Muốn có khu đô thị ven sông: “Thuần hóa” sông Hồng đâu phải chuyện dễ

Thứ bảy, 13/03/2021 14:50 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiều chuyên gia đánh giá cao sự quyết tâm của Hà Nội trong việc “thuần hóa” sông Hồng. Tuy nhiên, việc quy hoạch sông Hồng hiện nay còn nhiều vướng mắc.

Quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng hiện còn nhiều vướng mắc (Ảnh minh họa)

Quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng hiện còn nhiều vướng mắc (Ảnh minh họa)

Sau 30 năm chờ đợi, mới đây, Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, để tiến tới phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6 tới.

Nhận định về đề án mới về quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng: Muốn có quy hoạch phân khu đô thị ở 2 bên bờ sông, việc đầu tiên cần phải là “thuần hóa” sông Hồng. Tuy nhiên việc này không dễ.

Theo ông Nghiêm, động thái mới của Hà Nội đang thể hiện sự quyết tâm thực hiện về đề án xây dựng thành phố ở 2 bên bờ sông Hồng. Tuy nhiên, ngay cả bản quy hoạch mới được công bố vẫn để lại một số mặt hạn chế đã tồn tại nhiều năm chưa tìm ra lời giải. Đó chính là phương án thoát lũ cho sông Hồng

Ông Nghiêm nói: Muốn biến “giấc mơ” từ “bàn giấy” thành hiện thực, Hà Nội phải tìm ra thế sông an toàn, không biến đổi dòng chảy trong vài trăm năm.

Lấy ví dụ như sông Hàn, chia đôi Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), về mặt địa lý, đặc điểm sông khá giống với sông Hồng. Tuy nhiên, các nhà quy hoạch Hàn Quốc đã làm được, và rất thành công khi “thuần hóa” được sông Hàn, bằng cách tìm ra thế sông ổn định trong 500 năm.

Tức là, trong 500 năm, dòng chảy, lưu lượng nước,... của sông Hàn sẽ ổn định. Đây chính là tiền đề để xây dựng thành phố bền vững, ít chịu tác động của thiên nhiên.

Ông Nghiêm nhận định, trên thực tế, từ thời Pháp đã tổng kết có 3 thế sông Hồng quy trình biến đổi vào khoảng 150 -200 năm, sau đó đến các dự án các nước tham gia nghiên cứu với Hà Nội, dự án với Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt viện khoa học Thuỷ lợi và hội thuỷ lợi Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn chưa thể làm được.

“Vấn đề gay go nhất, nằm ở sự đồng lòng và vấn đề ổn định dòng chảy của sông Hồng, có những cơ sở khoa học làm sao lựa chọn giải pháp để tương đồng với nguồn lực để huy động. Như vậy, có thể đảm bảo được yêu cầu ổn định cuộc sống và tạo trục cảnh quan và khai thác quỹ đất hết sức phong phú”, ông Nghiêm nói.

Đánh giá thêm về những điểm yếu của đề án quy hoạch mới công bố, TS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Ngoài liên quan đến phân lũ sông Hồng như đã nêu, còn có một trong những giải pháp cần phải thực hiện.

Cụ thể, đầu tiên là quỹ đất ở bãi sông đang có dư địa lớn, muốn biến thành trục không gian cảnh quan, không gian xanh công cộng cho thành phố, lãnh đạo Hà Nội phải đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

Ví dụ, khu vực bãi giữa Sông Hồng khai thác thể dục thể thao, cảm giác mạnh. Trong khi đó, các bãi cát, bãi bồi khác có thể xây dựng các khu du lịch cho người già, du lịch tâm linh.

“Quỹ đất ở 2 bên bờ sông có tiềm năng lớn, nhưng khai thác với chức năng gì thì cần phải nghiên cứu định hướng quy hoạch phải có sự đồng thuận của người dân thì sẽ thành công”, ông Nghiêm nói.

Thứ hai, Hà Nội cần ứng dụng khoa học kỹ thuật mới trong công tác quy hoạch và triển khai dự án. Bởi, trong tổng số hơn 1.200 quỹ đất đang có người sinh sống, sẽ có một số khu vực di dời, nhưng lại có khu vực ở lại.

Hiện nay, chất lượng sống ở các khu ven sông được đánh giá thấp. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những mô hình nhà ở rất khoa học, có thể sống chung với lũ lụt thậm chí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.

“Do đó, vấn đề của các nhà quy hoạch, cần phải có đổi mới và áp dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo cuộc sống cho người dân thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu”, ông Nghiêm chia sẻ.

Ngoài ra, TS.KTS Nghiêm cũng lưu ý, ngoài đảm bảo an toàn thoát lũ cho Hà Nội, các nhà quy hoạch còn phải đảm bảo an toàn cho 13 tỉnh thành, có sông Hồng chảy qua. Điều này chưa được nhắc tới trong bản quy hoạch mới được Hà Nội công bố.

“Đặc trưng của sông Hồng là luôn luôn biến đổi theo chu trình, bây giờ điều nhất thiết phải tìm ra phương án an toàn trong nhiều năm, và đảm bảo an toàn cho các tỉnh lân cận. Như vậy, “giấc mộng” 30 năm của Hà Nội, mới thành hiện thực”, ông Nghiêm nói.

Trước đó, tờ trình đồ án của Ban cán sự đảng UBND thành phố cho biết, quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Phạm vi quy hoạch phía Bắc đến đê tả ngạn và phía Nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km. Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%).

Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… Dân số liên quan đến quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.

Tính chất và chức năng chính của quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là trục không gian cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

Đối với bờ đê hai bên sông Hồng, đồ án quy hoạch nêu rõ "bất khả xâm phạm". Theo đó, các tuyến đê đoạn qua nội đô được giữ nguyên trạng, đoạn còn lại nâng cấp thành đường chính khu vực với bốn làn xe; quy hoạch hai tuyến đường sáu làn xe chạy dọc hai bên sông.

Các bãi sông này định hướng phát triển thành khu đô thị mới hiện đại, nhà ở sinh thái chất lượng cao. Các công trình thiết kế chịu lũ với tầng một sử dụng đỗ xe, công cộng để giảm thiểu thiệt hại khi có lũ.

Các bãi sông còn lại được định hướng không gian mở với các loại hình không gian công viên, quảng trường đô thị, công viên ngập lũ...

Lâm Vũ

Tin khác

Lãi suất vẫn đang giảm

Lãi suất vẫn đang giảm

(CLO) Trong buổi họp báo quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so với cuối năm 2023.

Tài chính - Bảo hiểm
Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

Saigontel (SGT) lợi nhuận kém khả quan, giảm lượng cổ phiếu chào bán xuống 75 triệu

(CLO) CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (SGT) dự kiến giảm lượng chào bán cổ phiếu riêng lẻ xuống còn 75 triệu cổ phiếu.

Tài chính - Bảo hiểm
VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

(CLO) Ngày 19/4/2024, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit – “TIN”) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

(CLO) Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ Tháng Năm sắp tới, trong đó lĩnh vực này sẽ nắm bắt cơ hội để lấy lại phong độ trước đại dịch Covid-19 và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế đất nước thông qua đợt tiêu dùng lớn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Một số dự án chung cư tại Hà Nội được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế

Một số dự án chung cư tại Hà Nội được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế

(CLO) Theo Savills, một số dự án đã được đẩy giá vượt quá giá trị thực tế, nên người mua cần xem xét kỹ, cân nhắc giá trị sử dụng và mức độ hợp lý của dự án.

Bất động sản