Ông Shameek Bhargava - Giám đốc Ngân hàng số VPBank (YOLO):
Ngân hàng số phải sử dụng hệ thống nền tảng công nghệ hoàn toàn mới
+ Ông quan niệm thế nào về ngân hàng số?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, hiện nay trên thị trường có nhiều ngân hàng tự cho rằng họ là ngân hàng số, nhưng một số trong đó không thực sự là ngân hàng số đúng nghĩa, họ chỉ số hóa giao diện với người dùng. Ngân hàng số phải có những đột phá hơn những gì chúng ta thường thấy trong mô hình ngân hàng truyền thống. Ngân hàng số là phải sử dụng một hệ thống nền tảng công nghệ hoàn toàn mới, độc lập và khác biệt với nền tảng ngân hàng truyền thống hiện tại. Theo quan điểm của tôi, ngân hàng số phải hội tụ được những sự khác biệt so với thị trường.
+ Ông có thể chia sẻ ý tưởng hình thành nên YOLO?
- Ý tưởng hình thành nên YOLO bắt nguồn từ mong muốn tạo ra một nền tảng số có khả năng tiếp cận và phục vụ cho hàng triệu triệu khách hàng mới một cách nhanh chóng. Nền tảng công nghệ này cho phép chúng tôi phát triển nhanh hơn các công nghệ hiện có của ngân hàng truyền thống, hơn nữa nền tảng này còn cho phép chúng tôi có khả năng kết nối với một “hệ sinh thái” đa dạng và rộng lớn các dịch vụ và sản phẩm được cung cấp bởi các đối tác tại Việt Nam. Như vậy ý tưởng của YOLO là một hệ sinh thái số với các dịch vụ đa dạng kết hợp với một ngân hàng. YOLO đem đến cho khách hàng gần như đầy đủ các hoạt động thiết yếu thường ngày mà họ cần, ngoài ra chúng tôi còn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của một ngân hàng đúng nghĩa. Đây là sự kết hợp độc đáo và có thể nói là đầu tiên tại thị trường châu Á. Tôi có thể nói là YOLO là ngân hàng số đầu tiên hoạt động trên nền tảng đám mây (Amazon Web Service Cloud), cho phép chúng tôi phát triển nhanh chóng cả về chất và lượng.
Ông Shameek Bhargava - Giám đốc Ngân hàng số VPBank (YOLO)
+ Theo ông, trong thời kỳ số hóa như hiện nay các ngân hàng cần có sự chuẩn bị như thế nào?
- Ngày nay trong điện thoại của khách hàng có hàng trăm loại ứng dụng khác nhau, ngân hàng nói chung và ngân hàng số nói riêng không chỉ phải cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải cạnh tranh với cả các ứng dụng, dịch vụ khác nhằm thu hút sự chú ý và tương tác của khách hàng. Nếu bạn không khác biệt, không giữ được tính kết nối thường xuyên với khách hàng, ứng dụng của bạn sẽ bị lãng quên và đây là điểm mấu chốt mang tính sống còn đối với các ngân hàng số. Các hệ thống ngân hàng nói chung cũng như VPBank nói riêng muốn vượt qua giới hạn của một ngân hàng số thì không những chỉ cung cấp các dịch vụ ngân hàng mà còn phải cung cấp các dịch vụ mang tính tiện ích thiết yếu đối với khách hàng trong cuộc sống hằng ngày. Hiện nay nỗ lực tạo ra và kết nối với hệ sinh thái các dịch vụ bên ngoài bắt nguồn từ một trong những thách thức lớn nhất mà ngân hàng số và ngân hàng truyền thống gặp phải. Đó là tính tương tác giữa ngân hàng và khách hàng thường xuyên ở mức thấp.
+ Thông thường phát triển ngân hàng số rất tốn kém về chi phí, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Các ngân hàng truyền thống khi sử dụng APIs hoặc các phương thức kết nối thông qua SDKs sẽ rất đắt đỏ vì nền tảng công nghệ cũ không cho phép họ tương thích với các giao thức kết nối mới, do đó chi phí đầu tư sẽ lớn. Đây chính là lý do để các hệ thống ngân hàng còn chần chừ với đầu tư công nghệ số trong khi nhu cầu về xu thế lại đang hết sức bức thiết. Riêng ngay với VPBank, ngay từ đầu khi phát triển ngân hàng số chúng tôi đã quyết định không sử dụng các công nghệ nền tảng của VPBank. Hiện nền tảng công nghệ mà chúng tôi đang sử dụng cũng tiết kiệm hơn so với hệ thống lõi (core banking) của các ngân hàng truyền thống.
+ Các hãng viễn thông ở Việt Nam hiện nay đang có ý định lấn sân sang các lĩnh vực như trung gian thanh toán hoặc cung cấp các sản phẩm tài chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ việc có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng số, thanh toán di động. Việc các công ty viễn thông tham gia vào thị trường tài chính là điều không mới trên thế giới và tôi nghĩ rằng ở Việt Nam cũng sẽ có những tình huống tương tự. Nhìn ở khía cạnh tích cực, việc có nhiều đơn vị tham gia vào thị trường sẽ giúp thị trường cạnh tranh hơn. Việc này cũng sẽ giúp Việt Nam tiến gần tới mô hình thị trường thanh toán không tiền mặt. Việc có nhiều đơn vị tham gia vào thị trường sẽ giúp chúng tôi có cái nhìn chặt chẽ và ý thức hơn về sản phẩm của mình, chúng tôi phải tập trung tạo ra những giá trị khác biệt so với các đối thủ khác trên thị trường.
Ông Trần Việt Thắng – Giám đốc Khối Công nghệ Ngân hàng - ABBANK1- Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK):
ABBANK sẽ đầu tư các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh
+ Để hòa nhập và tạo bước đi đối với công nghệ số cho hệ thống ngân hàng, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) có định hướng như thế nào, thưa ông?
- Ngành ngân hàng thuộc nhóm tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý kinh doanh, chính vì thế cũng sẽ là ngành chịu tác động của cuộc CMCN 4.0 trong nền kinh tế số. ABBANK đang thực hiện nhiều hoạt động để hiện thực hóa chiến lược trở thành một trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Một trong những kế hoạch nổi bật chính là chiến lược phát triển Ngân hàng số với mục tiêu nâng cao trải nghiệm khách hàng, tăng cường hiệu quả hoạt động và công tác quản trị rủi ro của ngân hàng. Để đạt được các mục tiêu chiến lược, ABBANK sẽ đầu tư các ứng dụng trên nền tảng công nghệ mới vào hoạt động kinh doanh như nền tảng hợp kênh (omni-channel), trí tuệ nhân tạo, máy học (AI và machine learning) và cơ sở dữ liệu lớn (big data)… để thấu hiểu khách hàng và cung cấp những sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.
Để cung cấp thêm nhiều tiện ích và dịch vụ số cho khách hàng, ABBANK tiếp tục nghiên cứu và triển khai hệ thống biểu mẫu điện tử tại quầy trên toàn bộ các điểm giao dịch của ngân hàng đồng thời xây dựng giải pháp “Đăng ký giao dịch ứng dụng công nghệ số”, thời gian dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ quý II năm 2019.
Ông Trần Việt Thắng – Giám đốc Khối Công nghệ Ngân hàng - ABBANK1.
+ Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức vừa là cơ hội với các ngân hàng. Vậy, theo ông, với ABBANK nói riêng cũng như các hệ thống ngân hàng khác nói chung, những thách thức và cơ hội đó là gì?
- Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự phát triển toàn diện, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ và bắt kịp trình độ các nước phát triển. Một trong những giải pháp tạo nên những thành tựu nổi bật đó là tiến hành cải cách qua việc ứng dụng công nghệ để từng bước hiện đại hóa các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên trong đổi mới, hội nhập, bên cạnh thuận lợi còn là rủi ro và thách thức. Để tránh rủi ro, trong quá trình thay đổi mô hình kinh doanh và mô hình quản trị, các ngân hàng trong nước phải xem xét lại cách thức hoạt động kinh doanh của mình, có những điều chỉnh để phù hợp với xu hướng quản trị thông minh, mô hình ngân hàng di động, ngân hàng không giấy, ngân hàng số.
Trong một thế giới siêu kết nối với những tin nhắn trực tuyến, mạng xã hội, máy tính bảng cảm ứng đa điểm và hàng loạt công nghệ sinh học, số hóa khác, nhu cầu khách hàng có sự thay đổi rất lớn. Sự tham gia của người tiêu dùng và những hành vi mới của người tiêu dùng buộc các ngân hàng phải điều chỉnh phương thức thiết kế, tiếp thị và phân phối sản phẩm, dịch vụ của mình. Dự báo, trong vòng 10 năm tới, phần lớn doanh thu của ngân hàng bán lẻ đều đến từ các kênh điện tử như internet banking, mobile banking hay social banking. Do đó, nếu không nắm bắt và thay đổi theo xu thế, cải thiện khả năng ứng dụng trên điện thoại di động của các tiện ích dịch vụ, phát triển mạnh các hỗ trợ dịch vụ trên tất cả các kênh tiếp xúc với khách hàng thì việc khách hàng tiếp tục sử dụng và gắn bó lâu dài với ngân hàng là rất khó khăn.
Hữu Phương (Thực hiện)