Nêu cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam vì lợi ích của đất nước và nhân dân

Thứ sáu, 28/12/2018 21:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Đó là nội dung quan trọng được nhấn manh trong bài phát biểu của nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác báo chí 2018, phương hướng nhiệm vụ năm 2019.

 Báo Nhà báo & Công luận xin trân trọng giới thiệu nội dung bài phát biểu.

 Chưa bao giờ vấn đề đạo đức người làm báo được đặt ra nóng bỏng và gay gắt như hiện nay. Đạo đức nghề nghiệp là sự sống còn đối với báo chí.

Ngày 15/12/2016,  Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký Quyết định ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ 01/01/2017. Mười điều quy định đó là những tiêu chí phổ quát nhất, cơ bản nhất, tương ứng với ý thức công dân, nền tảng đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Trong hai năm qua, kể từ khi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, báo chí đã có những nỗ lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tạo được hiệu ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đã xuất hiện không ít tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hi sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.

Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Hiện tượng cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật, thổi phồng, bóp méo sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Đã xuất hiện biểu hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí với nhiều cách thức tinh vi, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng vì động cơ không trong sáng khác. Không ít sản phẩm báo chí sa vào giật gân, câu khách, miêu tả rùng rợn, ly kỳ, dung tục, kích thích những thị hiếu tầm thường. Không ít tờ báo, ấn phẩm báo chí còn nặng xu hướng “đánh đấm” nhiều hơn là khắc họa những mô hình, điển hình và đưa ra giải pháp xây dựng. Vai trò của người đứng đầu một số cơ quan báo chí và của cả cơ quan chủ quản báo chí chưa phát huy đúng mực, thiếu sâu sát trong công tác giám sát, buông lỏng quản lý, để xảy ra sai phạm hoặc thiếu kiên quyết trong việc xử lý sai phạm.Hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra với các báo điện tử, trang thông tin điện tử đã gây không ít bức xúc đối với dư luận xã hội. Một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại các địa phương hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Không ít người làm báo bị vấp váp, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Những biểu hiện tiêu cực diễn ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan chính là mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động mạnh đến đạo đức nhà báo. Nhiều tờ báo tự hạch toán đã gây áp lực về kinh tế đối với người làm báo. Nhưng nguyên nhân chủ quan là cốt lõi nhất , đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận người làm báo. Nguyên nhân khác nữa chính là phông kiến thức nói chung và kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí của một bộ phận nhà báo còn hạn chế.

Trong hai năm qua, nhất là trong năm 2018, thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam đã  chủ trì phối hợp tiến hành một số biện pháp sau đây:

Báo Công luận
Nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực HNBVN phát biểu tại Hội nghị

1.Tiếp tục học tập, quán triệt Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

Tính đến thời điểm hiện tại, gần như toàn bộ hội viên, nhà báo, phóng viên đều được học tập Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo thông qua tổ chức Hội và cơ quan báo chí.  Việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp được lồng ghép trong các chương trình hội nghị, tập huấn nghiệp vụ, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm diễn ra sôi nổi tại các trung tâm đào tạo , bồi dưỡng nghiệp vụ, các cấp hội, các cơ quan báo chí... Có thể khẳng định, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ thông tin truyền thông, các địa phương, các cấp hội và các cơ quan báo chí trên cả nước đã tổ chức nghiêm túc, bài bản hiệu quả việc quán triệt, học tập Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức người làm báo tới toàn thể hội viên -nhà báo.

2. Tăng cường rà soát, kiện toàn tổ chức Hội và đội ngũ người làm báo, thắt chặt nền nếp, kỷ cương sinh hoạt Hội;nâng cao vai trò chất lượng hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

Tính đến hết tháng 10/2018,  Hội nhà báo Việt Nam có 23.893 hội viên đang  làm việc tai gần 1000 cơ quan báo chí thuộc 4 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, và đang sinh hoạt tại 297 đơn vị cấp Hội (63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội, 215 chi hội trực thuộc Trung ương Hội), Riêng năm 2018 đã kết nạp mới 1.594 hội viên. Qua công tác kiểm tra, rà soát hoạt động của các cấp hội nhà báo, sinh hoạt  hội viên theo quy định của Điều lệ Hội, Trung ương Hội cũng đã  quyết định giải thể 2 Chi hội, xóa tên 258 hội viên do nghỉ công tác theo chế độ bảo hiểm hoặc 6 tháng không tham gia sinh hoạt Hội.

Năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tập trung tiến hành đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chấp hành Điều lệ Hội, thực hiện 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp, đã thực hiện giám sát tại 26 đơn vị gồm: 9 Hội Nhà báo tỉnh, 2 Liên Chi hội, 15 Chi hội báo và Tạp chí. Qua công tác giám sát, Trung ương Hội đã nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị của các tổ chức Hội để có những chỉ đạo giải quyết kịp thời về công tác tổ chức bộ máy, công tác chuẩn bị đại hội, công tác kết nạp hội viên, thi đua khen thưởng cũng như đôn đốc nhắc nhở các cấp  hội quan tâm đến công tác quản lý hội viên, phóng viên thường trú, thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, góp phần thắt chặt kỷ nền nếp, kỷ cương, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam.

3. Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ở Trung ương và các cấp hội địa phương

Cùng với việc Ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trước những đòi hỏi cấp thiết của công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên,đồng thời để theo dõi, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Điều lệ Hội và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp ,ngày 30/3/2017, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký ban hành quyết định số 533 thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam.

Đến nay, trên toàn quốc có 255/285 tổ chức Hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Bên cạnh xử lý vi phạm, Hội đồng còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo. Việc ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã tạo ra được bộ khung để Hội đồng có căn cứ xử lý những vi phạm và bảo vệ một cách hiệu quả quyền hành nghề hợp pháp của hội viên-nhà báo.

Trong năm 2018, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương đã khai trừ , thu hồi thẻ hội viên đối với 8 hội viên nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

4. Đẩy mạnh hoạt động hiệu quả của phần mềm theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử

Trong thời gian gần đây, dư luận công chúng, bạn đọc rất bức xúc trước hiện tượng các báo điện tử bóc bài, gỡ bài với mức độ khá phổ biến. Số lượng tin, bài bóc, gỡ chủ yếu nằm ở các tin bài có nội dung điều tra, phản ánh tiêu cực, nhiều tin bài liên quan đến doanh nghiêp, hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án, công tác điều hành của các các cấp quản lý. Nguyên nhân có thể do sự yếu kém, cẩu thả về mặt nghiệp vụ của phóng viên, sự thiếu trách nhiệm trong khâu biên tập,duyệt bài, nhưng đáng lo ngại hơn là nguy cơ của những hành vi tiêu cực, động cơ không trong sáng xuất hiện từ việc bóc gỡ, tin bài này. Được sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã thiết kế, thi công thành công phần mềm ứng dụng nói trên, và đã đưa vào sử dụng từ tháng 8/2017 cho đến nay. Trong thời gian đó, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã theo dõi, phát hiện và báo cáo lên cấp trên tổng số 548 bài gỡ và 6 bài sửa (cụ thể: từ tháng 8/2017 đến tháng 12/2017 là 377 bài gỡ; từ tháng 1/2018 đến nay có 171 bài gỡ và 6 bài sửa). Riêng bài sửa phát hiện được rất nhiều, nhưng nhân lực của Cổng chưa đủ người để tiến hành phân loại để báo cáo, Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam chỉ mới báo cáo lên trên những bài sửa bị thay đổi hoàn toàn nội dung.

Với việc quản lý, sử dụng phần mềm ứng dụng này đã giúp Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện tốt chức năng của Hội là giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật trong hoạt động báo chí theo điều 8 Luật Báo chí, ngăn chặn có hiệu quả hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Từ khi có ứng dụng phần mềm theo dõi gỡ bài, sửa bài, lượng bài gỡ giảm đi rất lớn. Tháng 8/2017 có 177 bài bị gỡ, thì đến nay có tháng chỉ 1,2 bài có dấu hiệu tiêu cực, còn chủ yếu gỡ là do các yêu cầu đảm bảo thông tin chính xác, khách quan. Những cơ quan báo chí có bài gỡ phải có báo cáo giải trình lý do gỡ bài.

Có thể nói, việc sử dụng phần mềm ứng dụng theo dõi gỡ bài, sửa bài của các báo điện tử và trang thông tin điện tử đã phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần tác động để phóng viên tác nghiệp có trách nhiệm hơn, tòa soạn biên tập, kiểm soát chặt chẽ hơn; các báo cũng có lý do từ chối những tác động gỡ bài và sửa bài,góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng ngừa những hiện tượng tiêu cực, trục lợi trong hoạt động nghiệp vụ báo chí..

5. Ban hành Quyết định phóng viên thường trú là hội viên Hội Nhà báo có trách nhiệm tham gia sinh hoạt tại Hội Nhà báo địa phương

Trong thời gian qua, việc quản lý phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Phóng viên tác nghiệp xa tòa soạn, xa cơ quan chủ quản dẫn đến việc sinh hoạt hội viên không đảm bảo theo Điều lệ Hội kèm theo đó công tác giám sát quản lý hội viên thực hiện các quy định của Luật Báo chí, Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam gặp nhiều trở ngại. Đã xuất hiện nhiều hiện tượng phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp bị xử lý kỷ luật, khai trừ hội viên thậm chí bị khởi tố, xét xử. Để góp phần cùng các cơ quan quản lý báo chí khắc phục tình trạng này, ngày 06/4/2018, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quyết định 979/HNBVN về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương. Tính đến nay đã có 55/63 Hội nhà báo các tỉnh, thành trong cả nước đã tiến hành việc tiếp nhận sinh hoạt hội viên cho các phóng viên thường trú, phấn đấu đến đầu năm 2019 sẽ có 100% phóng viên thường trú đăng ký sinh hoạt tại Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố.

Việc ban hành Quyết định về sinh hoạt của hội viên là phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí tại địa phương đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của các cơ quan quản lý báo chí, các cấp hội và lãnh đạo chính quyền các địa phương. Việc thực hiện Quyết định này không chỉ góp phần ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động báo chí mà còn là một giải pháp hữu hiệu giúp các cấp Hội nhà báo phối hợp chặt chẽ, can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, nhà báo khi bị hành hung đe dọa, cản trở việc tác nghiệp.

6. Xây dựng và ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam

Điều 5 của  10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam nêu rõ: Người làm báo phải “Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”.  Hiện nay ở nước ta có tới hơn 60 triệu người tham gia mạng xã hội Facebook, trong đó hầu hết các nhà báo đều tham gia mạng xã hội. Ngoài những tiện ích to lớn, mạng xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, trực tiếp đến cách hành nghề và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.  Ngày 24/12/2018, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã ký quyết định số 1131/QĐ-HNBVNban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Quy tắc bao gồm 03 Chương và 07 Điều  quy định 4 việc/điều cần làm  và 08 việc/điều không được làm trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.   

Cốt lõi của đạo đức báo chí là sự chính trực, trung thực, khách quan...Do vậy, khi nhà báo viết trên các ấn phẩm chính thức hay khi tham gia mạng xã hội, thì vẫn là con người đó, trái tim, khối óc đó, phải luôn luôn bảo vệ các giá trị tốt đẹp, chống cái xấu, cái ác, vì lợi ích thiết thân của người dân, lợi ích tối cao của đất nước và dân tộc. Nhà báo sử dụng mạng xã hội không hoàn toàn đơn thuần như một “cư dân mạng”. Nhà báo ngoài tư cách công dân, với chức trách và nhiệm vụ của mình, còn là người dẫn dắt và định hướng dư luận . Điều này đòi hỏi nhà báo đưa thông tin, bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội cũng cần nghiêm túc, chuẩn mực như khi tác nghiệp báo chí.

Có những điều luật pháp không cấm nhưng đạo đức thì không cho phép. Đơn cử như có những bình luận, nhận xét trên mạng xã hội chưa thể truy cứu về luật pháp nhưng về đạo đức thì người ta thấy không ổn. Đứng trước một vấn đề, nhà báo có đưa tin hay không đưa tin, đưa tin ở mức độ nào, phân tích khía cạnh nào thường phụ thuộc vào chủ quan của người cầm bút, liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Đó là chưa nói đến chuyện, trong thời gian qua, có những nhà báo đã dùng nghề nghiệp để trục lợi. Thậm chí, gần đây có người  dùng danh nghĩa nhà báo để “tống tiền”.

 Người làm báo tham gia mạng xã hội như thế nào thì được coi là đúng đắn và chuẩn mực?

Chuẩn mực trước hết là trung thực, khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật. Đưa tin sai, bình luận lệch lạc là không chuẩn mực, theo đuổi mục đích cá nhân, thiếu trách nhiệm với xã hội là không chuẩn mực.Thấy cái sai mà không phê phán  lại còn a dua là không chuẩn mực. Thấy cái đúng, cái tốt bị tấn công mà không bảo vệ lại còn châm chọc, dè bỉu là không chuẩn mực.  Dù ở bất cứ đâu, sứ mệnh, bổn phận vẫn là người làm báo, người cung cấp thông tin, chính xác, truyền toả cách nhìn, nhận thức đúng đắn cho xã hội.

Việc ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo liệu có gì mâu thuẫn hay hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo hay không?

Quy tắc này hoàn toàn không hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo mà còn khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia mạng xã hội với tinh thần nghiêm túc, đấu tranh với cái ác, xấu, bất công, thiếu chuẩn mực trong xã hội. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiệu ứng và sức lan tỏa của mạng xã hội đang rất mạnh mẽ như hiện nay rất cần những tiếng nói chính trực, kịp thời, đúng đắn của các nhà báo.Thực tế cho thấy, thông tin trên mạng xã hội hiện nay đang rơi vào tình trạng “thực, giả lẫn lộn”, cái tốt cũng lan truyền nhanh và cái xấu cũng lây lan một cách chóng mặt. Có những thời điểm, dù thông tin đưa ra không đúng, không chuẩn xác nhưng chỉ một vài phút giây sau đó, các comment đã ào ào như thác theo khuynh hướng một chiều, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.Những lúc như thế, rất cần sự tham gia tích cực của những người làm báo với tư cách cá nhân trên mạng xã hội tạo thành một luồng dư luận đúng để chống lại luồng dư luận không đúng. Với ý nghĩa đó, vai trò, vị trí của các nhà báo trên mạng xã hội cũng rất gần với nhà báo hoạt động trong thực tế.

Trong thời gian tới, để tăng cường thực hiện nghiêm Luật Báo chí, nêu cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo, các cấp hội nhà báo, các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí và đội ngũ người làm báo cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm dưới đây:

Một là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực của công tác phối hợp chỉ đạo, định hướng báo chí.

Hai là: Các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí cần tiếp tục làm tốt việc giáo dục học tập Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; tổ chức tốt Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư ngày 18/3/2004 “Tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam”.

Ba là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản của Nhà nước về tổ chức và hoạt động báo chí.

Bốn là: thực hiện tốt công tác quy hoạch báo chí, rà soát các cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, có nhiều sai phạm để xử lý nghiêm theo các quy định của Luật Báo chí.

Năm là: Đổi mới cơ chế, chính sách để các tổ chức, cơ quan nhà nước tăng cường quản lý và phối hợp hoạt động báo chí.

Sáu là: Xây dựng quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm các cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí và nghiêm túc tiếp nhận, xử lý và phản hồi cho báo chí, đồng thời tạo điều kiện, bảo vệ nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật.

Bảy là: Xây dựng cơ chế chính sách để báo chí khai thác, sử dụng mặt tích cực của mạng xã hội đi đôi với việc xử lý việc lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, chế độ; Các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.

Tám là: Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, nghiệp vụ báo chí, ý thức trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo, đặc biệt là nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp hội, các cơ quan báo chí.

Chín là: Tăng cường hơn nữa sự phối hợp của Hội Nhà báo Việt Nam với các cơ quan chỉ đạo, quản lý, tiếp tụcđẩy mạnhcác biện pháp giám sát hoạt động nghiệp vụ, tuân thủ pháp luật, Điều lệ Hội và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo-hội viên.

Báo chí đang đứng trước những cơ hội lớn cùng những thách thức nặng nề và gay gắt, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới và sáng tạo hơn nữa. Báo chí không thể thắng mạng xã hội băng tốc độ đưa tin, nhưng báo chí sẽ vượt trội mạng xã hội băng sự chính xác, chuẩn mực và trách nhiệm. Độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại truyền thông kỹ thuật số. Chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để xây dựng một đội ngũ những người làm báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông  nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp trong sáng.  

Việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam giúp nhà báo, hội viên tự tin vượt qua mọi thử thách, cám dỗ, bảo vệ uy tín, danh dự của những người làm báo cách mạng, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa mà Đảng, nhân dân tin cậy, giao phó./.

 

8 việc điều người làm báo không được làm khi tham gia mạng xã hội:

1. Vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật;

 2. Đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác;

3. Đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết và đăng tải, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác;

4. Bình luận, nhận xét, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại… có yếu tố phức tạp, nhạy cảm đang cần tạo cách nhìn, thái độ tích cực mang tính xây dựng của cộng đồng và sự đồng thuận xã hội;

5. Sao chép, chia sẻ, phát tán tin, bài, tác phẩm, âm thanh, hình ảnh có được bằng những cách thứckhông hợp pháp, vi phạm bản quyền;

6. Thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ; gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân; tuyên truyền, kích động bạo lực, cổ súy lối sống đồi trụy, hủ tục mê tín dị đoan, các hành vi tiêu cực, phân biệt đối xử về giới, vùng miền, dân tộc, chủng tộc;

7. Miêu tả thô thiển, phản cảm những hành động dâm ô, tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và đạo đức xã hội;

8. Sử dụng logo, hình ảnh, thông tin dữ liệu của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam; sử dụng danh nghĩa Hội Nhà báo Việt Nam khi tham gia các diễn đàn, trang mạng xã hội khi chưa được phép.

 


Tin khác

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo
Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo