Mùa đại hội đồng cổ đông 2020: Ngân hàng “xuống sắc”, cổ đông “hụt hơi”

Thứ năm, 09/07/2020 09:37 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau một năm đầu tư, thứ cổ đông mong muốn nhận là “tiền tươi thóc thật”. Tuy nhiên, trong khi ngân hàng còn phải xác định “hy sinh” lợi nhuận vì dịch Covid-19 thì người đồng hành là cổ đông “hụt hơi” vì cổ tức cũng là điều dễ hiễu.

Ngân hàng “xuống sắc” vì Covid-19

Một mùa đại hội đồng cổ đông 2020 đã khép lại trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chính vì thế, trong kế hoạch kinh doanh năm nay, hầu hết ngân hàng đều giảm sâu chỉ tiêu về lợi nhuận và đồng thời đề ra các kịch bản để “phòng thủ” bởi dự báo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, hệ lụy từ dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài hết năm nay. Trước những thách thức đó, ngành ngân hàng vừa phải hy sinh lợi nhuận nhằm hỗ trợ nền kinh tế vừa nỗ lực “tự bơi” để tạo đà cho những năm sau.

Như với ngân hàng Maritime Bank (MSB), đáng lẽ đã “chào sàn”, nhưng trong đại hội vừa qua, ban lãnh đạo xin “khất” cổ đông chuyển sàn vào thời điểm có lợi nhất. Cùng với đó, MSB đề ra chỉ tiêu tổng doanh thu 720 tỷ đồng, giảm gần 25% so với thực hiện năm trước. Chỉ tiêu lãi trước thuế của MSB đạt 200 tỷ đồng, giảm hơn 30%.

Hay như ngân hàng VPBank đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12,3% (năm 2019 là 17,6%), tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% (năm 2019 là 2,18%); riêng lợi nhuận trước thuế ngân hàng này dự kiến giảm 1,1% so với năm 2019 dù năm 2019 con số này tăng 12,2% so 2018.

Bầu Hiển - người đứng đầu Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng cho biết, sẽ điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh năm 2020, với mức giảm lợi nhuận tối thiểu 1.000 tỷ đồng, thông qua việc tiết giảm chi phí kinh doanh và chi phí hoạt động.

Sacombank cũng đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 11,1% (năm 2019 là 15,3%), tỷ lệ nợ xấu 3% (năm 2019 là 1,9%); lợi nhuận trước thuế (LNTT) được dự kiến giảm đến 20% so với năm 2019, giảm mạnh so với tốc độ tăng 43,2% của năm 2019.

Ngân hàng Quân đội là MB cũng thống nhất nhiều chỉ tiêu tăng trưởng năm 2020 thấp so với 2019: tăng trưởng tín dụng là 12%; LNTT dự kiến giảm 10% so với năm 2019 (năm 2019 lợi nhuận tăng 29,2% so với năm 2018).

Ngay cả ông lớn VietinBank cũng chỉ đặt mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 từ 4% - 8,5% (năm 2019 là 7,3%), tỷ lệ nợ xấu dưới 2% (năm 2019 là 1,2%). Thậm chí kế hoạch lợi nhuận đã không được ĐHCĐ đưa ra và uỷ quyền cho HĐQT quyết định dựa trên các phân tích về tình hình dịch bệnh và khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Trước khi các ngân hàng ồ ạt đại hội cổ đông, trong cuộc họp giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hồi tháng 4/2020, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng đưa ra nhận định: “Lợi nhuận của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất…”.

Theo Phó Thống đốc, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm không chỉ vì môi trường kinh doanh khó khăn mà nguyên nhân chính còn do các đơn vị phải dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất cho vay từ 1% - 2,5% thậm chí đến 4%.

Thực tế cũng cho thấy, các ngân hàng đang phải mạnh tay hơn trong việc tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận, cắt giảm lương thưởng cán bộ nhân viên để chia sẻ khó khăn với khách hàng… nên bộ mặt của toàn ngành ngân hàng năm nay có “mất sắc” cũng là điều tất yếu.

Báo Công luận

Trong báo cáo “Tác động của Covid-19: Đánh giá từ góc nhìn phân tích dữ liệu tài chính doanh nghiệp” dựa trên số liệu được tổng hợp từ 12/18 ngân hàng niêm yết (chiếm 91,8% vốn hóa toàn ngành) mà FiinGroup vừa công bố mới đây cũng cho thấy, dự kiến lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng sẽ giảm 11,9%... Tổ chức này đánh giá, việc miễn, giảm lãi, phí cho các khách hàng sẽ tác động mạnh đến NIM của hệ thống Ngân hàng Thương mại.

Cổ đông hụt hơi vì nhịn… cổ tức

Mùa đại hội năm nay, cổ tức cũng là một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư “hụt hơi” bởi theo yêu cầu của NHNN, các NHTM không được chia cổ tức bằng tiền mặt nhằm dành nguồn để cơ cấu nợ và hỗ trợ khách hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19.

Tại đại hội cổ đông của Ngân hàng Sacombank nhiều cổ đông đã chất vấn tại sao ngân hàng này tiếp tục không chia cổ tức năm 2019. Chuyện này đã diễn ra ở đại hội mùa trước. Như vậy trong 3 năm liên tục từ 2016 đến hết 2019, dù Sacombank luôn có lãi rất cao nhưng cổ đông không được chia đồng nào.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank, cho hay lợi nhuận tích lũy của Sacombank đến hết năm 2019 đạt hơn 4.000 tỷ đồng nhưng ngân hàng là đơn vị kinh doanh có điều kiện nên phải được Ngân hàng Nhà nước đồng ý mới được chia.

Hay như Ngân hàng Techcombank cũng có lịch sử nhiều năm liền không chia cổ tức từ năm 2013 - 2017 dù lợi nhuận thu về rất lớn. Mãi đến khi niêm yết cổ phiếu vào tháng 6/2018, Techcombank mới tiến hành chia thưởng cho cổ đông bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1:2.

Thế nhưng sang năm 2018 và năm 2019, Techcombank lại tiếp tục không chia cổ tức dù lợi nhuận còn để lại đến hết năm 2019 là 17.634 tỷ đồng. Theo lý giải của người đứng đầu Techcombank, ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận có được để phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Trong phương án tăng vốn của Vietinbank, người đứng đầu nhà băng này tiếp tục đề nghị được giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì bằng tiền mặt.

Theo nhà đầu tư, sau một năm kinh doanh, cổ đông chỉ mong muốn thu lợi bằng tiền mặt hơn là nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Vì họ hiểu rằng, về bản chất, cổ tức bằng cổ phiếu chính là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu và nó không hề phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào.

Chẳng hạn, một doanh nghiệp thông báo sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20% và thị giá trên sàn chứng khoán đang là 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, mỗi cổ phiếu cũ có giá 10.000 đồng sẽ được tách thành 1,2 cổ phiếu mới với thị giá chỉ còn 8.300 đồng. Nói cách khác là cổ phiếu đã bị pha loãng thì thứ cổ đông nhận về chỉ đáng giá “giấy vụn”.

Thực tế là ngay khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong nước hồi tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã có Chỉ thị 02/CT-NHNN yêu cầu các ngân hàng sẽ không chia cổ tức bằng tiền mặt. Điều đó có nghĩa là ngân hàng hoặc không chia, hoặc chia cổ tức thì chỉ bằng cổ phiếu.

Nội dung của Chỉ thị số 02 là đưa ra các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Mục đích của việc không chia cổ tức bằng tiền mặt là nhằm tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Lướt qua một mùa đại hội cho thấy đa phần các lãnh đạo các ngân hàng đều chung nhận định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh vừa rồi là hoàn toàn hợp lý. Bởi vì diễn biến dịch bệnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng 2020, đặc biệt khi các ngân hàng giảm lãi vay và cơ cấu lại nợ. Do vậy, phía ngân hàng chỉ còn nước mong cổ đông chia sẻ và tiếp tục đồng hành với ngân hàng.

Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, trong năm 2020, ngành ngân hàng sẽ bị tác động rất mạnh bởi sự suy giảm của nền kinh tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lợi nhuận của ngành chắc chắn sẽ không cao như năm ngoái, thậm chí sẽ có những ngân hàng thua lỗ.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sẽ gia tăng áp lực nợ xấu, buộc các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng, nhiều khoản vay có nguy cơ mất vốn.

Bên cạnh đó, TS. Hiếu đánh giá tình hình kinh tế suy giảm cũng khiến thu nhập từ lãi cho vay, phí dịch vụ… của các ngân hàng sụt giảm mạnh, trong khi chi phí hoạt động không giảm nhiều sẽ khiến bức tranh lợi nhuận của ngành trong năm 2020 kém sắc.

Bên cạnh đó, không chỉ lợi nhuận giảm, các ngân hàng còn đối mặt với nguy cơ thiếu vốn do gia tăng các khoản nợ quá hạn, nếu điều kiện kinh tế tiếp tục suy yếu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong một cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT cho biết lợi nhuận của VietinBank năm nay có thể giảm từ 3 - 4 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đưa ra cuối năm 2019. Không riêng gì Vietinbank mà các ngân hàng đồng trang lứa cũng có những động thái tương tự.

Ngọc An

Tin khác

Lãi suất vẫn đang giảm

Lãi suất vẫn đang giảm

(CLO) Trong buổi họp báo quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Tài chính - Bảo hiểm
Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

(CLO) CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) dự kiến giảm lượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ xuống còn 75 triệu cổ phiếu.

Tài chính - Bảo hiểm
SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

SeABank đặt mục tiêu tăng trưởng 28%, tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng

(CLO) Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, SeABank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.888 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2023 và tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm
MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng, tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024

MB dự kiến đạt 30 triệu khách hàng, tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ đồng năm 2024

(CLO) Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo MB dự kiến tổng tài sản tăng vượt 1 triệu tỷ đồng, tăng số lượng khách hàng lên 30 triệu người.

Tài chính - Bảo hiểm
Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

Vì sao Long Châu chỉ mở 2.500-3000 cửa hàng là dừng, trong khi dung lượng thị trường tới 60.000 cửa hàng?

(CLO) Câu hỏi được cổ đông của FPT Retail (FRT) đưa ra về kế hoạch mở rộng đến 2.500 - 3.000 nhà thuốc là dừng lại trong khi dung lượng thị trường tới gần 60.000 cửa hàng. Như vậy liệu thị phần của Long Châu có quá ít ỏi?

Tài chính - Bảo hiểm