(CLO) Gần đây một số ý kiến lo ngại nguy cơ “chảy máu ngoại tệ” khi Việt Nam vẫn duy trì lãi suất 0% với tiền gửi USD, bởi việc gửi USD tại các ngân hàng Việt Nam không được hưởng lãi suất đã và đang tạo chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi suất cho tiền gửi USD trong nước và quốc tế, từ đó có thể kích thích sự chuyển dịch USD từ trong nước ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nhận định, sự chuyển dịch không lớn và không tác động nhiều đến tỷ giá trên thị trường trong nước. Chưa nên nâng trần lãi suất USD Tại buổi làm việc với Ngân hàng nhà nước (NHNN) mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng đã nhắc đi nhắc lại việc NHNN cần nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực USD đang nằm trong dân. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, thay vì gửi USD với lãi suất 0% thì làm sao huy động nguồn lực này để hòa vào các nguồn lực khác cho đầu tư. NHNN có chủ trương quyết liệt là chống đô la hóa nhưng trong điều kiện có thể kiểm soát thì phải làm sao huy động được nguồn lực trên. Còn theo nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm “Năm 2016, các ngân hàng thương mại đã gửi hàng tỉ USD ra nước ngoài để hưởng chênh lệch, phần nào cho thấy chúng ta đang bỏ phí một nguồn lực. Thay vào đó chúng ta có thể tính toán một giải pháp khác để đưa luồng vốn này quay trở lại nền kinh tế”. Ông Kiêm cho rằng, cần căn cứ vào tình hình cung cầu ngoại tệ, khả năng thu hút vốn để tính đến việc nâng lãi suất USD. “Việc nâng lãi suất USD là có thể thực hiện được trong bối cảnh này, bước đầu có thể nới lên dần dần từ mức 0,25 - 0,5%/năm”, ông Kiêm đề xuất. [caption id="attachment_175746" align="aligncenter" width="660"]
Làm thế nào để huy động vàng và ngoại tệ trong dân đang là bài toán khó được nhiều bộ ngành, chuyên gia bàn luận. Đặc biệt có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề NHNN duy trì lãi suất 0% với tiền gửi USD. (Ảnh internet)[/caption] Tuy nhiên Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay,
“phần lớn ngoại tệ trong dân đã được chuyển hóa thành đồng Việt Nam chuyển vào nguồn tiền gửi đầu tư trực tiếp vào đầu tư kinh doanh”, có nghĩa là không còn có nguồn ngoại tệ để mà huy động. Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), thanh khoản thị trường vẫn tốt, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục mua được ngoại tệ từ khách hàng. So với cuối năm 2016 thì tỷ giá tương đối ổn định (đến ngày 26/6, tỷ giá trung tâm tăng 1,23%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,13%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,09% so với cuối năm trước). Chuyên gia tài chính ngân hàng – TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong bối cảnh tỷ giá VND/USD, kinh tế vĩ mô đang ổn định thì việc duy trì trần lãi suất tiền gửi USD 0% là hợp lý.
"Chưa nên đặt ra vấn đề tăng lãi suất USD trong thời điểm hiện nay vì kinh tế vĩ mô đang ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng và đạt được mục tiêu. Sự thay đổi sẽ tác động đến nhiều yếu tố của chính sách tiền tệ và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, NHNN điều hành cần cân đối hài hòa các mục tiêu và hướng tới trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.
Sẽ gây hậu quả? Theo Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, tăng lãi suất USD vào thời điểm này là đi ngược lại xu hướng chống đô la hóa nền kinh tế và công lao giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối bấy lâu nay đổ sông đổ biển. TS. Ánh cũng lo ngại quan hệ huy động - cho vay gây rủi ro cho cả 3 bên: Người gửi, người vay và ngân hàng thương mại. Khi biến động tỷ giá, lãi suất không bù được cho tỷ giá sẽ trở lại trạng thái trước đây là hình thành 2 thị trường ngoại tệ chính thức và phi chính thức. Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% góp phần rất nhiều trong việc chống đô la hóa trên thị trường, làm cho người dân, doanh nghiệp không có xu hướng nắm giữ USD mà có xu hướng bán ra, từ đó tăng nguồn cung USD trên thị trường, góp phần bình ổn tỷ giá.
“Việc bình ổn tỷ giá, giữ ổn định đồng Việt Nam là mục tiêu quan trọng, củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam, tiếp tục tăng nguồn cung đôla trong tương lai. So với lãi suất USD tại Mỹ, lãi suất VND vẫn hấp dẫn hơn. Do đó, việc gửi tiết kiệm VND có lợi hơn nắm giữ USD", ông Linh nhấn mạnh Trên phương diện doanh nghiệp ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% hỗ trợ tốt cho những doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ thu về, cụ thể là doanh nghiệp xuất khẩu, khi họ vay USD được hưỡng lãi suất hấp dẫn. Với lãi suất huy động USD thấp, các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lãi suất vay USD thấp, lãi suất vay USD ngắn hạn hiện phổ biến ở mức 2,8%-4,7 %/năm thấp hơn hẳn so với vay bằng VND cùng kỳ hạn. Với lãi suất USD thấp thì hỗ trợ cho doanh nghiệp vay, từ đó doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành sản xuất. Những tháng đầu năm, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi như nhập siêu cao, các biến động trên thị trường tài chính quốc tế với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) 2 lần tăng lãi suất và khả năng sẽ nâng lãi suất USD thêm một lần nữa cuối năm nay, các chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump và diễn biến bầu cử Tổng thống ở Pháp, xu hướng đồng USD thế giới diễn biến vẫn rất phức tạp. Tuy nhiên, theo nhân định của lãnh đạo NHNN tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước vẫn ổn định.
Nhìn nhận vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách lãi suất tiền gửi USD bằng 0 là một một trong những chính sách cực đoan. Nó cực đoan ở chỗ lấy mục tiêu là một đồng tiền duy nhất, không gửi ngoại tệ mà chỉ mua bán. Với chính sách này, NHNN có cơ hội tăng mua vào ngoại tệ với giá rẻ, đó là một thành công thực sự, dự trữ ngoại hối đã tăng lên hàng chục tỷ USD mà không làm biến động tỷ giá. Tuy nhiên, khi đã mua vào một lượng ngoại tệ đủ lớn và ổn định thì đã đến lúc phải tăng lãi suất huy động, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ đã tăng tới 3 lần. Song bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nêu quan điểm, nếu NHNN nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD, hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ sẽ có thêm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi đó tình trạng găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp cũng sẽ khó giảm nhanh và lãi suất huy động cũng như cho vay VND sẽ càng khó giảm hơn. Như TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) phân tích, nếu NHNN vẫn kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%, đồng thời đảm bảo sự ổn định của tỷ giá VND/USD, nhiều người nắm giữ USD sẽ nản lòng, lượng USD găm giữ trong nền kinh tế sẽ giảm dần - điều này đang diễn ra, người dân và doanh nghiệp sẽ nắm giữ VND nhiều hơn, với kỳ hạn dài hơn để gửi vào các NHTM, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng VND. Khi lãi suất cho vay VND giảm về mức hợp lý, tín dụng bằng VND sẽ tăng và nhu cầu vay bằng ngoại tệ cũng sẽ giảm theo.
Bảo Quyên