(CLO) Hai lần trả tiền để được sử dụng hợp pháp ngôi nhà có diện tích 32 m2 nhưng bà Nguyễn Thị Ổn, trú tại thôn Phù Sa Thượng (xã Hoàng Nam, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) vẫn chưa thể nhận được nhà, bởi chủ nhà đã đem thế chấp ngân hàng...
Thế chấp cả đất đã chuyển nhượng cho người khác Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Ổn, ngày 3/2/2010, gia đình bà có mua ngôi nhà cấp 4, diện tích 32 m2 nằm trong thửa đất 78m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Quý, trú tại thôn Tây An (xã Hoàng Nam), có giấy viết tay bàn giao nhà và nhận tiền giữa hai gia đình nhưng chưa có xác nhận của chính quyền địa phương. Tổng giá trị mua bán là 57 triệu đồng, gia đình bà Ổn đã trả 42 triệu đồng, số tiền còn lại để hoàn thành thủ tục giấy tờ thì trả nốt. Ngay sau đó, gia đình ông Quý bàn giao nhà để gia đình bà Ổn chuyển đồ đạc đến ở. 10 ngày sau khi giao tiền, gia đình bà Ổn đến nhà cán bộ địa chính xã tên là Nguyễn Văn Biên để báo cáo việc mua bán giữa hai gia đình, đồng thời hỏi thủ tục làm giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng bà Ổn nhận được câu trả lời từ ông Biên là: Mua đất dưới 50 m2 không làm được thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(?). "
Thật bất ngờ là ngày 25/4/2010 UBND xã lại ký hồ sơ xác nhận cho gia đình ông Quý làm thủ tục vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Thắng Thượng (Nghĩa Hưng) với số tiền là 60 triệu đồng" - bà Ổn cho biết. [caption id="attachment_186742" align="aligncenter" width="650"]
Ngôi nhà bà Ổn mua đã phải trả 2 lần tiền, nhưng 7 năm qua vẫn chưa được nhận nhà...?[/caption] Ngày 8/7/2011, ngôi nhà mà gia đình bà Ổn chuyển đến ở bị kê biên, cưỡng chế niêm phong mà chính bà không biết chuyện gì xảy ra. Sau khi phản ánh đến chính quyền xã Hoàng Nam thì đến ngày 19/11/2011, UBND xã có giấy mời gia đình lên để giải quyết tiền nợ đọng ngân hàng của gia đình ông Quý(?)
"Tính đến lúc đó, gia đình ông Quý đã nợ tiền lãi ngân hàng là 3 tháng cùng với khoản gốc Ngân hàng NN&PTNN 60 triệu, Ngân hàng Chính sách xã hội 12 triệu, tổng các khoản nợ là tròn 75 triệu" - bà Ổn nói. Cũng theo bà Ổn, gia đình ông Quý sau khi đã thế chấp ngân hàng, đã bán số đất còn lại cho hai gia đình khác. Và UBND xã Hoàng Nam đã mời cả ba gia đình lên để trả khoản nợ ngân hàng này. Sau khi thống nhất, cả ba gia đình đồng ý chia đều để trả khoản nợ 75 triệu cho ngân hàng có biên lai nhận tiền và xác nhận của UBND xã Hoàng Nam. Sau đó, mặc dù vẫn còn niêm phong nhưng chính Chủ tịch xã thông báo với các gia đình cứ vào ở lại mảnh đất đó nhưng không có biên bản bàn giao...
"Ngay sau khi thanh toán khoản nợ, ông Quý đã có giấy ủy quyền, đề nghị UBND xã Hoàng Nam và các cấp có thẩm quyền làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho từng nhà nhưng đến nay, đã hơn 7 năm chúng tôi vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi đã làm đơn nhiều lần lên các cấp chính quyền nhưng vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng" - bà Ổn cho biết. Trao đổi với PV ông Trần Duy Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nam cho biết, thời điểm đó tôi vẫn là Chủ tịch xã, việc mua bán giữa hai gia đình UBND xã không biết. "
Tôi đã giao cho đồng chí Phó chủ tịch xã xác nhận cho gia đình ông Quý thế chấp mảnh đất để vay ngân hàng vào tháng 4/2010. Nhưng đến thời điểm đáo hạn, gia đình đã trốn khỏi địa phương nên ngân hàng mới đến kê biên phong tỏa tài sản." - ông Nhiệm nói. Ông Nhiệm cũng cho biết Ngân hàng có gửi thông báo qua xã, qua đài truyền thanh nhưng phóng viên đề nghị được xem thì vị này cho biết người giữ đã nghỉ hưu, hẹn sẽ cung cấp sau. [caption id="attachment_186743" align="aligncenter" width="650"]
Ông Chủ tịch xã Hoàng Nam: Ông Quý đã bỏ trốn khỏi địa phương và không khai báo[/caption] Cũng theo ông Nhiệm, mặc dù gia đình ông Quý đã có ủy quyền cho cháu để xin nhận lại tài sản nhưng theo quy định của ngân hàng phải chính ông Quý đến nhận mới được trả lại sổ đỏ.
"Để giải quyết tận gốc vấn đề thì ông Quý phải có mặt ở địa phương, nhưng đến nay chúng tôi cũng không biết ông ấy trốn đi đâu vì ông ta không khai báo và tôi được biết ông ta nợ rất nhiều người khác ở đây." - ông Nhiệm nói. Ông Nhiệm cũng xác nhận, việc xã xác nhận cả ba gia đình góp tiền để trả nợ ngân hàng thay cho gia đình ông Quý là có và chính ông là người ký xác nhận.
"Khi ngân hàng kê biên, chúng tôi đã mời cả ba gia đình lên đây thống nhất là trả hết nợ ngân hàng cho gia đình ông Quý, chính ông Liêm (chồng bà Ổn) đã rút tiền tại đây để đưa cho hai gia đình kia trả cho ngân hàng. Tôi đáng ra chỉ ký xác nhận chữ ký cho 3 người đó, nhưng chứng kiến việc ba gia đình trả nợ ngân hàng thay cho gia đình ông Quý là đúng sự thật nên tôi xác nhận. Nếu sai tôi xin chịu trách nhiệm" - ông Nhiệm khẳng định.
Dấu hiệu phạm tội hình sự Ngày 28/10/2013, UBND huyện Nghĩa Hưng có văn bản trả lời công dân số 344/UBND-TTr do ông Chủ tịch Trần Văn Công ký, trả lời những nội dung của bà Ổn phản ánh. Theo đó, nội dung chuyển nhượng phần diện tích nhà đất giữa hai gia đình giao dịch trước khi gia đình ông Quý thế chấp bảo lãnh vay vốn ngân hàng, để xác định hành vi vi phạm pháp luật bà Ổn cần gửi đơn đến cơ quan bảo vệ pháp luật để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của ông Quý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, trao đổi với phóng viên, Luật sư Nhâm Mạnh Hà - Công ty Luật TNHH IMC (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc giao dịch giữa hai gia đình khi chưa có xác nhận của chính quyền địa phương có thể chưa đầy đủ thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, gia đình ông Quý đã nhận tiền của gia đình bà Ổn và hai gia đình khác có giấy viết tay giao đất mà hiện nay trốn khỏi địa phương, không hoàn thành thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất là có hành vi 'lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản', theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. "1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Tái phạm nguy hiểm; e) Gây hậu quả nghiêm trọng."
Tuấn Mạnh