Một vài ý kiến ban đầu về dự thảo Luật báo chí (sửa đổi)

Thứ năm, 12/11/2015 14:27 PM - 0 Trả lời

Theo lịch trình, Dự thảo luật Báo chí sửa đổi sẽ được các ĐBQH thảo luận tại tổ ngày 14/11 và tại hội trường ngày 26/11 sắp tới. Báo Nhà báo & Công luận xin trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp cho Luật báo chí sửa đổi của đồng chí Hà Minh Huệ, ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

(NBCL) Theo lịch trình, Dự thảo luật Báo chí sửa đổi sẽ được các ĐBQH thảo luận tại tổ ngày 14/11 và tại hội trường ngày 26/11 sắp tới. Báo Nhà báo & Công luận xin trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp cho Luật báo chí sửa đổi của đồng chí Hà Minh Huệ, ĐBQH tỉnh Bình Thuận, Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Dự án Luật báo chí (sửa đổi) trình Quốc hội sau 18 lần dự thảo đã khá dày dặn, có nhiều bổ sung, sửa đổi so với Luật Báo chí hiện hành, thực hiện việc thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với yêu cầu của tình hình phát triển báo chí hiện nay.

Luật Báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều. Như vậy, sau khi sửa đổi, bổ sung năm 1999, Luật Báo chí có 36 điều. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này gồm 6 chương với 59 điều, trong đó có 30 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành.

[caption id="attachment_60791" align="aligncenter" width="640"]Nhà báo tác nghiệp tại trường sa. Nhà báo tác nghiệp tại trường sa.[/caption]

Dự thảo Luật báo chí (sửa đổi) lần này có nhiều nội dung mới, bám sát yêu cầu về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền tiếp cận thông tin, có nhiều quy định về quản lý hoạt động của cơ quan báo chí, nhà báo. Dự thảo Luật lần này coi trọng hơn vai trò của Hội Nhà báo, là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, có những quy định cụ thể nhằm nâng cao, giao trách nhiệm cho tổ chức duy nhất của người làm báo Việt Nam.

Trước khi đóng góp vào nội dung dự thảo sửa đổi Luật, cần nhấn mạnh một đặc thù của báo chí ở nước ta. Báo chí không chỉ là phương tiện thông tin thiết yếu, mà còn là công cụ tuyên truyền quan trọng của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân. Nói như thế để thấy rằng xây dựng Luật báo chí Việt Nam phải chú ý tới tính đặc thù đó, phải tạo điều kiện cho nó hoạt động vì nhân dân, vì xã hội, thực hiện đúng tinh thần của Hiến pháp 2013 là tự do báo chí, tự do ngôn luận trong khuôn khổ pháp luật, trong bối cảnh sự phát triển mau lẹ của công nghệ thông tin đã và đang góp phần mở toang cánh cửa thông tin, rút ngắn thời gian, mở rộng không gian truyền phát và tiếp nhận thông tin của công chúng.

Đi vào cụ thể, cần sửa đổi Khoản 1, Điều 5 về nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí, bổ sung nhiệm vụ là: thông tin trung thực, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân. Ý chính ở đây là đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội, chứ không phải chỉ trung thực, có gì đưa nấy, vô bổ.

Về Điều 6: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí, Khoản 3 cần bổ sung ý Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế đối với báo chí, ngoài chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ dưới hình thức trợ cước, trợ giá phát hành và các biện pháp hỗ trợ khác đối với một số loại báo chí như Dự thảo quy định. Lý lẽ ở đây là báo chí khi là công cụ tuyên truyền, thì phát hành rộng rãi được bao nhiêu, hiệu quả chính trị càng lớn bấy nhiêu. Do vậy phải có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí. Một nhà lãnh đạo cấp cao đã nói với chúng tôi: “Làm sao bán được báo cái đã, có thu thì mới có tiền nộp thuế chứ. Cứ chăm chăm thu thuế thì sao phát triển được”. Mà hiện nay bán được báo đâu phải dễ.

Điều 7 cần bổ sung một nội dung về quản lý nhà nước trong “xây dựng và thực hiện chính sách bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng”. Đây là vấn đề rất quan trọng đặt ra trong bối cảnh phát triển khoa học- công nghệ hiện nay, các báo, trang thông tin điện tử dễ bị xâm nhập, đánh cắp thông tin và phá hoại.

Đối với Điều 8, tôi băn khoăn về việc có nên quy định đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương dưới sự quản lý của UBND tỉnh, thành phố hay không. Quy định này có vẻ không phù hợp, vì những nội dung quản lý nhà nước ở Điều 7 trước đó không quy định gì về quan hệ với UBND. Hơn nữa, địa phương quản lý thì rất khó cho báo chí hoạt động, vì những thông tin trái chiều về địa phương dễ bị địa phương “tuýt còi”. Theo tôi, nên giao chức năng quản lý này cho cơ quan chủ quản hoặc cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú.

Điều 9 về Hội Nhà báo Việt Nam có những quy định cụ thể hơn so với Luật hiện hành. Đây là sự “tiến bộ” của Luật sửa đổi này, vì quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo, một tổ chức chính trị, xã hội, nghiệp vụ do Đảng thành lập; luật hóa những gì Hội Nhà báo Việt Nam đang làm. Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung “tham gia chỉ đạo, quản lý báo chí” của Hội vào Khoản 1. Điều này rất cần thiết để đề cao vai trò, trách nhiệm của một tổ chức rộng rãi của tất cả người làm báo. Hơn nữa, theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ lâu Hội Nhà báo đã là một bên tham gia chỉ đạo và quản lý báo chí, có đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng đội ngũ người làm báo về chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Tôi cũng đề nghị chỉnh sửa Khoản 3 Điều này cho gọn hơn, đúng hơn, với quy định chung: “Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”; không nói như Dự thảo: “Hội Nhà báo Việt Nam hoạt động theo quy định của luật này và các quy định của pháp luật về hội và điều lệ hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Về các nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí quy định tại Điều 10, dự thảo Luật quy định 12 nội dung và 10 hành vi bị cấm, đã khá rộng, khá cụ thể, có tác dụng tạo khung pháp lý để báo chí hoạt động. Tuy nhiên, cần trình bày các nội dung đó sao cho không tạo ra cảm giác nặng nề, cấm đoán, và không can thiệp sâu vào “bếp núc” của báo chí.

Chẳng hạn, điểm đ của Khoản 1 xin được sửa lại là, cấm: “Thông tin kích động bạo lực, tình dục; tuyên truyền, cổ súy lối sống không lành mạnh, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam; miêu tả tỉ mỉ những hành vi tội ác, dung tục.” Điểm f Khoản 1 cần bỏ nội dung cấm thông tin về các vấn đề khoa học mới mà chưa được kết luận. Lý do là báo chí có nhiệm vụ thông tin cái mới, cứ chờ mọi thứ đã được kết luận rồi mới thông tin thì báo chí sẽ buồn chán, nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ mới hiện đang phát triển như vũ bão. Hơn nữa, báo chí có luôn có cách, có trách nhiệm thông tin để công chúng hiểu đây là thành tựu mới, chưa được khẳng định. Đây là kỹ năng thông tin. Đó là chưa kể thông tin về các vấn đề khoa học mới không phải là thứ gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

Điểm l cuối cùng về nội dung bị cấm (Lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân), nên được chuyển xuống phần hành vi bị cấm, vì lạm dụng là hành vi.

Như vậy, có 11 nội dung bị cấm. Đề nghị Ban soạn thảo chỉnh sửa lại câu chữ những nội dung này cho phù hợp với ngôn ngữ pháp luật.

Về các hành vi bị cấm trong Khoản 2, đề nghị bổ sung, cấm các hành vi: Vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp; hành vi nhận tiền, quà để làm sai lệch nội dung thông tin, lợi dụng nghề làm báo vào mục đích tư lợi. Điểm e nên chỉnh sửa, cấm nhà báo “Đăng, phát trên mạng truyền thông xã hội những thông tin trái với quan điểm chính thống của báo mình”. Đây có thể là phạm trù đạo đức nghề báo, nhưng là hành vi mà nhà báo đang sử dụng mạng xã hội để chuyển tải quan điểm cá nhân, có hại cho xã hội.

Như vậy số hành vi bị cấm cũng là 11. Ở đây cũng cần chỉnh sửa câu chữ cho phù hợp.

Mục 3 về Lãnh đạo cơ quan báo chí, trong đó có Điều 26 về Tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí. Tôi băn khoăn về quy định chung, đồng đều về người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc và cấp phó đối với tất cả, không phân biệt cơ quan báo chí quy mô lớn, nhỏ ra sao. Theo dự thảo Luật, dưới tổng giám đốc/giám đốc là tổng biên tập, phó tổng biên tập, chỉ phụ trách về nội dung thông tin. Tổng giám đốc/giám đốc là người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản và trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan báo chí. Tổng biên tập và phó tổng biên tập chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản và trước pháp luật về nội dung thông tin báo chí.

Nếu cơ quan báo chí (bất luận quy mô ra sao) nào cũng có chức danh tổng giám đốc/ giám đốc và tổng biên tập thì cơ cấu lãnh đạo có vẻ cồng kềnh, tăng cấp lãnh đạo, cấp chịu trách nhiệm. Nên chăng cần có sự phân biệt, quy định cơ quan báo chí đa phương tiện thì có tổng giám đốc/giám đốc và tổng biên tập; các cơ quan báo chí còn lại chỉ cần tổng biên tập là đủ, vừa gọn nhẹ và hiệu quả. Một báo nhỏ, một tạp chí mà có tới hai chức danh lãnh đạo thì quá nhiều. Xây dựng Điều khoản này cần cân nhắc tới Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025.

    Hà Minh Huệ, ĐBQH tỉnh Bình Thuận

                                 Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

 

Tin khác

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 49 năm thống nhất đất nước

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp 49 năm thống nhất đất nước

(CLO) Sáng 26/4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn.

Tin tức
Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

Phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị

(CLO) Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các tuyến đường mới, các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, quy mô lớn, có lộ trình phù hợp giảm số cửa hàng xăng dầu quy mô nhỏ lẻ, không hiệu quả.

Tin tức
Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới được ưu tiên phát triển không giới hạn

(CLO) Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.

Tin tức
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp

(CLO) Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn đôn đốc để hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết dứt điểm tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích…

Tin tức
Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

(CLO) Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại.

Tin tức