởi người bệnh mạn tính sức đề kháng kém, cộng thêm thời tiết lạnh, việc tưới máu đến các niêm mạc từ đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới bị giảm do co thắt các mạch máu. Lúc này, các chất nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều hơn, làm tình trạng rối loạn thông khí trầm trọng thêm, khiến BN càng khó thở. Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong./.

“Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện nay chưa có thuốc quay ngược lại tiến triển của bệnh, mà chỉ làm giảm triệu chứng và chậm lại tốc độ tiến triển nặng lên của bệnh thông qua việc dùng thuốc đúng cách, đầy đủ và tránh tiếp xúc với tất cả các yếu tố nguy cơ đặc biệt là khói thuốc lá, thuốc lào. Việc tăng sức đề kháng bằng cách tiêm vắc-xin cúm đầy đủ sẽ giúp tránh các đợt bội nhiễm, giúp ngăn ngừa đợt cấp của bệnh”, GS.TS Ngô Quý Châu.

Lưu Hường 

Tin khác

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

Nâng cao hơn chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của Hưng Yên

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương do Phó Trưởng ban Thường trực điều hành Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Trần Huy Dụng làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Hưng Yên về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ của tỉnh.

Sức khỏe
Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

Uống thuốc nam không rõ nguồn gốc, bé 3 tuổi nhập viện

(CLO) Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái.

Sức khỏe
Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

Bộ Y tế thông tin về mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế với người thuộc diện được hỗ trợ

(CLO) Mới đây, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; BHXH Việt Nam về vướng mắc trong triển khai thi hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP.

Sức khỏe
Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

Cắt môi trái tim, cô gái 25 tuổi nhiễm trùng nặng, biến dạng môi

(CLO) Cắt môi trái tim tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân kém chất lượng, cô gái 25 tuổi ở Hà Nội bị nhiễm trùng nghiêm trọng gây biến dạng môi.

Sức khỏe
TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

TP HCM: Xử nghiêm hộ kinh doanh tắm hơi nhưng tiếp nhận bệnh nhân điều trị suy giãn tĩnh mạch

(CLO) Sở Y tế TP HCM đã phát hiện và xử lý nghiêm hộ kinh doanh chuyên tắm hơi, massage… ngang nhiên quảng cáo là phòng khám thuộc hệ thống thẩm mỹ viện Hàn Quốc chuyên điều trị giãn tĩnh mạch bằng công nghệ cao độc quyền.

Sức khỏe