Mỹ kết thân Ấn Độ khi gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, Nga

Chủ nhật, 13/11/2022 10:05 AM - 0 Trả lời

(CLO) Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ muốn Ấn Độ tham gia chương trình nghị sự “kết giao bạn bè” của chính quyền Biden, nhưng căng thẳng thương mại giữa hai nước vẫn kéo dài.

“Kết giao bạn bè”

Hoa Kỳ đang đặt Ấn Độ vào trung tâm của tham vọng tách chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi “nanh vuốt” của các đối thủ, tìm cách củng cố mối quan hệ với một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới khi căng thẳng với Trung Quốc vẫn ở mức cao và cuộc gây hấn của Nga ở Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại quốc tế.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, bà Janet L. Yellen, cũng là nhà ngoại giao kinh tế hàng đầu của chính quyền Biden, đã đích thân đưa ra thông điệp đó vào hôm11/11 trong chuyến thăm đến thủ đô Ấn Độ vào thời điểm kinh tế toàn cầu bất ổn.

my ket than an do khi gia tang cang thang voi trung quoc nga hinh 1

Bà Janet L. Yellen đã được ông Anant Maheshwari của Microsoft chào đón tại Trung tâm Phát triển Microsoft Ấn Độ ở Noida, ngoại ô New Delhi hôm 11/11. (Nguồn: Manish Swarup / Associated Press)

Giá lương thực và năng lượng tăng cao bắt nguồn từ xung đột của Nga và mối lo ngại gia tăng về việc Mỹ phụ thuộc vào các sản phẩm của Trung Quốc đã thúc đẩy Mỹ cố gắng định hình lại trật tự kinh tế toàn cầu để các đồng minh phụ thuộc vào nhau về hàng hóa và dịch vụ cung cấp năng lượng cho nền kinh tế của họ.

Ấn Độ thường nằm giữa sự chen lấn địa chính trị giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Nhưng khi chính quyền Biden quảng bá cái mà họ gọi là “kết giao bạn bè”, thì rõ ràng là họ muốn Ấn Độ nằm trong nhóm các đồng minh kinh tế của Mỹ.

Bà Yellen nói: “Hoa Kỳ đang theo đuổi một cách tiếp cận được gọi là ‘kết giao bạn bè’ để đa dạng hóa khỏi các quốc gia có rủi ro địa chính trị và an ninh đối với chuỗi cung ứng của chúng tôi. Để làm được như vậy, chúng tôi đang chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng với các đối tác thương mại đáng tin cậy như Ấn Độ”.

Các hoạt động ngày càng tăng của Microsoft tại Ấn Độ là một ví dụ về sự hội nhập mà Hoa Kỳ muốn thấy.

Bà Yellen cho biết, cơ quan tài chính phát triển của Mỹ đang cung cấp cho một nhà sản xuất năng lượng mặt trời của Mỹ khoản tài chính 500 triệu USD để xây dựng một cơ sở ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Đó là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm giúp ngành năng lượng mặt trời trên thế giới tách khỏi Trung Quốc. Và bà nhấn mạnh việc Apple chuyển sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Ấn Độ gần đây.

Tầm quan trọng của mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ đã tăng lên trong những tháng gần đây. Nước này là đồng minh hiếm hoi duy trì quan hệ ngoại giao chặt chẽ với Nga, quốc gia đã trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu và nắm giữ ảnh hưởng với Tổng thống Vladimir V. Putin. Đồng thời, dân số nói tiếng Anh lớn của Ấn Độ có tiềm năng biến nước này thành trung tâm sản xuất quốc tế cho các công ty Mỹ. Nhìn chung, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Thách thức không nhỏ

Nhưng mối quan hệ thương mại không phải lúc nào cũng thuận lợi. Các quan chức Mỹ nói rằng những người đồng cấp Ấn Độ của họ là một trong những nhà đàm phán cứng rắn nhất, nổi tiếng với việc bám vào các xung lực bảo hộ tại các cuộc họp quốc tế. Và với những thách thức khi kinh doanh ở Ấn Độ, bao gồm cả việc thiếu cơ sở hạ tầng và sự hạn chế của Chính phủ, không rõ có bao nhiêu nhà sản xuất sẽ chuyển giao từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Ông Sadanand Dhume, một thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho biết Ấn Độ phải đối mặt với một số thách thức trong việc trở thành trung tâm sản xuất quốc tế, bao gồm cả những cải cách chưa “đáng kể” của Chính phủ khiến nước này trở thành điểm đến chưa hấp dẫn cho các công ty. Và so với Trung Quốc, thị trường tiêu dùng nội địa của Ấn Độ nhỏ hơn, do đó kém hấp dẫn hơn đối với các công ty sản xuất ở đó.

Trong vài tháng gần đây, mối quan hệ kinh tế lâu dài của Ấn Độ với Nga ngày càng trở thành vấn đề đối với Hoa Kỳ. Ấn Độ là khách hàng lớn nhất thế giới mua vũ khí của Nga - một mối quan hệ khó có thể cắt đứt, đặc biệt là do căng thẳng của Ấn Độ với các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan. Ấn Độ đã từ chối lên án việc Nga xung đột Ukraine. Và kể từ khi cuộc gây hấn bắt đầu, nước này đã trở thành một khách hàng lớn của Nga với loại dầu mà họ có thể mua với giá chiết khấu.

Bên cạnh đó, nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga đã tăng 430% kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu hồi tháng 2, khi các tàu chở dầu thô của Nga đổ về các cảng của Ấn Độ. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu mặt hàng năng lượng đáng kể và là quốc gia đông dân thứ hai thế giới, cho biết họ chỉ tập trung vào việc mua dầu ở mức giá thấp nhất.

Ông Eswar Prasad, chuyên gia chính sách thương mại tại Đại học Cornell, người thảo luận cùng các quan chức Mỹ và Ấn Độ, nói rằng trong khi Ấn Độ muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ, nước này không có khả năng sẽ rời xa Nga.

Ông Prasad, một cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Ấn Độ có lợi ích kinh tế sâu sắc trong việc duy trì nguồn cung cấp dầu đáng tin cậy và tương đối rẻ từ Nga”.

Mục đích thâm sâu đi kèm rủi ro, rào cản

Việc Mỹ cố gắng kết thân Ấn Độ diễn ra khi Mỹ và các đồng minh châu Âu đang chạy đua để hoàn thành các điều khoản của kế hoạch giới hạn giá dầu của Nga. Sáng kiến này phải được thực hiện trước ngày 5/12, khi lệnh cấm vận và bảo hiểm hàng hải của châu Âu có hiệu lực, có khả năng làm gián đoạn dòng chảy mặt hàng dầu của Nga trên khắp thế giới.

Ấn Độ đã thận trọng về đề xuất này, nhưng các quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói rằng nước này không cố gắng thúc đẩy Ấn Độ chính thức tham gia liên minh của mình. Thay vào đó, họ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ sử dụng giới hạn giá làm đòn bẩy để đàm phán giá thấp hơn với Nga, tước đi doanh thu của ông Putin nhưng giữ cho dầu của Nga tiếp tục được khai thác.

Tuy nhiên, bà Yellen nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng việc phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga đi kèm với rủi ro.

Bà Yellen nói: “Nga từ lâu đã thể hiện mình là một đối tác năng lượng đáng tin cậy. Nhưng trong năm nay, Putin đã vũ khí hóa nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga chống lại người dân châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh: “Đó là một ví dụ về cách các tác nhân có thể sử dụng vị thế thị trường của họ để cố gắng đạt được đòn bẩy địa chính trị hoặc làm gián đoạn giao dịch để thu lợi cho riêng họ”.

my ket than an do khi gia tang cang thang voi trung quoc nga hinh 2

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nhấn mạnh những rủi ro khi phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga. (Nguồn: Money Sharma / Agence France-Presse - Getty Images)

Lưu ý đến mối quan hệ kinh tế của Ấn Độ với Nga, Hoa Kỳ đã tập trung vào các lĩnh vực khác mà họ có thể hợp tác. Ấn Độ có các lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh, nhưng Hoa Kỳ tin rằng họ có dư địa đáng kể để mở rộng năng lực sản xuất của mình.

Ông Atul Keshap, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-Ấn Độ, cho biết có nhiều cơ hội cho quan hệ đối tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, đặc biệt là trong việc thiết lập chuỗi cung ứng an toàn cho các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn, pin xe điện, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các chuyên gia thương mại cho rằng chính phủ Mỹ và Ấn Độ cho đến nay đã không nhận ra được những cơ hội đó. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ đã nở rộ một thời gian ngắn dưới thời chính quyền Trump, nhưng một loạt các vấn đề kinh tế dai dẳng - từ các rào cản của Ấn Độ đối với hàng hóa nông nghiệp và thiết bị y tế của Mỹ đến việc nước này không được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Mỹ - đã khiến mọi thỏa thuận đều khó có thể đạt được.

Một chương trình của Hoa Kỳ nhằm giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước nghèo hơn, bao gồm cả Ấn Độ, đã hết hiệu lực vào năm 2020 và không có đủ sự ủng hộ của Quốc hội để khôi phục chương trình này.

Phát biểu với các phóng viên bên lề cuộc gặp hôm 11/11, bà Yellen nói rằng việc giảm thuế quan hiện không phải là một phần của các cuộc thảo luận với Ấn Độ, mà hai bên đã thảo luận về các biện pháp “tạo thuận lợi thương mại” khác để giảm hàng rào phi thuế quan.

Theo ông Prasad, cũng là một cựu quan chức IMF, Ấn Độ vẫn còn hoài nghi về tính lâu dài của các ý định tốt của Mỹ sau hậu quả của các mức thuế mà cựu Tổng thống Donald Trump ban hành.

Ông Prasad nói: “Ở Ấn Độ, có một sự e ngại nếu không muốn nói là hoàn toàn không tin tưởng”.

Phát biểu với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Ấn Độ tại cuộc họp, bà Yellen cho biết các nền dân chủ lớn như Ấn Độ và Hoa Kỳ phải gắn bó với nhau trong một nền kinh tế toàn cầu đầy biến động.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nói: “Trong một thế giới mà các lỗ hổng của chuỗi cung ứng có thể gây ra chi phí lớn, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải tăng cường quan hệ thương mại của chúng tôi với Ấn Độ và một số lượng lớn các quốc gia có chung cách tiếp cận với các mối quan hệ kinh tế”.

Hồng Vân (Theo The New York Times)

Bình Luận

Tin khác

Gia Lai: Doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ hoang, hàng trăm hộ nghèo thiếu đất sản xuất

Gia Lai: Doanh nghiệp thuê đất rồi bỏ hoang, hàng trăm hộ nghèo thiếu đất sản xuất

(CLO) Trong số gần 1.200 ha UBND tỉnh Gia Lai cho Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai thuê để trồng cao su, có nhiều diện tích đất bỏ hoang, cây cao su kém phát triển. Doanh nghiệp thì bỏ hoang đất, trong khi hàng trăm hộ dân vùng lân cận thuộc xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) lại không có đất sản xuất.

Thị trường - Doanh nghiệp
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 30% kể từ tháng 6

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm 30% kể từ tháng 6

(CLO) Giá trị xuất khẩu dầu thô của Nga đã giảm mạnh gần 30% kể từ cuối tháng 6 do giá chuẩn quốc tế giảm kéo theo giá trị của các loại dầu thô của nước này, Bloomberg ước tính.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá xăng tăng nhẹ, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít

Giá xăng tăng nhẹ, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít

(CLO) Từ 15h chiều nay (19/9), giá xăng trong nước tăng nhẹ không đáng kể. Sau điều chỉnh, giá bán vẫn dưới 20.000 đồng/lít.

Thị trường - Doanh nghiệp
Hậu trung thu, quầy bánh ế đồng loạt hạ giá 'sập sàn'

Hậu trung thu, quầy bánh ế đồng loạt hạ giá 'sập sàn'

(CLO) Hậu Trung thu là thời điểm vàng để người tiêu dùng săn lùng bánh trung thu đại hạ giá, nhưng thực tế cho thấy, ngay cả với những chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giảm giá sâu, nhiều quầy hàng di động vẫn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xả thải vượt quy chuẩn từ 10 lần trở lên, doanh nghiệp sản xuất bia tại Bắc Ninh bị phạt 192 triệu đồng

Xả thải vượt quy chuẩn từ 10 lần trở lên, doanh nghiệp sản xuất bia tại Bắc Ninh bị phạt 192 triệu đồng

(CLO) Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Thương mại và Sản xuất An Thịnh.

Thị trường - Doanh nghiệp