Nền kinh tế trước “sóng gió” đại dịch lần thứ tư: Chính sách cần thực tế

Thứ sáu, 03/09/2021 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) TS. Quách Mạnh Hào – PGS. về Ngân hàng - Tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh Quốc tại Đại học Lincoln - đã có những chia sẻ xung quanh những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư, động lực tăng trưởng từ giờ đến cuối năm...

Trong cuộc trò chuyện với Báo Nhà báo & Công luận, TS. Quách Mạnh Hào – PGS. về Ngân hàng - Tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln - đã có những chia sẻ xung quanh những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trước làn sóng Covid-19 lần thứ tư, động lực tăng trưởng từ giờ đến cuối năm, những lo ngại xuất hiện cần lưu tâm…

Dự báo GDP cả năm chỉ dưới 5%

+ Tác động từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua tới kinh tế Việt Nam được đánh giá là vô cùng nặng nề. Ông dự báo như thế nào về tăng trưởng 6 tháng cuối năm nay của Việt Nam?

- Theo tôi, tác động tiêu cực là rõ ràng. Chúng ta cần quan sát thêm các tiêu chí phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, nhưng các chỉ số quan trọng như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hay vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước… cho đến tháng 7 đều đã liên tiếp giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, từ tháng 8 dịch bệnh nặng nề hơn và các biện pháp giãn cách và phong tỏa cũng nghiêm ngặt hơn, làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn nên không thể nghĩ tới việc khả quan.

Chúng ta chỉ chờ đợi để xem con số giảm tới mức nào để ước lượng xem GDP sẽ giảm so với mục tiêu kế hoạch là bao nhiêu. GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước và đã xuất hiện nhiều dự báo cho GDP cả năm sẽ về dưới 5%.

nen kinh te truoc song gio dai dich lan thu tu chinh sachcan thuc te hinh 1

Khu vực là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế vừa qua là công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ nội địa dường như sẽ sự giảm mạnh trong tình hình hiện tại, nghĩa là các động lức tăng trưởng chính yếu bị bịt kín. Bởi vậy, GDP dưới 5% là thực tế.

+ Vậy theo ông, giải pháp gì để “giảm đau” cho nền kinh tế trước những biến động do đại dịch gây ra. Đặc biệt là việc đứt gãy chuỗi cung ứng – mối lo vô cùng lớn mà chúng ta đã, đang và sẽ đối mặt?

- Việc điều hành kinh tế bây giờ là khó nói do các chính sách thường hoạt động hiệu quả khi không có sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Mục tiêu kép” chúng ta đã nói nhiều rồi. Vấn đề bây giờ là “mở” với người dân về khả năng khó khăn còn kéo dài và có đối sách phù hợp cho từng đối tượng, từng ngành nghề, từng địa phương, thay vì chính sách kinh tế chung chung như kiểu chính sách tiền tệ và tài khóa cả gói mang đậm màu sắc lý thuyết như trước đây.

Chính sách cần thực tế để phản ánh, thay vì lý thuyết

+ Hiện nay, đa số các ngành nghề, các doanh nghiệp đều kêu khó khăn và đề xuất hỗ trợ. Từ dệt may cho đến xây dựng, bất động sản… Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế thời điểm này theo ông là gì cho phù hợp và hiệu quả? Có nên đặt vấn đề “cứu” cả những doanh nghiệp lớn không, thưa ông?

- Bài toán cần giải là mỗi người dân, đặc biệt người nghèo, cần bao nhiêu tiền để sống; mỗi doanh nghiệp nhỏ, khó khăn cần bao nhiêu tiền để duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân, người lao động để tồn tại.

Cần tìm cơ chế giải ngân, phát tiền trực tiếp cho người lao động và dân nghèo, ai cố tình gian dối để nhận bừa sau này sẽ phạt nặng sau.

Nhiều lúc tôi nghĩ, việc in tiền ra và trao tiền trực tiếp cho dân nghèo, giải ngân trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn có khi còn hiệu quả hơn là sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng và phụ thuộc hệ thống ngân hàng như hiện tại dẫn tới tiền chỉ “chảy vào chỗ trũng”.

Chính sách cần thực tế để phản ánh, thay vì lý thuyết.

Gói hỗ trợ cho người dân - thà phát nhầm còn hơn bỏ sót

+ Ông có chia sẻ quan điểm, Việt Nam cần chính sách hỗ trợ trực tiếp theo hướng “thà phát tiền trực tiếp cho từng người dân nghèo có thể phát nhầm một số người không nghèo”, còn hơn là các gói cứu trợ kinh tế chung chung vài trăm nghìn tỷ mà nhầm cả một giai tầng, chẳng đến được với người nghèo. Ông có thể nói rõ về quan điểm này, nếu thực hiện sẽ như thế nào?

- Chúng ta lâu nay vẫn điều hành chính sách dựa trên các thông lệ phổ biến quá khứ. Nhưng dịch bệnh và khủng hoảng lần này không có tiền lệ. Nó không phải là một cỗ máy dừng lại do thiếu xăng dầu, mà là một cỗ máy bị hỏng.

Tưởng tượng nền kinh tế giống như một cỗ máy. Một cỗ máy có nhiều bộ phận nối với nhau, giống như các ngành nghề trong nền kinh tế. Tiền tệ giống như xăng và dầu máy, trong đó cần dầu máy để đảm bảo máy không rỉ và cần xăng để máy chạy.

Bình thường, chúng ta có thể sử dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa để bơm xăng dầu cho nó, cho nó không rỉ, chạy nhanh hay chậm.

Nhưng khi máy hỏng, đổ xăng dầu như thông thường không làm máy hoạt động. Lúc này, điều cần thiết là làm cho máy không rỉ, đợi sửa xong nó rồi mới đổ xăng cho nó chạy. Trong cỗ máy, có những bộ phận rỉ trước, bộ phận rỉ sau. Trong nền kinh tế, có ngành bị ảnh hưởng, có ngành ít hoặc không.

Chính sách kinh tế lúc này không nhất thiết phụ thuộc vào lý thuyết và thông lệ truyền thống. Phát tiền trực tiếp cho doanh nghiệp khó khăn và người nghèo, lao động nghèo tương tự như bơm dầu máy làm cho máy không rỉ. Có thể có sai lệch, nhưng doanh nghiệp khó khăn và người lao động nghèo cần tồn tại trước đã.

nen kinh te truoc song gio dai dich lan thu tu chinh sachcan thuc te hinh 2

Chính sách nới lỏng hiện tại dẫn tới thị trường chứng khoán tăng, nền kinh tế vẫn yếu và doanh nghiệp nghèo, người lao động nghèo vẫn mất việc và khó khăn. Trong khi đó, lãi suất huy động giảm mạnh nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than thở lãi suất vay không giảm tương ứng. Vậy đó có phải là mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?

Cùng hệ quả là tiền rẻ do bơm tiền/in tiền, phát tiền trực tiếp có thể sẽ hiệu quả hơn là gián tiếp thông qua cơ chế vận động của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế vì cỗ máy này đang hỏng, mang lại mục tiêu xã hội tốt hơn, hồi phục tốt hơn khi đại dịch đi qua.

“Mục tiêu kép” lúc này là gì?

+ Chính phủ đã đặt ra “mục tiêu kép”, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng “mục tiêu kép” là đồng thời cả 2 việc, nhưng bây giờ (như tình hình TP.HCM) không thể có được, chỉ ưu tiên chống dịch hay ưu tiên phát triển kinh tế. Ông nghĩ sao về nhận định này và “mục tiêu kép” nên là gì lúc này và cần được thực hiện như thế nào?

- “Mục tiêu kép” theo cách hiểu của tôi nên là chống dịch đồng thời đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế. Các hoạt động kinh tế rõ ràng bị gián đoạn bởi giãn cách và phong tỏa do vậy không nên hiểu rằng vừa chống dịch lại vừa hoạt động kinh tế bình thường, mà nên hiểu rằng vừa chống dịch, vừa đảm bảo chuẩn bị “sẵn sàng” cho các hoạt động kinh tế trở lại.

Cụm từ “sẵn sàng” ở đây rất quan trọng. Các hoạt động kinh tế thiết yếu cần phải duy trì ở mức tối thiểu, ví dụ các hoạt động vận chuyển, hệ thống chợ, siêu thị đảm bảo cuộc sống dân cư. Vấn đề là chúng ta kiểm soát quá trình này, thay vì cấm triệt để.

Ví dụ như siêu thị, chợ hoàn toàn có thể mở thay vì cấm, nhưng chúng ta cần những giải pháp thông minh, chẳng hạn thay vì vào chợ hay siêu thị chọn như thông thường thì chúng ta chỉ cho phép các “giỏ hàng mẫu”, “thùng hàng mẫu” được bán do người bán chuẩn bị, người mua dễ dàng chọn và người vận chuyển cũng dễ dàng chuyển. Những cái này mới cần khoa học, tư vấn và cần một định nghĩa chung, chứ không phải là các dự đoán về việc khi nào dịch kết thúc.

Và nhân tố quan trọng nữa là duy trì một sự “sẵn sàng” hoạt động trở lại của doanh nghiệp và người dân thông qua hỗ trợ trực tiếp như quan điểm của tôi là phát tiền trực tiếp cho họ. Tất nhiên, với đối tượng doanh nghiệp, sự hỗ trợ vẫn dựa trên nhu cầu của họ nhưng tạm bỏ qua các rào cản giấy tờ và điều kiện hỗ trợ như hiện tại.

Với người lao động và dân nghèo, theo đề nghị của chính quyền các địa phương hoặc một cách sàng lọc nào đó, tôi nghĩ rằng phát tiền phục vụ cuộc sống tối thiểu cho họ sẽ giải quyết được cả sức khỏe kinh tế, y tế và xã hội.

Chúng ta chắc chắn phải chấp nhận có những sự gian lận, tương tự như gian lận tại các chương trình xóa đói giảm nghèo lâu nay, nhưng chúng ta không vì thế mà không làm và cần tuyên bố rõ ràng về sự trừng phạt với những đối tượng gian lận sau này. Thà nhầm còn hơn mất cả sức khỏe kinh tế, y tế và xã hội.

+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Hà Nguyễn (Thực hiện)

Tin khác

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

Bộ Công Thương có chỉ đạo khẩn yêu cầu thực hiện nghiêm quy định hóa đơn điện tử khi bán xăng

(CLO) Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có công điện hỏa tốc, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Thị trường - Doanh nghiệp
Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

TP HCM: Nâng cao chất lượng hoạt động của cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để phát triển du lịch

(CLO) Văn phòng UBND TPHCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm phát triển ngành du lịch của thành phố.

Thị trường - Doanh nghiệp
Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

Vietnam Airlines cung ứng hơn nửa triệu ghế dịp 30/4-1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ 30/4, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 560.000 ghế, tương ứng hơn 2.800 chuyến bay trên toàn mạng nội địa và quốc tế trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến 2/5.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

Chứng khoán 28/3: Nhà đầu tư tranh mua Techcombank

(CLO) Trong phiên chứng khoán 28/3, cổ phiếu TCB của Techcombank trở thành tâm điểm khi được nhà đầu tư tranh nhau mua vào.

Tài chính - Bảo hiểm