(NBCL) Trong cuộc trò chuyện với PV báo Nhà báo & Công luận, MC Lan Hương - Phó Trưởng Ban Biên tập Khoa giáo, Đài Truyền Hình Hà Nội, chia sẻ chị làm báo hình, gắn bó với các chương trình thiếu nhi cho đến nay đã 15 năm. Và chính sự mặc định và gắn bó của Lan Hương ở các chương trình truyền hình cho thiếu nhi khiến chị đi sâu nghiên cứu xung quanh lĩnh vực này. Điều Lan Hương móng muốn nhất hiện nay là sẽ có lớp học chuyên sâu về dẫn chương trình (MC) cho thiếu nhi...
[caption id="attachment_68744" align="aligncenter" width="640"]
MC Lan Hương - Phó Trưởng Ban Biên tập Khoa giáo, Đài Truyền Hình Hà Nội.[/caption]
Với chương trình thiếu nhi, tôi nghĩ người dẫn chương trình không có tuổi
15 năm làm người dẫn cho các chương trình thiếu nhi, chị có nghĩ giờ đây chị đã “quá tuổi” , thậm chí thôi không làm MC các chương trình dạng dành cho tuổi nhỏ nữa?
Tôi làm báo hình, gắn bó với các chương trình thiếu nhi cho đến nay đã 15 năm.Công việc chính của tôi là viết kịch bản, đạo diễn và dẫn các chương trình thiếu nhi, văn nghệ.Và đến bây giờ vẫn dẫn chương trình thiếu nhi và có cả tham gia dẫn các chương trình giao lưu, tọa đàmvề nhiều lĩnh vực trong cuộc sống...
Với chương trình thiếu nhi, tôi nghĩ người dẫn chương trình không có tuổi miễn là người đó hòa mình được vào thế giới của trẻ em. Bạn có thể nhìn thấy điều đó ở Thanh Bạch, Xuân Bắc, Tự Long.Hồng Kỳ,.. hoặc là những MC thiếu nhi ở các nước trên thế giới.
Riêng tôi, dẫn chương trình thiếu nhi vẫn luôn là công việc tôi yêu thích và tôi không nghĩ rằng tôi sẽ già trong chương trình dành cho các em. Ngoài ra tôi còn tham gia dẫn nhiều chương trình như truyền hình trực tiếp, các chương trình tọa đàm. Tôi vẫn luôn tự thử sức mình trong nhiều lĩnh vực để không bị chai mòn, không bị nhàm chán.
Đối với các chương trình thiếu nhi, để tìm một người phù hợp quả thực không phải là điều dễ dàng. Dẫn cho thiếu nhi là phải yêu thiếu nhi, thích chơi đùa cùng thiếu nhi và hiểu tâm lý trẻ em. Giờ đây, khi bắt đầu có tuổi, tôi muốn đem những kiến thức và kinh nghiệm của mình để truyền đạt lại cho thế hệ sau. Rất mừng là những em nhỏ tham gia chương trình của tôi cũng đã được đào tạo và giành được giải thưởng trong các cuộc thi MC nhí và các cuộc thi tài năng khác.
MC cần 2 yếu tố: Tố chất và đam mê
Chị đang thích thú và nghiên cứu rất kỹ về kỹ năng của người dẫn chương trình. Kỹ năng mà chị đúc rút ra được là gì sau sự trải nghiệm của mình là gì?
Tôi thực hiện phỏng vấn nhiều MC truyền hình và họ có đồng quan điểm giống tôi. Một MC muốn thành công thì phải có 2 yếu tố: Tố chất và niềm đam mê. Có tố chất tốt (năng khiếu) thì việc hình thành kỹ năng sẽ rất đơn giản. Nếu chỉ có kỹ năng mà không có niềm đam mê thì rất khó để theo đuổi nghiệp vụ này. Tuy nhiên, tôi đánh giá cao sự đam mê vì khi bạn thật sự đam mê thì bạn sẽ thực hiện được ước mơ của mình. Trước đây, trong thời gian thực tập tại Đài PTTH Hà Nội, tôi rất thích dẫn chương trình nhưng chẳng ai cho tôi dẫn cả. Tôi đã tự xuống trường quay và xin được dẫn thử. Lúc xem lại băng, tôi thấy mình thật buồn cười, nói năng thì cứng nhắc, mắt thì vô hồn nhưng từ đó, tôi luôn tự luyện tập và dần dần tôi đã khắc phục được nhược điểm của mình. Có kỹ năng nhưng nếu bạn không rèn luyện, không yêu công việc mình làm thì rất khó thành công.
Chị vừa đề cập tới kỹ năng cần có của những người dẫn chương trình. Nhưng tôi được biết là trước đây và ngay cả hiện nay, vẫn có rất nhiều MC thành danh mà không qua trường lớp đào tạo nào?
Như bạn biết, một người dẫn chương trình cần có các kỹ năng: kỹ năng thể hiện giọng nói, kỹ năng soạn kịch bản, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng thể hiện ngôn ngữ cơ thể, kỹ năng thể hiện cảm xúc…. Trong đó kỹ năng thể hiện ánh mắt, cảm xúc trên khuôn mặt là hết sức cần thiết. Một người MC có vẻ mặt rạng ngời, đầy sự tự tin và đặt vị trí của khán giả vào vị trì của mình thì sẽ thành công. MC phải học hỏi không ngừng, xem nhiều chương trình để học tập và rút kinh nghiệm
Trước khi trở thành một người dẫn chương trình, tôi chẳng biết là MC cần có những kỹ năng gì. Chỉ biết là mình rất thích được dẫn chương trình trên truyền hình và tôi cố gắng hết sức như cười thật tươi khi dẫn, nói năng thì thật lưu loát, vui vẻ .... Thời của chúng tôi không có các lớp học về dẫn chương trình nên những gì mà chúng tôi có được là nhờ sự đúc rút kinh nghiệm qua các chương trình cũng như học hỏi các anh chị MC đi trước. Rất may là tôi có cơ hội được thử nghiệm trong nhiều thể loại dẫn chương trình như trực tiếp, tọa đàm, ca nhạc, thiếu nhi.. Với những chương trình mà mình không hiểu sâu về vấn đề đó thì cũng hạn chế rất nhiều trong phần giao lưu cho dù mình có các kỹ năng cơ bản của một người dẫn chương trình.
Chị có tham khảo các cách dẫn của những người nổi tiếng trong nước hay nước ngoài? Và chị thường tìm kiếm những kỹ năng gì ở họ?
Tôi đã có khoảng thời gian 1 năm sống ở Mỹ cùng gia đình. Trong thời gian đó,tôi đã xem rất nhiều chương trình thiếu nhi. Tôi nghiên cứu khá kĩ những người dẫn chương trình cho thiếu nhi của kênh truyền hình PBS Kids, từ giọng nói đến phong cách. Tôi nhận thấy rằng, những người dẫn chương trình cho thiếu nhi ở nước ngoài rât giản dị, họ nói năng tự nhiên, truyền cảm. Họ truyền thông điệp đến khán giả qua những hành động, cử chỉ, nét mặt và rất thu hút. Họ nói như chính họ là người trong cuộc và điều đó đã lôi kéo được khán giả vào trong chương trình của họ và khán giả cũng cảm thấy là người đang tham gia trong chương trình ấy. Nội dung của họ mang tính giáo dục cao nhưng lại không hề giáo điều. Họ đều thể hiện qua hành động và hình ảnh minh họa.
Ở Phương Tây những người dẫn chương trình cho trẻ em họ luôn nghĩ rằng họ dẫn cho trẻ em, cho thiếu nhi và trước khi trở thành những người dẫn chương trình cho trẻ em thì họ luôn có những khóa học về tâm lý thiếu nhi như thế nào. Ở Việt Nam thì hoàn toàn không có điều đó, những người dẫn chương trình thiếu nhi đều không qua một lớp đào tạo kỹ năng nào và bất kỳ ai cũng có thể trở thành người dẫn chương trình được nếu như họ nói tốt.
Họ nghĩ rằng họ lên sân khấu là phải đẹp và làm đẹp mình, chính điều đó khiến cho họ xa rời đối tượng mà khán giả muốn ngắm đến. Đó là lí do vì sao người dẫn chương trình ở Việt Nam cứ phải ăn mặc thật đẹp, trau chuốt, trang điểm, trong khi ở Phương Tây chỉ có áo phông quần bò và họ sẵn sàng làm xấu mình với một mục đích duy nhất là truyền đạt thông tin hữu ích đến cho các em nhỏ. Họ hiểu rằng trẻ em đang cần gì, các em cần sự dẫn dắt , cần người hướng dẫn cac em để trở về đúng tuổi thơ của các em. Đó là những điều chúng ta cần học ở họ. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng, cũng có nhiều MC của Việt Nam được nhiều em nhỏ yêu thích như Xuân Bắc, Trấn Thành, Ninh Quang Trường …. Đó là những MC rất tự nhiên và diễn xuất tốt.
Tôi cần sự hỗ trợ của rất nhiều người
Chị có nhận diện được hết cả điểm yếu cũng như điểm mạnh của mình không? Có chứ! Ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Tôi thấy điểm mạnh của mình là yêu trẻ con và đam mê với nghề dẫn chương trình, có khả năng ca hát, ngoài ra tôi có thể sáng tác được ca khúc (phục vụ cho nội dung chương trình) nên đó là điều thuận lợi cho việc sản xuất cũng như dẫn chương trình thiếu nhi. Tôi vẫn cần sự hỗ trợ của rất nhiều người trong đó có các chuyên gia về âm nhạc cũng như họa sĩ để kết hợp khi thực hiện chương trình. Điểm yếu của tôi là quá ôm đồm công việc nên đôi lúc tôi cảm thấy năng lượng và sự sáng tạo của mình không còn được dồi dào như trước.
Việt Cường