Nẻo về nguồn cội…

Thứ năm, 15/08/2024 09:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Buổi lễ Khánh thành và bàn giao Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng diễn ra vào một sáng tháng 8 mùa thu nao nao cảm xúc và nhiều ấn tượng. Những người làm báo chúng tôi đến đây dường như đang được trở về “nguồn cội”, được nhìn và cảm nhận trọn vẹn những giá trị nghề nghiệp vô giá mà thế hệ đi trước để lại cho hôm nay…

1. Con đường từ Hà Nội về với xã Tân Thái, Đại Từ, Thái Nguyên rất thuận lợi nên chiếc xe đưa chúng tôi đến nơi vẫn còn rất sớm so với kế hoạch của buổi Lễ Khánh thành. Ai nấy đều háo hức ngắm nhìn, vãn cảnh và tham quan trong ngoài Di tích, đi từ ngỡ ngàng đến reo vui và tấm tắt: “Đẹp và ý nghĩa quá”… Nhà báo lão thành Hà Đăng ở tuổi 96, vượt đường xá xa xôi về đây, cảm động chia sẻ: “Tới dự tôi cảm thấy vô cùng xúc động khi được nhìn lại quá khứ - một quá khứ anh hùng của những người làm báo…”.

Thật xúc động biết bao, mảnh đất này, 75 năm trước đã hình thành ngôi trường mang tên Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo cán bộ báo chí đầu tiên trong lịch sử báo chí cách mạng nước nhà. Hôm nay, cũng tại mảnh đất này, dẫu ngôi trường ấy không còn, những người “năm xưa cũ” hầu hết đã về cõi vĩnh hằng thì một công trình bề thế, ý nghĩa được xây dựng từ tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên… dường như đã phục dựng, tái hiện một cách đầy đủ, thuyết phục về chiếc nôi đào tạo đặc biệt này.

“Thời gian dần trôi theo dòng chảy của lịch sử, hầu hết các giảng viên, học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã về cõi vĩnh hằng. Dù muộn nhưng chúng ta vẫn đang nỗ lực tôn vinh và khắc ghi về một thế hệ nhà báo kháng chiến tiên phong trên mặt trận báo chí đã từng dành cả đời mình vì mục tiêu “Tất cả để chiến thắng” góp sức làm nên truyền thống vẻ vang và sức sống của báo chí cách mạng nước ta…” – Lời chia sẻ của chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh như nói hộ cảm xúc của biết bao nhà báo thế hệ hôm nay.

neo ve nguon coi hinh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đại biểu chia sẻ về nhiều câu chuyện của ngôi trường Huỳnh Thúc Kháng năm xưa. Ảnh: Sơn Hải

Dù muộn nhưng có thể thấy, tất cả những gì hiện hữu nơi đây đều là những nỗ lực không nhỏ của thế hệ người làm báo hôm nay mong muốn tôn vinh, tri ân thế hệ cha ông đi trước. Những bằng chứng sinh động về báo chí chiến khu Việt Bắc và về báo chí Huỳnh Thúc Kháng tại Di tích đã và đang trở thành tài liệu giáo dục truyền thống vô giá về lòng yêu nước, về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam. Và không chỉ dừng lại ở đó, một quần thể di tích lịch sử - du lịch đã và đang được mở ra, đánh dấu kì vọng cho hành trình bảo tồn và phát triển Di tích muôn đời sau.

2. Ngôi trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, sau 70 năm được chính danh là Di tích Quốc gia, sau 75 năm sở hữu một “quần thể” đa dạng và sinh động. Tái hiện xuất sắc không gian báo chí kháng chiến và báo chí Huỳnh Thúc Kháng sau hơn bảy thập kỷ, vừa phải khái quát tổng thể một giai đoạn, vừa khai thác chiều sâu về một ngôi trường chỉ tồn tại trong 3 tháng là những nỗ lực đáng ghi nhận của Bảo tàng Báo chí Việt Nam – chủ đầu tư Công trình này.

“Đối với chúng tôi thì điều này khá thuận lợi bởi Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã có thực hiện trưng bày thường xuyên và trưng bày chuyên đề về báo chí chiến khu Việt Bắc với nhiều tư liệu quý. Ngoài các tư liệu, hiện vật đã có, chúng tôi đã nghiên cứu, bổ sung, khai thác thêm một số tư liệu phù hợp để khách tới đây sẽ không chỉ nhìn thấy gỗ, mái, cột… mà quan trọng hơn là thấy được không khí của người làm báo, không khí của cuộc kháng chiến cùng những hình ảnh, câu chuyện tự hào hơn về chiếc nôi đào tạo báo chí đầu tiên của đất nước…” – nhà báo Trần Thị Kim Hoa - Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ.

Quả thực, khi đến đây, chúng tôi không chỉ nhìn thấy gỗ, mái, cột, không chỉ hiểu về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng mà còn hiểu thêm về cuộc kháng chiến kỳ vĩ, một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn phạm vi một ngôi trường... Chúng tôi cảm động khi bước vào ngôi nhà sàn 80 m2 với cửa sổ nhiều, các vách đều được phát huy tối đa để trưng bày, có thêm các tủ hiện vật, hiện vật khối lớn, trục quay rulo với sức chứa nhiều hơn những tư liệu liên quan đến báo chí kháng chiến và báo chí Huỳnh Thúc Kháng.

Bước vào khu nhà trưng bày mà như bước vào một không gian lịch sử đầy giá trị, như thấy cả một quá khứ hào hùng của cuộc kháng chiến mà những người làm báo vừa cầm súng, vừa cầm bút, thấy một không khí làm báo thời chiến sôi nổi, quyết tâm “đọ bút với quân thù”, thấy những lớp lớp cha ông trong những ngày tháng với “miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai”, “đá mòn nhưng dạ chẳng mòn…” (Hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu). Ấn tượng nữa là, tại khu trưng bày Báo chí chiến khu Việt Bắc 1946 - 1954, có một bản đồ đánh dấu vị trí các tờ báo lớn ra đời, các nhà in hội tụ trên vùng đất chiến khu xưa…

Ngôi nhà sàn, Nhà trưng bày, không chỉ đơn giản là một công trình kiến trúc mà dường như còn thổi được vào đó một tinh thần, một giá trị của báo chí, một không gian văn hóa báo chí, một góc đời sống kháng chiến sôi động, đúng như tâm huyết của chủ đầu tư về một “bảo tàng” thu nhỏ về báo chí chiến khu Việt Bắc.

Chúng tôi ai nấy dường như không thể rời mắt khi ngay tại khuôn viên công trình hiện diện sừng sững một bức phù điêu tuyệt đẹp với 48 chân dung các thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường do họa sĩ Ngô Xuân Khôi phác thảo và nhà điêu khắc Phạm Sinh trực tiếp cùng các học trò của mình dựng nên. Rồi một hội trường nằm trong lòng đồi với công năng thiết thực là phục vụ hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác, có sức chứa trên 150 người; một “quảng trường mini” rộng 200 m2 có thể phục vụ tổ chức sự kiện, biểu diễn văn nghệ...

Rất nhiều lãnh đạo báo chí, các nhà báo vừa nhìn đã trầm trồ đưa ra ý tưởng rằng, vài tháng tới sẽ đưa cơ quan, đưa các nhà báo, hội viên lên đây họp, trao thẻ, tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, các sự kiện và cùng ôn lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam. Như thế để hiểu sự thành công của một công trình là ngay lập tức đã chạm tới cảm xúc của người xem, đúng nghĩa vừa đẹp, vừa có giá trị văn hóa và giá trị thời gian.

3. Có lẽ một điều đặc biệt ấn tượng, đó là sự có mặt của gia đình các giảng viên, học viên xưa của trường đang tề tựu tại nơi này, trong bối cảnh hết sức xúc động và trang nghiêm. Đến từ rất sớm, người phụ nữ khóc thành tiếng khi đứng trước bức phù điêu là bà là Đỗ Hồng Lạng - con gái nhà báo Đỗ Đức Dục. Bà nghẹn ngào nói với chúng tôi rằng, đôi mắt cha bà dường như được tạc vào bức phù điêu, bà không cầm được nước mắt vì chỉ nhìn thôi đã nhớ bố đến thắt lòng… 

neo ve nguon coi hinh 2

Thân nhân của các giảng viên, học viên tề tựu về đây, xúc động trước bức phù điêu tại Di tích. Ảnh: Sơn Hải

Còn ông Nguyễn Huy Thắng – con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì bồi hồi chia sẻ: Cách đây 75 năm, cha mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia giảng dạy tại nơi đây, như ông có viết vắn tắt trong nhật ký ngày 24/4/1949: “Giảng kịch ở lớp báo chí.” Còn trong những dòng lưu bút một ngày sau, ông tâm sự: “Tôi được làm quen với lớp báo chí “Huỳnh Thúc Kháng” bằng một buổi kỷ niệm nhà lão thành chí sĩ và anh Hoàng Hữu Nam, và rất sung sướng được góp một phần nho nhỏ vào việc huấn luyện những nhà viết báo trẻ tuổi.”... Bảo sao mình không cảm động khi nhiều chục năm sau, được mời về chứng kiến sự kiện truy nhận lịch sử và vinh danh các bậc tiền nhân đã một thời gây dựng đội ngũ những người làm báo đầu tiên trong khói lửa của cuộc kháng chiến. Dễ hiểu một sự kiện như thế này có sự tham dự của nhiều cấp có thẩm quyền, kể cả ở cấp cao nhất của cả trung ương và tỉnh, huyện... Điều mình cảm kích và trân trọng là ban tổ chức đã không quên mời thân nhân các cán bộ giảng dạy, cán bộ báo chí đã có công đóng góp với ngôi trường. Chính vì thế mà có người ở miền Nam cũng bay ra dự, có nhà đi cả hai bố con, hay anh em, vợ chồng.

Chỉ tiếc là nhà báo Lý Thị Trung, một trong hơn bốn mươi học viên của lớp (cũng là một trong ba nữ học viên hiếm hoi của khóa học), một trong 2 chứng nhân còn lại kể từ khi ấy, giờ sức khỏe không cho phép vượt khoảng cách Hà Nội - Đại Từ để tham dự buổi lễ. Song có lẽ, người vắng mặt lại là người được nhắc đến nhiều nhất, trong những câu chuyện hay đơn giản là lời hỏi thăm nhau của những người trong cuộc - mình muốn nói đến những ai từng biết về Trường dạy làm báo mang tên nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng... Từ chia sẻ của ông Nguyễn Huy Thắng, bỗng dưng đâu đó lại vang lên câu thơ của học viên Lý Thị Trung: “Bờ Rạ ơi Bờ Rạ/Bản đồ không còn tên… Nhưng trong tim vẹn nguyên. Kỷ niệm về bờ rạ!...”.

Hà Vân

Bình Luận

Tin khác

Hội Nhà báo Việt Nam thăm hỏi hội viên gặp nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 3

Hội Nhà báo Việt Nam thăm hỏi hội viên gặp nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 3

(CLO) Chiều 16/9, Ông Trần Hồng Quân – Phó Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) cùng đoàn công tác của Hội đã đến thăm hỏi, động viên một hội viên Hội Nhà báo Việt Nam gặp nạn do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Công tác hội
Lào đánh giá cao việc hợp tác giữa hai Hội Nhà báo Việt Nam – Lào

Lào đánh giá cao việc hợp tác giữa hai Hội Nhà báo Việt Nam – Lào

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào từ ngày 9 - 13/9 của Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam do ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực dẫn đầu, Đoàn đã đến chào xã giao Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Vansy Kuamua; làm việc với Thông tấn xã Lào (KPL), Báo Pasaxon (Nhân dân), Đài Truyền hình Quốc gia Lào và Đài Phát thanh Quốc gia Lào.

Công tác hội
Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tập huấn nghiệp vụ viết phóng sự cho hội viên

Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tập huấn nghiệp vụ viết phóng sự cho hội viên

(CLO) Trong 3 ngày 12 - 14/9, tại TP Đông Hà, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị tổ chức tập huấn nghiệp vụ báo chí “Kỹ năng viết phóng sự”. Tham gia lớp tập huấn có trên 30 học viên là lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí, tạp chí trên địa bàn tỉnh.

Công tác hội
“Lợi ích kép” trong đào tạo kỹ năng báo chí đa phương tiện

“Lợi ích kép” trong đào tạo kỹ năng báo chí đa phương tiện

(NB&CL) Cùng với việc Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia mới ban hành bổ sung thêm Giải Báo chí đa phương tiện và Giải Báo chí sáng tạo, các cấp Hội Nhà báo, Liên Chi hội, chi hội các cơ quan báo chí cũng tích cực đổi mới hoạt động đào tạo, đẩy mạnh nội dung ứng dụng kỹ năng làm báo mới nhằm tạo ra nhiều tác phẩm báo chí chất lượng phù hợp với xu hướng.

Công tác hội
Liên Chi hội nhà báo Báo Công Thương triển khai Chương trình 'Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt'

Liên Chi hội nhà báo Báo Công Thương triển khai Chương trình 'Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt'

(CLO) Cùng cả nước khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra, ngày 11/9, Liên Chi hội nhà báo Báo Công Thương phát động Chương trình ''Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt''.

Công tác hội