(CLO) Tại Việt Nam, dường như việc sử dụng thông tin cá nhân bị đánh cắp đang diễn ra công khai, thách thức mọi cơ quan chức năng và các đơn vị bảo mật. Nhất là gần đây, nhiều khách hàng khi đăng ký mua vé máy bay trực tuyến thông qua các website của hãng hàng không Vietjetair đã bị lộ thông tin cá nhân, hành trình, lịch trình…
Trong kỷ nguyên số hóa bùng nổ như hiện nay, ai nắm được thông tin nhanh hơn sẽ mang lại những khoản lợi nhuận không tưởng. Một trong những vấn đề mà những người tiêu dùng trên thế giới luôn lo ngại chính là việc bị lộ, mất thông tin cá nhân. Những thông tin bị đánh cắp sau đó có thể sẽ khiến người dùng bị làm phiền, bị mạo danh để thực hiện các giao dịch trái phép gây ra những tổn thất khổng lồ về tài chính và cả những vấn đề về pháp lý.
Chính vì vậy, tại những nước tiên tiến trên thế giới luôn có những chế tài, biện pháp mạnh đối với những đơn vị có chức năng thu thập được thông tin cá nhân nhằm bảo mật, không để thông tin bị rò rỉ gây những bất lợi cho người dân. Nhưng tại Việt Nam, việc thu thập và bán thông tin cá nhân đang diễn ra công khai mà không thấy cơ quan chức năng nào vào cuộc để bảo vệ người tiêu dùng.
Gần đây, chúng tôi nhận được một số phản ánh cho thấy, khách hàng khi đăng ký mua vé máy bay trực tuyến của Công ty cổ phần hàng không Vietjet (Vietjetair) đã bị mất thông tin cá nhân, dẫn tới liên tục bị làm phiền bởi các cuộc gọi, tin nhắn mời chào dịch vụ không mong muốn.
Anh Nguyễn Minh H. (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, gia đình anh có đặt một chuyến bay tới Đà Nẵng của Vietjetair. Khi đến sát ngày bay, liên tục có những số điện thoại lạ (từ sim rác) nhắn tin mời chào sử dụng dịch vụ Taxi qua đầu số 04.35.666.000. Đồng thời nhận được một số tin nhắn mời sử dụng dịch vụ đặt vé từ Viet Bay (vietflying.com).

Điều kỳ lạ là từ trước đến nay, thông tin đi Đà Nẵng của gia đình anh H. không thông báo với bất kỳ ai, mà cũng không hề nhận được những tin nhắn rác mời dịch vụ như vậy. Nhưng đến sát ngày bay (ngày hôm sau bay) thì lại nhận được những thông tin mời chào dịch vụ như vậy thì có khả năng bị mất thông tin từ việc đặt vé trực tuyến. Để làm rõ sự việc, anh H. đã báo sự việc này lên tổng đài của Vietjetair đồng thời có gửi thông tin khiếu nại tới báo Nhà báo và Công luận.
Chúng tôi đã cùng anh H. thực hiện việc mua vé máy bay trực tuyến của Vietjetair bằng một sim mới hoàn toàn, chưa hề nhận được bất cứ thông tin quảng cáo, dịch vụ nào tương tự như vậy. Khoảng 9 giờ sáng chúng tôi thực hiện thao tác đặt vé cho chuyến bay vào lúc 12 giờ trưa cùng ngày. Quả thật, ngay khi vừa thực hiện xong thủ tục đặt vé được ít phút, số máy đặt vé đăng ký trên website của Vietjetair nhận được tin nhắn, mời chào sử dụng Taxi của số 04.35.666.000 đi Nội Bài và Hội An. Điều này cho thấy khách hàng có khả năng đã không được bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin khi đặt vé máy bay trực tuyến trên website của Vietjetair.
Theo anh H., một hãng hàng không lớn như Vietjetair phải có trách nhiệm bảo mật, lưu trữ thông tin cá nhân của khách hàng, nhưng dường như công tác này lại vô cùng lỏng lẻo. Nếu hệ thống bảo mật yếu kém như vậy, tội phạm mạng sẽ lợi dụng để mạo danh thực hiện những giao dịch trái phép. Lúc đó, khách hàng không chỉ mất thông tin cá nhân mà có khả năng mất thông tin của thẻ tín dụng đã sử dụng để đặt vé máy bay trực tuyến, có khả năng khó kiểm soát được tài khoản ngân hàng khi giao dịch như vậy.
Chúng tôi đã liên hệ với Vietjetair để làm rõ sự việc. Vietjetair khẳng định việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của khách hàng khi đặt vé trực tuyến. Tuy nhiên, một nhân viên Vietjetair "tiết lộ”, hiện nay để ngăn chặn mất thông tin cá nhân là việc “bất khả thi”. Những sự cố như trường hợp anh H., Vietjetair cũng có nhận được thông tin và cho rà soát lại hệ thống, nhưng không thể tìm ra được nguyên nhân.
Do thông tin của khách hàng sau khi đặt vé thành công sẽ được gửi tới một số bộ phận ở mặt đất, cho nên không chỉ có Vietjetair biết thông tin cá nhân và hành trình của khách hàng. Đây đang là “vấn nạn” không chỉ của Vietjetair mà của tất cả các hãng hàng không nội địa tại Việt Nam. Nhất là các chuyến bay đi Nha Trang, các khách hàng khiếu nại rất nhiều về việc bị làm phiền, rò rỉ thông tin hành trình của họ. Cho nên, để tìm được nguyên nhân vì sao và mất thông tin từ đâu là “không thể” trong thời điểm hiện nay (!?)
Đánh giá từ các chuyên gia trong lĩnh vực bảo mật cho thấy, ở Việt Nam, người dân vẫn còn thờ ơ với việc bảo mật thông tin cá nhân, dễ dàng để mất thông qua hình thức: đăng ký nhận quà, khảo sát online, mua hàng trực tuyến…Các thông tin cá nhân hiện nay được mua bán công khai trên mạng, hầu như là phục vụ cho hình thức quảng cáo, quảng bá dịch vụ. Nhưng trong thời đại số hóa, rất có thể những thông tin cá nhân bị lộ như vậy sẽ bị tội phạm mạng sử dụng để mạo danh cho những hành vi phi pháp.
Bởi vậy, các tổ chức có chức năng thu thập thông tin cá nhân phải có trách nhiệm bảo mật thông tin và nếu bị rò rỉ phải tìm ra nguyên nhân và bảo vệ khách hàng. Như trường hợp anh H., bị mất thông tin khi mua vé máy bay trực tuyến nói trên, không khó để các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân. Chỉ cần truy nguồn gốc từ các đơn vị quảng cáo dịch vụ taxi 04.35.666.000 sẽ ra được tại sao họ lại biết được thông tin và lịch trình của khách hàng. Đồng thời có biện pháp xử lý mạnh tay thì sẽ ngăn chặn được tình trạng này.
Tuy nhiên, dường như các cơ quan chức năng và bản thân hãng hàng không lại chưa quan tâm đúng mức đến quyền lợi của khách hàng. Họ biết thông tin, sự việc như vậy từ nhiều năm qua, nhưng vẫn không có hướng giải quyết và cuối cùng chỉ có người dân là chịu thiệt hại.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Huy Hoàng